Quy định về tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
21/04/2023 13:31 PM

Ai được tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số? Việc cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được quy định thế nào? – Thái Bình (Gia Lai)

Quy định về tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Quy định về tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (Hình từ internet)

Quy định về tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Ngày 18/4/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 09/2023/TT-BGDĐT quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.

Theo đó việc tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số và kiểm tra, cấp chứng chỉ được quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư 09/2023/TT-BGDĐT như sau:

(1) Đối tượng tuyển sinh

- Tuyển sinh vào học chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số: Công dân Việt Nam có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên hoặc bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; nói được tiếng dân tộc thiểu số của chương trình đào tạo. Ưu tiên tuyển sinh đối với người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm thường trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Tuyển sinh vào học chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(2) Hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng

- Tổ chức đào tạo theo hình thức tập trung đối với chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số;

- Tổ chức bồi dưỡng theo hình thức tập trung, bán tập trung hoặc từ xa đối với chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

(3) Kiểm tra, đánh giá

Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ để đánh giá quá trình học tập của học viên; mỗi cụm bài (khoảng 30 - 45 tiết) phải có bài kiểm tra thường xuyên, bài kiểm tra định kỳ được quy định trong chương trình chi tiết.

(4) Thi cuối khóa

- Học viên dự thi cuối khoá cần đảm bảo các điều kiện sau: Đạt điểm trung bình chung các bài kiểm tra (điểm kiểm tra thường xuyên có hệ số 1, điểm kiểm tra định kỳ có hệ số 2) từ 5,0 trở lên tính theo thang điểm 10, không có bài kiểm tra nào dưới 2,0 điểm; không nghỉ học quá 20% số tiết so với tổng số tiết của chương trình;

- Bài thi cuối khóa có lượng kiến thức, kỹ năng theo quy định tại các Chương trình khung tiếng dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Thời gian thi cuối khóa đối với chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số là 120 phút, đối với chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số là 90 phút cho 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết;

- Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số chịu trách nhiệm tổ chức thi cuối khóa cho học viên. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi cuối khóa cho học viên học chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số tại trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý.

(7) Đánh giá, xếp loại và bảo lưu kết quả học tập

- Học viên có điểm thi cuối khóa từ 5,0 trở lên thì được đánh giá hoàn thành chương trình.

- Xếp loại kết quả học tập được ghi trong chứng chỉ cấp cho học viên căn cứ vào điểm trung bình chung toàn khóa đã quy về thang điểm 10 (điểm kiểm tra thường xuyên có hệ số 1, điểm kiểm tra định kỳ có hệ số 2, điểm thi cuối khóa có hệ số 3). Xếp loại cụ thể như sau:

+ Điểm trung bình chung toàn khóa đạt từ 8,0 đến 10 điểm, xếp loại: Giỏi;

+ Điểm trung bình chung toàn khóa đạt từ 6,5 đến dưới 8,0 điểm, xếp loại: Khá;

+ Điểm trung bình chung toàn khóa đạt từ 5,0 đến dưới 6,5 điểm, xếp loại: Trung bình.

- Học viên có điểm thi cuối khóa dưới 5,0 thì được bảo lưu các điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ và được phép thi lại 01 lần để đánh giá hoàn thành chương trình.

(8) Quản lý và cấp chứng chỉ

- Học viên được đánh giá hoàn thành chương trình thì được cấp chứng chỉ.

- Các loại chứng chỉ:

+ Chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho các học viên hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số;

+ Chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

- Quản lý, cấp chứng chỉ:

+ Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho các học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý;

+ Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số và chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho các học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng tương ứng.

Thông tư 09/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 03/06/2023 và thay thế cho Thông tư 36/2012/TT-BGDĐT.

Hồng Vân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,310

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn