Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đưa ra quy định... thừa

20/02/2014 16:50 PM

Theo Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới nhất đang được đưa ra lấy ý kiến, quy định về việc cấm sử dụng nhà ở riêng lẻ, chung cư làm cơ sở kinh doanh gas, vật liệu gây cháy, nhà nghỉ, quán karaoke, vũ trường… đã được sửa đổi.


Cụ thể, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần trước công bố vào tháng 9/2013 đã quy định cấm “Sử dụng nhà ở vào các mục đích: kinh doanh gas; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ; dịch vụ karaoke hoặc các hoạt động bị cấm khác theo quy định của pháp luật; sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích bị cấm theo quy định của Chính phủ”.

Song, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này chỉ quy định cấm “Sử dụng nhà chung cư vào các mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh các dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư theo quy định của Chính phủ” và cấm “Sử dụng nhà ở riêng lẻ vào các mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh các dịch vụ gây ô nhiễm, tiếng ồn, ảnh hưởng đến trật tự, trị an, sinh hoạt của khu dân cư mà không tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh và không được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định”.

Tức là, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới nhất đã loại bỏ quy định cấm sử dụng nhà chung cư vào các mục đích kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ…

Tổ biên tập Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) giải thích, mục đích ban đầu đề xuất cấm sử dụng nhà ở riêng lẻ, chung cư làm cơ sở kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, nhà nghỉ, quán karaoke, vũ trường là nhằm bảo đảm nhà ở được sử dụng đúng mục đích, hạn chế các hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của người dân trong khu vực lân cận. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân ở nước ta đều kết hợp giữa mục đích ở với các hoạt động kinh doanh nhỏ để phát triển kinh tế gia đình, nên nếu quy định như Dự thảo trước thì sẽ không khả thi và chưa hợp lý. Do đó, nội dung này được tiếp thu để chỉnh sửa cho phù hợp.

Tuy nhiên, quy định này được các chuyên gia luật đánh giá là “thừa”, bởi 2 lý do sau:

Thứ nhất, nếu các hộ gia đình “không tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh và không được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định”, thì đương nhiên không được phép kinh doanh, nên không cần phải cấm.

Thứ hai, với các loại hình kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh các dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn cũng là loại kinh doanh có điều kiện nên phải tuân thủ các điều kiện, vì vậy quy định cấm là thừa.

Trên thực tế, kinh doanh nhà nghỉ cần giấy phép kinh doanh hộ cá thể. Đây là đăng ký ngành nghề kinh doanh “có điều kiện”, tức là ngoài giấy đăng ký kinh doanh do UBND quận cấp, phải xin thêm chứng nhận phòng cháy chữa cháy và chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự. Nhiều chuyên gia cho rằng, về bản chất, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “cấm các loại hình kinh doanh trái phép (hoặc bị cấm) tại nhà ở và chung cư”.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Điệp, Trưởng văn phòng Luật sư Khang Dân, hiện pháp luật chưa có quy định về khái niệm “nhà nghỉ”, mà chỉ có quy định về dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ; cho thuê lưu trú ngắn ngày. Dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ, lưu trú ngắn ngày được xếp vào mã ngành 55103 trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, kinh doanh nhà nghỉ và ngành kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự. Do đó, người kinh doanh, cơ sở kinh doanh này chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.

Điều kiện để được cấp giấy xác nhận gồm: Thứ nhất, chủ cơ sở kinh doanh phải là người có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, không thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm (như người chưa thành niên, bị kết án mà chưa xóa án tích…). Thứ hai, địa điểm kinh doanh không nằm trong khu vực cấm kinh doanh.

“Để hợp lý, bên soạn thảo luật nên đưa ra một khái niệm về nhà nghỉ”, luật sư Điệp góp ý.

Luật sư Lê Quốc Đạt, Giám đốc Công ty Luật Trí Tuệ (Hà Nội) cũng đồng tình với việc nghiêm cấm dùng nhà ở để kinh doanh các hoạt động bị cấm. Nhưng cũng lưu ý rằng, trong Luật Nhà ở 2005 không điều luật nào ghi rõ nhà ở chỉ được dùng để ở.

“Nếu cấm kinh doanh nhà nghỉ, bán gas, hay vật liệu gây cháy nổ thì phải cấm đến nơi đến chốn, tất cả các hộ kinh doanh cửa hàng, cửa hiệu ở mặt đường cũng nên dẹp hết nhằm lấy không gian để ở. Ngay cả nhiều trụ sở của công an, UBND phường vẫn thấy kê giường, nên theo tôi, là phải dẹp, vì công sở không dùng để ở”, luật sư Đạt cho hay.

Với những lý do trên, các chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa  đổi) chỉ cần quy định ngắn gọn “cấm các loại hình kinh doanh trái phép (hoặc bị cấm) tại nhà ở và chung cư” là đủ, chứ không cần phải quy định rườm rà, khó hiểu như Dự thảo lần này. 

Hữu Tuấn

Theo baodautu.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,649

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn