Hà Nội đề xuất cấm phương tiện cá nhân trên trục chính

24/08/2012 08:53 AM

Để hạn chế ôtô cá nhân, Hà Nội đề xuất các giải pháp tăng phí trước bạ, thu phí vào trung tâm đô thị. Xe con có thể bị cấm lưu thông trên một trục chính và cấm theo vùng trong giai đoạn 2012 - 2016.

Chính phủ vừa hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn, với phạm vi áp dụng tại Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Các nhóm giải pháp được đưa ra tập trung vào đầu tư hạ tầng giao thông đô thị, tăng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế ôtô cá nhân, tăng tuyên truyền tạo ủng hộ của cộng đồng... Đến năm 2016, các biện pháp cấp thiết được đưa ra tại các thành phố lớn như tăng phí trông giữ xe, tăng chế tài xử phạt, quy hoạch giao thông tĩnh, cấm dừng đỗ xe trên một số tuyến đường, cấm một số loại xe con, xe khách, xe tải trên một số trục chính, đường hướng tâm trong thành phố.

Sáng 23/8, tại buổi đóng góp ý kiến vào dự thảo của UBND Hà Nội, nhiều lãnh đạo các ban ngành bày tỏ sự cần thiết ban hành quyết định này. Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân đề nghị, nên bỏ nội dung: "Tại khu vực nội đô các thành phố lớn, điều kiện để sở hữu ôtô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe" bởi biện pháp này đã đưa vào triển khai nhưng không khả thi.

Tương tự, ông Tân đề nghị bỏ chi tiết: "Để đăng ký phương tiện cá nhân đối với người không có hộ khẩu tại các thành phố lớn là phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên" do không khả thi. Bởi, người dân có thể sử dụng xe đăng ký ngoại tỉnh và hoạt động trên địa bàn thành phố khác.

Xe con bị hạn chế gia tăng ở đô thị lớn. Ảnh: Hoàng Hà.

Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng, các thành phố chỉ hạn chế được bằng chính sách thuế, không nên hạn chế bằng quản lý. "Chúng ta không thể cấm người dân mua 3 - 5 ôtô nhưng có được lưu hành trong nội đô không là do quy định của thành phố. Do vậy, thuế và phí phải tăng lên để hạn chế phương tiện. Có thể áp phí phương tiện vào trung tâm và phí vào trung tâm theo giờ cao điểm, tăng phí dịch vụ và giá dịch vụ trông giữ xe", ông Nam bày tỏ.

Cũng theo ông Nam, Chính phủ có thể giao cho HĐND lấy ý kiến nhân dân về đề án để chủ động trong việc thực hiện.

Ông Lê Văn Dục, Phó giám đốc Sở Xây dựng cũng đồng tình hạn chế phương tiện cá nhân bằng biện pháp tăng thuế, phí, đặc biệt tăng phí chuyển nhượng, thuế tiêu thụ đặc biệt cao sẽ hạn chế được ôtô con. Ông Dục cho rằng, với xe máy, đến năm 2016 cần hạn chế từ vành đai 2 trở vào.

Trong khi đó, ông Trần Đức Vũ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư nhận xét , hạn chế phương tiện cá nhân là vấn đề động chạm tới toàn dân nên giải pháp tuyên truyền giáo dục là rất quan trọng, bên cạnh đấy là cưỡng chế, xử phạt.

"Vận tải công cộng của Hà Nội hiện mới đạt gần 11%. Do vậy, việc cấm các phương tiện cá nhân phải có cơ quan chuyên ngành khoa học tính toán; phân vùng, phân quy hoạch để cấm đến mức độ nào. Các thành phố lớn trên thế giới như New York, London... rất rộng rãi nhưng vẫn có phương tiện cá nhân. Do vậy, chắc chắn không cấm hết được các phương tiện cá nhân...", ông Vũ khẳng định.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, đề án cần đưa ra cơ chế chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng, vận tải công cộng trước, sau đó mới hạn chế phương tiên cá nhân. Đề án cũng cần làm rõ các giải pháp trực tiếp như phí vào thành phố trung tâm vào giờ cao điểm, tập trung vốn giải pháp phát triển vận tải công cộng.

Phó chủ tịch Khôi cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng ngay đề án thu phí phương tiện cá nhân vào trung tâm, thu phí vào giờ cao điểm, quy chế quản các hoạt động taxi trên địa bàn; đề xuất cấm phương tiện cá nhân tại một số tuyến đường để hạn chế phương tiện cá nhân trên một số tuyến trong giai đoạn 2012 -2015 và năm 2015 - 2016 sẽ cấm theo vùng.

Đoàn Loan

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,939

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]