07/02/2012 08:21 AM

Nên công khai tài sản qua mạng Internet vì đây là phương thức thông tin rất thuận lợi và không tốn kém nhiều chi phí.


Sau năm năm thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của 11 nhóm cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện minh bạch tài sản, thu nhập theo Nghị định 37/2007 (sửa đổi bởi Nghị định 68/2011), năm 2012 là năm đầu tiên, cơ quan chức năng tổ chức công khai những thông tin “nhạy cảm” này. Từ kê khai đến công khai là một bước tiến lớn, tuy vậy nhiều bất cập trong quy định kê khai và công bố thông tin bắt đầu lộ diện.

Chọn phương thức nào cho phù hợp?


Trong những ngày đầu tháng 2, Sở Tư pháp TP.HCM đã tiến hành công khai tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai tại cuộc họp toàn thể cơ quan. Bà Phạm Thu Lan, Trưởng phòng Tổ chức Sở Tư pháp, băn khoăn: “Tính từ khi áp dụng Nghị định 37/2007 kê khai tài sản, thu nhập lần đầu và kê khai bổ sung tài sản biến động tăng - giảm hằng năm, đến nay hồ sơ kê khai tài sản của mỗi người có khoảng 6-15 trang. Nếu áp dụng phương thức niêm yết thông tin của vài chục người thuộc diện kê khai, công bố tài sản thì phải phô tô vài trăm trang giấy, rất tốn kém và cũng khó tìm đủ chỗ dán bảng theo quy định, chưa kể phải bảo quản bảng niêm yết trong suốt 30 ngày. Nếu tính chung cả nước áp dụng cách này thì chi phí không nhỏ, gây lãng phí rất lớn. Vì vậy, bên cạnh phương thức công khai tài sản tại cuộc họp toàn cơ quan nên có quy định thêm phương thức mới phù hợp hơn để lựa chọn nhưng phải đảm bảo yếu tố vừa công khai thông tin rộng rãi, vừa tiết kiệm”.

Công khai tài sản qua internet là phương thức thông tin rất thuận lợi và không mất thêm chi phí để thực hiện. Ảnh minh họa: HTD

Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, gợi ý nên công khai tài sản qua mạng Internet vì hiện hầu như cơ quan nào cũng có trang web và hệ thống hộp thư điện tử (mail) thông tin nội bộ. Đây là phương thức thông tin rất thuận lợi và không mất thêm chi phí gì để thực hiện. Nhiều hoạt động triển khai công tác, văn bản chỉ đạo, điều hành của TP cũng theo phương thức này. “Còn nếu áp dụng công khai thông tin tại cuộc họp thì những ai vắng mặt, hoặc chưa nắm rõ thông tin phải liên hệ hỏi lại phòng tổ chức sẽ hơi bất tiện” - ông Hải nói.

Âu lo kẽ hở về hợp thức hóa tài sản bất minh


Bà Phạm Thu Lan cũng trăn trở vấn đề bất cập trong mẫu kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm Nghị định 68/2011 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2007 về minh bạch tài sản, thu nhập) đã bỏ sót nội dung kê khai nguồn gốc tài sản. Nếu đã minh bạch những thông tin “nhạy cảm” về tài sản thì cũng nên minh bạch nguồn gốc mới đạt hiệu quả công khai; giám sát; phòng, chống tham nhũng. Trong khi trước đó Nghị định 37/2007 đã từng có quy định về nội dung này nhưng sau khi sửa đổi, bổ sung, ban hành biểu mẫu mới lại bỏ lọt phần rất quan trọng đó. Việc kê khai, công bố càng chi tiết, cụ thể sẽ càng tạo được đồng thuận cao trong toàn xã hội. Những trường hợp có nhà, đất, tài sản rất lớn do được thừa kế hay tạo lập hợp pháp thì bản thân cán bộ, công chức cũng muốn công khai rõ ràng nguồn gốc để tránh điều tiếng; đồng nghiệp hiểu rõ tường tận thì cũng không xảy ra ngờ vực, đàm tiếu gây mất đoàn kết nội bộ; cán bộ quản lý cũng thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, xác minh.

Còn ông Phạm Văn Hải bày tỏ mối lo ngại chuyện sẽ có ai đó lợi dụng kẽ hở không kê khai nguồn gốc để hợp thức hóa tài sản bất minh, thậm chí đó có thể là tài sản do tham nhũng. Theo ông Hải, trung thực khai đúng, khai đủ, công khai tài sản không khó, khó là phải tạo cơ chế công bằng giữa những người có tài sản “sạch” và những người giàu lên bất chính.

Kiểm soát chênh lệch giữa thu nhập và tài sản

Ông Lê Văn Hùng, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM, khẳng định chuyện ai đó qua mặt luật pháp để “hợp thức hóa tài sản do tham nhũng mà có” là rất khó vì còn cơ chế xác minh. Cơ quan quản lý thấy mức thu nhập và tài sản sở hữu của họ chênh lệch nhiều thì phải có trách nhiệm đặt vấn đề rà soát, kiểm tra nội bộ.

Nghị định 68/2011 đã xác định ba căn cứ yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập. Thứ nhất, khi có kết luận của cơ quan Kiểm tra Đảng, cơ quan Thanh tra nhà nước, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến hành vi tham nhũng. Thứ hai, khi có tố cáo hoặc phản ánh rõ ràng, bằng chứng cụ thể sự không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập. Thứ ba, khi thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có thẩm quyền ra quyết định xác minh. Riêng việc xác minh tài sản, thu nhập của người có hành vi tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự.

Ngoài ra, công tác quản lý cán bộ của cơ quan chức năng, công tác quản lý đảng viên của các cấp ủy trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng có những quy định kiểm tra, rà soát. Người có dấu hiệu tài sản bất minh phải có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh, làm rõ. Nếu không phát hiện được dấu hiệu bất minh, bỏ lọt, hay không truy ra được tài sản do tham nhũng thì đó là trách nhiệm của cấp thẩm quyền.

Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM: Tôi có nhà 1.000 m2

Tài sản, thu nhập có nguồn gốc chân chính có gì phải e ngại công khai. Tôi rất sẵn lòng. Tôi tin nhiều cán bộ, công chức khác cũng sẵn sàng công khai thu nhập, tài sản như thế.

Tôi có căn nhà vườn khoảng 1.000 m2 ở thị trấn huyện Củ Chi. Khoảng năm 82-83, khi đang làm giáo viên tôi mua một bãi đất trống bỏ hoang toàn cỏ mọc với giá chừng ba chỉ vàng. Lúc đó, nhờ sống chung với gia đình cha mẹ nên được đỡ đần nhiều và chăn nuôi heo trúng lớn nên tích cóp được khá. Mỗi năm bán heo mua được một chỉ vàng, gói cất dành dụm đến vài năm mới mua nổi đất. Có đất rồi, vẫn phải sống nhờ nhà cha mẹ, mãi đến năm 1989, vay được ít tiền mới dám xây nhà, rồi trả nợ ngân hàng gần 10 năm mới hết. Đất mình mua, nhà tự xây, vất vả lao động làm ra thì có gì mà không công khai được. Nhiều người tôi cũng biết họ được thừa kế của gia đình tài sản lớn, không có gì e ngại công khai cả.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,065

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn