Bản dịch này thuộc bản quyền THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Bạn được khai thác sử dụng cho công việc của riêng mình, nhưng không được sao chép, đăng lại trên bất cứ phương tiện nào.
Toàn văn Bản tiếng Việt Hiệp định EVFTA |
CHƯƠNG 5
HÀNG RÀO KỸ THUẬT ĐỐI VỚI THƯƠNG MẠI
Khẳng định Hiệp định TBT
Hai Bên khẳng định quyền và nghĩa vụ của mình theo Hiệp định TBT mà đã được tích hợp và trở thành một phần của Hiệp định này, cùng với những sửa đổi phù hợp.
Mục tiêu
1. Mục tiêu của Chương này là tạo thuận lợi và tăng cường thương mại hàng hóa song phương bằng cách ngăn ngừa, xác định và loại bỏ những rào cản không cần thiết đối với thương mại theo phạm vi áp dụng của Hiệp định TBT và tăng cường hợp tác song phương giữa các Bên.
2. Hai bên cam kết xây dựng và nâng cao năng lực kỹ thuật cũng như hạ tầng thể chế liên quan tới các vấn đề về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Phạm vi áp dụng và định nghĩa
1. Chương này áp dụng đối với việc xây dựng, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp, được quy định tại Phụ lục 1 của Hiệp định TBT mà có thể ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa giữa các Bên, ngoại trừ:
(a) quy định kỹ thuật cho mua sắm do các cơ quan chính phủ xây dựng phục vụ yêu cầu sản xuất hoặc tiêu dùng của các cơ quan đó; hoặc
(b) các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật được quy định tại Phụ lục A của Hiệp định SPS.
2. Mỗi Bên có quyền xây dựng, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp theo với Chương này và Hiệp định TBT.
3. Các định nghĩa quy định tại Phụ lục 1 của Hiệp định TBT sẽ được áp dụng cho Chương này.
Quy chuẩn kỹ thuật
1. Hai Bên thống nhất tận dụng tối đa thông lệ quản lý tốt, như đã được quy định trong Hiệp định TBT và trong Chương này, cụ thể là:
(a) đánh giá những phương án thay thế có tính chế tài và phi chế tài sẵn có đối với một dự thảo quy chuẩn kỹ thuật mà đảm bảo các mục tiêu hợp pháp của Bên đó, trên cơ sở phù hợp với Điều 2.2 của Hiệp định TBT, và khuyến khích đánh giá tác động, bên cạnh các hoạt động khác, dự thảo quy chuẩn kỹ thuật bằng các phương thức đánh giá tác động chế tài được khuyến nghị bởi Ủy ban về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thành lập theo Điều 13 của Hiệp định TBT;
(b) sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, chẳng hạn như những tiêu chuẩn được xây dựng bởi Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế, Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế, Ủy ban viễn thông quốc tế, Ủy ban Codex, làm cơ sở cho các quy chuẩn kỹ thuật, trừ trường hợp những tiêu chuẩn quốc tế đó không hiệu quả hoặc không phù hợp để thực hiện các mục tiêu hợp pháp mà Bên đó theo đuổi; nếu một Bên không sử dụng tiêu chuẩn quốc tế làm cơ sở để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, khi có yêu cầu của Bên kia, Bên đó phải chỉ rõ những điều chỉnh cơ bản so với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan và phải giải thích lý do tại sao các tiêu chuẩn đó lại được xem là không phù hợp hoặc không hiệu quả với mục đích đang theo đuổi;
(c) rà soát, không ảnh hưởng đến Điều 2.3 của Hiệp định TBT, các quy chuẩn kỹ thuật với quan điểm tăng cường sự phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan. Trong quá trình thực hiện rà soát, các Bên phải, bên cạnh các yếu tố khác, xem xét các điểm mới trong các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan và xem xét liệu có tiếp tục nảy sinh sự không tương thích với tiêu chuẩn chuẩn quốc tế liên quan hay không;
(d) quy định quy chuẩn kỹ thuật dựa trên đặc tính vận hành của sản phẩm thay vì dựa trên thiết kế hoặc đặc điểm mô tả.
2. Phù hợp với Điều 2.7 của Hiệp định TBT, một Bên phải tích cực xem xét khả năng chấp nhận quy chuẩn kỹ thuật tương đương của Bên kia, kể cả khi những quy chuẩn này khác với quy chuẩn của mình, miễn là quy chuẩn đó đáp ứng đầy đủ những mục tiêu của quy chuẩn của mình.
3. Một Bên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật mà được coi là tương đương với quy chuẩn kỹ thuật của Bên kia do tương thích về phạm vi áp dụng và mục tiêu có thể gửi yêu cầu bằng văn bản cho Bên kia về việc thừa nhận quy chuẩn kỹ thuật đó là tương đương. Yêu cầu này phải được thực hiện bằng văn bản và nêu ra các lý do chi tiết tại sao quy chuẩn kỹ thuật phải được xem là tương đương, bao gồm các lý do liên quan đến phạm vi áp dụng. Nếu một Bên không đồng ý rằng các quy chuẩn kỹ thuật là tương đương thì phải nêu rõ lý do về quyết định của mình cho Bên kia theo yêu cầu.
Tiêu chuẩn
1. Hai Bên khẳng định nghĩa vụ của mình theo Điều 4.1của Hiệp định TBT để đảm bảo rằng các cơ quan tiêu chuẩn hoá của mình chấp nhận và tuân thủ Quy chế Thực hành tốt trong việc xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn tại Phụ lục 3 của Hiệp định TBT. Các Bên tiếp tục khẳng định việc tuân thủ các nguyên tắc được đưa ra trong các Quyết định và Khuyến nghị được Ủy ban WTO về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại từ ngày 1 tháng 1 năm 1995, G/TBT/1/rev.13, ban hành ngày 08 tháng 3 năm 2017, bao gồm cả Quyết định của Ủy ban về các nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế liên quan tới Điều 2, 5 và Phụ lục 3 của Hiệp định dẫn chiếu trong các Phụ lục, Phần 1 của Quyết định.
2. Với mục tiêu hài hòa tiêu chuẩn nhiều nhất có thể, các Bên khuyến khích các cơ quan tiêu chuẩn hoá của mình, cũng như các cơ quan tiêu chuẩn hoá khu vực mà mỗi bên hoặc các cơ quan tiêu chuẩn hoá của mỗi bên là thành viên:
(a) tham gia trong phạm vi nguồn lực của mình, vào việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế có liên quan;
(b) sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan làm cơ sở cho các tiêu chuẩn đang được xây dựng, trừ trường hợp các tiêu chuẩn quốc tế này không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với mục tiêu pháp lý của một Bên, ví dụ do mức độ bảo vệ chưa đủ hoặc vì yếu tố khí hậu hoặc địa lý, hoặc các vấn đề công nghệ quan trọng.
(c) tránh trùng lặp, hoặc chồng chéo với công việc của tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế;
(d) thường xuyên rà soát các tiêu chuẩn quốc gia và khu vực chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan với mục tiêu tăng cường hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan; và
(e) hợp tác với các cơ quan tiêu chuẩn hoá liên quan của Bên kia trong các hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế. Việc hợp tác đó có thể được thực hiện tại các cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc tế hoặc khu vực.
3. Hai Bên cam kết trao đổi thông tin về:
(a) việc sử dụng các tiêu chuẩn của mỗi bên trong việc hỗ trợ quy chuẩn kỹ thuật;
(b) quy trình tiêu chuẩn hóa của mỗi Bên, và mức độ sử dụng tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực làm cơ sở cho các tiêu chuẩn quốc gia của mỗi Bên; và
(c) các hiệp định hợp tác về tiêu chuẩn hoá được thực hiện bởi một trong hai Bên bao gồm cả tiêu chuẩn hoá trong các hiệp định quốc tế với các nước thứ ba trong phạm vi không bị cấm theo các hiệp định đó.
4. Hai Bên thừa nhận rằng, theo Phụ lục 1 của Hiệp định TBT, các tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng. Khi một Bên yêu cầu các tiêu chuẩn bắt buộc, thông qua việc tích hợp hoặc dẫn chiếu trong các quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp, thì phải thực thi Điều 5.7 (Minh bạch hoá).
Quy trình đánh giá sự phù hợp
1. Đối với quy trình đánh giá sự phù hợp bắt buộc, các Bên phải thực thi khoản 1 Điều 5.4 (Quy chuẩn kỹ thuật) một cách phù hợp, nhằm tránh những trở ngại không cần thiết đối với thương mại và đảm bảo tính minh bạch và không phân biệt đối xử.
2. Để phù hợp với Điều 5.1.2 của Hiệp định TBT, khi Bên nhập khẩu yêu cầu đảm bảo chắc chắn về sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn tương ứng của mình, quy trình đánh giá sự phù hợp đó không được chặt chẽ hơn hoặc được áp dụng chặt chẽ hơn mức cần thiết để tạo sự tin tưởng cho Bên kia rằng các sản phẩm của mình phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tương ứng, có tính đến các rủi ro mà sự không sự phù hợp có thể tạo ra.
3. Hai Bên thừa nhận rằng hiện tại có nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho việc chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được thực hiện trên lãnh thổ của Bên kia, bao gồm:
(a) Bên nhập khẩu sẽ dựa trên tuyên bố về sự phù hợp của nhà cung cấp;
(b) các thoả thuận về thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể được thực hiện bởi các tổ chức nằm trên lãnh thổ của Bên kia;
(c) sử dụng công nhận để đánh giá các tổ chức đánh giá sự phù hợp nằm trên lãnh thổ của Bên kia;
(d) chỉ định của Chính phủ về các tổ chức đánh giá sự phù hợp, bao gồm cả các tổ chức nằm trên lãnh thổ của Bên kia;
(e) thừa nhận đơn phương của một Bên về kết quả đánh giá sự phù hợp được thực hiện trên lãnh thổ của Bên kia;
(f) các thỏa thuận tự nguyện giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp nằm trên lãnh thổ của hai Bên; và
(g) sử dụng các hiệp định và các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau đa phương quốc tế và khu vực mà hai Bên là thành viên.
4. Đối với nhưng nội dung được đề cập đến trong khoản 3, hai Bên cam kết:
(a) tăng cường trao đổi thông tin về cơ chế nêu tại khoản 3 và các cơ chế tương tự với quan điểm tạo thuận lợi cho việc chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp;
(b) trao đổi thông tin về các quy trình đánh giá sự phù hợp, và đặc biệt về các tiêu chí để lựa chọn quy trình đánh giá sự phù hợp thích hợp đối với các sản phẩm cụ thể;
(c) xem xét tuyên bố sự phù hợp của nhà cung cấp như một đảm bảo về sự phù hợp với pháp luật trong nước;
(d) xem xét các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về các kết quả đánh giá sự phù hợp theo quy định tại khoản 5;
(e) trao đổi thông tin về chính sách công nhận và xem xét làm thế nào để sử dụng tốt nhất các tiêu chuẩn quốc tế về công nhận và các hiệp định quốc tế liên quan đến các tổ chức công nhận của các Bên, ví dụ, thông qua các cơ chế của Tổ chức công nhận các phòng thử nghiệm quốc tế (ILAC) và Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF);
(f) xem xét tham gia hoặc nếu có thể, khuyến khích các tổ chức thử nghiệm, giám định và chứng nhận tham gia các hiệp định hoặc thoả thuận quốc tế đối với việc hài hòa hóa hoặc tạo thuận lợi cho việc chấp nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp;
(g) đảm bảo rằng chủ thể kinh tế có thể lựa chọn các tổ chức đánh giá sự phù hợp được các cơ quan có thẩm quyền chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu đảm bảo tuân thủ pháp luật;
(h) khuyến khích sử dụng công nhận để đánh giá các tổ chức đánh giá sự phù hợp; và
(i) đảm bảo tính độc lập và không xung đột lợi ích giữa các tổ chức công nhận và tổ chức đánh giá sự phù hợp.
5. Khi có yêu cầu của một Bên, Bên kia có thể quyết định tiến hành tham vấn để xác định sáng kiến ngành hàng liên quan tới việc sử dụng các quy trình đánh giá sự phù hợp hoặc tạo thuận lợi cho việc chấp nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp đối với ngành hàng tương ứng. Bên đưa ra yêu cầu cần phải chứng minh được sáng kiến ngành này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại như thế nào. Nếumột Bên từ chối yêu cầu đó của Bên kia, thì Bên từ chối phải giải thích lý do của mình.
6. Các Bên khẳng định nghĩa vụ của mình theo Điều 5.2.5 của Hiệp định TBT rằng phí đánh giá sự phù hợp bắt buộc đối với sản phẩm nhập khẩu phải được tính công bằng với tất cả các sản phẩm tương tự có nguồn gốc trong nước hoặc từ nước ngoài khác, có tính đến chi phí thông tin liên lạc, vận chuyển và chi phí khác phát sinh từ sự khác biệt về địa điểm của người nộp đơn và tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Minh bạch hóa
Hai Bên thừa nhận tầm quan trọng của tính minh bạch liên quan đến việc xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp. Về vấn đề này, hai Bên khẳng định các nghĩa vụ minh bạch của mình theo Hiệp địnhTBT. Mỗi Bên phải:
(a) xem xét quan điểm của Bên kia nếu một phần của quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật được tham vấn công khai và khi có yêu cầu cung cấp câu trả lời kịp thời bằng văn bản đối với các ý kiến góp ý của Bên kia;
(b) đảm bảo rằng các chủ thể kinh tế và những người quan tâm khác của Bên kia được phép tham gia vào các tham vấn công khai chính thức liên quan đến quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, với các điều kiện không kém thuận lợi hơn dành cho các pháp nhân hoặc thể nhân của Bên mình;
(c) tiếp theo điểm 1(a) Điều 5.4 (Quy chuẩn kỹ thuật), trong trường hợp thực hiện đánh giá tác động, thông báo cho Bên kia, khi có yêu cầu, kết quả của việc đánh giá tác động của dự thảo quy chuẩn kỹ thuật;
(d) khi thực hiện thông báo theo Điều 2.9.2 hoặc 5.6.2 của Hiệp định TBT, thì:
(i) cho phép ít nhất một khoảng thời gian 60 ngày sau khi thông báo để Bên kia đưa ra góp ý bằng văn bản đối với dự thảo và, nếu có thể, xem xét các đề nghị hợp lý về việc gia hạn thời gian;
(ii) cung cấp phiên bản điện tử của văn bản được thông báo;
(iii) cung cấp, trong trường hợp nội dung văn bản thông báo không phải bằng một trong các ngôn ngữ chính thức của WTO, một bản mô tả chi tiết và toàn diện về nội dung của biện pháp theo mẫu thông báo của WTO;
(iv) trả lời bằng văn bản đối với các ý kiến góp ý nhận được từ Bên kia về dự thảo không chậm hơn ngày ban hành quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp cuối cùng; và
(v) cung cấp thông tin về việc ban hành và hiệu lực thi hành của biện pháp đã thông báo và nội dung văn bản chính thức được ban hành thông qua phụ lục của thông báo ban đầu;
(e) dành đủ thời gian từ lúc ban hành quy chuẩn kỹ thuật đến hiệu lực thi hành để chủ thể kinh tế của các Bên có khả năng thích ứng, trừ trường hợp các vấn đề khẩn cấp về an toàn hoặc sức khỏe, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh;
(f) đảm bảo rằng tất cả các quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp bắt buộc đã ban hành và có hiệu lực được công bố công khai trên các trang web chính thức và miễn phí; và
(g) đảm bảo rằng đầu mối hỏi đáp được thành lập theo Điều 10.1 của Hiệp định TBT sẽ cung cấp thông tin và câu trả lời bằng một trong những ngôn ngữ chính thức theo quy định WTO đối với các câu hỏi phù hợp của Bên kia hoặc từ những người quan tâm của Bên kia về các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp và tiêu chuẩn đã được ban hành.
Giám sát thị trường
Hai Bên cam kết:
(a) trao đổi quan điểm về việc giám sát thị trường và các hoạt động thực thi pháp luật;
(b) bảo đảm rằng các chức năng giám sát thị trường được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền, và không có xung đột lợi ích giữa chức năng giám sát thị trường và chức năng đánh giá sự phù hợp; và
(c) bảo đảm rằng không có xung đột lợi ích giữa các tổ chức thực hiện giám sát thị trường và chủ thể kinh tế chịu sự kiểm soát hoặc giám sát.
Đánh dấu và ghi nhãn
1. Hai Bên ghi nhận rằng một quy chuẩn kỹ thuật có thể bao gồm hoặc có quy định riêng về các yêu cầu đánh dấu hoặc ghi nhãn. Khi các quy chuẩn kỹ thuật của một Bên có yêu cầu đánh dấu hoặc ghi nhãn bắt buộc, Bên đó phải tuân thủ các nguyên tắc của Điều 2.2 Hiệp định TBT, cụ thể các quy chuẩn kỹ thuật này không được xây dựng với mục đích tạo ra những trở ngại không cần thiết cho thương mại quốc tế, và không nên hạn chế thương mại hơn mức cần thiết để thực thi một mục tiêu hợp pháp.
2. Khi yêu cầu đánh dấu hoặc ghi nhãn bắt buộc đối với sản phẩm, một Bên:
(a) chỉ yêu cầu các thông tin có liên quan đến người tiêu dùng hoặc người sử dụng sản phẩm, hoặc để chỉ rõ sự phù hợp của sản phẩm đối với các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc;
(b) không được yêu cầu phê duyệt trước, đăng ký trước hoặc chứng nhận trước đối với nhãn hoặc dấu của sản phẩm làm điều kiện để lưu thông sản phẩm trên thị trường trong khi sản phẩm đó đã phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc trừ trường hợp cần thiết để xem xét rủi ro của sản phẩm đối với sức khỏe hay cuộc sống của con người, động vật hoặc thực vật, môi trường hoặc an ninh quốc gia; điểm này không ảnh hưởng đến quyền của một Bên trong việc yêu cầu phê chuẩn trước các thông tin cụ thể sẽ được cung cấp trên nhãn hoặc dấu phù hợp với các quy định của luật pháp trong nước có liên quan;
(c) trường hợp khi một Bên yêu cầu sử dụng mã số nhận dạng duy nhất của chủ thể kinh tế, Bên đó phải cung cấp mã số đó cho chủ thể kinh tế của Bên kia không chậm trễ và trên cơ sở không phân biệt đối xử;
(d) việc cung cấp không được gây hiểu lầm, mâu thuẫn hoặc khó hiểu liên quan đến các thông tin theo yêu cầu của Bên nhập khẩu hàng hoá, phải cho phép như sau:
(i) thông tin bằng các ngôn ngữ bổ sung khác ngoài ngôn ngữ theo yêu cầu của Bên nhập khẩu hàng hoá;
(ii)các thuật ngữ, chữ tượng hình, biểu tượng hoặc hình ảnh được chấp nhận quốc tế; hoặc
(iii) thông tin bổ sung đối với yêu cầu được đưa ra bởi Bên nhập khẩu hàng hoá;
(e) các Bên phải chấp nhận rằng viêc dán nhãn, bao gồm dán nhãn bổ sung hoặc sửa nhãn, được thực hiện nếu được, tại các cơ sở được cho phép, ví dụ, cơ quan hải quan hoặc kho ngoại quan được cấp phép tại điểm nhập khẩu của Bên nhập khẩu trước khi phân phối và bán các sản phẩm; một Bên có thể yêu cầu không được gỡ bỏ nhãn gốc;
(f) khi một Bên nhận thấy các mục tiêu hợp pháp của Hiệp định TBT không bị ảnh hưởng, Bên đó phải nỗ lực chấp nhận dán nhãn không cố định hoặc nhãn rời, hoặc đánh dấu hoặc ghi nhãn nộp cùng hồ sơ đi kèm mà không phải gắn cơ học lên sản phẩm.
Hợp tác chung và thuận lợi hóa thương mại
1. Hai Bên phải tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp nhằm tăng sự hiểu biết lẫn nhau về các hệ thống tương ứng của mình và tạo thuận lợi cho thương mại giữa hai Bên. Để thực hiện được, hai Bên có thể xây dựng các đối thoại pháp lý ở cấp độ ngành dọc và ngang.
2. Hai Bên phải tập trung xác định, xây dựng và tăng cường các sáng kiến song phương liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp tương ứng với các vấn đề hoặc lĩnh vực cụ thể và tạo thuận lợi cho thương mại. Những sáng kiến này có thể bao gồm:
(a) thúc đẩy quy chế quản lý tốt thông qua hợp tác quản lý, bao gồm trao đổi thông tin, kinh nghiệm và dữ liệu nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp và tận dụng hiệu quả các chế tài này;
(b) sử dụng cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro đối với đánh giá sự phù hợp như dựa trên tuyên bố hợp chuẩn của nhà cung cấp đối với các sản phẩm có rủi ro thấp và khi thích hợp, giảm bớt sự phức tạp của các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá hợp chuẩn;
(c) tăng cường hài hoà tiêu chuẩn, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp với các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị quốc tế liên quan;
(d) tránh sự khác biệt không cần thiết về phương pháp tiếp cận của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp khi không có các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị quốc tế;
(e) thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa các tổ chức công hoặc tư chịu trách nhiệm về hoạt động tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp và đo lường của các Bên;
(f) bảo đảm sự tương tác và hợp tác hiệu quả của các cơ quan quản lý ở cấp khu vực hoặc quốc tế; và
(g) trao đổi thông tin nếu có thể về các hiệp định và thỏa thuận liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại ở cấp độ quốc tế.
3. Theo yêu cầu, một Bên sẽ xem xét đề xuất hợp tác của Bên kia theo quy định của Hiệp định này. Sự hợp tác này, ngoài các hình thức khác, sẽ được thực hiện thông qua đối thoại, diễn đàn phù hợp, các dự án chung, hỗ trợ kỹ thuật và các chương trình nâng cao năng lực về quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong các ngành được lựa chọn do hai Bên thống nhất.
Tham vấn
1. Một Bên sẽ xem xét nhanh chóng và tích cực đối với các yêu cầu tham vấn của Bên kia về những vấn đề liên quan đến việc thực thi Chương này.
2. Để làm rõ hoặc giải quyết những vấn đề được nhắc tới ở khoản 1, Ủy ban Thương mại có thể thành lập một nhóm công tác nhằm xác định giải pháp khả thi và thực tiễn nhằm tạo thuận lợi cho thương mại. Nhóm công tác này sẽ bao gồm đại diện của các Bên có liên quan.
Thực thi
1. Mỗi Bên phải chỉ định một đầu mối liên lạc tại Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam và tại Ủy ban Châu Âu và cung cấp cho Bên kia thông tin chi tiết về đầu mối liên lạc hoặc cán bộ chịu trách nhiệm về các vấn đề được quy định theo Chương này, bao gồm thông tin về điện thoại, fax, e-mail và các thông tin chi tiết khác.
2. Mỗi Bên phải thông báo ngay lập tức cho Bên kia những thay đổi về đầu mối liên lạc và những sửa đổi thông tin đã đề cập ở khoản 1.
3. Đầu mối liên lạc, ngoài những việc khác, phải:
(a) giám sát việc thực hiện và quản lý Chương này;
(b) tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác, khi thích hợp, theo Điều 5.10 (Hợp tác và thuận lợi hoá thương mại);
(c) kịp thời giải quyết mọi vấn đề do một Bên đưa ra liên quan đến việc xây dựng, ban hành và áp dụng hoặc thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp;
(d) tham vấn, theo yêu cầu của một Bên, về những vấn đề nảy sinh trong phạm vi điều chỉnh của Chương này;
(e) tiến hành các hoạt động hỗ trợ các Bên trong việc thực thi Chương này; và
(f) thực hiện các chức năng khác được giao bởi Ủy ban Thương mại Hàng hóa.
4. Các điểm hỏi đáp được thành lập theo Điều 10.1 của Hiệp định TBT sẽ:
(a) tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các Bên về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp để phản hồi các yêu cầu hợp lý đối với những thông tin đưa ra từ Bên kia; và
(b) chuyển các câu hỏi của Bên kia cho các cơ quan quản lý phù hợp.