Ảnh minh họa
Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới nêu rõ: Được nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng, chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, trình tự hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 sau: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Tại công văn số 3306/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, chính xác; đề cao trách nhiệm và sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.
Còn tại văn bản số 3339/VPCP-V.I, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong thông báo 170/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: Người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg; các đơn vị phân công người trực; riêng hệ thống phòng, chống dịch bệnh phải hoạt động 100%, nhất là trong trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5.
Bỏ quy định cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế theo quy định tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ.
Căn cứ diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các biện pháp quản lý phù hợp để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước theo quy định.
Chính phủ giao Bộ Y tế, Bộ Công Thương công khai danh sách, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang. Giao Bộ Tài chính công khai danh sách doanh nghiệp, số lượng khẩu trang y tế xuất khẩu.
Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở có hiện tượng tăng giá bán nguyên liệu bất hợp lý, đầu cơ tích trữ khẩu trang và sản xuất khẩu trang y tế không phù hợp tiêu chuẩn.
Thủ tướng cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ 1/5/2020
Thông báo 172/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới nêu rõ: Từ ngày 1/5/2020 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP và thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế có sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.
Chương trình hành động của Chính phủ nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 50-NQ/TW khóa XII đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ:
1- Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động.
2- Tăng cường ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
3- Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài.
4- Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư.
5- Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm và hợp tác của nhà đầu tư.
6- Hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư.
7- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
8- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn
Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể về điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.
Cụ thể, sân gôn được xây dựng tại địa điểm đáp ứng các điều kiện sau: Phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan; đáp ứng điều kiện xây dựng công trình cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật kết nối trong và ngoài khu vực sân gôn; phù hợp với yêu cầu lập hành lang bảo vệ nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tài nguyên môi trường biển, hải đảo...
Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả dông lốc, mưa đá
Từ đầu năm đến nay, dông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn xảy ra nhiều đợt, trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, làm 8 người chết; trên 40.000 nhà và 30.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Để ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 481/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá.
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" với mục tiêu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.
Tập trung chỉ đạo hoàn thành giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành
Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai cần tập trung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để hoàn thành cơ bản mặt bằng trong năm 2020 để kịp phục vụ khởi công Dự án Cảng hàng không Long Thành; chủ động đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Phó Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc thực hiện công bố thông tin DNNN
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo doanh nghiệp trực thuộc triển khai đầy đủ, đúng quy định về công bố thông tin tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Đối với các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa xây dựng chuyên mục riêng và công bố thông tin của doanh nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện nội dung này trong tháng 6/2020; gửi kết quả về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công bố thông tin trong năm 2019 hoặc trong cả 4 năm 2016 - 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp theo hướng khiển trách hoặc cảnh cáo và xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP; xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện việc công bố thông tin theo đúng quy định.
Minh Hiển
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ