Thông tư 126/2020/TT-BQP quy định loại khỏi biên chế và xử lý tài sản nhà nước trong Bộ Quốc phòng
Theo đó, loại khỏi biên chế các tài sản bảo đảm các điều kiện sau:
- Tài sản đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định mà không thể tiếp tục sử dụng được.
- Tài sản hư hỏng nặng không thể sửa chữa, phục hồi và tăng hạn tiếp tục sử dụng, hoặc sửa chữa không hiệu quả.
- Tài sản bị mất, hủy hoại; tài sản không nằm trong quy hoạch trang bị hoặc mất tính đồng bộ, số lượng còn ít và tồn đọng lâu năm, lạc hậu không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
- Tài sản không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế.
- Tài sản được điều chuyển ra các cơ quan, đơn vị ngoài quân đội theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Tài sản là công trình chiến đấu, công trình quốc phòng, nhà và tài sản gắn liền với đất phải tháo dỡ theo quyết định của cấp có thẩm quyền để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư, hoặc theo quy hoạch và các trường hợp khác theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, Thông tư 126/2020/TT-BQP quy định tài sản được xử lý bao gồm:
- Tài sản đã được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Thông tư 126/2020/TT-BQP quyết định loại khỏi biên chế.
- Đạn dược cấp 5 nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn, cần xử lý khẩn cấp nhưng chưa loại khỏi biên chế.
- Tài sản khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
Thông tư 126/2020/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 05/12/2020 và thay thế Thông tư 188/2017/TT-BQP ngày 09/8/2017; Điều 33 Thông tư 86/2018/TT-BQP ngày 23/6/2018; khoản 2 Điều 28 Thông tư 98/2014/TT-BQP ngày 22/7/2014.
Châu Thanh