Thành ủy Hà Nội: Sau 6-9 siết chặt giãn cách ‘vùng đỏ’, còn lại áp dụng chỉ thị 15+

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
02/09/2021 19:23 PM

Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chủ trương sau đợt giãn cách thứ 3 theo hướng giãn cách cao hơn mức chỉ thị 16 tại "vùng đỏ", "vùng cam", còn "vùng xanh" áp dụng chỉ thị 15/CT-TTg +.

Đường phố Hà Nội những ngày giãn cách xã hội - Ảnh: NAM TRẦN

Chiều 2-9, UBND TP Hà Nội phát đi thông báo 480 của Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho biết Ban Thường vụ thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội về phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3.

Trong đó, thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía tây, phía nam thành phố (sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao - "vùng đỏ" để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.

Tại các khu vực nguy cơ cao - "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn - "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc chỉ thị 15 (15+) của Thủ tướng để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ", bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, phù hợp tình hình dịch bệnh.

Trước đó, từ ngày 24-7 TP Hà Nội quyết định giãn cách xã hội toàn TP theo chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng dịch COVID-19. Đến nay, TP đang trong đợt thứ 3 trong với tổng 45 ngày giãn cách theo chỉ thị trên.

Trước đó, trong chiều 2-9, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với giáo sư, Anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, chủ tịch hội Huyết học truyền máu Việt Nam - nguyên viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương, về vấn đề trên.

Theo ông Trí, nếu Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP sau ngày 6-9 thì cái giá phải trả quá lớn, cần phải có những giải pháp phù hợp hơn với thực tế.

GS Nguyễn Anh Trí cho biết, nếu Hà Nội tiếp tục tăng thêm thời gian giãn cách xã hội thì TP phải trả giá quá lớn, ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.

Ông chia sẻ, thời gian giãn cách 45 ngày người dân cũng đã rất mệt mỏi, nhiều gia đình nguồn lực đã cạn kiệt, nhất là những người lao động, thì việc tiếp tục giãn cách là thử thách lớn với người dân.

"Những gia đình không có tiền tích lũy thì 45 ngày qua tôi cam đoan là thử thách quá lớn đối với họ. Vì vậy lúc này cần tổ chức lại xã hội, trách nhiệm của TP hiện nay không chỉ là chống dịch mà còn phải lo cho người dân việc an sinh xã hội.

Nếu giãn cách xã hội quá lâu mà dịch cứ bùng phát thì tới một ngày nào đó người dân không chịu nổi thì họ cũng sẽ bung ra thôi", GS Nguyễn Anh Trí nói.

Theo ông Trí, để bảo vệ được Hà Nội thì sau ngày 6-9, TP có thể vẫn nên thực hiện giãn cách, nhưng giãn cách khu trú, chỗ nào có F0 thì phải giãn cách, thậm chí là phong tỏa, nhưng phải phong tỏa rất gọn, đúng chỗ có dịch và phải tuyệt đối nghiêm túc, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chứ không nên tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP như đang áp dụng.

Phạm Tuấn

Theo Tuổi trẻ

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,643

Bài viết về

Phòng chống COVID-19

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]