Phí giao thông: “Giá như có bộ trưởng ở đây”

10/05/2012 08:18 AM

TT - Hàng loạt bất cập trong việc thu phí giao thông được đề cập tại hội thảo “Phí giao thông đường bộ, thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp” diễn ra ngày 9-5 tại TP.HCM.

Trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội, TP.HCM (ảnh chụp chiều 9-5) Ảnh: Minh Đức

Suốt buổi hội thảo, nhiều lượt ý kiến của các doanh nghiệp đều bày tỏ nguyện vọng: “Giá mà có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ở đây!”. Đại diện Công ty Minh Liên cho biết trước khi ban hành nghị định về quỹ bảo trì đường bộ, các doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Vận tải hàng hóa đã nhiều lần gửi văn bản tới Bộ GTVT góp ý về những điểm bất hợp lý nhưng chưa bao giờ được bộ trả lời, giải thích trực tiếp. Buổi hội thảo này dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo Bộ GTVT nhưng cuối cùng kế hoạch đó đã không thành hiện thực. Các doanh nghiệp ngậm ngùi đùa: “Thôi ta đành nói cho nhau nghe vậy!”.

Quá nhiều phí

Các thành viên thuộc Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều cho rằng hàng loạt loại phí giao thông đang và sắp thu sẽ giáng những đòn rất mạnh tới doanh nghiệp.

Ông Võ Tân Thành, phó tổng thư ký VCCI, mở đầu hội thảo bằng con số đáng buồn: từ năm 2011 tới nay đã có cả trăm ngàn doanh nghiệp phá sản do tình hình kinh tế khó khăn. Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT lại đề xuất thu thêm hàng loạt loại phí khiến doanh nghiệp càng thêm lao đao. Ông Lê Thành Thảo - trưởng phòng pháp chế và an toàn giao thông Công ty CP vận tải và giao nhận Quảng Châu - cho rằng hiện nay có quá nhiều loại phí giao thông khiến doanh nghiệp làm ăn không có lãi. Một chuyến xe container chở hàng từ TP.HCM tới đầu tỉnh Tiền Giang có giá cước khoảng 1,3 triệu đồng, nhưng nếu đi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương phải chịu mức phí 640.000 đồng/chuyến (bằng 50% giá cước). Tương tự, một chuyến xe từ cảng Cát Lái (TP.HCM) đi Cần Thơ với giá cước khoảng 7 triệu đồng thì tổng phí giao thông đường bộ phải nộp lên tới gần 1,4 triệu đồng, chiếm khoảng 19% giá cước. “Với mức phí đường bộ như vậy, nếu tính đủ tất cả chi phí khấu hao tài sản, lãi suất ngân hàng... doanh nghiệp chịu không thấu” - ông Thảo nhấn mạnh.

Chỉ để thu tiền?

Về chủ trương thu phí hạn chế xe cá nhân, TS Trần Du Lịch cho rằng việc thu phí là cần thiết. Tuy nhiên, nếu thu phí mà vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng dưới 20% nhu cầu đi lại thì 80% còn lại vẫn buộc phải đóng phí để dùng xe cá nhân. Như vậy phải đặt lại câu hỏi thu phí để hạn chế xe cá nhân hay chỉ để thu tiền?

Các loại phí giao thông hiện nay đã cao, nhưng nếu cộng thêm loại phí bảo trì đường bộ với mức mà Bộ GTVT đang đề xuất là vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Ông Thảo nhẩm tính chỉ tính riêng phí đường bộ, với hơn 300 phương tiện các loại, mỗi tháng Công ty Quảng Châu phải đóng hơn 230 triệu đồng, cả năm đóng hơn 2,7 tỉ đồng. Ông Hà Thanh Sơn - Công ty vận tải Sơn Hà - tâm sự thật lòng: “Trên giấy tờ, công ty tôi báo cáo với cơ quan thuế là có lãi, nhưng thực tế lỗ nặng vì tiền phí quá nhiều. Phí giao thông chiếm hơn 18% doanh số của công ty trong năm 2011. Muốn sống được phải chuyển phần phí này sang giá cước, nhưng điều đó là không thể vì khách hàng không chấp nhận tăng cước”.

Về chủ trương thu phí hạn chế xe cá nhân, TS Trần Du Lịch cho rằng việc thu phí là cần thiết. Tuy nhiên, nếu thu phí mà vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng dưới 20% nhu cầu đi lại thì 80% còn lại vẫn buộc phải đóng phí để dùng xe cá nhân. Như vậy phải đặt lại câu hỏi thu phí để hạn chế xe cá nhân hay chỉ để thu tiền?

Các doanh nghiệp cũng cho rằng việc có quá nhiều trạm thu phí đặt gần nhau, trạm thu phí để hoàn vốn tuyến đường này nhưng lại đặt ở tuyến đường khác “tạo ra một mạng lưới các trạm thu phí dày đặc theo kiểu vây bắt, tận thu đối với các xe vận tải”.

Chỉ chăm chăm thu phí

Ông Đinh Nam Dinh - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng theo Luật giao thông đường bộ, quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ nguồn phân bổ của ngân sách nhà nước, sau đó mới tới nguồn thu liên quan tới sử dụng đường. Nhưng theo nghị định về quỹ bảo trì đường bộ, nguồn đầu tiên được nhắc tới để hình thành quỹ lại là thu từ đầu các phương tiện. Ông Dinh đặt câu hỏi: “Phải chăng do chi phí xây dựng đường quá cao nên nguồn hình thành quỹ bảo trì từ ngân sách bị xem nhẹ? Dự thảo thông tư giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính chỉ chăm chăm tới nguồn thu phí từ các phương tiện giao thông?”.

Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Trần Du Lịch, phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nói cần phải gọi đúng tên loại “phí bảo trì đường bộ” mà Bộ GTVT đề xuất là “thuế đánh vào tài sản xe cơ giới”, vì người dân nộp tiền nhưng không được nhận lại một dịch vụ cụ thể nào. “Dù xấu hay đẹp, Nhà nước cũng phải làm đường cho dân đi. Khi làm một con đường khác đẹp hơn, tốt hơn mà người ta chuyển từ đường xấu sang đi đường tốt thì lúc đó việc thu tiền mới gọi là thu phí” - đại biểu Trần Du Lịch phân tích. Theo ông Lịch, thu phí bảo trì đường bộ là động trực tiếp tới túi tiền của người dân nên phải xem xét cẩn thận và phải được đem ra để Quốc hội bàn chứ không thể được quy định ở những cơ quan thấp hơn.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói việc thu phí bảo trì đường bộ cần được tính toán hợp lý, hợp pháp, hợp tình để nhận được sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Tính hợp lý hay không thể hiện ở mục đích thu, mức thu, thời điểm thu, cách thu. Đồng thời phải xác định rõ thu rồi thì tiền sẽ được dùng như thế nào và phải có cơ chế giám sát, xử lý sai phạm. “Việc thu phí phải minh bạch và phải có cơ chế chịu trách nhiệm. Nếu thu phí nhưng việc sử dụng không hiệu quả, đường sá vẫn xấu thì phải có người từ chức” - luật sư Nghĩa nói.

Còn nhiều băn khoăn

Các doanh nghiệp dự hội thảo bày tỏ nhiều băn khoăn và hoài nghi về hiệu quả của việc thu phí bảo trì đường bộ. Theo ông Nguyễn Ngọc Lự - một người làm lâu năm trong ngành vận tải, hiện Việt Nam đã thu phí xăng dầu (nay đổi tên thành thuế môi trường) nhưng thu được bao nhiêu, đã chi như thế nào thì chưa được công bố rõ ràng nên người dân không yên tâm khi tiếp tục phải đóng thêm phí bảo trì.

Các doanh nghiệp cho rằng mức phí bảo trì đường bộ đang được đề xuất là quá cao và mang tính chủ quan, muốn tận thu của dân. Mức phí cao như vậy dựa trên cơ sở nào? Các đại biểu cho rằng cần có một cơ quan độc lập với Bộ GTVT và Bộ Tài chính để xác định mức phí bảo trì với từng loại phương tiện như thế nào là hợp lý, chứ không thể để tình trạng các bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay.

Còn nhiều bất cập khác trong đề xuất thu phí bảo trì đường bộ của Bộ GTVT được các doanh nghiệp điểm tên như: việc đánh đồng thu theo đầu phương tiện khiến các xe dù có sử dụng đường hay không cũng phải đóng phí. Cách thu phí theo kỳ đăng kiểm hoặc theo chu kỳ từ ba tháng trở lên sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải đi vay tiền để đóng phí... Các đại biểu dự hội thảo kiến nghị Bộ GTVT cần tính toán nên thu phí bảo trì qua xăng dầu (có biện pháp hoàn phí cho những phương tiện dùng xăng dầu nhưng không tham gia giao thông) thay vì thu qua đầu phương tiện để đảm bảo công bằng. Mặt khác, nếu đã đóng phí bảo trì mà đường xấu gây tai nạn thì chủ phương tiện có được bồi thường không cũng là câu hỏi mà các doanh nghiệp đang chờ được trả lời.

Ông Trần Du Lịch cho rằng trong bối cảnh đất nước đang phát triển thì rất cần sự đóng góp về thuế, phí của doanh nghiệp để phát triển hạ tầng, nhưng không thể lạm dụng thu những loại phí không hợp lý và thiếu minh bạch. Ông Trần Du Lịch cho biết sẽ chuyển tải những bức xúc về phí của các doanh nghiệp tại kỳ họp Quốc hội tới đây. Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng VCCI và các hiệp hội nên rà soát tất cả loại phí giao thông hiện nay, đánh giá tác động của từng loại để đề xuất các cơ quan liên quan xóa bỏ những loại phí giao thông không phù hợp.

BÁ SƠN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,931

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn