Không phải tất cả giáo viên đều bắt buộc nâng chuẩn trình độ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
03/07/2020 15:09 PM

Ai phải tham gia học nâng chuẩn trình độ được đào tạo là câu hỏi được nhiều giáo viên quan tâm. Để trả lời cho câu hỏi này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP về lộ trình nâng chuẩn.

nâng chuẩn trình độ

Không phải tất cả giáo viên đều phải nâng chuẩn trình độ (Ảnh minh họa)

Không phải tất cả giáo viên đều phải nâng chuẩn trình độ

Luật giáo dục 2019 đã nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với đối tượng là giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; cụ thể:

- Giáo viên mầm non: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (Luật cũ là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm trở lên).

- Giáo viên tiểu học, THCS: Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (Luật cũ có bằng trung cấp sư phạm trở lên với giáo viên tiểu học, cao đẳng trở lên với giáo viên THCS).

Vì vậy, Chính phủ đã ban hành lộ trình để thực hiện nâng chuẩn với những giáo viên đã được tuyển dụng. Tuy nhiên, chỉ những đối tượng sau đây phải tham gia đào tạo nâng chuẩn (không phải tất cả giáo viên):

- Giáo viên mầm non có đủ 2 yếu tố:

+ Chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.

+ Tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

- Giáo viên tiểu học có đủ 02 yếu tố:

+ Chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.

+ Tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên đang có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên đang có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

- Giáo viên THCS có đủ 02 yếu tố:

+ Chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.

+ Tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Lưu ý: Không phân biệt giáo viên trường công hay trường tư, tất cả nếu không đủ chuẩn, thuộc nhóm đối tượng nêu trên đều phải tham gia đào tạo.

Lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo với giáo viên

Đối với giáo viên mầm non:

- Lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;

+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Đối với giáo viên tiểu học:

- Lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Đối với giáo viên THCS

- Lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Quý Nguyễn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,544

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn