Tiếp thu tối đa ý kiến nhân dân để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
15/04/2023 10:00 AM

Tiếp thu tối đa ý kiến nhân dân để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) là nội dung được Chính phủ yêu cầu tại Nghị quyết 52/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 04/2023.

Tiếp thu tối đa ý kiến nhân dân để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp thu tối đa ý kiến nhân dân để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) (Hình từ Internet)

Ngày 14/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 52/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 04/2023.

Tiếp thu tối đa ý kiến nhân dân để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi)

Cụ thể, trong tháng 4/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý hợp lý, giải trình đầy đủ, thuyết phục về các đề xuất sửa đổi, bổ sung. 

Việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bảo đảm các yêu cầu sau:

- Bám sát nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW để thể chế hóa đầy đủ, phù hợp với Hiến pháp và các chủ trương khác của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của Nhân dân, nhất là về các vấn đề quan trọng, có nhiều ý kiến góp ý, quan tâm nhất để làm căn cứ thực tiễn tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các vấn đề tiếp thu. 

Tiếp thu, giải trình đầy đủ tất cả các ý kiến đóng góp, làm rõ các vấn đề đã được thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, các vấn đề đã được quy định, các vấn đề mới phát sinh, các vấn đề giải trình.

- Việc tiếp thu bảo đảm thận trọng, không cầu toàn, đối với các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, nhiều ý kiến đồng thuận thì tiếp tục hoàn thiện, đối với các vấn đề mới còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền. 

Nghiên cứu, phân tích tác động kỹ lưỡng các đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và công cụ thực thi pháp luật hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất của các cơ quan, tổ chức, đồng thời có công cụ kiểm tra, giám sát phù hợp, chặt chẽ, tránh bị lợi dụng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch sử dụng đất, phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách về đất đai. Nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với khả năng vận dụng và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam.

- Rà soát để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành và với các dự án Luật đang trình Quốc hội trong năm 2023; hoàn thiện về bố cục, kỹ thuật lập pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu các ý kiến và chủ động truyền thông về các chính sách trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật để tạo sự đồng thuận.

- Đối với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, cần phân tích kỹ lưỡng các phương án và phân tích đầy đủ, khoa học các ưu, nhược điểm của từng phương án, có lập luận khách quan, linh hoạt, sáng tạo để hoàn thiện từng vấn đề, bảo đảm tính đồng bộ, ổn định và khả thi của các chính sách. 

Rà soát, quy định các nội dung chính sách về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó:

Cần rà soát, quy định các nội dung chính sách về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, bảo đảm phù hợp với các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 30/01/2023 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01/2023.

Xem thêm Nghị quyết 52/NQ-CP ban hành ngày 14/4/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,704

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]