01/10/2012 10:18 AM

Với những kiến nghị cụ thể, chi tiết, các luật sư (LS) là những người trực tiếp bị điều chỉnh bởi Luật LS và có lợi ích sát sườn liên quan đến Luật đã đề xuất các giải pháp cụ thể cho việc tạo lập sân chơi bình đẳng giữa LS nội và ngoại với một kỳ vọng, LS Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong xu thế hội nhập.

Một phiên tòa dân sự. Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Với những phân tích, nhận định về hạn chế của cơ chế hiện nay đối với yêu cầu phát triển nghề LS, 18 tổ chức hành nghề LS đã cùng đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan soạn thảo Luật LS sửa đổi và Quốc hội xem xét một số giải pháp khá cụ thể và hợp lý.

Thứ nhất, theo các LS kiến nghị thì việc sửa đổi Điều 70 và Điều 76 của Luật LS, quy định về phạm vi hành nghề của tổ chức LS nước ngoài và LS nước ngoài tại Việt Nam là hợp lý.

Tuy nhiên, để cụ thể hóa tinh thần quy định tại các điều luật trên thì các điều luật trên có thể quy định mở rộng theo hướng: Nếu các vụ việc thuần túy điều chỉnh bởi luật Việt Nam và không có yếu tố nước ngoài thì LS nước ngoài tuyệt đối không được tham gia, chỉ có các LS Việt Nam hoặc LS nước ngoài đáp ứng các yêu cầu giống như LS Việt Nam thì mới được phép tham gia. Do vậy, LS nước ngoài không đáp ứng các yêu cầu giống như LS Việt Nam không được.

Nếu các vụ, việc được điều chỉnh bởi cả luật Việt Nam và luật nước ngoài hoặc chỉ được điều chỉnh bởi luật Việt Nam nhưng có yếu tố nước ngoài, thì LS nước ngoài không đáp ứng các yêu cầu giống như LS Việt Nam Không được tư vấn về luật Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào  mà chỉ được tư vấn về luật nước ngoài hoặc khía cạnh thông lệ quốc tế liên quan đến giao dịch.

Thứ hai, theo các luật sư, cần thiết phải bổ sung “kế hoạch kinh doanh và hoạt động tại Việt Nam” vào khoản 2 Điều 78 khi yêu cầu bộ hồ sơ thành lập tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam.

Lý do của yêu cầu này là theo nguyên tắc và cam kết WTO, việc cấp phép đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải theo một trong hai thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư. Hiện việc cấp phép cho tổ chức LS nước ngoài không rõ theo thủ tục nào, trong khi lĩnh vực dịch pháp lý là lĩnh vực đầu tư có điều kiện tại Việt Nam.

Các tổ chức LS nước ngoài xin cấp phép tại Việt Nam cần đưa ra bản đề xuất hoạt động tại Việt Nam về lý do xin phép, thị trường và khách hàng, quy mô hoạt động và các lợi ích kinh tế - xã hội đóng góp cho Việt Nam. Về tuyển dụng và phát triển LS Việt Nam, tổ chức LS nước ngoài phải đưa ra kế hoạch và cam kết thực hiện các yêu cầu đặt ra để phát triển đội ngũ LS Việt Nam ngang tầm khu vực.

Thứ ba, bổ sung vào câu cuối khoản 1 Điều 78 về thời hạn giấy phép thành lập của tổ chức hành nghề LS nước ngoài: “Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài có hiệu lực từ ngày ký với thời hạn 5 năm và được xem xét gia hạn trên cơ sở đáp ứng các điều kiện và cam kết hành nghề tại Việt Nam”.

Thứ tư, sửa đổi khoản 2 Điều 82 về thời hạn 2 năm đối với đăng ký hành nghề của cá nhân LS nước ngoài với Bộ Tư pháp, được xem xét gia hạn trên cơ sở đáp ứng các điều kiện hành nghề. Việc cấp giấy phép hành nghề cho LS nước ngoài cũng nên xét đến nhu cầu thị trường thông qua các điều kiện và hồ sơ cấp phép theo quy định của Chính phủ và Bộ Tư pháp như nêu ở trên đối với tổ chức LS nước ngoài.

Thứ năm, bổ sung vào Điều 76 về quy định hành nghề của LS nước ngoài ở Việt Nam để phù hợp với quy định của Cam kết WTO và Nghị Quyết 71 là mọi văn bản tư vấn và tài liệu do LS nước ngoài soạn thảo liên quan tới pháp luật Việt Nam không có giá trị pháp lý.

Thứ sáu, bổ sung vào Điều 61 và 63 về việc các LS nước ngoài phải chịu sự kiểm tra, giám sát hành nghề của Liên đoàn LS Việt Nam và các Đoàn LS địa phương (bên cạnh sự giám sát của Bộ Tư Pháp và Sở Tư Pháp). Liên đoàn LS và các Đoàn LS được phép quản lý các LS, tổ chức LS nước ngoài có hoạt động trên địa bàn (các LS, tổ chức LS Việt Nam hiện nay đang được quản lý theo mô hình này).

Cụ thể, sau khi được cấp phép xong, LS, tổ chức LS nước ngoài làm thủ tục đăng ký với Đoàn LS địa phương. Nếu có tranh chấp, khiếu nại về tác nghiệp của các LS nước ngoài thì Đoàn LS giải quyết như hiện nay đối với LS Việt Nam như kỷ luật tạm đình chỉ hành nghề mấy tháng hoặc đề nghị Bộ Tư Pháp rút giấy phép hành nghề.

Để bảo đảm tính liên thông, bình đẳng giữa LS nước ngoài và LS Việt Nam, Luật LS cần bổ sung quy định điều kiện để hành nghề của LS nước ngoài tại Việt Nam là phải cam kết tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS Việt Nam. Nếu vi phạm sẽ bị kỉ luật với hình thức thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức hoặc giấy phép hành nghề đối với cá nhân là LS nước ngoài.

Thứ bảy, bổ sung vào Điều 61 về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn LS trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc quản lý các tổ chức hành nghề LS trong nước và nước ngoài, quản lý LS và hoạt động hành nghề của các LS đó ở địa phương và trách nhiệm yêu cầu các tổ chức hành nghề LS, LS hành nghề với tư cách cá nhân thuộc tổ chức mình trong việc chấp hành chế độ báo cáo, thống kê định kì.

Thứ tám, bổ sung vào Điều 39 quy định việc khuyến khích các tổ chức LS Việt Nam hợp tác với các tổ chức LS quốc tế hoặc tuyển dụng LS nước ngoài, hoặc đào tạo LS Việt Nam được công nhận trình độ luật nước ngoài (ví dụ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động hợp tác đó và thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng LS đó)

Cuối cùng, để thực hiện thành công chiến lược phát triển đội ngũ LS Việt Nam đến năm 2020 và phát triển đội ngũ LS hội nhập quốc tế, cần thiết phải bổ sung vào Điều 39 của Luật LS sửa đổi quy định về cơ chế hợp tác và chính sách khuyến khích các tổ chức LS Việt Nam tham gia chương trình đào tạo, tuyển dụng và phát triển các LS hội nhập quốc tế.

Với những kiến nghị của mình, các LS Việt Nam đang trực tiếp “cạnh tranh” với LS nước ngoài trên sân nhà mong muốn góp sức tích cực để giúp xây dựng một môi trường hành nghề LS ngày càng lành mạnh, bình đẳng và hơn hết là phù hợp với pháp luật và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và điều quan trọng là tạo động lực cho LS Việt Nam trưởng thành và hội nhập nhanh hơn vào thị trường khu vực và trên thế giới.


Bình Minh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,927

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn