04 chính sách về đất đai và bất động sản có hiệu lực từ tháng 01 năm 2025

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
27/12/2024 08:16 AM

Sau đây là một số chính sách về đất đai và bất động sản có hiệu lực từ tháng 01 năm 2025 được tổng hợp.

03 chính sách về đất đai và bất động sản có hiệu lực từ tháng 01 năm 2025

04 chính sách về đất đai và bất động sản có hiệu lực từ tháng 01 năm 2025 (Hình từ Internet)

1. Thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai từ ngày 10/01/2025 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 25/2024/TT-BTNMT ngày 26/11/2024 quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, có hiệu lực từ ngày 10/01/2025 thay thế Thông tư 05/2017/TT-BTNMT.

Theo đó, thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Đất đai 2024 được thiết kế theo mô hình dữ liệu gồm: dữ liệu không gian đất đai, dữ liệu thuộc tính đất đai, dữ liệu đất đai phi cấu trúc và siêu dữ liệu đất đai. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được tổ chức xây dựng, quản lý theo phân cấp từ trung ương đến địa phương như sau:

- Cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương tổ chức xây dựng, quản lý trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm:

+ Cơ sở dữ liệu địa chính;

+ Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;

+ Cơ sở dữ liệu giá đất;

+ Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

+ Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai.

- Cơ sở dữ liệu đất đai do trung ương tổ chức xây dựng, quản lý gồm:

+ Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với cấp vùng kinh tế - xã hội và cả nước;

+ Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với cấp quốc gia;

+ Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai đối với cấp vùng kinh tế - xã hội và cả nước;

+ Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai: dữ liệu về hồ sơ đất đai tại trung ương; dữ liệu địa chỉ số của thửa đất, tài sản gắn liền với đất; dữ liệu về thông tin kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính; dữ liệu tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; dữ liệu về Giấy chứng nhận bị thu hồi, hủy; dữ liệu tổng hợp về giá đất;

+ Cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tích hợp lên trung ương.

2. Nội dung chi xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 82/2024/TT-BTC ngày 25/11/2024 hướng dẫn sử dụng kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, có hiệu lực từ ngày 10/01/2025.

Cụ thể, nội dung chi xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản bao gồm:

- Chi thiết lập, nâng cấp, duy trì, thuê hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và chi xây dựng, nâng cấp, thuê hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản được phép sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về công nghệ thông tin.

- Chi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức, viên chức và người lao động được phân công thực hiện quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

- Chi điều tra, khảo sát, thu thập, tiếp nhận, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản.

- Chi xử lý, cập nhật, số hóa, lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản.

- Chi quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

- Chi bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật thông tin cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

- Các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác thu thập thông tin, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

3. Sớm nghiên cứu có quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở

Quốc hội thông qua Nghị quyết 161/2024/QH15 ngày 23/11/2024 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, có hiệu lực từ ngày 07/01/2025.

Trong đó, Quốc hội quyết nghị giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

(Hiệu lực thi hành của Nghị quyết 161/2024/QH15 được áp dụng theo Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020).)

4. Hướng dẫn về đo đạc chi tiết ranh giới thửa đất từ ngày 15/01/2025

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 26/2024/TT-BTNMT ngày 26/11/2024 quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính, có hiệu lực từ ngày 15/01/2025 thay thế Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

Theo đó, việc đo đạc chi tiết ranh giới thửa đất, ranh giới đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất thực hiện như sau:

- Đo đạc ranh giới thửa đất trên thực địa theo đỉnh thửa và ranh giới thửa đất đã được xác định theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT.

Cán bộ đo đạc chủ trì, phối hợp với người sử dụng đất, người quản lý đất, người sử dụng đất liền kề, người quản lý đất liền kề và người dẫn đạc đánh dấu các đỉnh thửa đất tại thực địa (tại nơi có đường ranh giới trên công trình, địa vật kiên cố tồn tại lâu dài) hoặc đóng cọc bê tông hoặc cọc gỗ hoặc đinh sắt theo kết quả xác định ranh giới thửa đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT để làm căn cứ thực hiện đo đạc chi tiết ranh giới thửa đất;

- Đo đạc chi tiết ranh giới chiếm đất của đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất theo đường ranh giới thực tế đang quản lý đã được xác định theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT.

Đo đạc chi tiết đối tượng địa lý khi đối tượng đó đồng thời là đường giao thông, thủy hệ, gồm: phần trải mặt đường đối với đường bộ từ cấp tỉnh trở lên, lòng đường bộ, vỉa hè đường bộ; tim đường ray của đường sắt; điểm đầu và điểm cuối của cầu, cống; giới hạn chân đê và phần trải mặt đê; đường mép nước và đường bờ của sông, suối, mép nước thuộc đất mặt nước chuyên dùng;

- Khi đo đạc chi tiết phải lập sổ nhật ký trạm đo theo mẫu quy định tại Phụ lục số 10 kèm theo Thông tư 26/2024/TT-BTNMT và sổ đo thể hiện đầy đủ số liệu đầu vào phục vụ tính toán tọa độ điểm chi tiết phù hợp với phương pháp đo và loại máy đo, trừ trường hợp đo đạc phục vụ chỉnh lý và trường hợp thực hiện tách thửa đất, hợp thửa đất quy định tại Điều 7 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 699

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]