Mức phạt vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
10/06/2023 13:24 PM

Tôi có mở cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón , xin tư vấn cho tôi về mức phạt vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón? - Quốc Danh (Bến Tre)

Mức phạt vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón

Mức phạt vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón (Hình từ internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Lấy mẫu phân bón là gì?

Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng - theo quy định tai khoản 20 Điều 2 Luật Trồng trọt 2018.

Theo TCVN 9486:2018 Tiêu chuẩn quốc gia về Phân bón - Lấy mẫu quy định về việc lấy mẫu phân bón thì:

- Căn cứ Tiểu mục 3, Tiểu mục 4, Tiểu mục 5, Tiểu mục 6 Mục 2 TCVN 9486:2018 Tiêu chuẩn quốc gia về  Phân bón - Lấy mẫu thì mẫu phân bón bao gồm:

+ Mẫu đơn (single sample) là mẫu lấy trên dây chuyền sản xuất hay trên một đơn vị bao gói, một vị trí của sản phẩm đóng bao gói hoặc để rời, thuộc phạm vi một lô phân bón (khối lượng phân bón của cùng một đơn vị được sản xuất hoặc nhập khẩu cùng một thời gian, có cùng một mức chất lượng, cùng một loại bao bì hoặc để rời, cùng một giấy chứng nhận chất lượng và có khối lượng không lớn hơn 500 tấn.)

+ Mẫu chung (bulk sample) là lượng phân bón thu được bằng cách gộp lại và trộn đều các mẫu đơn thuộc phạm vi một lô phân bón (Khối lượng phân bón của cùng một đơn vị được sản xuất hoặc nhập khẩu cùng một thời gian, có cùng một mức chất lượng, cùng một loại bao bì hoặc để rời, cùng một giấy chứng nhận chất lượng và có khối lượng không lớn hơn 500 tấn đã xác định.

+ Mẫu rút gọn (reduced sample) là một phần đại diện của mẫu chung thu được bằng cách chia đều hoặc giảm lược liên tục mẫu chung sao cho khối lượng thu được đáp ứng đủ yêu cầu khối lượng cho việc thử nghiệm, lưu mẫu và mẫu đối chứng. Mỗi phần chia ra từ mẫu rút gọn sẽ phải thể hiện đầy đủ đặc tính điển hình của lô phân bón.

+ Đơn vị mẫu (sample unit) là mẫu phân bón đại diện về chất lượng và điều kiện của lô phân bón thu được bằng cách chia đều mẫu rút gọn thành các phần để dùng cho việc thử nghiệm, lưu mẫu và đối chứng, kiểm chứng phân bón.

*Lưu ý: Mỗi mẫu phân bón cần lấy ba đơn vị mẫu hoặc nhiều hơn. Một đơn vị mẫu dùng để thử nghiệm và ít nhất một đơn vị mẫu được bảo quản dùng cho mục đích đối chứng. Nếu cần đến nhiều hơn ba đơn vị mẫu thì lượng mẫu rút gọn cần phải tăng lên sao cho có thể đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về số lượng cho tất cả mẫu phòng thử nghiệm.

Ngoài ra, căn cứ Mục 3 TCVN 9486:2018 Tiêu chuẩn quốc gia về Phân bón - Lấy mẫu quy định về người lấy mẫu và việc lấy mẫu phải đảm bảo các yêu tố sau:

-  Người lấy mẫu là người được đào tạo, huấn luyện phương pháp lấy mẫu phân bón, có kinh nghiệm thích hợp trong lấy mẫu phân bón, có kiến thức về rủi ro, nguy cơ mà loại phân bón hoặc quá trình lấy mẫu phân bón có thể gặp phải.

Việc lấy mẫu phải được thực hiện bởi người lấy mẫu có Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón và có đại diện của bên được lấy mẫu. Khi cần thiết có sự giám sát của bên thứ ba.

-  Mẫu được lấy phải đại diện cho cả lô phân bón. Trường hợp trong lô phân bón có các bao gói trong tình trạng không đồng nhất hay không mang tính đại diện cho lô hàng, thì các bao gói đó cần được tách riêng và được xử lý như một lô phân bón riêng biệt. Trong trường hợp đó phải nêu thực tế này trong báo cáo lấy mẫu phân bón.

Trong trường hợp lô phân bón có khối lượng trên 500 tấn sẽ được chia thành các lô nhỏ. Ví dụ lô phân bón có khối lượng 600 tấn sẽ được chia thành 02 lô (lô 500 tấn và lô 100 tấn).

-  Trong quá trình lấy, vận chuyển, bảo quản mẫu phân bón phải đảm bảo tránh bị tác động của các tác nhân từ bên ngoài, giữ mẫu được nguyên trạng như lúc ban đầu (về đặc điểm, chất lượng) cho tới khi đem đến phòng thử nghiệm.

Mức phạt vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón

Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 25 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ 08/7/2023) về xử phạt vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón để đánh giá chứng nhận hợp quy hoặc phục vụ quản lý nhà nước sau đây:

+ Không có Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón hoặc Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón hoặc Chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu phân bón đã thực hiện việc lấy mẫu phân bón;

+ Không áp dụng phương pháp lấy mẫu theo Tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu phân bón hoặc không áp dụng phương pháp lấy mẫu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với loại phân bón chưa có Tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp lấy mẫu.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công bố phương pháp lấy mẫu, phương pháp thử nghiệm mẫu theo quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở đối với loại phân bón chưa có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, theo Khoản 5 Điều 25 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 08/7/2023) quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với các vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón thì sẽ buộc hủy bỏ kết quả lấy mẫu phân bón, đối với hành vi quy định tại các Khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2023/NĐ-CP.

Như vậy, hành vi vi phạm về lấy mẫu phân bón có thể bị xử phạt tới 15.000.000 đồng với cá nhân và phạt tới 30.000.000 triệu đồng với tổ chức.

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,137

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]