04/05/2012 08:14 AM

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, việc gia hạn tạm giam đối với nhà báo Hoàng Khương là vì phải chờ kết quả trưng cầu giám định giọng nói trong các file ghi âm đã thu giữ tại nhà riêng của ông Khương.

Cơ quan điều tra cũng đã có quyết định gia hạn tạm giam đối với Huỳnh Minh Đức (nguyên cán bộ cảnh sát giao thông thuộc Công an Q.Bình Thạnh), Tôn Thất Hòa (giám đốc DNTN Duy Nguyên, TP.HCM) và Nguyễn Đức Đông Anh (em vợ nhà báo Hoàng Khương). Các quyết định này đều được Viện KSND TP phê chuẩn.

Nhà báo Hoàng Khương bị khởi tố, bắt tạm giam có thời hạn 4 tháng từ ngày 2-1-2012 về hành vi đưa hối lộ. Tại cuộc gặp báo chí vào tháng 2-2012, thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP - cho biết cuối tháng 3 sẽ có kết luận điều tra. Nhưng đến nay đã tròn bốn tháng nhà báo Hoàng Khương bị bắt tạm giam, thay vì đã có kết luận điều tra như ông Phan Anh Minh tuyên bố, cơ quan công an lại gia hạn tạm giam.

Bà Nguyễn Hoàng Anh, vợ nhà báo Hoàng Khương, cho biết bà chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan điều tra về việc gia hạn tạm giam chồng bà. Ông Phan Trung Hoài, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Hoàng Khương, cho biết trong các buổi làm việc trực tiếp với cơ quan điều tra và nhà báo Hoàng Khương, ông đã nhiều lần nêu ý kiến và có bản kiến nghị số 01, đề nghị cơ quan điều tra cho ông Hoàng Khương được tại ngoại vì lý do sức khỏe. Ông Khương đang bị bệnh phải điều trị trong trại tạm giam và vợ ông Khương sắp tới ngày sinh. Tiếp theo đó, ngày 20-3, luật sư đã có bản kiến nghị đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với ông Khương. Tuy nhiên, cả hai văn bản này đều không nhận được văn bản trả lời của cơ quan điều tra.

Luật sư Hoài cho rằng không cần thiết tạm giam đối với nhà báo Hoàng Khương vì theo quy định tại điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự, các biện pháp ngăn chặn chỉ áp dụng khi “có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội”. Trong khi đó, nhân thân của ông Khương tốt, có gia đình và báo Tuổi Trẻ bảo lãnh, hành vi của ông Khương cũng không thể tiếp tục gây nguy hại gì cho xã hội hay cản trở quá trình điều tra.

Liên quan tới việc bảo lãnh tại ngoại cho nhà báo Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ vừa nhận được một phiếu chuyển do đại tá Lê Hoàng Vân, chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, ký thông báo đã chuyển đơn tới Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP, đề nghị đơn vị này trả lời báo Tuổi Trẻ về việc xin bảo lãnh cho nhà báo Hoàng Khương được tại ngoại và thông báo kết quả giải quyết về văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.

Theo điều 120 Bộ Luật Tố tụng hình sự, thời hạn tạm giam để điều tra được quy định như sau:

1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

............................

6. Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Chi Mai

(Theo Tuổi Trẻ)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,143

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]