Bản dịch này thuộc bản quyền THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Bạn được khai thác sử dụng cho công việc của riêng mình, nhưng không được sao chép, đăng lại trên bất cứ phương tiện nào.

Toàn văn Bản tiếng Việt Hiệp định EVFTA

CHƯƠNG 13

THƯƠNG MẠI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

ĐIỀU 13.1

Mục tiêu

1. Mục tiêu của Chương này là thúc đẩy phát triển bền vững, ghi nhận thông qua việc thúc đẩy sự đóng góp của các lĩnh vực liên quan đến thương mại và đầu tư lên các vấn đề lao động và môi trường.

2. Hai Bên nhắc lại Chương trình Nghị sự 21 về Môi trường và phát triển năm 1992, Kế hoạch Johannesburg về Thực hiện phát triển bền vững tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững năm 2002, Tuyên bố bộ trưởng của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc về Việc làm đầy đủ và việc làm bền vững năm 2006, Chương trình nghị sự về Việc làm bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (sau đây gọi tắt là “ILO”), Tài liệu về kết quả của Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững năm 2012 mang tên Tương lai chúng ta mong muốn, và Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Phát triển bền vững năm 2015 mang tựa đề Thay đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển bền vững. Các bên khẳng định cam kết của mình để thúc đẩy phát triển thương mại quốc tế theo hướng góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Mục tiêu của phát triển bền vững sẽ được lồng ghép vào trong các mối quan hệ thương mại song phương của các Bên.

3. Hai Bên khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, là phụ thuộc lẫn nhau và củng cố lẫn nhau.

4. Hai Bên nhấn mạnh những lợi ích của hợp tác về các vấn đề lao động69 và môi trường liên quan tới thương mại là một phần của chiến lược toàn cầu về thương mại và phát triển bền vững.

5. Chương này hình thành một hướng hợp tác dựa trên các giá trị và lợi ích chung, có tính đến sự khác biệt về mức độ phát triển của hai Bên.

ĐIỀU 13.2

Quyền điều chỉnh và mức độ bảo vệ

1. Hai Bên công nhận các quyền tương ứng:

(a) quyết định mục tiêu, chiến lược, chính sách và ưu tiên phát triển bền vững của mình;

(b) thiết lập mức độ bảo hộ trong nước phù hợp đối với lĩnh vực môi trường và xã hội; và

(c) thông qua hoặc sửa đổi luật pháp và chính sách liên quan phù hợp với các tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận, và những hiệp định nêu tại Điều 13.4 (Các tiêu chuẩn và hiệp định lao động đa phương) và Điều 13.5 (Các hiệp định môi trường đa phương) mà Bên đó là thành viên.

2. Mỗi Bên sẽ nỗ lực đảm bảo luật pháp và chính sách của mình quy định và khuyến khích mức độ bảo hộ cao đối với các lĩnh vực môi trường và xã hội và sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện các quy định luật pháp và chính sách đó.

ĐIỀU 13.3

Duy trì mức độ bảo vệ

1. Hai Bên nhấn mạnh rằng việc làm suy yếu mức độ bảo vệ môi trường và lao động gây bất lợi cho mục tiêu của Chương này và việc khuyến khích thương mại và đầu tư thông qua việc làm suy yếu mức độ bảo vệ luật pháp môi trường và lao động trong nước là không phù hợp.

2. Một Bên không được phép hoặc cho phép việc giảm nhẹ hiệu lực pháp lý hoặc miễn trừ các quyết định luật pháp về môi trường và lao động theo cách làm ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các Bên.

3. Một Bên sẽ không được phép, thông qua một chuỗi các hành động có tính kéo dài hoặc tái diễn, chối bỏ thực thi hiệu quả luật pháp môi trường và lao động như là một biện pháp khuyến khích thương mại và đầu tư.

4. Một Bên không được áp dụng luật pháp môi trường và lao động theo cách thức gây ra sự phân biệt đối xử tùy tiện và vô lý giữa các Bên hoặc được sử dụng như một phương thức hạn chế thương mại trá hình.

ĐIỀU 13.4

Các Tiêu chuẩn và Thỏa thuận Đa phương về Lao động

1. Hai Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc làm đầy đủ, năng suất và bền vững cho tất cả mọi người, đặc biệt là để đáp ứng toàn cầu hóa. Hai Bên tái khẳng định cam kết của mình trong việc thúc đẩy phát triển thương mại song phương một cách có lợi cho việc làm đầy đủ, năng suất và bền vững cho tất cả mọi người, bao gồm với phụ nữ và thanh niên. Theo đó, hai Bên phải tham vấn và hợp tác khi thích hợp về các vấn đề lao động liên quan tới thương mại mà hai Bên cùng quan tâm.

2. Mỗi Bên tái khẳng định cam kết của mình, phù hợp với các nghĩa vụ theo ILO và Tuyên bố ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc và những hành động tiếp theo, được thông qua bởi Hội nghị Lao động Quốc tế tại kỳ họp lần thứ 86 năm 1998; sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc về các quyền cơ bản tại nơi làm việc, cụ thể là:

(a) tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể;

(b) chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc;

(c) loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em; và

(d) chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

3. Mỗi Bên sẽ:

(a) tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO;

(b) xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến các điều kiện trong nước;

(c) trao đổi thông tin với Bên kia về việc phê chuẩn nêu tại điểm (a) và (b).

4. Mỗi Bên tái khẳng định cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các Công ước của ILO đã được Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Châu Âu phê chuẩn.

5. Hai Bên công nhận rằng việc vi phạm các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc không thể được viện dẫn hoặc sử dụng theo cách khác như là một lợi thế so sánh hợp pháp và các tiêu chuẩn lao động không nên được sử dụng cho mục đích bảo hộ thương mại.

ĐIỀU 13.5

Các Hiệp định Môi trường Đa phương

1. Các Bên thừa nhận giá trị của các hiệp định và quản trị môi trường đa phương là phản hồi của cộng đồng quốc tế đối với các thách thức về môi trường, và nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tăng cường sự tương trợ giữa thương mại và môi trường. Các Bên phải tham vấn và hợp tác khi thích hợp trong các vấn đề môi trường liên quan đến thương mại mà hai Bên cùng quan tâm.

2. Mỗi Bên tái khẳng định cam kết thực thi một cách hiệu quả pháp luật và thực tiễn trong nước, các hiệp định môi trường đa phương mà Bên mình là thành viên.

3. Các Bên phải trao đổi thông tin và kinh nghiệm về hiện trạng và tiến độ liên quan đến việc phê chuẩn hoặc các sửa đổi của các hiệp định môi trường đa phương tại Ủy ban Thương mại và Phát triển bền vững và các dịp khác nếu cần thiết.

4. Hiệp định này không ngăn cản một Bên thông qua hoặc duy trì các biện pháp nhằm thực hiện các hiệp định môi trường đa phương mà Bên mình tham gia, với điều kiện các biện pháp đó không được áp dụng theo cách thức gây ra sự phân biệt đối xử tùy tiện và vô lý giữa các Bên hoặc được sử dụng như một phương thức hạn chế thương mại trá hình.

ĐIỀU 13.6

Biến đổi khí hậu

1. Để giải quyết các mối đe dọa cấp bách của biến đổi khí hậu, các Bên tái khẳng định cam kết nhằm đạt được mục đích cuối cùng của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992 (sau đây gọi là “UNFCCC”) và thực thi hiệu quả Công ước UNFCCC, Nghị định thư Kyoto liên quan đến Công ước UNFCCC, được sửa đổi lần cuối vào ngày 8 tháng 12 năm 2012 (sau đây gọi là “Nghị định thư Kyoto”), và Hiệp định Paris, được thực hiện vào ngày 12 tháng 12 năm 2015. Các Bên sẽ hợp tác về việc thực thi Công ước UNFCCC, Nghị định thư Kyoto và Hiệp định Paris. Các Bên phải, khi phù hợp, hợp tác và thúc đẩy sự đóng góp tích cực của Chương này nhằm nâng cao năng lực của các Bên trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế khí thải nhà kính thấp và thích ứng khí hậu, phù hợp với Hiệp định Paris.

2. Trong khuôn khổ Công ước UNFCCC, các Bên thừa nhận vai trò của chính sách trong nước trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo đó, các Bên phải tham vấn và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các lĩnh vực ưu tiên hoặc lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm, bao gồm:

(a) các bài học và thông lệ tốt nhất trong việc xây dựng, thực thi và vận hành các cơ chế định giá các-bon;

(b) thúc đẩy thị trường các-bon trong nước và quốc tế, bao gồm qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; và

(c) tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo.

ĐIỀU 13.7

Đa dạng sinh học

1. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học theo Công ước về Đa dạng sinh học năm 1992 (sau đây gọi là “CBD”) và Kế hoạch chiến lược về Đa dạng sinh học 2011-2020 và Mục tiêu Đa dạng sinh học Aichi, thông qua tại phiên họp lần thứ 10 Hội nghị các bên tại Na-gôi-a vào ngày 18 đến 29 tháng 10 năm 2010, Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa, được sửa đổi lần cuối tại Ga-bô-rôn vào năm 1983 (sau đây gọi là “CITES”) và các văn kiện quốc tế liên quan khác mà mình là thành viên, cũng như các quyết định thông qua sau đó.

2. Các Bên thừa nhận, phù hợp với Điều 15 của Công ước CBD, chủ quyền tài nguyên của các quốc gia và quyền quyết định việc được phép tiếp cận nguồn gen là công mỗi Bên và tùy thuộc vào pháp luật trong nước. Các Bên sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn gen với mục đích đúng đắn và sẽ không áp dụng các hạn chế đi ngược lại với mục tiêu của Công ước CBD. Các Bên thừa nhận rằng việc tiếp cận nguồn gen phải có sự đồng ý được thông báo trước của Bên cung cấp, trừ trường hợp Bên đó quy định khác.

3. Nhằm mục đích trên, mỗi Bên sẽ:

(a) khuyến khích thương mại hàng hóa mang lại lợi ích cho việc sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, phù hợp với quy định luật pháp trong nước;

(b) thúc đẩy và khuyến khích việc sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có việc tiếp cận nguồn gen và sự chia sẻ công bằng và hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng chúng;

(c) trao đổi thông tin với Bên kia về các chiến lược, sáng kiến, chính sách, chương trình, kế hoạch hành động và chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng nhằm ngăn chặn sự biến mất đa dạng sinh học và giảm áp lực về đa dạng sinh học trong bối cảnh thương mại, và nếu có thể hợp tác nhằm tối ưu hóa tác động và đảm bảo sự tuân thủ các chính sách đó;

(d) thông qua và thực thi các biện pháp hiệu quả, phù hợp với các cam kết của các hiệp ước quốc tế mà Bên đó tham gia, hướng tới giảm thiểu việc buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã, ví dụ như các chiến dịch nâng cao nhận thức và các biện pháp giám sát và áp đặt;

(e) thúc đẩy hợp tác với Bên kia, khi thích hợp, trong việc đề xuất các loại động thực vật mới để đưa vào Tiểu phụ lục I và II của Công ước CITES; và

(f) hợp tác với Bên kia ở cấp khu vực và toàn cầu, khi thích hợp, với mục đích thúc đẩy việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái tự nhiên và nông nghiệp, bao gồm các loài có nguy cơ tuyệt chủng, môi trường sống của chúng và đặc biệt là các khu đa dạng sinh học tự nhiên đang được bảo vệ; việc phục hồi các hệ sinh thái; việc loại bỏ hoặc giảm thiểu các tác động môi trường tiêu cực từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc phi sinh vật, bao gồm các hệ sinh thái; việc tiếp cận các nguồn gen và sự chia sẻ công bằng và hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng chúng.

ĐIỀU 13.8

Quản lý tài nguyên rừng bền vững và thương mại lâm sản

1. Các Bên công nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo việc bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên rừng sẽ mang lại lợi ích cho các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội.

2. Nhằm mục đích trên, mỗi Bên sẽ:

(a) khuyến khích thúc đẩy thương mại lâm sản từ những khu rừng được quản lý bền vững và được thu hoạch phù hợp với luật pháp nước sở hữu khu rừng đó; việc này có thể bao gồm sự hoàn tất Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (“FLEGT”);

(b) trao đổi thông tin với Bên kia về các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ từ các khu rừng được quản lý bền vững, và khi thích hợp, hợp tác để phát triển các biện pháp đó;

(c) thông qua các biện pháp nhất quán với luật pháp trong nước và các Hiệp ước quốc tế mà Bên đó là thành viên, nhằm thúc đẩy bảo tồn nguồn tài nguyên rừng và đấu tranh chống lại khai thác và buôn bán gỗ trái phép;

(d) khi thích hợp, trao đổi thông tin với Bên kia về các hành động cải thiện việc thực thi luật lâm nghiệp và hợp tác để tối ưu hóa tác động và bảo đảm sự hỗ trợ lẫn nhau trong việc tuân thủ các chính sách tương ứng nhằm loại bỏ gỗ và sản phẩm gỗ khai thác trái phép khỏi dòng chảy thương mại;

(e) khi thích hợp, hợp tác với Bên kia ở cấp khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy bảo tồn và quản lý bền vững các loại rừng.

ĐIỀU 13.9

Thương mại và quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản

1. Các Bên công nhận tầm quan trọng của việc bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và hệ sinh thái biển, cũng như việc thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững và có trách nhiệm.

2. Nhằm mục đích trên, các Bên sẽ:

(a) tuân thủ các biện pháp bảo tồn và quản lý dài hạn và khai thác bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển được quy định tại Công ước UNCLOS; khuyến khích tuân thủ Hiệp định thực thi các sửa đổi của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển vào ngày 10 tháng 12 năm 1982 liên quan đến việc bảo tồn và quản lý các đàn cá sinh sống trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển cả và các đàn cá di cư xa, thực hiện tại Nữu-ước vào ngày 24 tháng 7 đến ngày 04 tháng 8 năm 1995, Hiệp định thúc đẩy việc tuân thủ các biện pháp bảo tồn và quản lý quốc tế đối với tàu khai thác trên biển, thông qua bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp tại Diễn đàn lần thứ 27 vào tháng 11 năm 1993, và Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, giảm trừ và xóa bỏ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, thông qua bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp tại Diễn đàn diễn ra vào ngày 22 tháng 11 năm 2009; và tuân thủ các Quy tắc ứng xử đối với nghề cá có trách nhiệm, thông qua bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Diễn đàn Can-cun vào ngày 31 tháng 10 năm 1995;

(b) hợp tác với Bên kia, khi thích hợp với và trong các Tổ chức quản lý thủy sản khu vực mà mình là thành viên, quan sát viên, hợp tác viên không ký kết, bao gồm việc áp dụng hiệu quả việc giám sát, kiểm soát và thực thi các biện pháp quản lý, và nếu có thể, thực thi Cơ chế chứng từ hoặc chứng nhận khai thác;

(c) hợp tác với Bên kia và tích cực tham gia đấu tranh chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (sau đây gọi là “IUU”) và các hoạt động liên quan bằng các biện pháp toàn diện, hiệu quả và minh bạch; mỗi Bên cũng sẽ thúc đẩy trao đổi thông tin về các hoạt động IUU và thực thi các chính sách và biện pháp loại bỏ các sản phẩm IUU ra khỏi dòng chảy thương mại;

(d) thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, dựa trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường; và

(e) trao đổi thông tin về các biện pháp quản lý mới đối với nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm thủy sản có tác động đối với thương mại giữa các Bên, tại Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững, và nếu có thể, tại các dịp khác.

ĐIỀU 13.10

Thương mại và đầu tư hướng đến phát triển bền vững

1. Mỗi Bên khẳng định cam kết của mình nhằm tăng cường sự đóng góp của thương mại và đầu tư vào mục tiêu phát triển bền vững ở khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

2. Với mục tiêu trên, các Bên:

(a) công nhận vai trò có lợi của việc làm bền vững có thể có đối với hiệu quả, đổi mới và năng suất kinh tế, và hai Bên sẽ khuyến khích sự gắn kết chính sách hơn nữa, một mặt là giữa các chính sách thương mại và mặt khác là giữa các chính sách lao động;

(b) sẽ nỗ lực tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại và đầu tư đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường phù hợp với Hiệp định này;

(c) sẽ nỗ lực thuận lợi hóa thương mại và đầu tư đối với hàng hóa và dịch vụ cụ thể liên quan để giảm thiểu biến đổi khí hậu, như năng lượng tái tạo bền vững và hàng hóa và dịch vụ tiết kiệm năng lượng, bao gồm thông qua sự phát triển các khung chính sách có lợi cho việc triển khai các công nghệ tốt nhất hiện có;

(d) thừa nhận các sáng kiến tự nguyện có thể đóng góp vào việc đạt được và duy trì ở mức độ cao việc bảo vệ môi trường và lao động và các biện pháp quản lý quốc gia bổ sung; do đó mỗi Bên, theo quy định của luật pháp và các chính sách quốc gia, khuyến khích việc phát triển và tham gia các sáng kiến trên, bao gồm cả các chương trình đảm bảo bền vững tự nguyện như các chương trình thương mại công bằng và đạo đức; và

(e) phù hợp với pháp luật hoặc chính sách quốc gia, đồng ý thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, với điều kiện các biện pháp liên quan không được gây ra sự phân biệt đối xử tùy tiện và vô lý giữa các Bên hoặc tạo thành một phương thức hạn chế thương mại trá hình; các biện pháp thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm các trao đổi về thông tin và thực hành tốt, các hoạt động giáo dục và đào tạo và tư vấn kỹ thuật; về vấn đề này, mỗi Bên sẽ xem xét các công cụ liên quan được quốc tế chấp nhận mà đã được Bên đó xác nhận hoặc hỗ trợ, như Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp đa quốc gia, Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc, và Tuyên bố ba bên của Tổ chức Lao động quốc tế về các Nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội.

ĐIỀU 13.11

Thông tin khoa học

Khi chuẩn bị và thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ các điều kiện môi trường hoặc lao động có thể ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư, mỗi Bên sẽ xem xét các thông tin liên quan đến khoa học, kỹ thuật và đổi mới và các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị có liên quan, bao gồm nguyên tắc phòng ngừa.

ĐIỀU 13.12

Minh bạch

Mỗi Bên, phù hợp với luật pháp trong nước và Chương 14 (Minh bạch), phải đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp nhằm bảo vệ các điều kiện môi trường và lao động có thể ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư được xây dựng, giới thiệu và triển khai thực hiện một cách minh bạch, thông báo kịp thời và đem lại cơ hội đưa ra quan điểm cho những người quan tâm.

ĐIỀU 13.13

Đánh giá tác động bền vững

Hai Bên phải, độc lập hoặc phối hợp, khảo sát, giám sát và đánh giá, tác động của việc thực hiện Hiệp định này đối với phát triển bền vững thông qua các chính sách, thông lệ, quy trình tham gia và thiết chế tương ứng.

ĐIỀU 13.14

Hợp tác về thương mại và phát triển bền vững

1. Hai Bên, nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác về các khía cạnh liên quan đến thương mại của phát triển bền vững để đạt được các mục tiêu của Chương này, có thể hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực sau:

(a) thương mại và phát triển bền vững tại các diơng mạ quốc tế, bao gồm ILO, các Phiên họp Á-Âu, Chương trình môi trường của Liên hợp quốc và các hiệp định môi trường đa phương;

(b) trao đổi thông tin và kinh nghiệm liên quan đến các phương pháp và các chỉ tiêu đánh giá tác động lên thương mại bền vững;

(c) tác động của luật, quy định, định mức và tiêu chuẩn lao động và môi trường lên thương mại hoặc đầu tư, cũng như tác động của những nguyên tắc thương mại hoặc đầu tư đối với lao động và môi trường, bao gồm cả việc xây dựng các chiến lược và chính sách về phát triển bền vững;

(d) chia sẻ kinh nghiệm về việc thúc đẩy phê chuẩn và thực hiện các công ước cơ bản, ưu tiên và cập nhật của Tổ chức Lao động Quốc tế và các hiệp định môi trường đa phương liên quan đến thương mại;

(e) các khía cạnh liên quan tới thương mại của Chương trình nghị sự Việc làm bền vững của ILO, đặc biệt là về các mối liên hệ giữa thương mại và việc làm đầy đủ và năng suất cho tất cả, bao gồm thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật, điều chỉnh thị trường lao động, tiêu chuẩn lao động cơ bản và tiêu chuẩn lao động quốc tế khác, thống kê lao động, phát triển nguồn nhân lực và học tập suốt đời, bảo trợ xã hội cho tất cả, bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương và các nhóm yếu thế, chẳng hạn như lao động nhập cư, phụ nữ, thanh niên và người khuyết tật, và hòa nhập xã hội, đối thoại xã hội và bình đẳng giới;

(f) các khía cạnh liên quan đến thương mại của các hiệp định môi trường đa phương, bao gồm cả hợp tác hải quan;

(g) các khía cạnh liên quan đến thương mại của tình trạng biến đổi khí hậu quốc tế hiện nay và trong tương lai, bao gồm cả phương tiện để thúc đẩy công nghệ các-bon thấp và hiệu quả năng lượng;

(h) chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về chương trình chứng nhận và dán nhãn mác, bao gồm cả nhãn sinh thái;

(i) tăng cường trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, trong đó có liên quan đến các công cụ đã được quốc tế chấp nhận và đã được mỗi Bên thông qua hoặc hỗ trợ;

(j) các biện pháp liên quan đến thương mại để thúc đẩy việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, bao gồm các bản đồ, đánh giá và định giá hệ sinh thái và dịch vụ liên quan, và đấu tranh chống buôn bán quốc tế bất hợp pháp động vật hoang dã;

(k) các biện pháp liên quan đến thương mại để thúc đẩy việc bảo tồn và quản lý rừng bền vững nhằm giảm thiểu nạn phá rừng và khai thác gỗ bất hợp pháp;

(l) Các biện pháp liên quan đến thương mại để thúc đẩy thói quen đánh bắt cá bền vững và kinh doanh sản phẩm cá đã được quản lý bền vững; và

(m) chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về các khía cạnh liên quan đến thương mại về việc xác định và thực hiện các chiến lược và chính sách tăng trưởng xanh, bao gồm nhưng không giới hạn trong sản xuất và tiêu dùng bền vững, giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, và công nghệ thân thiện môi trường.

2. Hai Bên phải chia sẻ thông tin và kinh nghiệm vì các mục đích phát triển và thực hiện các hoạt động hợp tác và xây dựng năng lực về thương mại và phát triển bền vững.

3. Phù hợp với Chương 16 (Hợp tác và nâng cao năng lực), hai Bên có thể hợp tác trong các lĩnh vực nêu tại khoản 1, ngoài những lĩnh vực khác, thông qua:

(a) hội thảo, chuyên đề, đào tạo và đối thoại để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thực hành tốt;

(b) các nghiên cứu; và

(c) hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực, nếu phù hợp. Hai Bên có thể thoả thuận các hình thức hợp tác khác.

ĐIỀU 13.15

Các điều khoản về thể chế

1. Mỗi Bên phải chỉ định một đầu mối liên hệ trong hệ thống hành chính của mình để thực hiện Chương này.

2. Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững thành lập theo Điều 17.2 (Các Ủy ban chuyên trách) phải gồm các cán bộ cấp cao của các cơ quan quản lý hành chính có liên quan của mỗi Bên hoặc các cán bộ được chỉ định.

3. Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững phải có cuộc họp ngay từ năm đầu tiên sau ngày Hiệp định này có hiệu lực, và sau đó khi cần thiết, rà soát việc thực hiện Chương này, bao gồm cả việc hợp tác theo Điều 13.14 (Hợp tác về Thương mại và Phát triển Bền vững). Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững sẽ thiết lập quy chế hoạt động riêng của mình, và đưa ra các kết luận dựa trên đồng thuận.

4. Mỗi Bên phải thành lập một hoặc các nhóm tư vấn trong nước mới hoặc tham vấn ý kiến của nhóm tư vấn trong nước hiện có về phát triển bền vững với nhiệm vụ tư vấn về việc thực hiện Chương này. Mỗi Bên phải quyết định về thủ tục trong nước để thành lập nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước và bổ nhiệm các thành viên cho các nhóm tư vấn này. Nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước này bao gồm các tổ chức đại diện độc lập, bảo đảm sự đại diện cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường. Mỗi nhóm tư vấn trong nước có thể, theo sáng kiến riêng của mình, đệ trình quan điểm hoặc kiến nghị với Bên đó về việc thực hiện Chương này.

5. Các thành viên của nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước của mỗi Bên sẽ gặp nhau tại một diễn đàn chung để tiến hành đối thoại về các khía cạnh phát triển bền vững trong mối quan hệ thương mại giữa hai Bên. Theo thỏa thuận chung, nhóm tư vấn trong nước của cả hai Bên có thể có sự tham gia của bên liên quan khác trong các cuộc họp của diễn đàn chung. Diễn đàn phải được tổ chức trên cơ sở cân bằng đại diện của các bên liên quan về kinh tế, xã hội và môi trường. Báo cáo của mỗi cuộc họp của diễn đàn chung sẽ được trình lên Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững và sau đó được công bố công khai.

6. Trừ trường hợp hai Bên có thoả thuận khác, diễn đàn chung phải được tổ chức mỗi năm một lần và kết hợp với các cuộc họp của Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững. Trong những dịp này, hai Bên sẽ trình bày một bản cập nhật về việc thực hiện Chương này. Hai Bên sẽ thống nhất về hoạt động của diễn đàn chung không muộn hơn một năm sau ngày Hiệp định này có hiệu lực.

ĐIỀU 13.16

Tham vấn Chính phủ

1. Trong trường hợp có bất đồng đối với bất kỳ vấn đề nào tại Chương này, hai Bên chỉ được dựa vào các thủ tục theo Điều này và Điều 13.17 (Hội đồng Chuyên gia). Trừ trường hợp có quy định khác trong Chương này, Chương 15 (Giải quyết Tranh chấp) và Phụ lục 15-C (Cơ chế Hòa giải) không áp dụng đối với Chương này. Phụ lục 15-A (Quy tắc Thủ tục) được áp dụng phù hợp với khoản 2 Điều 13.17 (Hội đồng Chuyên gia), với những sửa đổi phù hợp.

2. Một Bên có thể yêu cầu tham vấn với Bên kia về bất kỳ vấn đề phát sinh theo quy định tại Chương này bằng cách gửi một văn bản yêu cầu đến đầu mối liên hệ của Bên kia. Văn bản yêu cầu phải trình bày vấn đề một cách rõ ràng, xác định các vấn đề đang tranh cãi và cung cấp một bản tóm tắt ngắn gọn về những yêu cầu theo Chương này, bao gồm các quy định có liên quan và giải thích những ảnh hưởng của các quy định này đối với các mục tiêu của Chương này, cũng như các thông tin khác mà Bên đó cho là có liên quan. Tham vấn phải bắt đầu ngay sau khi một Bên gửi yêu cầu tham vấn.

3. Hai Bên phải nỗ lực hết mình để đi đến một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề này. Trong thời gian tham vấn, cần đặc biệt chú ý các vấn đề và lợi ích cụ thể của Bên là nước đang phát triển. Khi cần thiết, hai Bên phải xem xét cẩn trọng các hoạt động của ILO hay các tổ chức hay cơ quan môi trường đa phương có liên quan, và có thể bằng thỏa thuận chung, tham khảo ý kiến từ các tổ chức, cơ quan này hoặc bất kỳ cơ quan hoặc người nào khác mà họ cho là thích hợp để xem xét đầy đủ vấn đề này.

4. Nếu một Bên tin rằng vấn đề cần thảo luận thêm, Bên đó có thể gửi yêu cầu bằng văn bản tới đầu mối liên lạc của Bên kia, yêu cầu Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững triệu tập để xem xét vấn đề. Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững phải triệu tập không chậm trễ và nỗ lực để thỏa thuận một phương án giải quyết vấn đề này.

5. Khi thích hợp, Ủy ban Thương mại và Phát triển Bền vững có thể tham vấn nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước của một hoặc cả hai Bên hoặc sự hỗ trợ của chuyên gia, với mục đích củng cố thêm cho các phân tích của mình.

6. Bất kỳ phương án giải quyết được chấp thuận bởi hai Bên về vấn đề này sẽ được công bố công khai, trừ trường hợp có quyết định chung khác.

ĐIỀU 13.17

Hội đồng Chuyên gia

1. Nếu vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng bởi Ủy ban Thương mại và Phát triển bền vững trong vòng 120 ngày, hoặc một khoảng thời gian dài hơn theo thỏa thuận của hai Bên, sau khi gửi văn bản yêu cầu tham vấn theo Điều 13.16 (Tham vấn chính phủ), một Bên có thể gửi một văn bản yêu cầu đến đầu mối liên hệ của Bên kia yêu cầu triệu tập một Hội đồng Chuyên gia để xem xét vấn đề đó.

2. Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững, sau khi Hiệp định này có hiệu lực, phải thiết lập các quy tắc thủ tục cho Hội đồng Chuyên gia đối với bất kỳ vấn đề thủ tục nào không được quy định tại Điều này. Trừ trường hợp Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững có thỏa thuận khác, trong khi chờ đợi xây dựng các quy tắc về thủ tục, các Quy tắc về thủ tục quy định tại Phụ lục 15-A (Quy tắc thủ tục) sẽ được áp dụng với những điều chỉnh hợp lý, có xem xét bản chất các công việc của Hội đồng Chuyên gia.

3. Ủy ban Thương mại và Phát triển bền vững tại cuộc họp đầu tiên của mình sau khi Hiệp định này có hiệu lực, phải thiết lập một danh sách ít nhất 15 cá nhân sẵn sàng và có khả năng tham gia Hội đồng Chuyên gia. Danh sách này phải bao gồm 3 danh sách phụ: một danh sách cho mỗi Bên và một danh sách bao gồm các cá nhân không phải là công dân của một trong hai Bên và phải là người làm chủ tịch của Hội đồng Chuyên gia. Mỗi Bên phải đề xuất ít nhất 5 cá nhân làm chuyên gia trong danh sách của mình. Hai Bên cũng sẽ chọn ít nhất 5 cá nhân để đưa vào danh sách chủ tịch. Tại các cuộc họp, Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững phải rà soát danh sách và đảm bảo rằng danh sách đó được duy trì ít nhất ở mức 15 cá nhân.

4. Danh sách nêu tại khoản 3 phải bao gồm các cá nhân có kiến thức chuyên ngành hoặc chuyên môn về pháp luật lao động hoặc môi trường, về các vấn đề được đề cập trong Chương này, hoặc việc giải quyết các tranh chấp phát sinh theo các hiệp định quốc tế. Các cá nhân này phải là độc lập, làm việc với tư cách cá nhân và không chịu sự chỉ đạo từ bất kỳ tổ chức hoặc chính phủ nào về các vấn đề liên quan, hoặc có mối liên hệ với chính phủ của bất kỳ Bên nào. Những nguyên tắc trong Phụ lục 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài và hòa giải viên) được áp dụng đối với các chuyên gia với những điều chỉnh phù hợp, có tính đến tính chất công việc của họ.

5. Một Hội đồng Chuyên gia phải gồm 3 thành viên, trừ trường hợp hai Bên có thỏa thuận khác. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bên được yêu cầu nhận được yêu cầu thành lập một Hội đồng Chuyên gia, hai Bên phải tiến hành tham vấn để đạt được một thỏa thuận về thành phần của Hội đồng. Trong trường hợp hai Bên không thể thoả thuận về thành phần của Hội đồng Chuyên gia trong thời hạn này, các Bên phải thoả thuận chọn chủ tịch từ danh sách có liên quan nêu tại khoản 3 , trong trường hợp không thể thỏa thuận được vòng 7 ngày tiếp theo thì tiến hành bốc thăm để lựa chọn. Mỗi Bên sẽ chọn một chuyên gia đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 4 tham gia trong vòng 14 ngày sau khi kết thúc thời hạn 30 ngày. Hai Bên có thể thoả thuận về bất kỳ chuyên gia nào khác đáp ứng các yêu cầu của khoản 4 vào Hội đồng Chuyên gia. Trong trường hợp các thành phần của Hội đồng Chuyên gia chưa được hoàn tất trong thời hạn 44 ngày này kể từ ngày Bên được yêu cầu nhận được yêu cầu thành lập Hội đồng Chuyên gia, chuyên gia hoặc các chuyên gia còn lại sẽ được chọn trong vòng 7 ngày bằng cách bốc thăm từ danh sách phụ hoặc các danh sách phụ được nêu tại khoản 3 do một hoặc hai Bên đề xuất và chưa hoàn thành quy trình. Trong trường hợp danh sách nêu tại khoản 3 vẫn chưa được xây dựng, các chuyên gia sẽ được lựa chọn bằng cách bốc thăm từ các cá nhân đã được chính thức đề xuất bởi cả hai Bên hoặc, bởi một trong hai Bên, trong trường hợp chỉ có một Bên đề xuất. Ngày thành lập Hội đồng Chuyên gia là ngày mà ba chuyên gia cuối cùng được lựa chọn.

6. Trừ trường hợp hai Bên có thoả thuận khác trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày thành lập Hội đồng Chuyên gia, các điều khoản tham chiếu của Hội đồng Chuyên gia phải: “Xác minh, sau khi cân nhắc các điều khoản liên quan của Chương Thương mại và Phát triển Bền vững, các vấn đề được đề cập trong yêu cầu thành lập Hội đồng Chuyên gia và đưa ra các báo cáo, kiến nghị giải pháp cho vấn đề phù hợp với khoản 8 Điều này”.

7. Trong các vấn đề liên quan đến việc tôn trọng các hiệp định đa phương theo quy định tại Điều 13.4 (Các Tiêu chuẩn và Hiệp định Lao động Đa phương) và Điều 13.5 (Các Hiệp định Môi trường Đa phương), Hội đồng phải tìm kiếm thông tin và tư vấn từ các cơ quan của ILO hoặc các cơ quan phụ trách hiệp định môi trường đa phương liên quan. Bất kỳ thông tin có được theo khoản này phải được cung cấp cho cả hai Bên để lấy ý kiến.

8. Hội đồng Chuyên gia phải đưa ra báo cáo tạm thời và báo cáo cuối cùng cho hai Bên. Các báo cáo này phải bao gồm các kết luận thực tiễn, khả năng áp dụng các quy định có liên quan và các lập luận cơ bản của những kết luận và kiến nghị. Hội đồng Chuyên gia phải gửi báo cáo tạm thời cho hai Bên không quá 90 ngày kể từ ngày thành lập. Hai Bên có thể gửi văn bản nhận xét cho Hội đồng Chuyên gia về các báo cáo tạm thời trong vòng 45 ngày kể từ ngày đưa ra báo cáo. Sau khi xem xét tất cả các văn bản nhận xét, Hội đồng Chuyên gia có thể chỉnh sửa báo cáo và tiến hành thêm các xác minh nếu thấy cần thiết. Hội đồng Chuyên gia phải gửi báo cáo cuối cùng cho hai Bên không muộn hơn 150 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp xét thấy không thể đáp ứng các thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia phải thông báo cho hai Bên bằng văn bản, nêu rõ lý do của sự chậm trễ và ngày mà Hội đồng Chuyên gia dự kiến gửi báo cáo tạm thời hoặc báo cáo cuối cùng. Hội đồng Chuyên gia phải gửi báo cáo cuối cùng không quá 180 ngày kể từ ngày thành lập, trừ trường hợp hai Bên có thỏa thuận khác. Báo cáo cuối cùng này sẽ được công bố công khai trừ trường hợp hai Bên cùng có quyết định khác.

9. Hai Bên phải thảo luận các hành động hoặc các biện pháp thích hợp để thực hiện sau khi xem xét báo cáo cuối cùng của Hội đồng Chuyên gia và những kiến nghị trong đó. Hai Bên có trách nhiệm phải thông báo cho nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước của mình và Bên kia các quyết định về bất kỳ hành động hoặc biện pháp sẽ thực hiện không muộn hơn 90 ngày, hoặc một khoảng thời gian dài hơn theo thoả thuận của hai Bên, sau khi báo cáo cuối cùng đã được gửi đến hai Bên. Việc thực hiện các hành động hay biện pháp này sẽ được giám sát bởi Ủy ban về Thương mại và phát triển bền vững. Theo đó, nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước và diễn đàn chung có thể đệ trình các quan sát về việc thực hiện này lên Ủy ban Thương mại và phát triển bền vững.

69 Trong phạm vi Chương này, “các vấn đề lao động” nghĩa là các vấn đề trong Chương trình việc làm bền vững, được dẫn chiếu trong Tuyên bố của ILO về công bằng xã hội cho một sự toàn cầu hóa công bằng, thông qua tại Diễn đàn Lao động Quốc tế lần thứ 97 tại Giơ-ne-vơ vào ngày 10 tháng 6 năm 2008.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 31,148

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn