Tổng hợp lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
28/01/2023 16:05 PM

Xin hỏi là đối với các vùng kinh tế xã hội ở Việt Nam năm 2023 thì sẽ có các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư nào? - Thu Thủy (TPHCM)

Tổng hợp lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư năm 2023

Tổng hợp lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư năm 2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Công văn 9174/BKHĐT-ĐTNN ngày 16/12/2022 về Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023.

Theo đó, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư ở các vùng kinh tế xã hội quy định như sau:

1. Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư năm 2023

1.1. Trung du và miền núi Bắc Bộ

- Tiềm năng, lợi thế: Tài nguyên du lịch của vùng phong phú, đa dạng và nổi bật cả về tự nhiên và nhân văn; khu vực đầu nguồn, diện tích rừng lớn, thuận lợi trong phát triển nông nghiệp; công nghiệp vùng phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng khá, đang chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh một số ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp chế tạo máy, thép, điện tử, sản xuất điện, chế biến thực phẩm, dệt, da, may mặc, công nghiệp phụ trợ.

- Lĩnh vực ưu tiên thu hút:

+ Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ và Hòa Bình là những địa phương có các điều kiện thuận lợi hơn về vị trí, các điều kiện tự nhiên - xã hội, giao thông vận tải, trình độ dân trí... để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

+ Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Điện Biên là các địa phương có thế mạnh phát triển dịch vụ thương mại, du lịch - lữ hành - khách sạn, hậu cần (logistics)... theo hướng khai thác lợi thế, đa dạng và nâng cao chất lượng, phát triển các chuỗi và liên kết chuỗi.

1.2. Vùng đồng bằng sông Hồng

- Tiềm năng, lợi thế:

+ Có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là trung tâm của sự giao lưu kinh tế - xã hội giữa các vùng và khu vực; Kết cấu hạ tầng phát triển, kết nối liên vùng, đồng bộ và hiện đại; Tăng trưởng cao với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiều ngành, nghề, lĩnh vực mới trong nền kinh tế; Chất lượng nguồn nhân lực cao; Đô thị trong vùng phát triển nhanh;...

+ Vùng có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển KCN, KKT: Tốc độ phát triển KCN, KKT toàn vùng rất nhanh, thứ 2 cả nước; Tổng diện tích đất quy hoạch phát triển KCN nhiều nhất cả nước; Tỷ lệ tổng vốn đầu tư / diện tích đất công nghiệp lớn, đứng đầu cả nước; Thu hút lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, như Bắc Ninh và Hải Phòng.

– Lĩnh vực ưu tiên thu hút: công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao; du lịch đa dạng hơn, giá trị cao và chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường liên kết giữa khoa học, doanh nghiệp và nông dân; hạ tầng giao thông, đô thị; y tế, khám chữa bệnh; công nghệ môi trường, xử lý nước, nước thải, rác thải...

1.3. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

- Tiềm năng, lợi thế: 

Chiều dài đường bờ biển lớn, nhiều hoạt động kinh tế ven biển; nhu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế lớn;

Nhiều di tích lịch sử, văn hóa xếp hạng; hệ sinh thái du lịch biển lớn;

Tập trung nhiều nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm, đường cao tốc, giao thông liên vùng, liên tỉnh, quy mô lớn; có một số dự án mang tính động lực lớn gắn với dải ven biển, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Lĩnh vực ưu tiên thu hút

Phát triển kinh tế biển đồng bộ (kinh tế hàng hải, dịch vụ biển, công nghiệp ven biển,...) để hình thành những trung tâm kinh tế biển đa ngành, cạnh tranh cao;

Phát triển hạ tầng thiết yếu khu công nghiệp, khu kinh tế (trung tâm logisitics, cảng cạn ICD, hệ thống trường đào tạo nghề cho lao động, nhà ở xã hội,...);

Hạ tầng giao thông, hàng hải, cảng biển,...

1.4. Vùng Tây Nguyên

- Tiềm năng, lợi thế: có hệ thống giao thông đường bộ liên vùng (kết nối với duyên hải miền Trung, cảng biển, Đông Nam Bộ cũng như Campuchia, Lào) tương đối phát triển; đa dạng sinh học cao, giàu trữ lượng gỗ, cây dược liệu và thuốc quý,...;

- Lĩnh vực ưu tiên thu hút: nông nghiệp công nghệ và năng suất cao (chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản nước lạnh,...); sản xuất và chế biến thành phẩm từ cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè, điều,...) để xuất khẩu; du lịch sinh thái (điều kiện tự nhiên và văn hóa đặc sắc); năng lượng (gió và mặt trời); y tế - dược phẩm.

1.5. Vùng Đông Nam Bộ

- Tiềm năng, lợi thế:

+ Địa hình thuận lợi, phần lớn là đồng bằng, bán bình nguyên; bờ biển không dài, nhưng thuận lợi cho khai thác (cảng, hải sản, dịch vụ, du lịch,...);

+ Hệ thống kết nối hạ tầng đa dạng (cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt);

+ Dễ tiếp cận nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; Có tính liên kết cao giữa các cơ sở đào tạo giáo dục và hệ thống các doanh nghiệp.

+ Quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp trong vùng còn khá lớn và quỹ đất có khả năng quy hoạch và phát triển thành các khu công nghiệp dồi dào.

- Lĩnh vực ưu tiên thu hút:

Công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại (IT, cơ khí chính xác, tự động hóa, vật liệu mới,...);

Đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ;

Nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông - vận tải liên thông, kết nối (đường bộ, cảng biển, hàng không);

Dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, vận tải, du lịch,...)

1.6. Vùng đồng bằng sông Cửu Long

- Tiềm năng, lợi thế:

Nằm bên tuyến hàng hải Đông - Tây trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, giữa Nam Á, Đông Á, Úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương;

Nguồn nguyên liệu nông sản đầu vào và các nguồn năng lượng tái tạo dồi dào;

Lực lượng lao động dồi dào.

- Lĩnh vực ưu tiên thu hút:

Nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển;

Vận tải đường thủy nội địa và đường biển; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái (sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên,...);

Năng lượng (gió, mặt trời, thủy triều,...);

Nâng cao năng lực, giá trị gia tăng ngành công nghiệp (chế biến, chế tạo; hóa chất; gỗ, giấy; nhựa, cao su; vật liệu xây dựng; kim loại; xe, động cơ, phương tiện vận tải; điện tử...).

2. Định hướng xúc tiến đầu tư theo lĩnh vực năm 2023

Năm 2023, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Điều này sẽ tác động đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực ĐTNN, khả năng đổi mới công nghệ của khu vực trong nước, cũng như có thể tác động đến cán cân thanh toán, khả năng dự trữ ngoại hối, tỷ giá... trong trung và dài hạn.

Xem xét kỹ lưỡng việc thu hút các dự án quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả về tăng trưởng kinh tế;

Dự án công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, chưa phát triển được công nghệ nguồn, công nghệ lõi và hệ thống công nghiệp phụ trợ, đặc biệt không thu hút đầu tư đối với các dự án có giá trị gia tăng thấp, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Xem chi tiết tại Công văn 9174/BKHĐT-ĐTNN ngày 16/12/2022.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,889

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]