Nhà báo Hoàng Khương: 'Tôi đã tác nghiệp sai'

07/09/2012 07:59 AM

Trả lời tòa trong phiên xử ngày 6/9, nhà báo Hoàng Khương thừa nhận hành vi đưa tiền cho trung úy CSGT để giải cứu xe vi phạm là "đã sai và vượt quá quy trình tác nghiệp", song không vì động cơ cá nhân.

Phiên xét xử Nguyễn Văn Khương (Hoàng Khương - phóng viên báo Tuổi Trẻ) và các đồng phạm diễn ra cả ngày, đến 15h bị cáo Khương mới bị thẩm vấn. Theo cơ quan công tố, "xuất phát từ lợi ích cá nhân, vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí", Hoàng Khương đã cùng với đồng phạm "thực hiện hành vi đưa hối lộ" để giải cứu xe vi phạm trái với quy định của pháp luật.

Trình bày quan điểm về bản cáo trạng truy tố mình, bị cáo Khương cho rằng cơ quan tố tụng đã nối ráp các sự kiện và thời gian không đúng, nên đánh giá sai động cơ. "Việc làm của bị cáo chỉ nhằm mục đích tác nghiệp, thực hiện loạt bài theo yêu cầu của ban biên tập chứ không phải vì động cơ cá nhân", bị cáo Khương nói.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Hải Duyên.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Hải Duyên.

Ông Khương cho rằng, đã quen Tôn Thất Hòa trong vụ tai nạn giao thông ngày 23/6/2011. Lúc này Thất Hòa đang đứng ra nhờ Huỳnh Minh Đức (nguyên thượng úy đội CSGT quận Bình Thạnh) giúp lấy chiếc xe đầu kéo của Trần Anh Tuấn bị tạm giữ trong vụ tai nạn. Biết được thông tin này, ông Khương xin đi theo Thất Hòa để gặp Đức và đặt vấn đề nhờ lấy luôn chiếc xe đi "bão" của Trần Minh Hòa là bạn của Đông Anh (em vợ Khương).

Ngày 25/6/2011, sau khi hẹn Đức ra quán nhậu, Thất Hòa giới thiệu Khương là Hùng (tài xế của Hòa) và đặt vấn đề giải cứu chiếc xe đua. Sau khi thỏa thuận mức phí là 15 triệu đồng và được trung úy CSGT đồng ý, Khương gọi điện nhờ người xe ôm mang tiền và biên bản xử phạt đến. Số tiền này là do Trần Minh Hòa đưa cho Đông Anh, sau đó Đông Anh đưa lại cho Khương.

Giải thích về hành vi đưa tiền cho Đức, bị cáo Khương cho biết đó là nhằm mục đích xem cách xử lý xe vi phạm của CSGT như thế nào, có đúng quy trình không để lấy tư liệu viết bài. "Thời điểm đó đang có tệ nạn đua xe diễn ra thường xuyên nên muốn tìm hiểu thêm quy trình trả xe vi phạm", nhà báo cho hay.

Khi được hỏi dù biết CSGT không được đóng phạt thay cho người vi phạm nhưng vẫn đưa tiền cho Đức để nhờ đóng thay là có mục đích gì? Một lần nữa ông Khương khẳng định: "Đó chính là mục đích xuyên suốt của bị cáo trong vụ việc, chỉ vì muốn biết quy trình làm việc của CSGT".

Bị cáo Khương cũng thừa nhận sai sót khi cho rằng, do chạy theo sự kiện thời sự cấp bách nên đã vượt quá quy trình tác nghiệp. Cũng vì tác nghiệp nên khi biết xe của Hòa đang bị giam, Khương đã chủ động gọi điện cho Đông Anh nói với Trần Minh Hòa là sẽ giúp lấy xe "đi bão" ra. Tiếp đó là cùng với Tôn Thất Hòa sắp xếp việc gặp trung úy Đức để nhờ lấy xe.

Tham gia xét hỏi, đại diện Viện KSND cho rằng, hành vi của bị cáo là "vượt quá quyền hạn của một nhà báo". Nhà báo chỉ có quyền đứng ngoài ghi nhận và phản ánh sự việc nhưng trong trường hợp này bị cáo lại trực tiếp tham gia.

Bị cáo Khương thừa nhận do quá dấn thân vào dòng sự kiện thời sự, gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp nên đã vượt quá phạm vi tác nghiệp và không lường hết hậu quả việc mình làm.

Trước đó, trong phần thẩm vấn, các bị cáo Huỳnh Minh Đức, Tôn Thất Hòa, Trần Minh Hòa và Đông Anh đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Trong đó, trung úy Đức đã nhận 18 triệu đồng từ Hòa và Khương để giải cứu 2 chiếc xe vi phạm của Trần Anh Tuấn và Trần Minh Hòa.

Còn Tôn Thất Hòa, có thừa nhận sau khi Đức đưa xe cho Minh Hòa, nhưng vẫn còn giữ lại giấy tờ, nên đã nhiều lần gọi điện đe dọa Đức là phải trả sớm nếu không sẽ cho lên báo. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng, lời đe dọa trên chỉ là do mình tự nghĩ ra chứ không phải do Hoàng Khương xúi giục.

Ngày mai (7/9) tòa sẽ tiếp tục làm việc.

Hải Duyên

Theo Vnexpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,948

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]