Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để:
Chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Không để thiếu hàng, sốt giá dịp Tết Âm lịch 2022 (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng háo theo các cấp diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn;
Có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật;
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong nước dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Phối hợp với các Sở ngành liên quan, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cho lưu thông thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh để kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu.
Xem thêm nội dung tại Chỉ thị 12/CT-BCT ngày 12/11/2021.
Châu Thanh