Cấm Luật sư tiết lộ thông tin về vụ việc
Theo dự thảo Luật mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), có đến 10 nhóm hành vi của Luật sư (LS) bị nghiêm cấm thực hiện, trong đó có cấm tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp khách hàng đồng ý…
Có ý kiến cho rằng quy định này là chưa hợp lý, vì trong quá trình hành nghề, có trường hợp LS phải sử dụng thông tin đó để phục vụ cho việc giải quyết vụ việc vì quyền lợi của chính khách hàng.
Theo UBTVQH, ngoài yêu cầu bảo vệ quyền lợi của khách hàng, LS còn có trách nhiệm bảo vệ công lý, quyền và lợi ích của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cũng như bảo đảm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy việc cấm như trên là cần thiết.
Tương tự là quy định cấm LS “nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”, trong khi một số ý kiến cho rằng quy định này là không hợp lý vì khi vụ việc giải quyết đạt kết quả tốt, khách muốn tự nguyện “bồi dưỡng” cho LS là không trái pháp luật. Tuy nhiên, theo UBTVQH phải cấm để đảm bảo tính vô tư, khách quan trọng qúa trình tham gia tố tụng, tránh việc LS lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi.
Nên cho viên chức được hành nghề LS
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, “nhiều ý kiến nhất trí với việc quy định không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề LS. Bên cạnh đó, một số ý kiến vẫn đề nghị cân nhắc đưa vào Luật nội dung này…”.
Vấn đề này, tại Phiên họp thứ 10 của UBTVQH (tháng 8/2012) đa số ý kiến các ý kiến đồng tình không nên cho viên chức giảng dạy pháp luật làm LS tham gia tố tụng nhưng nên cho họ làm tư vấn. Tuy nhiên, tại báo cáo giải trình, UBTVQH đã không thể hiện quan điểm này.
“Trước đây chúng ta chưa cho họ làm vì khi đó chưa tách biệt cán bộ với công chức, viên chức. Bây giờ tách đã tách biệt ra rồi. UBTVQH phiên trước cũng đã nhất trí cho viên chức giảng dạy pháp luật làm tư vấn luật”, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói rõ hơn và đề nghị UBTVQH thiết kế phương án thứ hai theo hướng này để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi ủng hộ quan điểm cho phép giảng viên làm LS tư vấn.
“Trong trường hợp không cho phép thì phải giải trình thuyết phục. Báo cáo giải trình chưa thuyết phục, còn khiên cưỡng, thậm chí ngụy biện” - Ông Thi gay gắt: “Chủ trương của ngành giáo dục bây giờ là không khuyến khích giảng viên dạy nhiều, thậm chí còn hạn chế số tiết, vì dạy quá nhiều là hạn chế chất lượng. Thời gian còn lại phải để giảng viên tham gia nghiên cứu, thực hành…nâng cao chất lượng giảng dạy. Ủy ban Tư pháp cho rằng giảng viên phải dạy nhiều vào là đi ngược quan điểm, phương pháp giảng dạy hiện nay, là phản tác dụng. Vì vậy không thể nói cho phép giảng viên làm LS là “phân tán nguồn lực”
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình “lập luận của anh Thi rất có căn cứ, nên tiếp thu. Dù chúng ta chưa phân biệt 2 loại LS (LS tư vấn và LS tranh tụng – PV) nhưng không nên bó hẹp lại mà nên khuyến khích viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật vì như vậy “sẽ không ảnh hưởng gì hết”.
Thắc mắc không biết Ủy ban Tư pháp “tiếp thu như thế nào” vì phiên họp trước rất nhiều ý kiến Ủy viên thường vụ đã rất rõ ràng (nên cho làm tư vấn – PV) Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng quy định như dự thảo là phù hợp với Luật Viên chức, tăng cường thêm đội ngũ LS hiện đang rất thiếu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ rõ quan điểm: nên có quy định để viên chức giảng dạy pháp luật được làm tư vấn, nếu không quy định mà họ vẫn làm là không tốt. Có quy định sẽ thuận lợi cho việc quản lý. Tuy nhiên, điều Chủ tịch băn khoăn là có nên cấp thẻ hay LS chỉ cần đăng ký vào 1 tổ chức hành nghề LS khi được mời tư vấn? Theo Chủ tịch, vấn đề này phải được xem xét thật kỹ.
Bình An