Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
16/01/2023 12:30 PM

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón là nội dung tại Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV ngày 09/01/2023.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón

Ngày 09/01/2023, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực bảo vệ thực vật và trồng trọt thuộc phạm vi chức năng quản lý.

1. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón như sau:

* Trình tự thực hiện:

- Bước 1: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hoặc Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật được Sở Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện thủ tục hành chính (Cơ quan tiếp nhận hồ sơ).

- Bước 2: Trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ:

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ;

Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung, hoàn thiện.

- Bước 3: Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định nội dung hồ sơ, nếu hồ sơ đạt yêu cầu thực hiện kiểm tra điều kiện buôn bán phân bón tại tổ chức, cá nhân và lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 12 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP.

Mẫu số 12

Trường hợp tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón không đáp ứng điều kiện, phải thực hiện khắc phục, sau khi khắc phục có văn bản thông báo đến Cơ quan tiếp nhận hồ sơ để kiểm tra nội dung đã khắc phục.

Trường hợp kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 11 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mẫu số 11

* Cách thức thực hiện: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng.

* Thành phần, số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 130/2022/NĐ-CP.

Phụ lục II

- Bản sao Bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên của người trực tiếp buôn bán phân bón theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt (trường hợp có thông tin về chứng nhận đã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón được thể hiện tại Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón thì không phải nộp thành phần hồ sơ này).

Quy định về các loại thành phần hồ sơ:

- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính: Các thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu.

- Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường mạng: Các thành phần hồ sơ phải được scan, chụp từ bản chính.

* Thời hạn giải quyết: 13 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, không tính thời gian khắc phục nếu có của tổ chức, cá nhân).

* Phí, lệ phí:

Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón: 500.000 đồng/01 cơ sở/lần.

* Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm:

- Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng;

- Có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định;

- Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

2. Phân loại phân bón

Việc phân loại phân bón theo Điều 3 Nghị định 84/2019/NĐ-CP như sau:

(1) Nhóm phân bón hóa học (còn gọi là phân bón vô cơ) gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp, được xử lý qua quá trình hóa học hoặc chế biến khoáng sản và tùy theo thành phần, hàm lượng;

Hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính đối với cây trồng hoặc liên kết hóa học của các nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

(2) Nhóm phân bón hữu cơ gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp), được xử lý thông qua quá trình vật lý (làm khô, nghiền, sàng, phối trộn, làm ẩm);

Hoặc sinh học (ủ, lên men, chiết) và tùy theo thành phần, chức năng của các chỉ tiêu chất lượng chính hoặc quá trình sản xuất được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

(3) Nhóm phân bón sinh học gồm các loại phân bón được sản xuất thông qua quá trình sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều chất sinh học như axit humic, axit fulvic, axit amin, vitamin;

Hoặc các chất sinh học khác và tùy theo thành phần hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

(4) Phân bón rễ là loại phân bón thuộc một trong các nhóm phân bón quy định tại (1), (2) và (3) mục này sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ hoặc có tác dụng cải tạo đất.

(5) Phân bón lá là loại phân bón thuộc một trong các nhóm phân bón quy định tại (1), (2) và (3) mục này sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân, lá.

Xem thêm Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV có hiệu lực từ ngày ký.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,590

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]