Đề xuất Thẩm phán phải tuyên thệ khi được bổ nhiệm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
01/03/2023 07:51 AM

Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Đề xuất Thẩm phán phải tuyên thệ khi được bổ nhiệm

Đề xuất Thẩm phán phải tuyên thệ khi được bổ nhiệm (Hình từ internet)

Đề cương dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

1. Đề xuất Thẩm phán phải tuyên thệ khi được bổ nhiệm

Theo Đề cương dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì người được bổ nhiệm làm Thẩm phán phải tuyên thệ với nội dung:

- Tôi long trọng tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Thực hiện nhiệm vụ được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý chỉ tuân theo pháp luật, khách quan và công bằng;

- Tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.

2. Sửa đổi quy định về nhiệm cụ của Thẩm phán Tòa án nhân dân

Đề cương dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán như sau:

- Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Xét xử các vụ án hình sự, hành chính; giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản;

- Xét xử các vi phạm hành chính theo quy định của luật;

- Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân;

- Xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật;

- Xem xét, quyết định các văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của luật;

- Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án;

- Xây dựng án lệ và văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử;

- Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp;

- Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

- Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm;

- Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.

- Xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.

- Ra quyết định thi hành bản án hình sự, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích, miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật hình sự, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành án dân sự.

Ra quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính do Tòa án áp dụng.

- Nghiên cứu các vụ việc để phục vụ công tác xét xử của Hội đồng Thẩm phán, Ủy ban Thẩm phán;

- Thực hiện công tác giải quyết đơn.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,171

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn