Thủ tục đề nghị thay đổi mức vốn điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
23/02/2023 09:30 AM

Thủ tục đề nghị thay đổi mức vốn điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân là nội dung tại Quyết định 174/QĐ-NHNN ngày 08/02/2023.

Thủ tục đề nghị thay đổi mức vốn điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân

Thủ tục đề nghị thay đổi mức vốn điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân (Hình từ Internet)

Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 174/QĐ-NHNN ngày 08/02/2023 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng thực hiện tại bộ phận Một cửa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

1. Thủ tục đề nghị thay đổi mức vốn điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân

Theo đó, thủ tục đề nghị thay đổi mức vốn điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân được sửa đổi như sau:

* Trình tự thực hiện:

- Bước 1: Quỹ tín dụng nhân dân lập hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi Quỹ tín dụng nhân dân đặt trụ sở chính;

- Bước 2: Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có văn bản yêu cầu Quỹ tín dụng nhân dân bổ sung hồ sơ;

- Bước 3:

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ:

+ Đối với trường hợp tăng mức vốn điều lệ: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố ra quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép đối với mức vốn điều lệ của Quỹ Tín dụng nhân dân;

+ Đối với trường hợp giảm mức vốn điều lệ; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có văn bản chấp thuận giảm mức vốn điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân. Quỹ tín dụng nhân dân chỉ được thực hiện phương án giảm vốn điều lệ sau khi được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chấp thuận;

+ Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Quỹ tín dụng nhân dân phải thực hiện giảm vốn điều lệ và gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thông báo đã hoàn tất việc giảm vốn điều lệ. Quá thời hạn này, Quỹ tín dụng nhân dân không thực hiện giảm vốn điều lệ, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hết hiệu lực;

- Bước 5: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo hoàn tất việc giảm vốn điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố ra quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép đối với mức vốn điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân.

* Cách thức thực hiện:

- Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tỉnh thành phố;

- Gửi qua dịch vụ bưu chính;

- Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước.

* Thành phần hồ sơ:

- Văn bản đề nghị chấp thuận thay đổi mức vốn điều lệ theo mẫu tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 22/2022/TT-NHNN;

Phụ lục 05

- Phương án tăng mức vốn điều lệ bao gồm tối thiểu các nội dung:

+ Nguồn sử dụng để bổ sung vốn điều lệ;

+ Nguồn sử dụng để hoàn trả vốn góp cho thành viên và mức độ đáp ứng các điều kiện để hoàn trả vốn góp cho thành viên (nếu có);

- Phương án giảm mức vốn điều lệ bao gồm tối thiểu các nội dung:

+ Nguồn sử dụng để bổ sung vốn điều lệ (nếu có);

+ Nguồn sử dụng để hoàn trả vốn góp cho thành viên và mức độ đáp ứng các điều kiện để hoàn trả vốn góp cho thành viên;

+ Thời gian dự kiến hoàn thành việc giảm vốn điều lệ;

- Nghị quyết của Đại hội thành viên bao gồm tối thiểu các nội dung sau:

+ Thay đổi mức vốn điều lệ;

+ Thông qua danh sách kết nạp thành viên mới, cho thành viên ra khỏi quỹ tín dụng nhân dân; quyết định khai trừ thành viên;

Trường hợp đề nghị chấp thuận giảm mức vốn điều lệ, mức vốn điều lệ đề nghị giảm phải phù hợp với các quy định của pháp luật về vốn pháp định và có các phương án đảm bảo quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân;

- Danh sách thành viên góp vốn và dự kiến được hoàn trả vốn trong năm theo mẫu tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư 22/2022/TT-NHNN.

Phụ lục 06

* Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ

* Thời hạn giải quyết:

- 20 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ (đối với trường hợp tăng mức vốn điều lệ;

- 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo hoàn tất việc giảm vốn điều lệ (đối với trường hợp giảm mức vốn điều lệ).

* Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Quỹ tín dụng nhân dân.

* Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

* Lệ phí: 100.000 đồng.

2. Quỹ tín dụng nhân dân là gì?

Theo khoản 6 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2010Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Quyết định 174/QĐ-NHNN ngày 08/02/2023 có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,729

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn