02/02/2012 08:17 AM

- Bàn về vấn đề đoàn kết trong Đảng, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định tầm quan trọng của việc Đảng phải chọn đúng cán bộ có đức, tài, bản lĩnh. Bởi theo ông, khi tồn tại chuyện "người chưa giỏi chỉ huy người giỏi", nội bộ sẽ không bao giờ yên.

Trong bài viết đầu năm gửi VietNamNet, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định đoàn kết trong Đảng làm nền cho đại đoàn kết toàn dân.

Mở rộng dân chủ thực sự

Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Tôi hiểu đây không chỉ là điệp khúc, nhấn mạnh của Người. Mà còn hàm chứa nội dung rất thiêng liêng bên trong mà Bác để lại cho đời sau. Đoàn kết thứ nhất là đoàn kết trong Đảng. Đoàn kết thứ hai là đoàn kết toàn dân. Đoàn kết thứ ba là đoàn kết quốc tế. Khi hội tụ cả 3 đoàn kết kể trên thì việc gì cũng thành công. Bác Hồ chúng ta là người nói và làm như vậy. Chân lý đó bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Về "Đoàn kết trong Đảng":

Đoàn kết là sức mạnh. Mạnh mà phân lực thì vẫn yếu. Yếu mà hợp lực thì vẫn mạnh. Sức mạnh của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng chính là sức mạnh đoàn kết. Đảng lãnh đạo là Đảng tiên phong, Đảng muốn làm tròn nhiệm vụ tiên phong thì phải đoàn kết. Đảng lãnh đạo là hạt nhân chính trị của tổ chức, địa phương, đơn vị. Muốn làm tròn nhiệm vụ hạt nhân chính trị thì phải đoàn kết, làm mẫu, làm gương để đoàn kết, tập hợp quần chúng cùng hành động.

Thực tiễn đã chứng minh rằng: Mọi tổ chức Đảng từ trung ương đến địa phương muốn đoàn kết thống nhất thì phải làm tốt 4 nội dung cơ bản sau đây:

1. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành:

Một tổ chức mạnh là một tổ chức vận hành đúng các nguyên lý xây dựng Đảng. Tôn trọng cơ chế mở rộng dân chủ để tiếp nhận ý kiến góp ý của cán bộ, nhân dân và đảng viên. Người chủ trì (Đảng, Nhà nước, đoàn thể) không nên nói sớm ý kiến của cá nhân mình. Làm cho đảng viên ngại nói ngược lại những ý muốn của cấp trên, thực chất cũng là hạn chế và bóp nghẹt dân chủ. Khi triệu tập hội nghị phải tính toán quỹ thời gian gắn với số lượng người dự họp để ai cũng được phát biểu ít nhất là 5 phút.

Đó là cách mở rộng dân chủ thực sự để người chủ trì có đủ thông tin đa chiều khi kết luận hội nghị. Tránh trình trạng chỉ kết luận ý kiến những người đã phát biểu, chưa hẳn đã đại diện cho những người chưa phát biểu. Dân chủ là tạo môi trường cho mọi người nói hết ý kiến của mình. Còn tập trung là kết luận theo nguyện vọng chính đáng của đa số người dự họp. Đó là kết quả của tập trung khi đã mở rộng dân chủ; là thực thi dân chủ để tập trung đúng đắn và chuẩn mực nhất. Tóm lại, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ là con đường duy nhất để tôn trọng lẫn nhau, thông thoáng tư tưởng, tập hợp trí tuệ, để ít phạm sai lầm khi chỉ đạo, điều hành của một đảng cầm quyền.

Xấu dễ lộng quyền

2. Chọn đúng cán bộ chủ trì:

Muốn đoàn kết trong Đảng phải chọn đúng cán bộ chủ trì có đủ đức, tài, bản lĩnh và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ. Nhiều nơi mất đoàn kết, nội bộ không yên không vui đều do chọn và bố trí cán bộ chủ trì không đúng. Trên thực tế chỉ có người có đức mới tập hợp được người có tâm.

Chỉ có người có tài mới phát hiện, sử dụng và bảo vệ người có tài. Cách lựa chọn tốt nhất hiện nay là bỏ phiếu tín nhiệm để chọn người có đức, sau đó tổ chức thi tuyển công khai được truyền hình trực tiếp trên mạng, trên các phương tiện thông tin đại chúng cho toàn dân tham gia để chọn người có tài trong những người có đức. Chọn đúng cán bộ chủ trì thì mọi việc sẽ tốt đẹp.

Ngược lại, chọn sai cán bộ chủ trì thì nhiều hậu quả sẽ phát sinh, trước tiên là ba hậu quả rất rõ:

Một: Cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước không thể tiến nhanh được vì thiếu người có tài chủ trì dẫn dắt.
Hai: Người chưa giỏi chỉ huy người giỏi, nội bộ không bao giờ yên.
Ba: Khi người đứng đầu không ngang tầm thì dễ dẫn đến xu thế: Người tốt không có chỗ dựa, người xấu dễ chi phối, lộng quyền.

3. Quản lý tài chính tốt, phân phối lợi ích công bằng, dân chủ, công khai:

Muốn đoàn kết phải coi trọng quản lý tài chính và phân bố lợi ích đúng với thành quả đóng góp của mỗi thành viên.

Bản chất của quản lý kinh tế là quản lý tiền tệ. Bản chất của quản lý xã hội là quản lý con người. Trên thực tế quản lý tốt tiền tệ là góp phần quản lý tốt tài chính, xã hội và con người. Người Việt Nam rất hào hiệp và khắt khe.

Hào hiệp thể hiện khi tổ chức một bữa liên hoan tốn kém hàng chục triệu đồng nếu thiếu một bạn hữu sẽ buồn. Khắt khe khi tiền thưởng hơn kém nhau năm bảy chục ngàn đồng mà không rõ nguyên nhân sẽ bất bình, khó chịu. Đó là tính hai mặt thuần túy của một con người, đòi hỏi người chỉ huy phải chặt chẽ, thận trọng, công minh, chính xác trong phân phối lợi ích để giữ hòa khí, khuyến khích người có công và đoàn kết hợp lực trong đơn vị.

4. Phải quan tâm phê và tự phê để mọi người đều tiến bộ và trưởng thành:

Đảng nắm cán bộ thì phải nắm vũ khí phê và tự phê bình. Hàng năm phải nhận xét, đánh giá cán bộ dân chủ công khai. Nhận xét đánh giá cán bộ là cơ sở để bố trí, sử dụng và đề bạt cán bộ. Phê và tự phê giúp cán bộ tự soi xét lại mình để sống và làm việc tốt hơn.

Phê và tự phê phải có phương pháp tốt, giàu tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Phê và tự phê phải đạt mục tiêu: Người góp ý tin đồng chí mình sẽ tiếp thu và sửa chữa tốt. Người đón nhận góp ý thì nhận thấy đồng chí của mình có tấm lòng thân thiện vì sự tiến bộ của chính mình.

Yêu cầu cao nhất của phê và tự phê là giúp nhau tiến bộ, trưởng thành theo đạo lý: Người thông minh nhất là người sớm nhận ra khuyết điểm của mình và sửa chữa nhanh nhất. Ai cũng có khuyết điểm thì cần phải sửa chữa khuyết điểm, nhưng một khi đã tìm mọi cách để bào chữa cho khuyết điểm của mình thì phải chuẩn bị đón nhận một nguy cơ mới xấu hơn. Vì thế tính chân thành và cầu thị trong phê và tự phê luôn luôn cần và phải được đề cao.

Tất cả vì phát triển

Về "Đoàn kết toàn dân":

Đoàn kết trong Đảng luôn luôn là nền tảng để đoàn kết toàn dân. Nội hàm của Đoàn kết toàn dân bao gồm 3 nội dung lớn:

1. Đoàn kết các tôn giáo:

Tôn giáo là một lực lượng xã hội rộng lớn cần được tập hợp dưới ngọn cờ Đại đoàn kết dân tộc của Đảng.
Đoàn kết các tôn giáo là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi hoạt động tín ngưỡng để Đạo gắn với Đời. Tôn giáo tốt thì xã hội tốt.
Đoàn kết Tôn giáo là gắn lợi ích của tôn giáo với lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích toàn dân.

2. Đoàn kết các dân tộc:

Các dân tộc Việt Nam là con em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Các dân tộc cùng đoàn kết xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, yên vui.
Các dân tộc cùng tự do, bình đẳng, xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh.
Các dân tộc cùng vun đắp cho đời sống vật chất, tinh thần ngày càng sáng giá trong nước và quốc tế.

3. Đoàn kết vùng miền:

Đoàn kết toàn dân là đoàn kết các vùng miền trong cả nước. Làm sao các vùng miền trong cả nước có đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội xích lại gần nhau. Tất cả vì kinh tế phát triển, chính trị ổn định, an ninh quốc phòng vững mạnh để Việt Nam trở thành một điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế.

Về "Đoàn kết quốc tế":

Đoàn kết quốc tế trước hết là đoàn kết với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thành một khối thống nhất vì sự phát triển nhanh, bền vững của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Đoàn kết quốc tế là đoàn kết với các nước tiên tiến để tận dụng tiềm năng kinh tế, khoa học công nghệ, kinh nghiệm, chất xám để nước ta đi tắt, đón đầu, bứt phá nhanh hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đoàn kết quốc tế là đoàn kết với các nước đang phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, thi đua làm giàu chính đáng. Đoàn kết quốc tế là đoàn kết với các tổ chức chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghề nghiệp mang tính khu vực và toàn cầu. Vì mục tiêu Việt Nam luôn là bạn của mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đoàn kết quốc tế trong thời đại ngày nay không chỉ là thêm bạn, bớt thù, mà phải phấn đấu “tăng bạn, hết thù” để Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh, sớm trở thành một quốc gia giàu mạnh, văn minh của khu vực và thế giới.

Lê Doãn Hợp (nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,938

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn