Tải App trên Android

Quốc hội chính thức thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi)

16/06/2020 16:04 PM

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 16/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh niên sửa đổi.

Kết quả biểu quyết có 91,30% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với Luật Thanh niên (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận: Với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi).

Trước đó, Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày nêu rõ: Ngày 25/5/2020, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Đa số ý kiến nhất trí với quan điểm về định hướng xây dựng Luật và nội dung của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng về thanh niên, công tác thanh niên; bảo đảm tạo điều kiện cho thanh niên phát huy vai trò, sứ mệnh của mình trong thời đại mới.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển mới, thanh niên có một vị trí đặc biệt quan trọng. Việc thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thanh niên và công tác thanh niên là định hướng và nhiệm vụ quan trọng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật. Quán triệt quan điểm chỉ đạo này, dự thảo Luật đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật để nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; quy định về chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, để thanh niên xứng đáng là “…rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu, có vai trò quan trọng góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội…”; để thanh niên Việt Nam nhận thức rõ và đầy đủ về trách nhiệm của mình, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”; “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.

Cách quy định như dự thảo Luật bảo đảm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, không chồng chéo với các luật chuyên ngành, đồng thời tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thanh niên khẳng định, phát huy và cống hiến. Bên cạnh đó, sau khi Luật được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra giám sát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Thanh niên, bảo đảm các chính sách được tổ chức thực thi có hiệu quả ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

Về Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam (Điều 7): Đa số ý kiến đồng ý với quy định về Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị quy định Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ về thanh niên và công tác thanh niên. Có ý kiến đề nghị không quy định về Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam trong Luật vì đây là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Qua hơn 22 năm hoạt động, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các chiến lược, chính sách dành cho thanh niên; thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. Vì vậy, việc tiếp tục quy định Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ là cần thiết, một mặt kế thừa quy định của Luật Thanh niên hiện hành, không làm phát sinh biên chế, bộ máy; là căn cứ cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong việc điều hòa, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng liên ngành về thanh niên; đáp ứng yêu cầu đặc thù của đối tượng; mặt khác đảm bảo phù hợp với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, phù hợp với các căn cứ chính trị pháp lý có liên quan. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về Tháng Thanh niên (Điều 9): Có ý kiến băn khoăn về việc có nên quy định về Tháng Thanh niên; có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc quy định cụ thể tháng 3 là Tháng Thanh niên. Tuy nhiên, một số ý kiến lại đồng tình với quy định như dự thảo Luật, cần thiết phải có Tháng Thanh niên để thanh niên thể hiện sức trẻ, tinh thần tình nguyện và trách nhiệm với đất nước, đồng thời để xã hội quan tâm, chăm lo hơn tới thanh niên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Đảng, Nhà nước và xã hội luôn dành sự quan tâm, đầu tư, chăm lo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên. Năm 2003, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định lấy tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên gắn với kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3). Việc tổ chức Tháng Thanh niên nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh quan trọng của thanh niên, trách nhiệm của toàn xã hội đối với thanh niên và trách nhiệm của thanh niên đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và xã hội, Tháng Thanh niên đã thực sự là dịp để thanh niên cả nước hăng hái thi đua, triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, xung kích, tình nguyện, thực hiện các chương trình, phần việc thanh niên, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào hoạt động của thanh niên trong năm. Đồng thời, đây cũng là dịp Đảng, Nhà nước tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương điển hình, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi).

Ngoài Tháng Thanh niên, thanh niên còn tham gia vào nhiều hoạt động theo chương trình công tác năm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam được tổ chức thường xuyên, trải đều các tháng trong năm, đặc biệt vào các ngày lễ lớn, ngày truyền thống, điển hình như: ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam (09/01), ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02), ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn (tháng 7), ngày Quốc khánh (02/9)… Vì vậy, việc quy định về Tháng Thanh niên là cần thiết, xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Luật.  

Về Đối thoại với thanh niên (Điều 10): Có ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên; có ý kiến đề nghị việc tổ chức đối thoại phải tiến hành định kỳ hằng năm, không chỉ theo yêu cầu của tổ chức thanh niên; tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng quy định như vậy sẽ dẫn đến việc lãng phí, hình thức, không cần thiết. Tiếp thu ý kiến đại biểu, để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của hoạt động đối thoại với thanh niên, tránh việc tổ chức đối thoại một cách tràn lan, hình thức, gây lãng phí về thời gian và nguồn lực, khoản 1 Điều 10 đã được chỉnh lý như thể hiện trong dự thảo Luật.

Về Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Chương III): Có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách cho đối tượng thanh niên vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng, thanh niên nông thôn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, để tránh chồng chéo, trùng lắp trong hệ thống pháp luật, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên cần được xây dựng theo lĩnh vực và chỉ quy định chính sách cho một số đối tượng đặc thù như thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên là người dân tộc thiểu số, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; các nhóm đối tượng khác thực hiện theo pháp luật chuyên ngành để đảm bảo tính khả thi, bình đẳng, công bằng, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về thanh niên có tài năng. Tuy nhiên, một số ý kiến lại đồng tình với quy định như dự thảo Luật và cho rằng, thanh niên có tài năng bao gồm nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như văn hóa, giáo dục, thể thao, lao động, việc làm…, bao gồm nhiều đối tượng khác nhau, từ học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đến nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ trẻ… vì thế rất khó quy định tiêu chí chung cho tất cả đối tượng thuộc những lĩnh vực này mà nên được quy định trong các văn bản dưới luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát các quy định về thanh niên có tài năng để đảm bảo thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, dự thảo Luật quy định Nhà nước có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện chính sách đối với thanh niên có tài năng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.

Về Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Điều 28): Một số ý kiến đề nghị làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong suốt quá trình lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn nêu cao vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Điều lệ Đảng đã khẳng định Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học xã hội chủ nghĩa; đại diện quyền lợi của thanh niên; phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Quán triệt chủ trương của Đảng, tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật đã quy định về vai trò, tổ chức, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như thể hiện tại Điều 28 dự thảo Luật. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã quy định trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên; phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về thanh niên; phối hợp với Bộ Nội vụ tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Về Quản lý nhà nước về thanh niên (Chương VI): Có ý kiến đề nghị trong tương lai cần nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên hoặc Bộ Thanh niên và Thể thao trên cơ sở hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc nghiên cứu thành lập Bộ chuyên trách về công tác thanh niên trên cơ sở hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về thanh niên là ý kiến xác đáng. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng gắn với mô hình tổ chức Chính phủ và hệ thống chính trị, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp. Có ý kiến đề nghị giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên; có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Thực tiễn thi hành Luật những năm qua cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên là do công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, trong khi thanh niên là đối tượng liên quan đến nhiều lĩnh vực trong xã hội. Đối với Bộ Nội vụ, sau khi được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên cũng đã có cố gắng và đạt kết quả nhất định. Vì vậy, nhằm khắc phục những bất cập thời gian qua, đáp ứng chủ trương, yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, phù hợp với thực tiễn hiện nay và bảo đảm tính ổn định trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép tiếp tục giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên như dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ quan tâm kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.

Ngoài các nội dung đã tiếp thu, giải trình trên đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Với Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,606

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]