Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
24/08/2021 08:20 AM

Ngày 23/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Theo đó, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp:

- Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài lỏng trong”. Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.

- Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

- Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm COVID-19, bảo đảm đủ ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này. Tại các xã, phường, thị trấn đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội phải khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động để bảo đảm hỗ trợ y tế, điều trị người nhiễm COVID-19.

Tổ chức huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số ca nhiễm lớn, nhiều bệnh nhân nặng. Huy động nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất y tế của các bộ, ngành, doanh nghiệp tư nhân cho công tác điều trị. Bảo đảm việc phân loại, điều phối, chuyển tuyến kịp thời để điều trị tất cả bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân có diễn biến nặng.

- Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

- Vắc xin, thuốc điều trị là chiến lược. Tiếp tục đẩy mạnh “ngoại giao vắc xin” để có sớm nhất, nhiều nhất vắc xin. Thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu vắc xin nhưng phải bảo đảm vắc xin thuộc danh mục Bộ Y tế cấp phép và rõ nguồn gốc xuất xứ. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép nhập khẩu, kiểm định và tổ chức tiêm chủng.

Tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vắc xin; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Thông tin đến người dân tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vắc xin.

- Bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất khác... Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giam, giữ, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.

- Các địa phương chịu trách nhiệm: (a) Chủ động bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Trung ương, nhất là tại các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội; (b) Ưu tiên nguồn lực, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi chưa cần thiết, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, sử dụng tiết kiệm quỹ dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính để tập trung cho phòng, chống dịch; (c) Có phương án và sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời hỗ trợ các địa phương khác khi có yêu cầu.

- Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác. Giao 01 đầu mối có thẩm quyền ở các cấp chủ động cung cấp thông tin thường xuyên cho người dân về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch. Chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân; kịp thời hướng dẫn, cổ vũ, động viên để Nhân dân biết, hiểu, đồng cảm, tin tưởng và tự giác thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch. Phát huy vai trò quan trọng của toàn bộ hệ thống truyền thông, nhất là mạng lưới thông tin cơ sở. Lan tỏa những mô hình tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả của tổ chức và cá nhân. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc.

- Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...

- Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Các bộ, ngành, địa phương lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và căn cứ tình hình thực tế, hướng dẫn, tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả; kịp thời đánh giá, sơ kết, tổng kết các mô hình như: “3 tại chỗ”, “3 cùng”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “doanh nghiệp xanh”... để rút kinh nghiệm, hoàn thiện và tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình. Lãnh đạo các cấp ở địa phương thường xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp.

- Các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các các cấp ở địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là người đứng đầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện này.

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,215

Bài viết về

Phòng chống COVID-19

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]