Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, cơ quan nghiên cứu kết quả rà soát điều kiện kinh doanh (ĐKKD) cùng kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chủ động đề xuất bãi bỏ các điều kiện không cần thiết, không phù hợp; tăng cường lấy ý kiến, đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định về kiểm soát ĐKKD, trình Chính phủ trong tháng 12/2017.
Theo CIEM, hiện nay có tới 4.284 ĐKKD tương ứng với 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thuộc phạm vi quản lý của 15 Bộ. Bộ Công Thương có số điều kiện lớn nhất (1.152), Bộ Tư pháp có ít điều kiện nhất (64).
Số lượng các ĐKKD thuộc phạm vi quản lý của các Bộ. Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định về kiểm soát ĐKKD, trình Chính phủ trong tháng 12/2017.
Qua nghiên cứu, CIEM khẳng định so sánh với các tiêu chuẩn của OECD, chất lượng thể chế về kinh doanh của Việt Nam còn thấp và đang góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thể hiện qua 6 hệ lụy.
6 hệ lụy với nền kinh tế từ ĐKKD bất cập
Thứ nhất, các ĐKKD đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, làm nản lòng các doanh nghiệp đang hoạt động.
Lý do là quy định về ĐKKD thường yêu cầu phải có mặt bằng lớn, cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn, đòi hỏi nhiều bằng cấp và kinh nghiệm, đòi hỏi phải kinh doanh theo một phương thức nhất định như phải nằm trong chuỗi bán lẻ của một doanh nghiệp, có phương án kinh doanh được phê duyệt…
Thứ hai, các ĐKKD đang làm giảm cạnh tranh thị trường. Do các yêu cầu, điều kiện ngặt nghèo, các nhà đầu tư tiềm năng không thể gia nhập thị trường, không tạo ra áp lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các ĐKKD thường gắn với hàng hóa, dịch vụ của một đơn vị công lập hoặc được Nhà nước chỉ định, tạo ra lợi thế độc quyền, cản trở các nhà đầu tư tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ điển hình là các yêu cầu phải được đào tạo và cấp chứng chỉ bởi cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước.
Thứ ba, các ĐKKD đang làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Nhiều ĐKKD bắt buộc doanh nghiệp phải kinh doanh theo một phương thức nhất định, phải sử dụng một loại công nghệ nhất định, phải thành lập một loại doanh nghiệp nhất định. Các quy định của ĐKKD thường mô tả chi tiết, cứng nhắc cách thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp không có không gian để đổi mới, sáng tạo, tạo ra nhu cầu mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn, góp phần nâng cao tiềm năng và chất lượng tăng trưởng.
Thứ tư, nhiều ĐKKD đang làm giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều ĐKKD làm tăng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, làm giảm giá trị gia tăng doanh nghiệp có thể tạo ra. Quy định của ĐKKD khiến cho lãnh đạo doanh nghiệp mất nhiều thời gian để tìm hiểu quy định, tiếp xúc với cán bộ nhà nước để tuân thủ pháp luật hoặc tránh bị phạt, không có thời gian nâng cao chất lượng quản lý doanh nghiệp, tìm kiếm phương thức canh doanh mới hiệu quả hơn.
Thứ năm, nhiều ĐKKD tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Nhiều giấy phép kinh doanh có thời hạn ngắn, khiến doanh nghiệp khó dự liệu cho tương lai, không muốn đầu tư lớn. Nhiều ĐKKD yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch trong khi Nhà nước chưa có quy hoạch và quy hoạch có nhiều thay đổi. Rủi ro chính sách nói chung và ĐKKD nói riêng luôn là điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp trong các cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp.
Thứ sáu, nhiều ĐKKD không rõ ràng, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện trong quản lý nhà nước và sự nhũng nhiễu của một số cán bộ. Nhiều điều kiện được quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể, ví dụ như: “rõ ràng”, “phù hợp”, “đủ”, “sạch sẽ”, “thoáng mát”, “có đủ”, “thuận tiện”, “thích hợp”, “có đạo đức tốt’, “đủ sức khỏe”… Những điểm không rõ ràng này chính là cơ sở để một số cán bộ vòi vĩnh doanh nghiệp, gây ra chi phí phi chính thức lớn cho doanh nghiệp.
“Những tác động này đang đi ngược lại và cản trở quyết tâm, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên đây, CIEM đã kiến nghị bãi bỏ hơn gần 2.000 yêu cầu, ĐKKD, cụ thể là bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính, bãi bỏ toàn bộ 85 ĐKKD về địa điểm, bãi bỏ toàn bộ 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất.
Cùng với đó là bãi bỏ các điều kiện về nhân lực, trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, ví dụ như nghề y, nghề kiểm toán; bãi bỏ toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh; bãi bỏ toàn bộ 80 điều kiện về quy hoạch; bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện có nội dung không phù hợp khác.
Đồng thời, CIEM kiến nghị thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD theo hướng thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm, chi phí lớn bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn; chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Những ngành nghề không nên áp đặt ĐKKD
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của VCCI cho biết trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 ĐKKD. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 ĐKKD. Ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 ĐKKD.
Trong số 243 ngành nghề, VCCI cho rằng có 16 ngành, nghề được xác định là các ngành, nghề kinh doanh điều kiện là chưa phù hợp và 10 ngành, nghề kinh doanh có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp. Cụ thể, một số ngành, nghề không nhận thấy tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng: Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; xuất khẩu gạo; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; kinh doanh dịch vụ in, trừ in bao bì.
Một số ngành, nghề không nhận thấy rõ tính đặc thù so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường cùng loại (trong khi các ngành nghề này bị áp đặt ĐKKD thì các ngành nghề cùng loại lại không bị áp đặt): Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Một số ngành, nghề có thể kiểm soát bằng hình thức quản lý khác thay vì ĐKKD: Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy; kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim; kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng.
Một số ngành, nghề có phạm vi kinh doanh bị kiểm soát quá rộng, như kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi; kinh doanh thủy sản; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; kinh doanh phân bón; kinh doanh giống cây trồng; kinh doanh giống thủy sản. Các ngành nghề này chỉ cần kiểm soát ĐKKD ở khâu sản xuất.
Một số ngành, nghề kinh doanh có phạm vi không rõ: Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế.
Hơn nữa, có một số loại hàng hóa thực phẩm cũng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương nhưng được tách riêng ra thành các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ví dụ gạo, thực phẩm đông lạnh. Khái niệm “thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương” có thể chồng lấn với các nhóm hàng này.
Đặc biệt, có những ngành, nghề không phải là hoạt động kinh doanh; có ngành, nghề, xét về bản chất lại không phải là ngành, nghề, ví dụ kinh doanh dịch vụ logistics bao gồm một hoặc nhiều hoạt động như vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan…
3 đặc điểm nổi bật của các ĐKKD Qua rà soát 14 ngành nghề của 3 Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, VCCI chỉ ra ba đặc điểm nổi bật của các ĐKKD: - Điều kiện kinh doanh có tính chấp áp đặt quy mô doanh nghiệp. Như đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe taxi nếu trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương; thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3; thương nhân phân phối rượu phải có kho hàng kho hàng tối thiểu tổng diện tích phải từ 300 m2 trở lên hoặc khối tích phải từ 1000 m3 trở lên. Thương nhân kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh phải có số tiền ký quỹ là 10 tỷ đồng Việt Nam nộp tại một tổ chức tín dụng; thương nhân phân phối rượu phải có số vốn tối thiểu 01 tỷ Việt Nam đồng; thương nhân bán buôn rượu phải có số vốn tối thiểu 300 triệu Việt Nam đồng… - Điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Như yêu cầu các thương nhân kinh doanh LPG đầu mối phải tổ chức kinh doanh theo hệ thống phân phối tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán LPC chai, phải có trạm cấp hoặc trạm nạp LPG…; phương án kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chứng nhận sự phù hợp phải ký kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng trở lên; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đại lý tàu biển, vận tải biển, lai dắt tàu biển phải có người phụ trách chuyên trách về pháp chế… - Điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp, mệnh lệnh hành chính. Ví dụ yêu cầu điều kiện về nghiệp vụ chuyên môn của các nhân viên phục vụ trên phương tiện ô tô, tàu thủy nội địa; yêu cầu nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch phải được tập huấn về nghiệp vụ du lịch; đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải đăng ký và thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách; yêu cầu đại lý, cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm phải có địa chỉ cụ thể, rõ ràng, “biển hiệu ghi rõ đại lý hoặc cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm cho người đi mô tô được gắn hoặc treo tại vị trí mặt trước bên ngoài của đại lý hoặc cửa hàng ở vị trí dễ quan sát”… |
Hà Chính
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ