Chính phủ thống nhất sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
04/12/2021 09:37 AM

Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế là những văn bản luật quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, việc sửa đổi, hoàn thiện luật nhằm phục vụ tốt hơn cho nhân dân là cần thiết.

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 152/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021, trong đó, có nội dung đề nghị sửa đổi Luật BHYT, Luật BHXH.

Chính phủ thống nhất sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT

Chính phủ thống nhất sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT (Ảnh minh họa)

Đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi):

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật BHYT.

Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện các nội dung chính sách theo hướng:

- Thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII về an sinh xã hội và Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017.

Các chính sách bảo hiểm y tế cần bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro, tính đúng, tính đủ theo hướng:

+ Đa dạng các gói bảo hiểm y tế, có sự phân tầng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam;

+ Bảo đảm an sinh xã hội;

+ Thúc đẩy phát triển bảo hiểm y tế;

+ Khuyến khích, tạo điều kiện cho hệ thống y tế cơ sở, y tế tư nhân phát triển để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên;

+ Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe Nhân dân;

+ Đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thống nhất ứng dụng về nền tảng công nghệ;

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có phân cấp, phân quyền khoa học, hiệu quả, đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.

- Hoàn thiện chính sách về phân bổ, sử dụng, quản lý Quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả để xây dựng các giải pháp cụ thể, giải quyết tổng thể các vấn đề phù hợp với mục đích và nội dung của chính sách này, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch của các quy định pháp luật, tránh bị lạm dụng, tiêu cực, trục lợi trong thực thi chính sách.

Rà soát các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, không quy định thành lập tổ chức bộ máy, không tăng biên chế theo đúng yêu cầu xây dựng Luật hiện nay.

- Trên cơ sở nội dung tổng kết thi hành Luật hiện hành, Bộ Y tế đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và đối tượng chịu sự điều chỉnh, có giải pháp để bảo đảm tính khả thi, khoa học, bảo đảm khả thi đối với ngân sách nhà nước.

Giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện các nội dung chính sách theo hướng:

- Nội dung các chính sách cần tiếp tục rà soát, bám sát Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về các chính sách an sinh xã hội.

Chủ động truyền thông và lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động để tiếp nhận ý kiến đa chiều, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm; chắt lọc kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện chính sách, đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, đáp ứng đầy đủ mục tiêu tăng cường an sinh xã hội, tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, hạn chế việc trốn đóng, đặc biệt là hạn chế tình trạng chậm đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu, nộp, bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong bối cảnh hiện nay.

- Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan tiến hành tổng kết Nghị quyết 93/2015/QH13 về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, khắc phục hạn chế do quy định hiện hành, tháo gỡ những khó khăn chưa phù hợp với thực tiễn, đề xuất các giải pháp chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vừa đáp ứng yêu cầu của người lao động khi gặp khó khăn phải rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa bảo đảm an sinh xã hội bền vững khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu.

Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết 152/NQ-CP được ban hành ngày 03/12/2021.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,471

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn