29/03/2012 08:18 AM

TT - Đó là đề nghị của ông Đinh Xuân Thảo - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội - về việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất thu hai loại phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, tránh ùn tắc.

Ông Thảo nói:

Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Theo tôi, trước hết cần làm rõ mục tiêu của hai loại phí “hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ” và “phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm”. Qua báo chí tôi được biết Bộ GTVT đề ra mục tiêu là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc ở trung tâm thành phố giờ cao điểm và tạo nguồn đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

Tuy nhiên, theo pháp lệnh thì “phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ”, nhưng ở đây không phải người dân trả phí để được cung cấp dịch vụ mà lại là “hạn chế phương tiện cá nhân”. Nếu giải thích rằng đây như một dạng phí để tạo nguồn chi thì việc này đã có một số nguồn thu liên quan rồi, ví dụ như phí bảo trì đường bộ sắp tới sẽ thu... Cùng một mục đích, tính chất của nguồn thu mà phương thức thu khác nhau thì như người ta gọi là phí chồng lên phí.

- Đúng là nhiều nước đã áp dụng các chính sách có liên quan. Tuy nhiên, khi chúng ta học mô hình của các nước thì vấn đề đặt ra là điều kiện của họ lại khác mình. Nhiều nước có những phương tiện giao thông công cộng khác để thay thế phương tiện giao thông cá nhân, ví dụ như tàu điện ngầm...

Nghĩa là ở các nước đó, nếu người dân không có điều kiện sử dụng phương tiện cá nhân thì hoàn toàn có thể sử dụng phương tiện công cộng thay thế, mà vẫn đảm bảo việc đi lại bình thường. Trong khi đó với điều kiện của chúng ta, nếu không được sử dụng xe công thì phương tiện đi làm duy nhất và thuận lợi nhất mà người dân có thể sử dụng là xe máy hoặc ôtô. Liệu có nên đưa ra việc hạn chế trong khi chưa tạo ra ngay được dịch vụ khác thay thế hay không?

Tôi nói ví dụ như phương tiện ôtô, ngoại trừ các loại xe đắt tiền thì ôtô là loại phương tiện cá nhân phổ thông ở nhiều nước và so với dân số thì ôtô ở nước ta chưa phải là nhiều, trong khi đó mỗi chiếc ôtô lưu hành trên đường hiện nay đã phải chịu nhiều loại thuế và phí khác nhau, nhất là ôtô chín chỗ trở xuống, nên có giá thành khá cao so với khu vực và thế giới. Tất nhiên là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của chúng ta còn kém, nhưng ở đây còn có vấn đề bảo đảm quyền công dân.

Vừa qua chúng ta đã chứng kiến câu chuyện liên quan đến việc thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Nhà đầu tư có nhu cầu thu hồi vốn, nhưng phí cao quá thì lại trở thành gánh nặng đối với chủ phương tiện giao thông, thậm chí mặc dù có nhiều tiện lợi nhưng người ta lại né con đường cao tốc này nên nó trở nên vắng vẻ, nghĩa là ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của cả chủ đầu tư lẫn người tham gia giao thông.

Khi nói đến nguồn thu thì một trong những điều quan trọng nhất là nuôi dưỡng nguồn thu. Có nuôi dưỡng mới có phát triển để hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng hai loại phí nêu trên liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, cho nên phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, nhất là những đối tượng chịu sự tác động của chính sách.

- Quá trình thi hành pháp lệnh phí và lệ phí đã có loại phí thực tế không thu được, hoặc thấy không phù hợp nên phải loại bỏ chứ không phải là tăng lên. Ngay trong khu vực, có nước làm đường trên cao để tránh ùn tắc, người nào muốn đi đường đó vào giờ cao điểm thì phải đóng phí, kiểu như cung cấp một loại dịch vụ cao cấp để người tham gia giao thông tùy ý lựa chọn.

Qua đó cho thấy khi kinh tế phát triển, thu nhập của người dân cao lên thì việc huy động tăng lên là điều bình thường nếu có dịch vụ tốt kèm theo. Vấn đề là phải căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội cụ thể chứ không phải cứ mỗi năm lại tăng lũy tiến. Trong bối cảnh lạm phát cao thì cần phải cân đối đảm bảo phát triển sản xuất và an sinh xã hội.

- Việc này do Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Tôi cho rằng nên tính toán kỹ, để giải quyết ùn tắc giao thông cần có giải pháp đồng bộ như tăng cường hơn nữa phương tiện giao thông công cộng, giảm tải dân số cho khu vực trung tâm... Hiện nay, đa số người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân trong cuộc sống hằng ngày, nếu như nhiều loại chi phí gộp vào mà thu nhập không đủ bù đắp thì đời sống sẽ bị ảnh hưởng.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,789

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn