Đại diện Bộ Công Thương: "Dứt khoát phải làm thép"

13/12/2016 08:35 AM

Trao đổi với báo chí về quan điểm đối với việc phát triển các dự án thép, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định: "Làm thép dứt khoát là phải làm, còn chuyện hiện nay thép thế giới thừa không nói thừa hay thiếu mà phải nói khả năng cạnh tranh".

Theo lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), sản xuất thép rất quan trọng vì đây là công nghiệp nền, cơ bản để phát triển ngành công nghiệp.

Ngày 14/11/2016, trên cơ sở yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã gửi Bộ Công Thương đề xuất thực hiện đầu tư và báo cáo tiền khả thi sơ bộ dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Hiện dự án này đang ở trong giai đoạn bổ sung vào quy hoạch và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sợ xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Chiều ngày 12/12 trao đổi với báo chí về quan điểm đối với việc phát triển các dự án thép, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định: "Làm thép dứt khoát là phải làm, còn chuyện hiện nay thép thế giới thừa không nói thừa hay thiếu mà phải nói khả năng cạnh tranh".

Theo ông Hoài, về năng lực cạnh tranh, hiện nay thép Trung Quốc cạnh tranh được với thép của Anh hay Mỹ do giá nhân công thấp trong khi đó giá nhân công của Việt Nam còn thấp hơn Trung Quốc.

Đối với dự án thép Hoa Sen - Cà Ná, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, "đau đầu" nhất là vấn đề nước và bản thân Ninh Thuận muốn thu hút nhà đầu tư thì phải giải quyết bài toán này. Theo ông Hoài, Chính phủ dự kiến đầu tư hàng nghìn tỷ đồng làm thuỷ lợi tại đây nhưng đây không phải là “vì Hoa Sen mà đây là biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, phải bỏ vốn ra mới thu về được”.

“Ninh Thuận là địa bàn kinh tế có điều kiện khó khăn ngang với Lai Châu, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả nước. Khi tôi đề nghị Tôn Hoa Sen làm thép lò cao thì họ đã tìm hiểu từ Đông Hội, vào Dung Quất rồi mới vào Ninh Thuận. Cần phải nói thêm rằng, Ninh Thuận 5 năm rồi không kêu gọi được nhà đầu tư lớn nào nên thấy dự án như vậy họ mừng quá. Như Hoà Phát, họ đóng thuế bằng 1 tỉnh Bắc Kạn mà công suất có 1,6 triệu tấn thôi. Giờ có thêm doanh nghiệp lớn nữa thì sẽ làm tốt hơn”, ông Hoài cho biết.

Ông Hoài cũng cho rằng, công nghiệp thép rất quan trọng vì đây là công nghiệp nền, cơ bản để phát triển ngành công nghiệp và giải quyết được bài toán nhập siêu với Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

“Thời điểm Tôn Hoa Sen khởi công nhà máy tôn năm ngoái, chúng tôi đang xử lý mỏ sắt Thạch Khê. Quặng sắt ta có, tôi gợi ý nên làm nhà máy thép. 1 năm xuất khẩu 7,6 triệu tấn gạo chỉ được 2 tỷ USD nên việc xây nhà máy thép sẽ giải quyết được cả bài toán nhập siêu khi vừa giúp giảm lượng nhập thép, vừa tận dụng được nguồn quặng sắt trong nước”, ông Hoài nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hoài nếu khai thác tài nguyên khoáng 1 tỷ USD sẽ đóng góp cho GDP 0,4% và nếu huy động được khoáng sản thì vừa giúp giảm bớt nhập khẩu, tạo công ăn việc làm, ổn định vĩ mô.

“Mỏ sắt Thạch Khê trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, với giá 60 - 70 USD thì chúng ta có 35 tỷ USD ở đó, chưa kể khoáng sản khác như crom có 5 - 6 tỷ USD. Mà GDP cả nước khoảng 193 tỷ USD, mà muốn tăng 0,1 điểm % GDP tương đương 200 triệu USD, khoáng sản sẽ đóng góp vào. Chưa kể, khoáng sản doanh thu chỉ bằng 1/12 công nghiệp chế biến chế tạo nhưng đóng góp GDP tương đương nhau. Nếu làm thép lò cao, sản xuất ra thép tấm, với 8 triệu tấn thép tấm và 6 triệu tấn thép xây dựng, sẽ tiết kiệm được 8 tỷ USD nhập khẩu. Rõ ràng được 4,5 câu chuyện ở đây”, ông Hoài nói.

Trước lo ngại về năng lực của chủ đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen, ông Hoài thông tin, hiện nay doanh nghiệp này có khoảng 4.000 tỷ đồng lãi chưa chia, năm nay dự kiến lãi 1.700 tỷ đồng và nếu làm giai đoạn đầu thì Ngân hàng Công thương (Vietinbank) có thể cho vay với hạn mức khoảng 500 triệu USD.

“Họ đang rất thận trọng nên giai đoạn đầu chỉ trình 4,5 triệu tấn. Mà 1 dự án để nhà tài trợ cho vay thì vốn tối thiểu là 15% và nếu xếp hạng tín nhiệm cao nữa thì vay vốn rẻ hơn mà các ngân hàng vẫn sẵn sàng tài trợ”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Ông Hoài cũng khẳng định: “Làm nhà máy thép, không có chuyện thép sống bằng điện giá rẻ, điện chiếm 5% thép thôi, còn công nghệ lò cao như Formosa, Hoà Phát thì họ không mua điện, mua ít thậm chí bán điện vào lưới khi dư thừa. Hiện nay tổng công suất điện cả nước 160 tỷ kWh/năm, nay tiêu thụ ngành thép 4 tỷ, tương đương 2%. Cũng 4 tỷ đó nhưng cách 10 năm trước thì mới chiếm lớn, xấp xỉ 10%".

Ngoài ra, với trình độ khoa học, công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện nay, nếu tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định vận hành, thì có thể "kiểm soát được vấn đề môi trường với các dự án".

Ông Hoài cho rằng, bản thân Việt Nam chưa có những doanh nghiệp được nuôi dưỡng trong môi trường công nghiệp, cũng chưa có quá trình tích luỹ công nghiệp lâu dài nên muốn làm công nghiệp thì phải “phù hợp với trình độ của mình”.

“Xuất phát điểm của Việt Nam thấp, sức mua thấp nên nếu không đóng cửa lại để thực hiện chiến lược thay thế nhập khẩu thì không còn đường nào khác. Chúng ta không thể theo mô hình công nghiệp của Hàn Quốc hay Thái Lan được. Hơn nữa, với doanh nghiệp làm được 1,5-4,5 triệu tấn thép thì cho thấy nội lực của doanh nghiệp đã lên được tầm mới, cần phải có chính sách khuyến khích”, ông nói.

Ông cũng nói thêm rằng: "Các chính sách hiện nay phải có doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt, hay nói cách khác, sản xuất công nghiệp muốn có cây to thì phải chấp nhận bẻ cây nhỏ đi. Theo đó, công nghiệp thép sẽ cần loại bỏ hết những nhà máy thép có quy mô nhỏ vài trăm tấn và chỉ nên để những doanh nghiệp có năng lực sản xuất lên tới hàng triệu tấn. Phải ưu tiên cho doanh nghiệp lớn. Theo tôi, ở Việt Nam chỉ nên có khoảng 3 doanh nghiệp thép lớn thay vì trăm hoa đua nở như giai đoạn trước".

Như tin đã đưa, hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế về dự án thép Hoa Sen-Cà Ná. Mặc dù hội thảo chưa diễn ra nhưng đã có nhiều chuyên gia bày tỏ ý kiến phản đối khá mạnh mẽ dự án này.

"Tôi phản đối dự án này từ đầu. Nói tới tái cấu trúc mà thép thì đây là ngành công nghiệp cổ điển, còn nhiều vấn đề để triển khai", ông Mại nói.

Trước đó, GS Nguyễn Mại cho rằng: “Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước”.

Theo ông Mại, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, do đó, Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép. Ông cũng cho rằng, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7 với giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

Theo ông Mại, Việt Nam không nên đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác, như tại Trung Quốc hiện đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ và 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế, môi trường.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, Trung Quốc đang dư thừa công suất thép cực kỳ lớn (dự kiến 1.600 triệu tấn/năm) nên buộc họ tăng tốc độ bán hàng để tránh lãng phí đầu tư. Bởi vậy, nếu HSG muốn xây dựng dự án này để cạnh tranh buôn bán thép với Trung Quốc thì câu hỏi đặt ra là liệu có cạnh tranh được không? “Về mặt tài chính, việc HSG tính đến sử dụng nguồn vốn của tập đoàn và một phần vốn vay cũng gây lo ngại bởi vốn vay sẽ hạn chế hiệu quả kinh tế” - bà Lan phân tích.

Phương Dung

Theo Dân trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,238

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]