Dự thảo Nghị định đất trồng lúa cần hoàn thiện 8 nội dung theo Kết luận của Phó Thủ tướng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
15/07/2024 16:05 PM

Sẽ có 8 nội dung tại dự thảo Nghị định đất trồng lúa cần hoàn thiện theo Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Dự thảo Nghị định đất trồng lúa cần hoàn thiện 8 nội dung

Dự thảo Nghị định đất trồng lúa cần hoàn thiện 8 nội dung (Hình từ internet)

08 nội dung cần hoàn thiện trong Dự thảo Nghị định đất trồng lúa

Ngày 12/7/2024, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 320/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đất trồng lúa.

Theo đó, dự thảo Nghị định đất trồng lúa cần hoàn thiện 8 nội dung theo Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cụ thể như sau:

(1) Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát kỹ, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo 293/TB-VPCP và ý kiến của các Bộ, ngành dự họp để hoàn thiện quy định tại Điều 1, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Điều 182 Luật Đất đai 2024.

(2) Về vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao:

Bổ sung giải thích từ ngữ và các tiêu chí xác định, cơ quan chịu trách nhiệm xác định vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao, vùng đất trồng lúa phải bảo vệ nghiêm ngặt, vùng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

- Về tiêu chí xác định vùng quy hoạch trồng lúa năng suất, chất lượng cao (khoản 1 Điều 5): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện theo hướng hạn chế tối đa các tiêu chí có tính định tính, bổ sung các tiêu chí định lượng, nhất là về ứng dụng khoa học, công nghệ, giảm phát thải, năng suất cao, đảm bảo phù hợp với từng vùng, dễ triển khai thực hiện; bổ sung tiêu chí về sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất các cấp.

(3) Về Quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa (Điều 6):

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hoàn thiện theo hướng bổ sung trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn các loại cây trồng lâu năm được dùng chuyển đổi để làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 3 Điều này; chỉ cho phép chuyển đổi trong diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi linh hoạt quy định tại Nghị quyết 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.

- Bổ sung quy định về tiêu chí “nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại theo quy định của pháp luật về trồng trọt” đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ Luật Đất đai 2024, Luật Trồng trọt 2018 đã giao Chính phủ quy định, đây là cơ sở để các địa phương xác định loại cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi và ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa.

Bổ sung quy định về các tiêu chí để xác định diện tích đất lúa người sử dụng đất được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm khoanh định, công khai vị trí, diện tích đất lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương dựa trên các tiêu chí này.

(4) Về điều kiện xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa (Điều 9):

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện theo hướng:

- Giới hạn các đối tượng, trường hợp được xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết, phát triển sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, có năng suất, chất lượng cao; hạn chế thấp nhất việc xây dựng tràn lan trên đất trồng lúa gây mất trật tự an toàn xã hội thông qua việc quy định các tiêu chí cụ thể, ví dụ như: tiêu chí về dự án nông nghiệp; tiêu chí về quy mô, khả năng tài chính của doanh nghiệp; tiêu chí về quy mô của dự án; tiêu chí về diện tích sử dụng đất trồng lúa...;

- Bổ sung quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định, cấp phép việc xây dựng này.

(5) Về quy định về nộp tiền để nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa (Điều 12):

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục bổ sung quy định rõ về việc quản lý, sử dụng số tiền này theo đúng quy định của pháp luật liên quan.

(6) Về chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại cho vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao (khoản 3 Điều 14)

Kế thừa và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện có đối với đất trồng lúa, đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (về chính sách tín dụng nếu có) xây dựng và hoàn thiện các chính sách mới cho vùng quy hoạch đất trồng lúa năng suất, chất lượng cao theo hướng:

- Các chính sách hỗ trợ, đầu tư cần được giới hạn, không dàn trải, đúng đối tượng, tập trung vào việc đạt được năng suất, chất lượng cao, vào giá trị gia tăng thu được, đạt được mục tiêu của vùng quy hoạch trồng lúa năng suất, chất lượng cao đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khoanh định và công khai.

- Quy định tách bạch chính sách hỗ trợ với chính sách đầu tư, trên cơ sở đó quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Xác định rõ nguồn vốn (vốn đầu tư, vốn chi thường xuyên) theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các chính sách hỗ trợ, chính sách đầu tư; đánh giá tác động của các chính sách từ đó xác định tính khả thi.

- Bổ sung thêm chính sách về hỗ trợ, đầu tư về áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại như đã được quy định tại Điều 182 Luật Đất đai 2024.

- Đối với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, yêu cầu phải quy định rõ, cụ thể các nội dung của chính sách để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của chính sách như: Hình thức hỗ trợ; Đối tượng, hoạt động được hỗ trợ; Mức, định mức hỗ trợ; Điều kiện, tiêu chí để được hỗ trợ; Thời gian hỗ trợ; Trình tự, thủ tục, hồ sơ để thực hiện các chính sách này; Các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét, quyết định hỗ trợ; Cơ chế, cơ quan kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ, sử dụng hỗ trợ.

- Đa dạng hình thức hỗ trợ.

(7) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát kỹ điều khoản chuyển tiếp, điều khoản về hiệu lực của văn bản.

(8) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, lưu ý các cơ chế, chính sách, quy định mới (so với dự thảo gửi lấy ý kiến Thành viên Chính phủ) phải đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, đối tượng bị tác động và theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi hoàn thiện dự thảo Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi dự thảo Nghị định đến các địa phương để lấy ý kiến góp ý, tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị định. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2024.

Quy định về đất trong lúa theo Điều 182 Luật Đất đai 2024

Điều 182. Đất trồng lúa

1. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên.

2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.

3. Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ phì của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

4. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt;

b) Nộp một khoản tiền theo quy định của pháp luật để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng;

c) Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề.

5. Người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại theo quy định của pháp luật về trồng trọt; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 197

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn