CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG ******** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 92-CT |
Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 1989 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH VÀ CÁC ĐOÀN THỂ LÀM KINH TẾ
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về các cơ quan hành chính, các đoàn thể làm kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
1. Cho phép các cơ quan hành chính, các đoàn thể được làm kinh tế.
Cơ quan hành chính và các đoàn thể nói trong Quyết định này bao gồm các cơ quan không có chức năng sản xuất, hoặc dịch vụ sản xuất như các cơ quan giúp Bộ, Uỷ ban Nhà nước, hoặc giúp Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước (Văn phòng, Vụ, Cục, Sở, Ban...) các tổ chức của Đảng, các đoàn thể xã hội, đoàn thể theo nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính và các đoàn thể).
2. Các cơ quan hành chính và các đoàn thể muốn làm kinh tế phải tuân theo các điều kiện sau:
a) Chỉ được tiến hành các hoạt động sản xuất hoặc dịch vụ phục vụ sản xuất; không được buôn bán hoặc thu lợi dưới hình thức không phải là sản xuất hoặc dịch vụ sản xuất.
b) Việc tổ chức sản xuất hoặc dịch vụ phục vụ sản xuất phải nhằm mục đích tạo thêm việc làm cho lao động trong cơ quan, đơn vị; có thêm kinh phí cho hoạt động của cơ quan, đơn vị, giảm bớt tài trợ của ngân sách Nhà nước; góp phần tăng thêm sản phẩm cho xã hội.
c) Tổ chức bộ máy (dưới hình thức xí nghiệp, công ty...) nằm ngoài biên chế của cơ quan đứng ra làm công việc sản xuất dịch vụ và được cơ quan có thẩm quyền quy định ở điều 3 dưới đây quyết định thành lập.
Quy mô tổ chức dù lớn hay nhỏ đều phải có nhiệm vụ rõ ràng, trong đó cần chú ý nêu rõ những mặt hàng định sản xuất, loại công việc dịch vụ phục vụ sản xuất, hiệu quả và mục tiêu cải thiện đời sống của cán bộ nhân viên, giảm tài trợ cho ngân sách Nhà nước. Nếu sản xuất với quy mô lớn hoặc sản xuất mặt hàng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao thì phải có phương án hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật được thủ trưởng cơ quan quản lý ngành, nghề hữu quan của Nhà nước chấp thuận.
Nếu tổ chức sản xuất hoặc dịch vụ sản xuất có quan hệ giao dịch với nước ngoài thì phải được Bộ Kinh tế đối ngoại chấp thuận.
d) Tổ chức sản xuất, dịch vụ phục vụ sản xuất dưới bất cứ hình thức nào (xí nghiệp, công ty,...) đều phải tự lo trách nhiệm về vốn đầu tư ban đầu, tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi, không sử dụng tài sản phương tiện, vật tư của cơ quan để hoạt động sản xuất hoặc dịch vụ phục vụ sản xuất. Trường hợp cần khai thác sử dụng hết công suất thì phải trả khấu hao theo quy định của Nhà nước.
Biên chế của tổ chức sản xuất, dịch vụ sản xuất phải nằm ngoài biên chế của cơ quan. Tiền lương tiền thưởng do tổ chức sản xuất, dịch vụ trả trên cơ sở hiệu quả sản xuất, dịch vụ đem lại. Trường hợp kết hợp việc tổ chức sản xuất, dịch vụ sản xuất để giảm bớt người trong biên chế cơ quan thì được ưu tiên trong việc vay vốn, được mua vật tư cho sản xuất, được miễn hoặc giảm thuế trong thời gian đầu, được trả lương bằng vốn ngân sách Nhà nước cho đến khi sản xuất đã ổn định và có lãi thì phải cắt bỏ khoản chi thuộc ngân sách Nhà nước.
e) Đăng ký với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, nếu tổ chức sản xuất, dịch vụ sản xuất do các cơ quan, đoàn thể ở trung ương và tỉnh, thành phố quản lý; đăng ký với Uỷ ban nhân dân quận, huyện hoặc cấp tương đương, nếu là tổ chức sản xuất, dịch vụ sản xuất do các cơ quan hành chính, các đoàn thể ở quận, huyện quản lý. Các tổ chức này chỉ được hoạt động sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký kinh doanh.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, quận, huyện và cấp tương đương có thể uỷ quyền cho cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện việc đăng ký và cấp giấy đăng ký kinh doanh.
3. Cấp có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức sản xuất, dịch vụ sản xuất do các cơ quan hành chính, các đoàn thể quản lý được quy định như sau:
a) Nếu tổ chức sản xuất, dịch vụ sản xuất trực thuộc các cơ quan hành chính, các đoàn thể ở Trung ương thì phải do người đứng đầu cơ quan hành chính hoặc các đoàn thể ở Trung ương (Bộ, Tổng cục trưởng... hoặc người đứng đầu cơ quan trung ương của các đoàn thể, Ban Đảng, tổ chức xã hội khác...) ký quyết định thành lập.
b) Nếu tổ chức sản xuất, dịch vụ sản xuất trực thuộc các cơ quan hành chính, các đoàn thể ở tỉnh, quận, huyện và cấp tương đương thì phải do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc người đúng đầu cơ quan Đảng, đoàn thể ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký quyết định thành lập.
c) Người có quyền ký quyết định thành lập phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, nếu có hậu quả không tốt.
4. Các tổ chức sản xuất, dịch vụ sản xuất sau khi được phép kinh doanh có nghĩa vụ quyền hạn:
a) Sản xuất, dịch vụ đúng mặt hàng hoặc ngành nghề đã đăng ký kinh doanh. Nếu sản xuất hàng loạt thì phải đăng ký chất lượng sản phẩm với cơ quan đo lường và kiểm tra chất lượng sản phẩm của địa phương và được giữ bản quyền mẫu sản phẩm đã đăng ký.
b) Thực hiện chế độ kế toán thống kê và chế độ sổ sách hoá đơn theo hướng dẫn của cơ quan tài chính - thống kê Nhà nước; nộp thuế và các khoản thu theo quy định của Nhà nước, trừ trường hợp được giảm hoặc miễn thuế theo quy định ở khoản d, điều 2 trên đây.
c) Được Nhà nước bảo hộ quyền sản xuất dịch vụ; được liên doanh liên kết với các tổ chức và cá nhân để sản xuất, dịch vụ sản xuất.
5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những tổ chức sản xuất, dịch vụ do cơ quan hành chính, các đoàn thể thành lập trước đây đều phải theo đúng Quyết định này.
6. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Yêu cầu cơ quan Trung ương của các đoàn thể, các tổ chức xã hội chỉ đạo các tổ chức thuộc quyền thực hiện Quyết định này.