Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
01/04/2023 09:36 AM

UBTVQH ban hành Nghị quyết 757/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2023, trong đó quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội.

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội (Hình từ Internet)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 757/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2023 ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội

Theo Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Nghị quyết 757/NQ-UBTVQH15 thì thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội được xác định như sau:

(1) Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, cụ thể:

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn sau đây:

+ 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật;

+ 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật;

+ 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.

(2) Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về hoạt động có thể ngắn hơn thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, do người có thẩm quyền xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước quy định tại (1) xem xét, quyết định và phải xác định cụ thể tại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi xác định độ mật.

Căn cứ xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội

Cụ thể tại khoản 3 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Nghị quyết 757/NQ-UBTVQH15, việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội được dựa vào các căn cứ sau đây:

(i) Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào quy định Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 và danh mục bí mật nhà nước thuộc các lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành;

(ii) Trường hợp sử dụng bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì phải xác định độ mật tương ứng, trừ trường hợp quy định tại (iii);

(iii) Dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết có nội dung bí mật nhà nước sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua không còn là bí mật nhà nước.

Trừ trường hợp cần xác định là bí mật nhà nước thì cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì nội dung phối hợp với cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định;

(iv) Trường hợp thông tin trong cùng một tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có độ mật khác nhau thì xác định theo độ mật cao nhất.

Thẩm quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội

Tại khoản 1 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Nghị quyết 757/NQ-UBTVQH15 quy định về thẩm quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội như sau:

(1) Chủ tịch Quốc hội xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Quốc hội xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản;

(2) Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin của cơ quan mình;

(3) Người đứng đầu vụ, cục, đơn vị (gọi tắt là đơn vị) xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin của đơn vị mình;

(4) Người có thẩm quyền quy định tại (2) và (3) có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách.

Việc ủy quyền được quy định trong quy chế làm việc hoặc văn bản phân công công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị hoặc bằng văn bản ủy quyền trong từng trường hợp cụ thể. Cấp phó được ủy quyền xác định bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng, trước pháp luật và không được ủy quyền tiếp cho người khác.

Nghị quyết 757/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,013

Bài viết về

Danh mục bí mật nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]