Quy định mới nhất về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
25/09/2023 08:51 AM

Xin cho tôi hỏi ai có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức theo quy định mới nhất? Trình tự, thủ tục xử lý như thế nào? – Kim Hằng (An Giang)

Quy định mới nhất về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức năm 2023

Quy định mới nhất về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức năm 2023 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quy định mới nhất về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức năm 2023

Cụ thể tại Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP) đã quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức như sau:

(1) Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

Đối với viên chức giữ chức vụ, chức danh do bầu thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

(2) Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 35 Nghị định này.

Trường hợp xử lý bằng hình thức buộc thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cấp có thẩm quyền tuyển dụng trước khi ra quyết định, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền tuyển dụng hoặc được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng.

(3) Đối với viên chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi viên chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật.

Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc.

Hồ sơ, quyết định kỷ luật viên chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý viên chức biệt phái.

(4) Đối với viên chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức.

Quy định mới nhất về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức năm 2023

Việc xử lý kỷ luật đối với viên chức được thực hiện theo các bước sau đây:

(i) Tổ chức họp kiểm điểm;

(ii) Thành lập Hội đồng kỷ luật;

(iii) Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

Trong đó:

- Không thực hiện quy định tại (i) đối với trường hợp:

+ Xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP);

Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

...

10. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cấp có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định pháp luật tương ứng với vị trí cán bộ, công chức, viên chức hiện đang đảm nhiệm. Đối với trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm và cử người phối hợp trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật. Các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng và các quy định khác có liên quan được tính ở đơn vị cũ.

+ Xử lý kỷ luật theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP hoặc đã tổ chức kiểm điểm theo quy định của pháp luật và cá nhân đã nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.

Điều 3. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật

...

4. Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Không thực hiện quy định tại (i) và (iii) đối với trường hợp:
+ Đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất cụ thể hình thức kỷ luật theo quy định;

+ Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

+ Đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng, trừ trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP).

Lưu ý: Các trường hợp trên được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm (nếu có) mà không phải điều tra, xác minh lại.

(Điều 32 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,532

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn