NÓNG: TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 với biện pháp mạnh hơn đến ngày 1-8

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
23/07/2021 14:34 PM

Theo ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị số 16 đến ngày 1-8 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

Theo đó, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị số 16 đến ngày 1-8 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong.

Tăng một số biện pháp mạnh hơn nữa

Theo ông Dương Anh Đức, TP sẽ tăng một số biện pháp mạnh hơn nữa theo đúng tinh thần chỉ thị 12 của Thành ủy TP ngày 22-7.

Theo đó, chỉ thị 12 của Thành ủy yêu cầu thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn TP. Tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.

Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.

Siết chặt hoạt động của doanh nghiệp: chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

Cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan; gương mẫu, chấp hành nghiêm chỉ thị số 16/CT-TTg, chỉ ra đường trong trường hợp có việc cấp thiết.

Không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa

Theo ông Dương Anh Đức, TP sẽ siết chặt công tác quản lý khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết là không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa. Thực hiện khoanh vùng khu phong tỏa phù hợp đáp ứng các tiêu chí về dịch tễ; hàng ngày theo dõi số lượng F0 phát sinh mới tại từng khu phong tỏa, qua đó kịp thời phát hiện nguy cơ lây nhiễm chéo và có giải pháp khắc phục ngay.

Đánh giá tình hình khu phong tỏa định kỳ để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần, từ đó sẽ giảm thiểu áp lực về tâm lý cho người dân và sức lực của các lực lượng quản lý phong tỏa.

Về nâng cao năng lực điều trị, TP tiếp tục nâng cao năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, nhân lực để đảm bảo luôn làm chủ trong mọi tình huống; trong đó chú trọng huy động đội ngũ y bác sĩ về hưu, lương y, hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.

Chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực; danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, oxy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu; thiết bị, kít xét nghiệm và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch gia tăng.

Thực hiện tốt công tác theo dõi các F0 tại tầng 1, tầng 2 theo hệ thống 5 tầng điều trị và kịp thời xử lý ngay khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng; trong đó chú trọng việc hướng dẫn cho người bệnh có thể cùng với nhân viên y tế tự theo dõi sức khỏe bản thân, giúp giảm tải hệ thống y tế.

Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 trong công tác điều phối và vận chuyển bệnh nhân kịp thời, giảm tử vong.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để kịp thời điều động đội ngũ nhân lực và trang thiết bị tốt nhất cho các bệnh viện tầng 5; tăng cường các máy thở chức năng cao cho bệnh viện này để điều trị bệnh nhân nặng; song song đó phối hợp Bộ Y tế thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP.HCM.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm lo cho người nghèo, người yếu thế. Tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch giảm quy mô sản xuất hợp lý, đảm bảo khoảng cách an toàn trong nhà máy, thực hiện nghiêm việc tự đánh giá an toàn.

Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đáp ứng phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ); có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng mô hình vừa cách ly, vừa sản xuất.

Tổ chức hoạt động trở lại các chợ truyền thống đảm bảo an toàn phòng chông dịch bệnh, chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không gian mở, thoáng (có thể sử dụng mặt đường làm nơi họp chợ), có màng ngăn giữa người mua và bán, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng vào túi sẵn, thực hiện nghiêm giãn cách; chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và giảm quy mô còn khoảng 30%.

Các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chợ và tiểu thương.

THẢO LÊ - TUYẾT MAI

Theo Tuổi trẻ

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,546

Bài viết về

Phòng chống COVID-19

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn