Trước năm 2026, sẽ sửa đổi Luật Cán bộ công chức; Luật Viên chức (Hình từ Internet)
Ngày 10/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 50-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung về: thẩm quyền giao, quản lý biên chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền về quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu; chính quyền đô thị;... tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Thời gian hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đều phải trước năm 2026.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát, tổng hợp, báo cáo, đề xuất chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công thuộc ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
- Nghiên cứu, xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
- Nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
- Xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với tính chất, yêu cầu về nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động như:
Giải quyết thủ tục hành chính 24/24; quản lý theo khu vực, liên vùng; có quy mô lớn, tổ chức trực thuộc nhiều; thực hiện nhiệm vụ có tính chất chuyên môn, khoa học chuyên sâu.
- Xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức, vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập để thể chế hóa chủ trương của Đảng về quản lý biên chế tại Kết luận 40-KL/TW năm 2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026; Quy định 70-QĐ/TW năm 2022 về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.
- Xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội để thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW; Thông báo kết luận 158-TB/TW năm 2020 về tiếp tục thực hiện Kết luận 102-KL/TW về hội quần chúng trong tình hình mới và Kết luận 32-KL/TW năm 2022 về tiêu chuẩn, điều kiện đối với lãnh đạo hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
- Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cùng với thời điểm xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI nhiệm kỳ 2026 - 2031, bảo đảm việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi định mức học sinh/lớp, định mức giáo viên/lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019; thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và đặc điểm, điều kiện thực tế của từng vùng, miền, địa bàn, khu vực, địa phương.
Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 99/NQ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.