Chính sách nổi bật có hiệu lực trong Tết Âm lịch 2020

23/01/2020 08:00 AM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng gửi đến Quý khách hàng chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong Tết Âm lịch 2020 (từ ngày 23 - 29/01/2020).

File Word chính sách nổi bật
có hiệu lực trong Tết Âm lịch 2020

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

1. Phải kịp thời hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước

Đây là một trong những nguyên tắc phải đảm bảo khi hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước theo Thông tư 09/2019/TT-BTP (có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2020).

Cụ thể, việc hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

- Tuân thủ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật có liên quan;

- Kịp thời, chính xác, trung thực, khách quan;

- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước được thực hiện đối với vụ việc đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Nội dung hướng dẫn bao gồm:

- Quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại;

- Trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường;

- Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

- Phục hồi danh dự;

- Việc chi trả tiền bồi thường.

2. ớng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước

Thông tư 08/2019/TT-BTP quy định về biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.

Theo đó, Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ trong các trường hợp sau đây:

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là các cơ quan quy định tại các điểm a, b, c, d, d, e, g, h, i, k khoản 3 Điều 19 Nghị định 68/2018/NĐ-CP;

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là UBND cấp tỉnh;

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho UBND cấp tỉnh để cơ quan này hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan trong phạm vi địa phương mình thực hiện công tác bồi thường nhà nước;

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự, hình sự, hành chính có yêu cầu bồi thường;

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan đã được UBND cấp tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ mà cơ quan đó tiếp tục đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ;

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ  khi có yêu cầu để các cơ quan này chỉ đạo các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của mình thực hiện công tác bồi thường nhà nước;

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Cục Bồi thường nhà nước giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Cũng theo Thông tư 08/2019/TT-BTP, UBND cấp tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ trong các trường hợp sau đây:

-Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại địa phương;

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án cấp tỉnh và tương đương, Tòa án cấp huyện và tương đương có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự, hình sự, hành chính có yêu cầu bồi thường.

Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Thông tư 08/2019/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2020.

3. Hướng dẫn mới về đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 17/2019/TT-BKHCN về hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất (có hiệu lực từ ngày 25/01/2020 và thay thế Thông tư 04/2014/TT-BKHCN ngày 08/4/2014).

Theo đó, một số từ ngữ và khái niệm dưới đây được hiểu như sau:

- Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất là mức độ đạt được của hiện trạng công nghệ, khả năng tổ chức, khai thác công nghệ hiện có, khả năng hấp thụ, làm chủ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực.

- Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp là việc phân tích, xác định hiện trạng, hiệu quả sử dụng, khai thác công nghệ sản xuất và đánh giá khả năng tổ chức, khai thác công nghệ hiện có, khả năng hấp thụ, làm chủ, nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

- Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của ngành, lĩnh vực sản xuất là việc phân tích, tổng hợp các kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực sản xuất.

- Hệ số đồng bộ về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất là hệ số thể hiện vai trò tác động một cách đồng bộ của các nhóm tiêu chí thành phần tới việc hình thành trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.

4. Quy định về nội dung bản đồ địa hình quốc gia tỉ lệ 1:2.000, 1:5.000

Thông tư 19/2019/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỉ lệ 1:2.000, 1:5.000.

Bản đồ địa hình quốc gia tỉ lệ 1:2.000 và 1:5.000 được thành lập từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bao gồm các nhóm lớp dữ liệu sau:

- Nhóm lớp cơ sở toán học;

- Nhóm lớp dữ liệu địa hình;

- Nhóm lớp dữ liệu thủy văn;

- Nhóm lớp dữ liệu dân cư;

- Nhóm lớp dữ liệu giao thông;

- Nhóm lớp dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính;

- Nhóm lớp dữ liệu phủ thực vật.

Nội dung bản đồ địa hình quốc gia tỉ lệ 1:2.000, 1:5.000 được thể hiện bằng các ký hiệu tương ứng theo mẫu Ký hiệu Bản đồ địa hình quốc gia tỉ lệ 1:2.000, 1:5.000 quy định tại Điều 16 của Thông tư 19/2019/TT-BTNMT.

Độ chính xác biểu thị các yếu tố nội dung bản đồ phải bảo đảm các quy định tại Điều 5 của Thông tư 19/2019/TT-BTNMT.

Thông tư 19/2019/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/01/2020 và bãi bỏ nội dung ký hiệu bản đồ địa hình tỉ lệ 1:2.000 và 1:5.000 tại Quyết định 1125/ĐĐBĐ ngày 19/11/1994 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính; bãi bỏ khoản 1.4 Mục 1 Quy định chung; Mục 2 Cơ sở toán học và độ chính xác của bản đồ địa hình; Mục 3 Nội dung bản đồ tại Quyết định 17/2005/QĐ-BTNMT ngày 21/12/2005.

5. Bổ sung Danh mục chi tiết mã số HS một số hàng hóa xuất, nhập khẩu

Bộ Công thương đã ban thành Thông tư 41/2019/TT-BCT bổ sung Danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cụ thể như sau:

- Phụ lục I – Danh mục chi tiết theo mã HS đối với thóc, gạo xuất khẩu quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BCT;

- Phụ lục II – Danh mục chi tiết theo mã HS đối với tinh dầu xá xị tạm nhập, tái xuất quy định tại Thông tư 10/2011/TT-BCT;

- Phụ lục III – Danh mục chi tiết theo mã HS đối với kinh cương thô quy định tại Thông tư liên tịch 14/2009/TTLT-BCT-BTC;

- Phụ lục IV – Danh mục chi tiết theo mã HS đối với xăng, dầu quy định tại Thông tư 38/2014/TT-BCT;

- Phụ lục V – Danh mục chi tiết theo mã HS đối với khoáng sản xuất khẩu bổ sung mã HS tại Phụ lục 1 Thông tư 12/2016/TT-BCT;

- Phụ lục VI – Danh mục chi tiết theo mã HS đối với nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điều thuốc lá quy định tại Thông tư 57/2018/TT-BCT;

- Phụ lục VII – Danh mục chi tiết theo mã HS đối với máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá bổ sung mã HS tại Phụ lục 72 Thông tư 57/2018/TT-BCT;

- Phụ lục VIII – Danh mục chi tiết theo mã HS đối với than xuất khẩu bổ sung mã HS tại Phụ lục I Thông tư 15/2013/TT-BCT.

Thông tư 41/2019/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/01/2020.

Châu Thanh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,030

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]