Thành phần tham gia công tác kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
02/06/2023 11:58 AM

Tôi muốn biết ai là thành phần tham gia công tác kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định tại Quyết định 1489/QĐ-BGDĐT? - Xuân Trường (Vĩnh Long)

Thành phần tham gia công tác kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thành phần tham gia công tác kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 24/5/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 1489/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về công tác kiểm tra của Bộ.

Thành phần tham gia công tác kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1489/QĐ-BGDĐT, thành phần tham gia công tác kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm:

- Đoàn kiểm tra có Trưởng đoàn và các thành viên đoàn kiểm tra.

Trường hợp cuộc kiểm tra có nội dung phức tạp, liên quan đến nội dung kiểm tra của nhiều đơn vị, phạm vi kiểm tra rộng, có thể bố trí Phó trưởng đoàn kiểm tra.

- Thành viên đoàn kiểm tra là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn và phù hợp với yêu cầu, nội dung kiểm tra.

Trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo mời người tham gia đoàn kiểm tra là công chức, viên chức, giảng viên cơ hữu, người lao động của đơn vị khác.

- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia đoàn kiểm tra:

+ Có bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ hoặc bố chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con ruột, con rể hoặc con dâu, anh, chị, em ruột là đối tượng kiểm tra;

+ Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Người không đủ các điều kiện khác để tham gia đoàn kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Mục đích, nguyên tăc hoạt động kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo

* Mục đích hoạt động kiểm tra

Hoạt động kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm phục vụ cho các mục đích sau đây:

- Kịp thời nắm bắt thông tin việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của đối tượng kiểm tra.

- Phòng ngừa vi phạm, xử lý vi phạm (nếu có); phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; giúp đối tượng kiểm tra thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

-Phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1489/QĐ-BGDĐT)

* Nguyên tắc hoạt động kiểm tra

Hoạt động kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1489/QĐ-BGDĐT, cụ thể như sau:

- Khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, kịp thời, chính xác, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định.

- Không trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian giữa các đoàn thanh tra, kiểm tra,; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.

- Việc tiến hành kiểm tra được thực hiện trên cơ sở Quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền.

Hình thức, thời hạn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Về hình thức kiểm tra

+ Kiểm tra theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Kiểm tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Bộ trưởng hoặc cấp có thẩm quyền giao.

- Về thời hạn kiểm tra

Thời hạn kiểm tra là khoảng thời gian đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp với đối tượng kiểm tra.

Tùy theo hình thức, nội dung, phạm vi kiểm tra và các điều kiện bảo đảm, người ra Quyết định kiểm tra xác định về thời hạn kiểm tra nhưng không quá 07 ngày làm việc.

Trường hợp khác do người ra Quyết định kiểm tra quyết định.

(Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1489/QĐ-BGDĐT)

Xem thêm tại Quyết định 1489/QĐ-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,017

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn