Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 37/2007/NĐ-CP minh bạch tài sản, thu nhập

Số hiệu: 37/2007/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 09/03/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

VỀ MINH BẠCH TÀI SẢN, THU NHẬP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Xét đề nghị của Tổng Thanh tra,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định về minh bạch tài sản, thu nhập tại Mục 4 Chương II Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm việc kê khai tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập; xử lý vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong tổ chức thực hiện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Nghị định này là người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng và Điều 6 Nghị định này; cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Kê khai tài sản, thu nhập” là việc người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ghi rõ các loại tài sản, thu nhập phải kê khai theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này;

2. “Tài sản, thu nhập phải kê khai” là nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật;

3. “Biến động về tài sản phải kê khai” là sự tăng, giảm tài sản, thu nhập phải kê khai so với lần kê khai gần nhất;

4. “Xác minh tài sản, thu nhập” là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tiến hành xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này.

Điều 4. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Tẩu tán tài sản dưới mọi hình thức nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập; cản trở việc xác minh tài sản, thu nhập.

2. Khai thác, sử dụng trái pháp luật bản kê khai tài sản, thu nhập; lợi dụng việc quản lý, khai thác bản kê khai tài sản, thu nhập để gây mất đoàn kết nội bộ hoặc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Lợi dụng việc xác minh tài sản, thu nhập để gây khó khăn, cản trở hoạt động bình thường của người được xác minh; xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của người được xác minh; gây mất đoàn kết nội bộ hoặc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.

Chương 2.

KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

Điều 5. Mục đích kê khai tài sản, thu nhập

Việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Điều 6. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập

1. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. Sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.

4. Giám đốc, phó giám đốc, viện trưởng, phó viện trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, bác sĩ chính tại các bệnh viện, viện nghiên cứu của Nhà nước.

5. Tổng biên tập, phó tổng biên tập, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban báo, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.

6. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường mầm non, tiểu học của Nhà nước tại quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên của Nhà nước; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên chính trường đại học, cao đẳng của Nhà nước.

7. Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban tại ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước; giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng ban quản lý dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

8. Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát, phó trưởng ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban các phòng, ban nghiệp vụ trong công ty nhà nước; người được Nhà nước cử giữ chức vụ kể trên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.

9. Bí thư, phó bí thư Đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự xã; cán bộ địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

10. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.

11. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các ban của Trung ương Đảng, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh sách đối với người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập là: người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Chủ tịch nước.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập

1. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có các quyền sau:

a) Được bảo đảm bí mật nội dung của bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật;

b) Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này;

c) Được khôi phục danh dự, uy tín, được bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập gây ra.

2. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có các nghĩa vụ sau:

a) Kê khai trung thực, đầy đủ, đúng thời hạn về số lượng tài sản, thu nhập phải kê khai và những thay đổi so với lần kê khai gần nhất trước đó;

b) Giải trình trung thực, đầy đủ, kịp thời về các nội dung liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;

c) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập.

3. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì ngoài việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn phải thực hiện các nghĩa vụ về kê khai tài sản, thu nhập do tổ chức đó quy định.

Điều 8. Tài sản, thu nhập phải kê khai

1. Các loại nhà, công trình xây dựng sau:

a) Nhà, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước;

b) Nhà, công trình xây dựng khác thuộc sở hữu của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu;

c) Nhà, công trình xây dựng khác thuộc sở hữu của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác.

2. Các quyền sử dụng đất sau:

a) Quyền sử dụng đất của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng;

b) Quyền sử dụng đất của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.

3. Tài sản, tài khoản ở nước ngoài của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

4. Thu nhập từ mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân trở lên theo quy định của pháp luật.

5. Kim khí quý, đá quý, tiền, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc, các công cụ chuyển nhượng khác, mô tô, ô tô, tàu, thuyền và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên.

Điều 9. Trình tự, thủ tục kê khai, tiếp nhận bản kê khai tài sản, thu nhập

1. Chậm nhất là ngày 30 tháng 11 hàng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình gửi bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu, hướng dẫn và yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

2. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được bản kê khai tài sản, thu nhập, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện việc kê khai và nộp bản kê khai tài sản, thu nhập cho đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ.

3. Khi tiếp nhận bản kê khai tài sản, thu nhập, người tiếp nhận phải làm giấy giao nhận theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này và ký nhận.

4. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ phải kiểm tra lại bản kê khai và lưu hồ sơ; trường hợp bản kê khai chưa đúng mẫu quy định thì yêu cầu kê khai lại, thời hạn kê khai lại là năm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31 tháng 12.

Điều 10. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc kê khai tài sản, thu nhập

1. Gương mẫu trong việc thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của mình theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, chỉ đạo việc kê khai kịp thời, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục kê khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này.

3. Chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Quản lý, khai thác, sử dụng bản kê khai tài sản, thu nhập

1. Bản kê khai tài sản, thu nhập được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ và chỉ được khai thác, sử dụng trong các trường hợp sau:

a) Phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập;

b) Phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc thẩm tra, xác minh, kết luận về hành vi tham nhũng;

c) Phục vụ công tác tổ chức, cán bộ.

2. Khi người kê khai được điều động, thuyên chuyển sang cơ quan, tổ chức khác thì bản kê khai tài sản, thu nhập của người đó phải được chuyển giao cùng với hồ sơ cán bộ cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý.

3. Khi người kê khai nghỉ hưu, thôi việc thì bản kê khai tài sản, thu nhập của người đó được lưu giữ cùng với hồ sơ cán bộ.

4. Bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên được quản lý theo quy định tại Nghị định này và các quy định của Đảng; trường hợp quy định của Đảng có yêu cầu phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập thì phải thực hiện việc công khai theo đúng các quy định đó.

Điều 12. Thủ tục khai thác, sử dụng bản kê khai tài sản, thu nhập

1. Khi cần khai thác, sử dụng bản kê khai tài sản, thu nhập, người thực hiện việc khai thác, sử dụng phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu khai thác, sử dụng, trong đó ghi rõ họ, tên, chức vụ của người đến khai thác, sử dụng và mục đích của việc khai thác, sử dụng.

2. Việc khai thác, sử dụng bản kê khai tài sản, thu nhập được tiến hành tại cơ quan quản lý bản kê khai; nếu cần thiết phải khai thác, sử dụng tại nơi khác thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai và phải có biên bản bàn giao bản kê khai.

3. Người được giao nhiệm vụ khai thác, sử dụng phải thực hiện việc khai thác, sử dụng đúng với mục đích ghi trong giấy giới thiệu và theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của người quản lý, lưu trữ bản kê khai tài sản, thu nhập

1. Sắp xếp, bảo quản, lưu trữ bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định về quản lý hồ sơ cán bộ.

2. Cung cấp bản kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có yêu cầu.

3. Không được làm sai lệch nội dung, làm mất mát, hư hỏng bản kê khai tài sản, thu nhập.

4. Không để người khác khai thác, sử dụng trái pháp luật bản kê khai tài sản, thu nhập.

Điều 14. Xử lý vi phạm về quản lý, khai thác, sử dụng bản kê khai tài sản, thu nhập

Người nào làm sai lệch nội dung, làm mất mát, hư hỏng hoặc làm lộ bí mật nội dung bản kê khai tài sản, thu nhập, cung cấp cho người không có thẩm quyền khai thác, sử dụng; người nào khai thác, sử dụng trái pháp luật bản kê khai tài sản, thu nhập hoặc lợi dụng việc khai thác, sử dụng để gây mất đoàn kết nội bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 3.

XÁC MINH TÀI SẢN, THU NHẬP

Điều 15. Mục đích xác minh tài sản, thu nhập

Mục đích của việc xác minh tài sản, thu nhập là nhằm xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập; kiểm soát sự biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh.

Điều 16. Căn cứ yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập

Việc yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Khi có kết luận của cơ quan Kiểm tra Đảng, cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến hành vi tham nhũng.

2. Khi có tố cáo hoặc phản ánh về vấn đề tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà tố cáo, phản ánh đó có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để xác minh về sự không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và người tố cáo, phản ánh nêu rõ họ, tên, địa chỉ, cam kết hợp tác đầy đủ, cung cấp tài liệu mà mình có cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập.

Điều 17. Thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập

Khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 16 Nghị định này, cơ quan, tổ chức dưới đây có thẩm quyền ra văn bản yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với người dự kiến được bầu, phê chuẩn;

2. Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với người dự kiến được bầu;

3. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người dự kiến được phê chuẩn vào các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với người dự kiến được phê chuẩn;

4. Hội đồng bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có thẩm quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với người ứng cử;

5. Chủ tịch nước yêu cầu Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; yêu cầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Chánh án, thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Tổng Kiểm toán Nhà nước ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Điều 18. Thời hạn tiếp nhận tố cáo, phản ánh để yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập đối với người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Tố cáo, phản ánh về tài sản, thu nhập của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ được coi là căn cứ để yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập khi được gửi đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

2. Tố cáo, phản ánh về tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ được coi là căn cứ để yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập khi được gửi đến Hội đồng bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có thẩm quyền chậm nhất là 30 ngày trước ngày hiệp thương lần cuối cùng về danh sách người ứng cử.

Điều 19. Việc ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập trong các trường hợp sau đây:

a) Khi có văn bản yêu cầu theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Nghị định này;

b) Khi có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định này để phục vụ cho việc bổ nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người dự kiến được bổ nhiệm;

c) Khi có văn bản yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội bầu, phê chuẩn;

d) Khi thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập;

đ) Khi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có hành vi tham nhũng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Việc xác minh tài sản, thu nhập đối với người có hành vi tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện theo pháp luật về tố tụng hình sự.

Điều 20. Cơ quan, đơn vị tiến hành xác minh tài sản, thu nhập

Người ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập giao cơ quan, đơn vị sau đây tiến hành xác minh tài sản, thu nhập:

1. Trong trường hợp người dự kiến được xác minh tài sản, thu nhập do cấp uỷ Đảng quản lý thì cơ quan tiến hành xác minh là Ủy ban Kiểm tra Đảng cùng cấp;

2. Trong trường hợp người dự kiến được xác minh tài sản, thu nhập không do cấp uỷ Đảng quản lý thì cơ quan tiến hành xác minh là cơ quan Thanh tra Nhà nước cùng cấp; nếu không có cơ quan Thanh tra Nhà nước thì đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó tiến hành việc xác minh.

3. Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành xác minh tài sản, thu nhập.

Điều 21. Giải trình về việc kê khai tài sản, thu nhập

1. Trước khi ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập, người có thẩm quyền ra quyết định xác minh phải có văn bản yêu cầu người dự kiến được xác minh tài sản, thu nhập giải trình về tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập của mình.

2. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu phải có văn bản giải trình về các nội dung được yêu cầu giải trình và gửi cho người có thẩm quyền ra quyết định xác minh.

3. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản giải trình, người có thẩm quyền phải xem xét nội dung giải trình và ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập; trường hợp không ra quyết định xác minh thì phải có văn bản nêu rõ lý do, gửi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đã yêu cầu xác minh.

Điều 22. Quyết định xác minh tài sản, thu nhập

1. Quyết định xác minh tài sản, thu nhập phải có các nội dung sau:

a) Căn cứ ra quyết định xác minh;

b) Họ, tên, chức vụ, nơi công tác của người được xác minh;

c) Họ tên, chức vụ, nơi công tác của người tiến hành xác minh; trường hợp thành lập đoàn xác minh thì phải ghi rõ họ, tên, chức vụ, nơi công tác của Trưởng đoàn, thành viên đoàn xác minh (sau đây gọi là người xác minh);

d) Nội dung xác minh;

đ) Thời hạn xác minh;

e) Nhiệm vụ, quyền hạn của người xác minh.

2. Trong trường hợp việc xác minh tài sản, thu nhập có nội dung, tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, địa bàn xác minh rộng thì người ra quyết định xác minh thành lập đoàn xác minh và có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cử cán bộ tham gia đoàn xác minh.

3. Mẫu quyết định xác minh tài sản, thu nhập được ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 23. Nội dung xác minh tài sản, thu nhập

Nội dung xác minh tài sản, thu nhập là việc đối chiếu thông tin về tài sản, thu nhập tại bản kê khai với tài sản, thu nhập thực tế của người được xác minh, bao gồm:

1. Số lượng các loại tài sản, thu nhập;

2. Mô tả về tài sản, thu nhập;

3. Biến động tài sản và giải trình về biến động tài sản (nếu có).

Điều 24. Hoạt động xác minh tài sản, thu nhập

Trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập, người xác minh tiến hành các hoạt động sau :

1. Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xác minh;

2. Làm việc trực tiếp với người được xác minh;

3. Xác minh tại chỗ đối với tài sản, thu nhập được xác minh;

4. Làm việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về tài sản, thu nhập được xác minh;

5. Làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn - kỹ thuật về tài sản được xác minh để đánh giá, giám định tài sản đó;

6. Làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập;

7. Hoạt động khác cần thiết cho việc xác minh tài sản, thu nhập.

Điều 25. Quyền hạn, trách nhiệm của người xác minh

1. Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập khi có quyết định xác minh tài sản, thu nhập.

2. Xác minh tài sản, thu nhập khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời; đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định xác minh.

3. Yêu cầu người được xác minh cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh cung cấp thông tin, tài liệu đó.

5. Kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản; hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xác minh.

6. Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh và chỉ báo cáo với người ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập về các thông tin, tài liệu đó.

7. Không làm sai lệch hồ sơ, kết quả xác minh.

8. Báo cáo kết quả xác minh với người ra quyết định xác minh và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.

Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người được xác minh tài sản, thu nhập

1. Giải trình về các nội dung được xác minh trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập.

2. Đề nghị người ra kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập xem xét lại kết luận của mình nếu có căn cứ cho rằng kết luận đó là không chính xác, trung thực, khách quan; trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của người ra kết luận thì có quyền đề nghị lên người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của người ra kết luận xem xét lại kết luận đó.

3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về tố cáo.

4. Thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu của người xác minh; kết luận, quyết định của cơ quan, tổ chức, đơn vị ra quyết định xác minh.

Điều 27. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan

Khi có yêu cầu của người ra quyết định xác minh, người xác minh, cơ quan địa chính - nhà đất, cơ quan thuế, ngân hàng và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm:

1. Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu được cung cấp.

2. Cử người có trách nhiệm làm việc với người xác minh để phục vụ hoạt động xác minh.

3. Tiến hành các hoạt động thuộc phạm vi thẩm quyền, chuyên môn của mình để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ các thông tin cần thiết trong quá trình xác minh hoặc ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, hành vi cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập.

Điều 28. Biên bản làm việc

1. Các buổi làm việc giữa người xác minh với người được xác minh, giữa người xác minh với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phải được lập biên bản.

2. Biên bản làm việc phải có các nội dung sau:

a) Thời gian, địa điểm làm việc;

b) Thành phần tham gia;

c) Nội dung làm việc;

d) Kết luận của buổi làm việc hoặc nội dung được thống nhất tại buổi làm việc;

đ) Ý kiến bảo lưu (nếu có).

Điều 29. Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập

1. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập, người xác minh tiến hành các hoạt động xác minh theo quy định tại Điều 24 Nghị định này và phải có báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập gửi người ra quyết định xác minh.

2. Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập phải có các nội dung sau:

a) Nội dung xác minh, hoạt động xác minh đã được tiến hành và kết quả xác minh;

b) Hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh; biên bản làm việc;

c) Kết luận của người xác minh về việc kê khai tài sản, thu nhập;

d) Kiến nghị việc xử lý đối với người kê khai không trung thực (nếu có).

Điều 30. Kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập

1. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập, sau khi xem xét báo cáo kết quả xác minh và giải trình của người được xác minh, người ra quyết định xác minh phải ra kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập và gửi cho người được xác minh, cơ quan, tổ chức có yêu cầu xác minh và người tố cáo khi người tố cáo có yêu cầu.

2. Nội dung của bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập phải nêu rõ sự phù hợp hay không phù hợp giữa bản kê khai tài sản, thu nhập và kết quả xác minh; trường hợp có sự không phù hợp giữa kết quả xác minh và bản kê khai thì kết luận không trung thực và nêu rõ sự sai lệch về số lượng tài sản, thu nhập, thông tin mô tả về tài sản, thu nhập, biến động tài sản; quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý người kê khai không trung thực.

3. Trong trường hợp người được xác minh tài sản, thu nhập đề nghị người ra kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập xem xét lại bản kết luận thì người ra kết luận có trách nhiệm xem xét và trả lời người đề nghị trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận được đề nghị; trường hợp người đề nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của người ra kết luận và kiến nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của người ra kết luận thì người nhận được kiến nghị phải xem xét, ra quyết định giải quyết; quyết định này là căn cứ cho việc xử lý người ứng cử, người dự kiến được bầu, phê chuẩn được xác minh tài sản, thu nhập theo quy định tại khoản 1, 2 và 4 Điều 17 Nghị định này.

4. Mẫu kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập được ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 31. Công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập

1. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu công khai bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của cơ quan, tổ chức đã yêu cầu xác minh theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, người ra kết luận phải ra quyết định công khai bản kết luận đó.

2. Đối với việc xác minh tài sản, thu nhập phục vụ cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật hoặc khi có hành vi tham nhũng thì người ra kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập phải ra quyết định công khai bản kết luận đó ngay sau khi bản kết luận được ban hành.

3. Bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập được công khai tại các địa điểm quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Phòng, chống tham nhũng.

4. Bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người đó.

Điều 32. Hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập

1. Việc xác minh tài sản, thu nhập phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ xác minh gồm có:

a) Quyết định xác minh; biên bản làm việc; giải trình của người được xác minh; báo cáo kết quả xác minh;

b) Kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập;

c) Văn bản yêu cầu, kiến nghị của người ra quyết định xác minh, người xác minh;

d) Kết quả đánh giá, giám định trong quá trình xác minh (nếu có);

đ) Các tài liệu khác có liên quan đến việc xác minh.

2. Việc quản lý, sử dụng hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý hồ sơ cán bộ.

3. Nghiêm cấm việc tiết lộ thông tin của hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập; người nào vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 4.

XỬ LÝ VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ MINH BẠCH TÀI SẢN, THU NHẬP

Điều 33. Xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

1. Người bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tuỳ theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật sau:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Hạ ngạch.

2. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày có kết luận về sự kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật đối với người kê khai không trung thực.

3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực là cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

4. Việc xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

5. Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực phải được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc; thời hạn công khai ít nhất là ba tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật được ban hành.

Điều 34. Xử lý người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực là người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người dự kiến được phê chuẩn, bổ nhiệm

1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà bị kết luận là kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì bị xoá tên khỏi danh sách người ứng cử trong thời hạn một nhiệm kỳ.

2. Người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người dự kiến được phê chuẩn, bổ nhiệm mà bị kết luận là kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì không được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm trong thời hạn một năm, kể từ ngày bị kết luận là kê khai không trung thực.

3. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người dự kiến được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm bị kết luận là kê khai tài sản, thu nhập không trung thực mà người đó là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì còn bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Điều 35. Xử lý trách nhiệm trong xác minh tài sản, thu nhập

1. Người yêu cầu xác minh, người ra quyết định xác minh, người xác minh, người ra kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm các quy định về xác minh tài sản, thu nhập thì tuỳ theo tính chất, mức độ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

2. Người yêu cầu xác minh, người ra quyết định xác minh, người tiến hành xác minh, người ra kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm các quy định về xác minh tài sản, thu nhập, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được xác minh có trách nhiệm cải chính công khai bằng văn bản và gửi cho người được xác minh, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ

1. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo nội dung, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

3. Tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Điều 37. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Tổ chức, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương, cơ quan mình.

2. Rà soát, bãi bỏ theo thẩm quyền; kiến nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bãi bỏ các quy định trái với các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này.

3. Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích, xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Điều 38. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các quy định tại Chương II Nghị định số 64/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Chống tham nhũng và Nghị định số 13/2002/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 39. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, V.I (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

Mẫu 1

BẢN KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

(Ban hành kèm theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ )

1. Người kê khai tài sản, thu nhập:

- Họ và tên:.................................................................................................................................

- Chức vụ/vị trí công tác:.................................................................................................................

- Cơ quan/đơn vị công tác:.............................................................................................................

- Hộ khẩu thường trú:.............................................................................................................

- Chỗ ở hiện tại:.............................................................................................................................

2. Vợ hoặc chồng của người kê khai tài sản, thu nhập:

- Họ và tên:...................................................................................................................................

- Chức vụ/vị trí công tác:.............................................................................................................

- Cơ quan/đơn vị công tác hoặc nơi làm việc:..........................................................................

- Hộ khẩu thường trú:...............................................................................................................

- Chỗ ở hiện tại:............................................................................................................

3. Con chưa thành niên của người kê khai tài sản, thu nhập:

3.1. Con thứ nhất:

- Họ và tên:..................................................................................................................................

- Tuổi:.............................................................................................................................

- Hộ khẩu thường trú:........................................................................................................................

- Chỗ ở hiện tại:..............................................................................................................................

3.2. Con thứ hai:

TT

Loại tài sản

Thông tin mô tả về tài sản

Thông tin về biến động tài sản

Biến động giảm

Biến động tăng

I

Tài sản, thu nhập của bản thân (bao gồm tài sản riêng, thu nhập của bản thân và tài sản, thu nhập chung với vợ/chồng)

1

Nhà, công trình xây dựng khác

1.1. Nhà/công trình xây dựng thứ nhất :

- Địa chỉ:

- Diện tích đất, diện tích đất xây dựng, diện tích sử dụng:

- Số tầng (tầng):

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng:

+ Số:

+ Cơ quan cấp:

+ Ngày cấp:

(Nếu chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu thì bỏ trống phần này và ghi rõ bên dưới là chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Nếu Giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác thì vẫn điền đầy đủ thông tin vào phần này, ghi rõ là Giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác và bổ sung các thông tin về người đứng tên Giấy chứng nhận quyền sở hữu như sau:

+ Họ và tên:

+ CMND: số, nơi cấp, ngày cấp.

+ Hộ khẩu thường trú: )

1.2. Nhà/công trình xây dựng thứ 2:

.....

(- Đối với biến động giảm đi về số lượng, khối lượng tài sản, cần ghi rõ tài sản nào bị giảm đi, số lượng bao nhiêu.

- Đối với biến động giảm đi về giá trị tài sản cần ghi rõ loại tài sản bị giảm đi, giá trị của phần bị giảm đi).

(- Đối với biến động tăng về số lượng, khối lượng tài sản, cần ghi rõ thông tin về tài sản tăng lên như tại phần Thông tin mô tả về tài sản.

- Đối với biến động tăng lên về giá trị tài sản, cần ghi rõ loại tài sản tăng lên, giá trị của phần tăng lên).

2

Quyền sử dụng đất

2.1. Thửa đất thứ nhất

- Địa chỉ:

- Thửa đất số: Tờ bản đồ số:

- Diện tích:

- Hiện trạng sử dụng:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

+ Số:

+ Cơ quan cấp:

+ Ngày cấp:

(Nếu chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thì bỏ trống phần này và ghi rõ bên dưới là chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Nếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác thì vẫn điền đầy đủ thông tin vào phần này, ghi rõ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác và bổ sung các thông tin về người đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng như sau:

+ Họ và tên:

+ CMND: số, nơi cấp, ngày cấp.

+ Hộ khẩu thường trú: )

2.2. Thửa đất thứ 2

....

3

Tài sản ở nước ngoài

3.1. Động sản

3.1.1. Động sản thứ nhất:

- Số lượng:

- Mô tả:

3.1.2. Động sản thứ hai:

...

3.2. Bất động sản

3.2.1. Bất động sản thứ nhất

- Nước có bất động sản:

- Loại bất động sản:

- Hình thức chuyển quyền sở hữu (mua, trao đổi tài sản, thanh toán nghĩa vụ tài chính, thừa kế, tặng, cho...):

- Thời điểm nhận quyền sở hữu:

- Giá trị bất động tài sản tại thời điểm nhận quyền sở hữu (nếu là bất động sản có được thông qua hình thức mua, trao đổi tài sản, thanh toán nghĩa vụ tài chính):

3.2.2. Bất động sản 2

....

4

Tài khoản ở nước ngoài

4.1. Tài khoản thứ nhất:

- Ngân hàng mở tài khoản:

- Số tài khoản:

- Số dư tài khoản vào thời điểm kê khai:

4.2. Tài khoản thứ 2:

....

5

Thu nhập từ mức thu nhập chịu thuế trở lên

Tổng thu nhập trong kỳ kê khai tài sản (nếu từ mức chịu thuế thu nhập cá nhân trở lên):

6

Mô tô, ô tô, tàu, thuyền có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên

6.1. Môtô (nếu tổng giá trị số mô tô từ 50 triệu đồng trở lên):

6.1.1. Môtô thứ nhất

- Chủng loại, nhãn hiệu:

- Biển số đăng ký:

- Người đứng tên đăng ký (trong trường hợp người đứng tên khác với người kê khai tài sản):

+ Họ và tên:

+ CMND: số, nơi cấp, ngày cấp.

+ Hộ khẩu thường trú:

- Cơ quan cấp đăng ký:

- Ngày cấp đăng ký:

- Hình thức chuyển quyền sở hữu (mua, trao đổi tài sản, thanh toán nghĩa vụ tài chính, thừa kế, tặng, cho):

- Thời điểm nhận quyền sở hữu:

- Giá trị tại thời điểm nhận quyền sở hữu tài sản (nếu là tài sản có được bằng hình thức mua, trao đổi tài sản, thanh toán nghĩa vụ tài chính):

- Giá trị ước tính tại thời điểm kê khai:

6.1.2. Môtô thứ 2:

6.2. Ô tô (nếu tổng giá trị số ô tô từ 50 triệu đồng trở lên)

(Nội dung kê khai như mô tô).

6.3. Tàu, thuyền (nếu tổng giá trị số tàu, thuyền từ 50 triệu đồng trở lên)

(Nội dung kê khai như mô tô).

7

Kim khí quý, đá quý có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (tổng giá trị của kim khí quý và đá quý từ 50 triệu đồng trở lên).

7.1. Kim khí quý

7.1.1. Loại kim khí quý thứ nhất

- Chủng loại:

- Khối lượng, số lượng, chất lượng:

- Hình thức chuyển quyền sở hữu (mua, trao đổi tài sản, thanh toán nghĩa vụ tài chính, thừa kế, tặng, cho):

- Thời điểm nhận quyền sở hữu:

- Giá trị tại thời điểm nhận quyền sở hữu tài sản (nếu là tài sản có được bằng hình thức mua, trao đổi tài sản, thanh toán nghĩa vụ tài chính):

- Giá trị ước tính tại thời điểm kê khai:

7.1.2. Loại kim khí quý thứ hai

7.2. Đá quý:

(Nội dung kê khai như kim khí quý)

8

Tiền, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc, các công cụ chuyển nhượng khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

(Tổng giá trị tiền, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc và các công cụ chuyển nhượng khác từ 50 triệu đồng trở lên)

8.1. Tiền:

8.1.1. Tiền mặt:

- Giá trị:

8.1.2. Tiền gửi ngân hàng, tổ chức tín dụng:

- Số tài khoản:

- Ngân hàng, tổ chức tín dụng gửi tiền:

- Số dư tài khoản tại thời điểm kê khai:

8.2. Sổ tiết kiệm:

8.2.1. Sổ thứ nhất:

- Ngân hàng, tổ chức tín dụng gửi tiết kiệm:

- Giá trị tiền gửi :

- Ngày gửi:

8.2.2. Sổ thứ 2:

8.3. Cổ phiếu, trái phiếu:

8.3.1. Cổ phiếu

- Doanh nghiệp phát hành:

- Mệnh giá:

- Số lượng:

- Giá mua thực tế:

8.3.2. Trái phiếu:

(Nội dung kê khai như cổ phiếu)

9

Tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

- Loại tài sản:

- Số lượng, khối lượng:

- Giá trị:

II

Tài sản, thu nhập riêng của vợ hoặc chồng

III

Tài sản, thu nhập của con chưa thành niên

Mẫu 2

CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ CÓ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NGƯỜI KÊ KHAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

GIẤY GIAO NHẬN

BẢN KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

(Ban hành kèm theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ )

Hôm nay, ngày. ...tháng...năm................................................................

Tại:................................................................................................................................................

Đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị... tiếp nhận bản kê khai của:

- Ông/bà:............................................................................................................

- Chức vụ/vị trí công tác:........................................................................

- Cơ quan/đơn vị công tác:.......................................................................

Bản kê khai tài sản, thu nhập gồm có...trang, có chữ ký của bên giao vào từng trang.

BÊN GIAO BẢN KÊ KHAI
TÀI SẢN, THU NHẬP

ĐẠI DIỆN ĐƠN VỊ PHỤ TRÁCH
CÔNG TÁC TỔ CHỨC, CÁN BỘ

Mẫu 3

CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ CÓ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ ĐƯỢC XÁC MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: /QĐ-CQ,TC,ĐV

..., ngày... tháng...năm...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc xác minh tài sản, thu nhập

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC,
ĐƠN VỊ CÓ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NGƯỜI ĐƯỢC XÁC MINH

Căn cứ Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09./03/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập;

Căn cứ Văn bản số ...ngày...tháng...năm...của...quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người kê khai;

Căn cứ Văn bản số ...ngày...tháng...năm...của...về việc yêu cầu xác minh tài sản (nếu có);

Căn cứ Kết luận số...ngày...tháng...năm...cơ quan Kiểm tra Đảng, cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Điều tra về việc có liên quan đến hành vi tham nhũng hoặc tố cáo, phản ánh của về vấn đề tài sản, thu nhập để phục vụ cho việc bổ nhiệm ông/bà (nếu có);

Để phục vụ cho việc bãi nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật đối với ông/bà (nếu có);

Để phục vụ cho việc xác minh, kết luận về hành vi tham nhũng đối với ông/ bà (nếu có),

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Người được xác minh tài sản, thu nhập

Họ và tên:..................................................................................................

Chức vụ/vị trí công tác:.............................................................................

Cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác:............................................................

Điều 2. Người xác minh tài sản, thu nhập (trường hợp thành lập đoàn xác minh thì phải ghi rõ họ tên, chức vụ, nơi công tác của Trưởng đoàn, thành viên đoàn xác minh)

Họ và tên:..................................................................................................

Chức vụ/vị trí công tác:.............................................................................

Cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác:............................................................

Điều 3. Nội dung xác minh

1. Số lượng các loại tài sản, thu nhập;

2. Mô tả về tài sản, thu nhập;

3. Biến động tài sản và giải trình về biến động tài sản (nếu có).

Điều 4. Thời hạn xác minh

Cuộc xác minh được tiến hành trong thời hạn...ngày, từ ngày...tháng...năm...đến ngày...tháng...năm....

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của người xác minh

1. Xác minh tài sản, thu nhập khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời; đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định xác minh.

2. Yêu cầu người được xác minh cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh.

3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh cung cấp thông tin, tài liệu đó.

4. Kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản; hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xác minh.

5. Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh và chỉ báo cáo với người ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập về các thông tin, tài liệu đó.

6. Không làm sai lệch hồ sơ, kết quả xác minh.

7. Báo cáo kết quả xác minh với người ra quyết định xác minh và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Các đồng chí có tên tại Điều 1, Điều 2 Quyết định này và các đồng chí liên quan khác (Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ...) chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu xác minh
(nếu có);
- Người tố cáo (nếu người tố cáo có yêu cầu);
- Người liên quan khác;
- Lưu:

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ CÓ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NGƯỜI ĐƯỢC XÁC MINH
(Ký tên)

Mẫu 4

CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ CÓ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NGƯỜI ĐƯỢC XÁC MINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: /Viết tắt tên cơ quan-KL

..., ngày... tháng...năm...

BẢN KẾT LUẬN VỀ SỰ MINH BẠCH

TRONG KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

(Ban hành kèm theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ)

1. Người được xác minh tài sản, thu nhập:

Họ và tên:............................................................................................................

Chức vụ/vị trí công tác:......................................................................................

Cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác:......................................................................

- Hộ khẩu thường trú:..........................................................................................

- Bản kê khai tài sản, thu nhập được xác minh: ...ngày...tháng...năm.................

2. Cuộc xác minh:

- Căn cứ ra quyết định xác minh:........................................................................

- Họ, tên, chức vụ, nơi công tác của người xác minh (nếu thành lập đoàn xác minh thì phải ghi rõ họ, tên, chức vụ, nơi công tác của trưởng đoàn, thành viên đoàn xác minh):...........................................................................................

- Nội dung xác minh:...........................................................................................

- Thời hạn xác minh:...........................................................................................

- Kết luận của người xác minh về việc kê khai tài sản, thu nhập:.......................

.............................................................................................................................

- Kiến nghị của người xác minh đối với việc xử lý đối với người kê khai không trung thực (nếu có)...................................................................................

3. Kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập:

A

Nội dung kê khai tại Bản kê khai tài sản, thu nhập là phù hợp với kết quả xác minh.

B

Có sự không phù hợp giữa nội dung kê khai tại Bản kê khai tài sản, thu nhập với kết quả xác minh. Việc kê khai tài sản, thu nhập là không trung thực.

Nội dung xác minh

Nội dung tại bản kê khai tài sản, thu nhập hoặc nội dung giải trình (nếu có)

Kết quả xác minh

Sai lệch giữa bản kê khai tài sản thu nhập và kết quả xác minh

I

Loại, số lượng tài sản

II

Thông tin mô tả tài sản

III

Thông tin về biến động tài sản

IV

Giải trình biến động tài sản (nếu có)

4. Quyết định hoặc kiến nghị hình thức xử lý đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực:

Nơi nhận:
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu xác minh (nếu có);
- Người tố cáo (nếu người tố cáo có yêu cầu);
- Người kê khai tài sản, thu nhập được xác minh;
- Lưu:

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ CÓ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NGƯỜI ĐƯỢC XÁC MINH
(Ký tên)

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 37/2007/ND-CP

Hanoi, March 09, 2007

 

DECREE

ON ASSET AND INCOME TRANSPARENCY

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the November 29, 2005 Anti-Corruption Law;
At the proposal of the Inspector General,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Governing scope

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2.- Subjects of application

This Decree applies to persons obliged to make asset and income declaration, defined in Clause 1, Article 44 of the Anti-Corruption Law and Article 6 of this Decree; and agencies, organizations, units and individuals related to asset and income declaration and verification.

Article 3.- Interpretation of terms

In this Decree, the terms below are construed as follows:

1. "Asset and income declaration" means the clear statement of to be-declared assets and income in a declaration form issued together with this Decree, made by persons obliged to make asset and income declaration;

2. "To be-declared assets and income" means houses, land-use rights; precious metals, gemstones, valuable papers and other properties valued at VND 50 million or more each; properties and bank accounts in foreign countries; taxable income under the provisions of law;

3. "Changes in to be-declared assets" means the increase and decrease of the to-be-declared assets and income as compared to the latest declaration;

4. "Asset and income verification" means the consideration and assessment of and conclusion on the truthfulness of asset and income declaration by competent agencies, organizations and units according to the order and procedures prescribed in the Anti-Corruption Law and this Decree.

Article 4.- Prohibited acts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Illegally exploiting or using asset and income declaration sheets; taking advantage of the management and exploitation of asset and income declaration sheets to disrupt the internal unity or to commit other law-breaking acts.

3. Taking advantage of asset and income verification to trouble or obstruct normal operation of persons subject to verification; distorting or hurting honor and prestige of persons subject to verification; disrupting internal unity or committing other law-breaking acts.

Chapter II

ASSET AND INCOME DECLARATION

Article 5.- Purposes of asset and income declaration

Asset and income declaration aims to help competent agencies, organizations and units know about assets and income of persons obliged to make declaration in service of asset and income transparency, serve personnel management work and contribute to preventing corruptive acts.

Article 6.- Persons obliged to make asset and income declaration

1. Full-time National Assembly deputies, full-time People's Council deputies, National Assembly candidates, People's Council candidates.

2. Cadres and civil servants holding the position of deputy head of section under district-level People's Committees and holders of higher positions, persons entitled to leadership allowances like deputy-heads of sections under district-level People's Committees and holders of higher positions in agencies, organizations and units.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Directors, deputy directors, heads of institutes, deputy heads of institutes, chief accountants, heads and deputy heads of sections, heads and deputy heads of departments and senior physicians in state-run hospitals or research institutes.

5. Editors-in-chief, deputy editors-in-chief, chief accountants, heads and deputy heads of sections, heads and deputy heads of departments of newspapers and magazines using state budget and assets.

6. Principals, vice principals and chief accountants of state-run pre-schools or primary schools in districts, provincial towns or cities; principals, vice-principals and chief accountants of public lower secondary schools, upper secondary schools, secondary professional schools, vocational training schools and continuing education centers; principals, vice principals, heads and deputy heads of sections, deans and vice deans of faculties and senior lecturers of state-run universities or colleges.

7. Directors, deputy directors, chief accountants, heads and deputy heads of sections, heads and deputy heads of departments in management boards of construction investment projects using state budget and assets; directors, deputy directors and chief accountants of management boards of projects funded with official development assistance (ODA) capital.

8. General directors, deputy general directors, directors, deputy directors, chairmen, vice chairmen and members of boards of directors; heads, deputy heads and members of control boards, chief accountants, heads and deputy heads of professional sections and divisions of state-run companies; persons appointed by the State to the above-said positions in enterprises with state investment capital.

9. Secretaries and assistant secretaries of Party Committees; chairmen and vice-chairmen of People's Councils; presidents, vice presidents and members of People's Committees of communes, wards or townships; commune police chiefs and military commanders; cadres in charge of land administration-construction and finance-accounting of People's Committees of communes, wards or townships.

10. Investigators, procurators, judges, court clerks, state auditors, inspectors, enforcers and notaries public.

11. The Home Affairs Minister shall, after reaching agreement with other ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government-attached agencies, the director of the National Assembly Office, the director of the State President Office, the director of the Party Central Committee Office, heads of Party Central Committee's Commissions, and heads of central bodies of socio-political organizations, propose the Prime Minister to promulgate a list of persons obliged to make asset and income declaration, who are managing the state budget and properties or directly involved in handling affairs of agencies, organizations, units and individuals in state administrative agencies of various levels, Party agencies, socio-political organizations, the National Assembly office, People's Council offices and State President office.

Article 7.- Rights and obligations of persons obliged to make asset and income declaration

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To have their asset and income declaration sheets kept confidential in accordance with law;

b/ To lodge complaints or denunciations about law-breaking acts committed by agencies, organizations or individuals in the implementation of regulations on asset and income transparency prescribed in the Anti-Corruption Law and this Decree;

c/ To have their honor and prestige restored and be compensated for damage caused by acts of violating the regulations on asset and income transparency.

2. Persons obliged to make asset and income declaration have the following obligations:

a/ To honestly, fully and promptly declare the quantity of to be-declared assets and income as well as changes in these assets and income over the latest declaration;

b/ To honestly, fully and promptly explain contents related to asset and income declaration when requested by competent agencies, organizations or individuals;

c/ To fulfill requirements of competent agencies, organizations or individuals in service of asset and income verification.

3. Persons obliged to make asset and income declaration who are members of political organizations or socio-political organizations shall, apart from exercising the rights and performing the obligations defined in Clauses 1 and 2 of this Article, perform the obligation on asset and income declaration provided by their respective organizations.

Article 8.- To be-declared assets and income

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Houses and other constructions under the state ownership, which are currently rented or used;

b/ Houses and other constructions under the ownership of persons obliged to make declaration, their spouses or minor children, for which the ownership-right certificates have been granted;

c/ Houses and other constructions under the ownership of persons obliged to make declaration, their spouses or minor children, for which the ownership right certificates have not yet been granted or bear others' names.

2. The following land-use rights:

a/ Land-use rights of persons obliged to make declaration, their spouses or minor children, for which the land-use right certificates have been granted;

b/ Land-use rights of persons obliged to make declaration, their spouses or minor children, for which the land-use right certificates have not yet been granted or bear others' names.

3. Assets and bank accounts in foreign countries of persons obliged to make declaration, their spouses or minor children.

4. Income liable to personal income tax under the provisions of law.

5. Precious metals, gemstones, money, savings, stocks, bonds, checks, other negotiable instruments, motorcycles, automobiles, boats, ships and other assets valued at VND 50 million or more each.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. By November 30 every year at the latest, heads of agencies, organizations or units shall direct their organization and personnel divisions to send asset and income declaration forms to persons obliged to make asset and income declaration, guide and request them to make asset and income declaration.

2. Persons obliged to make asset and income declaration shall make the declaration and submit their asset and income declaration sheets to organization and personnel sections within 10 days after receiving asset and income declaration forms.

3. Upon receiving asset and income declaration sheets, recipients shall make receipt slips according to a set form, and sign in these slips.

4. Within five days after receiving the asset and income declaration sheets of persons obliged to make declaration, organization and personnel sections shall check these declaration sheets and keep them in files; where the declaration sheets do not conform with the prescribed form, they shall request the persons obliged to make declaration to re-conduct the declaration; the time limit for re-declaration is five days after the date of receiving the request.

The declaration must be completed by December 31 at the latest.

Article 10.- Responsibilities of heads of agencies, organizations or units in asset and income declaration

1. To be exemplary in performing the asset and income declaration obligation as provided for by law.

2. To organize and direct the declaration by prescribed subjects, within the prescribed time limit, and in accordance with declaration order and procedures prescribed in the Anti-Corruption Law and this Decree.

3. To be answerable for violations of regulations on asset and income declaration in their respective agencies, organizations or units under the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Asset and income declaration sheets shall be managed according to the regime of management of cadres' files and be referred to and used only in the following cases:

a/ Servicing the election, appointment, dismissal, relief from duty, removal from office or disciplining of persons obliged to make asset and income declaration;

b/ Servicing the investigation and verification of and conclusion on corruptive acts by competent agencies, organizations or units;

c/ Servicing organization and personnel work.

2. When a declarant is transferred to another agency or organization, his/her asset and income declaration sheets shall be handed over, together with his/her files, to competent agency or organization.

3. When a declarant retires or leaves his/her job, his/her asset and income declaration sheets shall be archived together with his/her files.

4. Asset and income declaration sheets of cadres and civil servants who are Party members shall be managed in accordance with this Decree and the Party's regulations; where the Party regulations require the publicization of asset and income declaration sheets, the publicization shall be conducted in strict accordance with those regulations.

Article 12.- Procedures for reference to and use of asset and income declaration sheets

1. When it is necessary to refer to or use asset and income declaration sheets, the person directly referring to and using these sheets must have an introduction letter issued by the agency, organization or unit that wishes to refer to or use these declaration sheets. The introduction letter must clearly state the full name and position of the person directly referring to and using these sheets as well as reference and use purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Persons tasked to refer to or use declaration sheets shall do so for the purposes stated in the introduction letters in accordance with law.

Article 13.- Responsibilities of persons in charge of managing and archiving asset and income declaration sheets

1. To arrange, preserve and archive asset and income declaration sheets in accordance with the regulations on management of cadres' files.

2. To fully and promptly supply asset and income declaration sheets and create favorable conditions for agencies, organizations and units to get access to these sheets when requested.

3. Neither modify the contents of asset and income declaration sheets nor let them get lost or damaged.

4. Neither let other persons illegally get access to nor use asset and income declaration sheets.

Article 14.- Handling of violations in management, exploitation and use of asset and income declaration sheets

Persons who modify or disclose the contents of asset and income declaration sheets, let declaration sheets get lost or damage or supply declaration sheets to incompetent persons; persons who illegally refer to or use asset and income declaration sheets or take advantage of reference to or use of declaration sheets to disrupt internal unity shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability.

Chapter III

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 15.- Purposes of asset and income verification

Asset and income verification aims to examine, assess and conclude on the truthfulness of asset and income declaration; to control changes in assets and incomes of persons obliged to make declaration; and contribute to preventing, detecting and handling corruptive acts and building a pool of clean and strong cadres and civil servants.

Article 16.- Grounds for requests of asset and income verification

A request for asset and income verification is made upon one the following grounds:

1. There are conclusions of a Party's inspection agency, state inspection agency, State Audit or investigation agency on responsibilities of persons obliged to make asset and income declaration concerning corruptive acts.

2. There is a denunciation about or report on assets and income of the person obliged to make asset and income declaration, provided that such denunciation or report has clear contents as well as contains specific evidences and grounds to determine dishonesty in asset and income declaration of the person obliged to make declaration and the denouncer or reporter clearly states his/her full name and address and undertakes to fully cooperate with and supply documents to the competent agency, organization or unit in service of asset and income verification.

Article 17.- Competence to request the asset and income verification

Upon obtaining one of the grounds defined in Article 16 of this Decree, the following agencies and organizations are competent to issue a document requesting the asset and income verification:

1. The National Assembly Standing Committee and standing bodies of People's Councils shall request heads of the agencies, organizations or units competent to manage persons expected to be elected or ratified by the National Assembly or People's Councils to issue decisions on verification of assets and income of those persons;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Prime Minister, presidents of provincial- or district-level People's Committees shall request heads of agencies, organizations or units competent to manage persons expected to be ratified to hold posts elected by People's Councils to issue decisions on verification of assets and income of those persons;

4. The Election Council or Fatherland Front Committees shall request heads of agencies, organizations or units competent to manage National Assembly candidates or People's Council candidates to issue decisions on verification of assets and income of those candidates.

5. The State President shall request the Prime Minister to issue decisions on verification of assets and income of persons expected to be appointed as deputy prime ministers, ministers or heads of ministerial-level agencies; request the President of the Supreme People's Court to issue decisions on verification of assets and income of persons expected to be appointed as vice-presidents or judges of the Supreme People's Court; request the Chairman of the Supreme People's Procuracy to issue decisions on verification of assets and income of persons expected to be appointed as vice chairmen or procurators of the Supreme People's Procuracy.

6. The National Assembly Standing Committee shall request the State Auditor General to issue decisions on verification of assets and income of persons expected to be appointed as State Deputy Auditors General.

Article 18.- Time limits for receiving denunciations or reports to request the verification of assets and income of persons expected to be elected or ratified by the National Assembly, People's Councils or congresses of political organizations or socio-political organizations; the National Assembly candidates or People's Council candidates

1. Denunciations about or reports on assets and income of persons expected to be appointed or ratified by the National Assembly, People's Councils or congresses of political organizations or socio-political organizations serve as grounds to request the asset and income verification only if they are sent to competent agencies, organizations or units at least 30 days before the opening day of a session of the National Assembly or People's Councils or the congresses of political organizations or socio-political organizations.

2. Denunciations about or reports on assets and income of National Assembly candidates or People's Council candidates serve as grounds to request the asset and income verification only if they are sent to the Election Council or the competent Fatherland Front Committee at least 30 days before the date of last consultation on the list of candidates.

Article 19.- Issuance of decisions on asset and income verification

1. Heads of agencies, organizations or units competent to manage persons obliged to make asset and income declaration shall issue decisions on verification of assets and income in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ When having one of the grounds defined in Article 16 of this Decree in service of the appointment by the head of the agency, organization or unit competent to manage the person expected to be appointed;

c/ Upon receiving a written request of the National Assembly Standing Committee, standing bodies of People's Councils or standing bodies of political organizations or socio-political organizations in service of the removal from office or removal from the positions elected or ratified by the National Assembly, People's Councils, political organizations or socio-political organizations;

d/ When it is necessary to obtain further information in service of the removal from office, relief from duty or disciplining of persons obliged to make asset or income declaration;

e/ When persons obliged to make asset and income declaration commit corruptive acts, which, however, are not serious enough for examination of penal liability.

2. The verification of assets and income of persons who commit corruptive acts and are examined for penal liability shall be conducted in accordance with the criminal procedure law.

Article 20.- Agencies and units conducting asset and income verification

The persons issuing asset and income verification decisions shall assign the following agencies or units to conduct the asset and income verification:

1. Where the persons proposed for asset and income verification are managed by Party Committees, the agency conducting the asset and income verification is the Party Inspection Commission of the same level.

2. Where the persons proposed for asset and income verification are not managed by Party Committees, the agency conducting the asset and income verification is a state inspection agency of the same level; if the state inspection agency does not exist, the sections in charge of organization and personnel work of these agencies, organizations or units shall conduct the verification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 21.- Explanation of asset and income declaration

1. Before issuing an asset and income verification decision, the person competent to issue the verification decision shall request in writing the person subject to asset and income verification to explain his/her honesty in asset and income declaration.

2. Within five days after receiving the explanation request, the requested person shall send a written explanation of the contents to be explained to the person competent to issue verification decisions.

3. Within five days after receiving the written explanation, the competent person shall consider the explanations and issue a decision on asset and income verification; in case of refusal to issue a verification decision, he/she shall send a written reply to verification requester, clearly stating the reasons for the refusal.

Article 22.- Decisions on asset and income verification

1. A decision on assets and income verification must have the following contents:

a/ The grounds for its issuance;

b/ The full name, position and working place of the person subject to verification;

c/ The full name, position and working place of the verifier; where a verification team is set up, the full names, positions and working places of the head and members of the verification team (hereinafter called verifiers) must be clearly stated;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ The verification duration;

f/ Tasks and powers of the verifiers.

2. Where asset and income verification involves complicated contents related to many domains and covers a large geographical area, the person issuing the verification decision shall set up a verification team and request the concerned agencies, organizations or units to designate their cadres for participation in the verification team.

3. The form of asset and income verification decision is promulgated together with this Decree (not printed herein).

Article 23.- Contents of asset and income verification

Asset and income verification covers the comparison of information on assets and income in declaration sheets with actual assets and income of persons subject to verification, including:

1. The quantity of assets and income;

2. Description of assets and income;

3. Changes in assets and explanations thereof (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In the process of asset and income verification, the verifier shall conduct the following activities:

1. Studying the dossiers and documents related to the verification;

2. Working directly with the person subject to the verification;

3. Conducting on-spot verification of the verified assets and income;

4. Working with agencies, organizations or units managing or archiving dossiers and documents on the verified assets and income;

5. Working with agencies, organizations or individuals specialized in the verified assets for expertise and assessment of these assets;

6. Working with other concerned agencies, organizations and individuals in service of the asset and income verification.

7. Other necessary activities in service of the asset and income verification.

Article 25.- Powers and responsibilities of verifiers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To conduct asset and income verification in an objective, honest, accurate and timely manner in accordance with the contents and time limit stated in verification decisions.

3. To request the person subject to verification to supply information and documents related to verification contents.

4. To request agencies, organizations or individuals that have information or documents related to verification contents to supply these information or documents.

5. To propose competent agencies, organizations or units to apply necessary measures to prevent acts of dispersing assets, obstructing or illegally interfering in verification activities.

6. To keep confidential information and documents collected in the verification process and report these information and documents only to the persons issuing asset and income verification decisions.

7. To refrain from modifying verification dossiers and results.

8. To report verification results to the person issuing the verification decision and be answerable for the accuracy, honesty and objectiveness of the reported contents.

Article 26.- Rights and obligations of persons subject to asset and income verification

1. To explain the contents to be verified in the process of asset and income verification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To denounce law-breaking acts committed in the process of asset and income verification in accordance with law on denunciations.

4. To strictly abide by the requests of the verifiers and the conclusions and decisions of the verification decision-issuing agencies, organizations or units.

Article 27.- Responsibilities of concerned agencies, organizations, units and individuals

When requested by verification decision-issuing persons or verifiers, land and house management agencies, tax offices, banks and other concerned agencies, organizations, units and individuals shall:

1. Supply information and documents related to the verification contents and be answerable for the accuracy of supplied information and documents.

2. Designate responsible persons to work with verifiers in service of the verification.

3. Carry out activities within the scope of their competence and professional domains in service of the verification, clarify necessary information in the verification process or prevent acts of dispersing assets or obstructing asset and income verification.

Article 28.- Minutes of working sessions

1. Working sessions between the verifiers and the persons subject to verification as well as the concerned agencies, organizations, units and individuals must be recorded in minutes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Time and venue of the working session;

b/ Participants;

c/ Contents of the working session;

d/ Conclusions of the working session or contents agreed at the working session;

e/ Reservations (if any).

Article 29.- Reports on the results of asset and income verification

1. Within 15 days after the date of issuing an asset and income verification decision, the verifier shall conduct verification activities in accordance with Article 24 of this Decree and send a report on the results of asset and income verification to the verification decision-issuing person.

2. A report on the results of asset and income verification must have the following contents:

a/ Verification contents, verification activities already conducted and verification results;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Conclusions of the verifier on asset and income declaration;

d/ Proposals on the handling of the person making dishonest declaration (if any).

Article 30.- Conclusions on transparency in asset and income declaration

1. Within five days after receiving a report on asset and income verification results, the verification decision-issuing person shall consider the report and the explanation of the person subject to verification and make a conclusion on transparency in the asset and income declaration and send it to the person subject to verification, to the verification-requesting agency or organization and the denouncer, if so requested by the denouncer.

2. The conclusion on transparency in asset and income declaration must clearly state the parity or disparity between the asset and income declaration sheet and the verification results. For case of disparity between the verification results and the declaration sheet, the person subject to verification will be concluded as being dishonest and the conclusion shall also clearly state the disparity in asset and income quantity, description or changes as well as decides or proposes competent persons to handle the person who has made dishonest declaration.

3. When the person subject to asset and income verification requests the person making conclusion on transparency in asset and income declaration to re-consider his/her conclusion, the latter shall consider and reply the requester within five days after receiving the request; if the requester disagrees with the settlement of the conclusion-making person and further proposes the head of the superior agency, organization or unit of the conclusion-making person to re-settle his/her case, the request-receiving person will consider and make a settlement decision; this decision will serve as a basis for the handling of candidates or persons expected to be elected or ratified, who are subject to asset and income verification, in accordance with Clauses 1, 2 and 4, Article 17 of this Decree.

4. The form of the conclusion on transparency in asset and income declaration is promulgated together this Decree (not printed herein).

Article 31.- Publicization of conclusions on transparency in asset and income declaration

1. Within five days after receiving a request for publicization of conclusions on asset and income declaration from the verification-requesting agency or organization specified in Article 17 of this Decree, the conclusion-making person shall issue a decision to publicize the conclusion.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The conclusion on transparency in asset and income declaration shall be publicized at places defined in Clause 1, Article 50 of the Anti-Corruption Law.

4. The conclusion on transparency in asset and income declaration of National Assembly candidates or People's Council candidates shall be publicized at voters' conferences in working places and residence places of these persons.

Article 32.- Dossiers of asset and income verification

1. The asset and income verification must be recorded in dossiers. A verification dossier comprises:

a/ The verification decision; minutes of working sessions; explanation of the person subject to verification; the report on verification results;

b/ The conclusion on transparency in asset and income declaration;

c/ Requests and recommendations of the verification decision-issuing person and the verifier;

d/ Results of assessment and expertise conducted in the verification process (if any);

e/ Other documents related to the verification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. It is strictly prohibited to disclose information of the asset and income verification dossiers; those who violate these regulations shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability in accordance with law.

Chapter IV

HANDLING OF VIOLATIONS OF REGULATIONS ON ASSET AND INCOME TRANSPARENCY

Article 33.- Disciplining of persons who are dishonest in asset and income declaration

1. Persons who are concluded as being dishonest in asset and income declaration shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be handled in one of the following forms:

a/ Reprimand;

b/ Caution;

c/ Demotion of salary grades;

d/ Demotion of ranks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The competence and order of and procedure for disciplining dishonest asset and income declarants who are cadres, civil servants and employees comply with legal provisions on disciplining of cadres, civil servants and employees.

4. The disciplining of dishonest asset and income declarants who are officers or professional armymen in agencies or units of the People's Army; officers in agencies or units of the People's Police comply with laws on the People's Army and the People's Police.

5. Decisions on the disciplining of dishonest asset and income declarants shall be posted up at the head-offices of agencies, organizations or units where these persons work for at least three months after the issuance date.

Article 34.- Handling of dishonest asset and income declarants who are National Assembly candidates, People's Council candidates or persons expected to be elected or ratified by the National Assembly, People's Councils or congresses of political organizations or socio-political organizations, persons expected to be ratified or appointed

1. National Assembly candidates and People's Council candidates who are concluded as being dishonest in asset and income declaration shall have their names deleted from the lists of candidates for a tenure.

2. Persons expected to be elected or ratified at the National Assembly, People's Councils or congresses of political organizations or socio-political organizations, persons expected to be ratified or appointed who are concluded as being dishonest in asset and income declaration shall not be elected, ratified or appointed for one year as from the date of being concluded as dishonest in declaration.

3. Cadres, civil servants, officers or professional army men in agencies or units under the People's Army; officers in agencies or units under the People's Police, who are National Assembly candidates, People's Council candidates, persons expected to be elected, ratified or appointed and concluded as being dishonest in asset and income declaration shall, apart from being handled according to Clauses 1 and 2 of this Article, be disciplined in accordance with Article 33 of this Decree.

Article 35.- Liability in asset and income verification

1. Verification-requesters, verification decision-makers, verifiers and persons making conclusions on transparency in asset and income declaration who violate the regulations on asset and income verification shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter V

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION AND IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 36.- Responsibilities of the Government Inspectorate

1. To organize, direct and guide the inspection of implementation of asset and income transparency regulations in accordance with the contents, order and procedures prescribed in the Anti-Corruption Law, Decree No. 120/2006/ND-CP of October 20, 2006, detailing and guiding the implementation of a number of articles of the Anti-Corruption Law and this Decree.

2. To assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies and concerned agencies in, guiding, inspecting and urging authorities and branches to implement asset and income transparency regulations.

3. To synthesize and report to the Government and the Prime Minister on the results of implementation of asset and income transparency regulations.

Article 37.- Responsibilities of ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies and provincial/municipal People's Committees

1. To organize, direct, propagate, disseminate, urge and inspect the implementation of asset and income transparency regulations in their ministries, branches, localities or agencies.

2. To revise and annul according to their competence or propose competent agencies or organizations to annul regulations contrary to the asset and income transparency regulations in the Anti-Corruption Law and this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 38.- Implementation effect

This Decree takes effect on the date of its signing.

The provisions of Chapter II of the Government's Decree No. 64/1998/ND-CP of August 17, 1998, detailing and guiding the implementation of the Anti-Corruption Ordinance, and the Government's Decree No. 13/2002/ND-CP of January 30, 2002, amending and supplementing a number of articles of Decree No. 64/1998/ND-CP of August 17, 1998, cease to be effective on the effective date of this Decree.

Article 39.- Implementation responsibilities

Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government-attached agencies, chairmen of the People's Councils, presidents of the People's Committees of provinces and centrally run cities, concerned agencies, organizations, units and individuals shall implement this Decree.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 09/03/2007 về việc minh bạch tài sản, thu nhập

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


23.356

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.99.134
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!