ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
12/2021/QĐ-UBND
|
Thái Nguyên, ngày
12 tháng 3 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CÁP VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm
2011 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều
của Luật Viễn thông;
Căn cứ
Thông tư số 20/2019/TT-BTTT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ
Thông tin và Truyền thông ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng
cáp ngoại vi viễn thông”;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT ngày 27 tháng 12 năm 2013 giữa Bộ Xây dựng, Bộ
Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về dấu hiệu nhận biết các loại
đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công
trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày
30 tháng 12 năm 2013 giữa Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cơ chế, nguyên
tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật
sử dụng chung;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản
lý cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 3
năm 2021 và thay thế Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2015 của
UBND tỉnh Thái Nguyên về quy định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh Thái
Nguyên.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng
các Sở, Ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ
chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Đài PTTH Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên;
- Trung tâm Thông tin tỉnh,
- Lưu: VT, KT, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Quang Tiến
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ CẤP VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy định này quy định nguyên tắc, kỹ
thuật, kế hoạch, sắp xếp, chỉnh trang, hạ ngầm và trách nhiệm của các cơ quan,
tổ chức và cá nhân trong quản lý cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Các cơ quan nhà nước gồm: Các sở,
ban, ngành của tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi
chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn.
2. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động quản lý cáp viễn thông.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. Cáp viễn thông: Là tên gọi chung
chỉ cáp quang, cáp đồng, cáp đồng trục (cáp truyền hình)
được dùng để truyền thông tin trong mạng viễn thông thuộc
quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Cáp thuê bao: Là đoạn cáp viễn
thông từ hộp cáp, tủ cáp, hố cáp, bộ chia tín hiệu truyền hình đến thiết bị đầu
cuối đặt trong nhà thuê bao.
3. Cáp treo: Là cáp viễn thông để lắp đặt trên hệ thống đường cột và các cấu trúc đỡ khác.
4. Cáp ngầm: Là cáp viễn thông được
chế tạo để chôn trực tiếp trong đất hoặc đi trong hạ tầng
kỹ thuật ngầm.
5. Cáp phối: Là cáp viễn thông nối giữa
các tủ cáp hoặc cáp nối từ tủ cáp tới các hộp cáp. Cáp phối
còn gọi là cáp ngọn hay cáp thứ cấp.
6. Cáp chính: Là đoạn cáp viễn thông
từ giá đấu dây (MDF/DDF) tới tủ cáp, hộp cáp, măng sông rẽ nhánh đầu tiên. Cáp
chính còn gọi là cáp gốc, cáp sơ cấp.
7. Cơ sở hạ tầng viễn thông: Là tập hợp các thiết bị viễn thông, đường truyền dẫn, mạng viễn
thông và các công trình viễn thông.
8. Công trình cáp viễn thông: Là các
công trình sử dụng cáp viễn thông (cáp đồng, cáp quang,...) đi treo, đi
ngầm (chôn trực tiếp hoặc đi trong hạ tầng kỹ thuật ngầm).
9. Hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn
thông: Bao gồm cột treo cáp và hạ tầng kỹ thuật ngầm.
10. Hạ tầng kỹ thuật ngầm (bao gồm
cống cáp, bể cáp, hào và tuy nen kỹ thuật): Là công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng ngầm dưới mặt đất để
lắp đặt cáp.
11. Măng sông cáp: Là phụ kiện dùng để
nối liền cáp, bảo đảm kín nước. Măng sông cáp có nhiều hình dạng khác nhau, có
hai hoặc nhiều đầu nối.
12. Tủ cáp: Một kết cấu dạng khung hộp
bằng kim loại hoặc polyme kín, chống được nước mưa, là nơi
kết nối giữa cáp chính và cáp phối.
13. Hộp cáp: Một kết cấu dạng khung hộp
bằng kim loại hoặc nhựa polyme kín, chống được nước mưa,
là nơi kết nối giữa cáp chính và cáp phối hoặc cáp phối cấp 1 và cáp phối cấp 2
hoặc kết nối dây thuê bao giữa tủ cáp và nhà thuê bao.
14. Cột treo cáp: Là cột bằng thép hoặc bê tông cốt thép dùng để treo cáp viễn thông.
15. Công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng
chung: Là các công trình xây dựng để bố trí, lắp đặt đường dây, cáp và đường ống
bao gồm: Cột ăng ten; cột treo cáp; cống cáp; hào và tuy nen kỹ thuật; đường đô
thị; đường hầm bộ; hầm đường sắt; cống ngầm; cầu đường bộ và cầu đường sắt.
Điều 4. Nguyên tắc
quản lý cáp viễn thông
1. Việc quản lý cáp viễn thông phải
phù hợp với quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, quy hoạch
xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đúng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
và đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị.
2. Ưu tiên và tạo điều kiện trong việc
dùng chung cáp viễn thông, hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông, đặc biệt là hạ tầng
kỹ thuật đi ngầm cáp viễn thông.
3. Khuyến khích các tổ chức khai thác dịch vụ dùng chung cáp viễn thông. Từng bước xây dựng lộ
trình ngầm hóa cáp viễn thông tại các khu vực đô thị, khu, cụm
công nghiệp, khu du lịch, khu di tích lịch sử nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường
và mỹ quan đô thị.
4. Khi phát triển mạng lưới viễn
thông tại các tuyến đường mới trong khu đô thị, khu dân cư mới phải thực hiện xây dựng ngầm 100% mạng cáp, tuân thủ nguyên tắc an
toàn và đảm bảo mỹ quan đô thị.
Chương II
KỸ THUẬT CÔNG
TRÌNH CÁP VIỄN THÔNG
Điều 5. Điều kiện
lắp đặt đối với cáp treo
1. Cáp viễn thông treo phải thỏa mãn
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông QCVN
33:2019/BTTTT (sau đây gọi tắt là Quy chuẩn
QCVN 33:2019/BTTTT) ban hành theo Thông tư số 20/2019/TT- BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Cáp viễn thông không được kéo treo
trong các trường hợp sau:
a) Cấm treo mới cáp viễn thông những
tuyến đã quy hoạch ngầm hóa.
b) Dung lượng cáp viễn thông hiện có
của tổ chức sở hữu trên các tuyến đường vẫn còn đáp ứng khả
năng phát triển dịch vụ hoặc nhu cầu sử dụng. Tổng số lượng
cáp một tổ chức treo trên một tuyến vượt quá 04 sợi cáp.
c) Vượt đường giao thông có độ rộng lớn
hơn 70 m và các đường trọng điểm theo quy định.
d) Chưa có thỏa thuận dùng chung với
tổ chức quản lý, sở hữu cột treo cáp.
đ) Các đoạn hoặc tuyến đường có khoảng
cách giữa các cột treo cáp lớn hơn 70 m.
e) Không treo cáp tại các tuyến đường
mới tại các khu dân cư, đô thị.
Điều 6. Yêu cầu kỹ
thuật đối với cáp trong cống bể, cáp chôn trực tiếp và cáp trong đường hầm
1. Cáp viễn thông trong cống bể, cáp chôn trực tiếp và cáp trong đường hầm phải
được lắp đặt tuân thủ yêu cầu kỹ thuật được quy định tại Quy chuẩn QCVN
33:2019/BTTTT.
2. Không đi cáp viễn thông ngầm trong
lòng mương, cống thoát nước. Trong quá trình thi công không làm ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng và cây xanh hiện có.
Điều 7. Yêu cầu kỹ
thuật đối với tủ cáp, hộp cáp, măng sông, bộ chia tín hiệu
Tủ cáp, hộp cáp phải được lắp đặt
đúng yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quy chuẩn QCVN 33:2019/BTTTT.
Điều 8. Yêu cầu kỹ
thuật đối với cáp thuê bao
1. Cáp thuê bao (treo hoặc ngầm)
phải được lắp đặt đúng yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quy chuẩn QCVN 33:
2019/BTTTT.
2. Cáp thuê bao nổi phải kéo thẳng,
bó gọn với độ cao như cáp chính. Độ dài cáp thuê bao không quá 200m ở địa bàn
phường, thị trấn; không quá 500m ở địa bàn các xã.
3. Trên cùng một tuyến, mỗi tổ chức
đi không quá 05 cáp thuê bao, trường hợp nhiều hơn 05 cáp thuê bao phải thay bằng
cáp có dung lượng lớn hơn.
Chương III
KẾ HOẠCH LẮP ĐẶT
CÁP VIỄN THÔNG
Điều 9. Xây dựng
kế hoạch lắp đặt cáp viễn thông
1. Các tổ chức viễn thông có trách
nhiệm xây dựng kế hoạch lắp đặt cáp ngoại vi viễn thông hàng quý, gửi Sở Thông
tin và Truyền thông để quản lý, theo dõi.
2. Thời gian gửi kế hoạch lắp đặt cáp
ngoại vi viễn thông trước ngày 15 của tháng liền kề trước quý.
3. Nội dung kế hoạch bao gồm: Tên tuyến
cáp, loại cáp, điểm đầu, điểm cuối, dự kiến thời gian lắp đặt.
4. Trước khi lắp đặt cáp ngoại vi viễn
thông 7 ngày làm việc, tổ chức viễn thông gửi thông báo về bản vẽ thiết kế tổng thể và chi tiết về tuyến cáp viễn
thông đến Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện tuyến cáp đi qua để theo
dõi và quản lý.
Điều 10. Kiểm
tra, giám sát việc lắp đặt cáp viễn thông
1. Sở Thông tin và Truyền thông kiểm
tra việc lắp đặt cáp viễn thông tại các quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến phố chính.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra
việc lắp đặt cáp viễn thông tại các khu vực còn lại.
Chương IV
SẮP XẾP, CHỈNH
TRANG VÀ HẠ NGẦM CÁP VIỄN THÔNG
Điều 11. Nội
dung sắp xếp, chỉnh trang, ngầm hóa cáp viễn thông treo hiện có
1. Thu hồi, sắp xếp, chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông phải tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn
QCVN 33:2019/BTTTT.
2. Tổ chức sở hữu cáp viễn thông rà
soát, thống kê cáp hiện có.
3. Thay thế nhiều cáp thuê bao bằng
cáp có dung lượng lớn.
4. Gia cố, chỉnh sửa, thay thế cột, tủ
cáp, hộp cáp kém chất lượng hoặc không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật,
mỹ quan đô thị.
5. Kéo căng, bó gọn cáp viễn thông
treo.
6. Treo thẻ sở hữu
cáp và thẻ báo độ cao cáp.
7. Từng bước ngầm hóa cáp viễn thông
treo hiện có.
Điều 12. Triển
khai sắp xếp, chỉnh trang cáp viễn thông treo hiện có
1. Việc sắp xếp, chỉnh trang, làm gọn hệ thống cáp viễn thông thực hiện đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông và các quy định hiện hành.
2. Căn cứ theo Kế hoạch chỉnh trang sắp xếp cáp viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt, các tổ chức sở hữu cột treo cáp và tổ chức sở hữu cáp viễn thông có trách nhiệm tổ chức triển khai theo Kế hoạch.
3. Cáp viễn thông và các thành phần
liên quan công trình cáp viễn thông không sử dụng, không xác định được tổ chức
sở hữu, xây dựng sai quy định hoặc không được triển khai sắp
xếp, chỉnh trang và hạ ngầm đúng thời gian sẽ bị thu hồi và xử lý vi phạm hành
chính theo quy định.
Điều 13. Triển
khai hạ ngầm cáp viễn thông hiện có
1. Các tổ chức quản lý, sở hữu cột
treo cáp và tổ chức sở hữu cáp viễn thông rà soát, xây dựng phương án hạ ngầm
cáp viễn thông treo (cả cáp thuê bao) và trình các cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì lựa chọn phương án hạ ngầm cáp viễn thông cho từng tuyến đường, lấy ý kiến
của Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng và UBND cấp huyện về
xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi ngầm để hạ ngầm cáp viễn thông hiện có.
3. Sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày hạ tầng kỹ thuật đi ngầm hoàn thành, tất cả cáp viễn thông phải được ngầm hóa.
Điều 14. Quy định
quản lý cáp viễn thông sau khi chỉnh trang, sắp xếp, làm gọn cáp viễn thông
treo
1. Tổ chức quản lý, sở hữu cột treo
cáp trên các tuyến đường đã được thực hiện chỉnh trang,
làm gọn hệ thống cáp viễn thông treo có trách nhiệm:
a) Thường xuyên kiểm tra, rà soát các
tổ chức treo cáp không đúng quy định trên các tuyến đường
đã thực hiện chỉnh trang, làm gọn hệ thống cáp viễn thông treo.
b) Chủ động thông báo và phối hợp vơi
Sở Thông tin và Truyền thông xử lý các tổ chức treo cáp vi phạm quy chuẩn kỹ
thuật.
2. Đối với các trường hợp treo cáp viễn
thông ngoài bó cáp hoặc ngoài vòng treo trên các tuyến đường
đã thực hiện chỉnh trang, làm gọn, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm
thông báo và yêu cầu tổ chức sở hữu cáp viễn thông và tổ chức liên quan cắt bỏ,
tiêu hủy số cáp nói trên; tổ chức sở hữu cáp viễn thông chịu hoàn toàn trách
nhiệm về việc thu hồi cáp dã bị cắt bỏ và khắc phục hệ thống thông tin liên lạc
của tổ chức mình.
Điều 15. Xử lý
công trình cáp viễn thông hư hỏng
1. Khi cáp viễn thông đứt hoặc tủ
cáp, hộp cáp, cống, bể, cột bị hư hỏng, tổ chức sở hữu phải có mặt kịp thời để phối hợp xử lý tạm thời nhằm
đảm bảo an toàn giao thông và thông tin.
2. Khi cáp viễn thông treo qua đường
bị đứt, hoặc gãy cột, tổ chức sở hữu cáp, cột có trách nhiệm trồng cột mới (nếu
cột bị gãy) hoặc kéo dây gia cường để treo tạm không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên đường. Trong vòng 2
(hai) ngày khi có sự cố, tổ chức sở hữu cáp phối hợp với tổ chức quản lý cột có phương án và triển khai chỉnh trang gọn cáp viễn
thông.
3. Đối với các trường hợp di dời công
trình dùng chung cáp viễn thông (cột cống bể), tổ chức sở hữu công trình dùng chung cáp viễn thông có trách nhiệm
thông báo đến các tổ chức sử dụng chung trước thời gian di dời ít nhất 07 (bảy)
ngày. Tổ chức sở hữu công trình dùng chung có trách nhiệm phối hợp với các tổ
chức liên quan để xử lý cáp viễn thông trong trường hợp tổ
chức sử dụng chung không phối hợp di dời đồng bộ.
4. Các tổ chức quản lý, sở hữu cột
treo cáp và các tổ chức sử dụng cột treo cáp phải thiết lập đường dây nóng (số
điện thoại liên hệ), thường trực 24/24h và báo cáo về Sở
Thông tin và Truyền thông. Khi có sự cố cũng như các tình
huống khẩn cấp, các bên phải phối hợp khắc phục, bảo đảm
an toàn, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.
Chương V
TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Sở
Thông tin và Truyền thông
1. Hàng năm xây dựng kế hoạch sắp xếp,
chỉnh trang và ngầm hóa cáp viễn thông, trình Ủy ban nhân
dân tỉnh phê duyệt
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
nhà nước và tổ chức có liên quan kiểm tra, giám sát việc lắp đặt cáp viễn
thông.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
nhà nước và tổ chức liên quan kiểm tra,
giám sát, đôn đốc việc tháo dỡ, thu hồi cáp treo không đúng quy định, bị hỏng,
không còn sử dụng.
Điều 17. Sở Giao
thông Vận tải
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông trong việc rà soát, đối chiếu với quy hoạch phát triển giao thông đường bộ;
đồng thời phối hợp triển khai sắp xếp, chỉnh trang cáp viễn thông đang treo hiện có, tạo điều kiện tốt nhất để kịp thời ngầm hóa các đoạn cáp viễn
thông gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Điều 18. Sở Xây
dựng
1. Quản lý quy
hoạch và quản lý xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu
thương mại đảm bảo các yêu cầu quy hoạch
về hạ tầng kỹ thuật viễn thông theo quy định. Khi quy hoạch
xây dựng các khu công nghiệp, các khu đô thị, khu thương mại,
khu dân cư phải kèm theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông như đường
cong, bể, hào, hầm, tuynel kỹ thuật, cột treo cáp.
2. Thực hiện quản lý các công trình hạ
tầng kỹ thuật sử dụng chung trong đó có cáp viễn thông
theo quy định về quản lý sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật.
3. Chỉ đạo các tổ chức quản lý đô thị
(chiếu sáng)
cùng với các tổ chức thuê hạ tầng treo cáp triển khai sắp xếp, chỉnh trang các tuyến cáp viễn thông treo hiện có trên hệ thống cột điện
chiếu sáng đúng các yêu cầu kỹ thuật, cắt tỉa cành cây xanh để phục vụ việc sắp
xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp viễn thông đang treo hiện
có.
Điều 19. Sở Công
Thương
Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra
và xử phạt các hành vi vi phạm đối với hạ tầng cáp viễn thông vi phạm hành lang
an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh.
Điều 20. Sở Tài
chính
Hằng năm phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông xây dựng dự toán kinh phí phục vụ cho việc chỉnh trang cáp viễn thông, thu hồi cáp treo bị hỏng,
cáp viễn thông treo không sử dụng, treo không đúng quy định.
Điều 21. Ủy ban
nhân dân cấp huyện
1. Chủ trì và phối hợp kiểm tra, giám sát việc lắp đặt cáp viễn thông trên địa bàn theo phân cấp.
2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp cáp viễn thông gây mất an toàn, mỹ quan đô thị; xử phạt đối với các hành vi vi phạm đối với việc lắp đặt cáp viễn thông vi phạm các quy định trên địa bàn.
3. Hằng năm có kế hoạch tỉa cành cây
xanh trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý để phòng chống, khắc phục thiên tai và phục vụ việc sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp viễn thông đang treo hiện có.
4. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông đề xuất các tuyến đường thuộc quyền quản lý cần chỉnh trang hàng năm.
Điều 22. Các tổ
chức quản lý hệ thống cột để lắp đặt cáp viễn thông
1. Quản lý, bảo trì hệ thống cột, có kế hoạch duy tu hệ thống cột, cải
tạo và lắp đặt xà đỡ để đỡ các cáp viễn thông đang treo; thống kê các cột không
đảm bảo an toàn và thông báo cho các tổ chức sở hữu cáp viễn thông treo phối
hợp xử lý, có biện pháp di chuyển, bổ sung cột cho phù hợp và đảm bảo an toàn.
Thay thế cột cũ không đủ khả năng chịu lực, không đảm bảo mỹ quan.
2. Có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý các tuyến cột điện có treo cáp viễn thông gồm các nội dung: Tổ chức
thuê cột; chủng loại và số lượng từng loại cáp treo trên cột;
điểm đầu - điểm cuối của tuyến đường đã thỏa thuận; số và
ngày ký hợp đồng thuê cột.
3. Phối hợp với tổ chức có cáp viễn thông
đang treo trên cột để cải tạo, sắp xếp các cáp viễn thông theo kế hoạch.
4. Tổ chức kiểm tra, phát hiện sự cố
cột, các tình huống khẩn cấp, có biện pháp khắc phục đảm bảo an toàn.
5. Thông báo, phối hợp với các tổ chức
liên quan tháo dỡ cáp viễn thông không xác định tổ chức sở
hữu hoặc treo không đúng quy định trên cột treo cáp.
6. Thỏa thuận việc sử dụng cột đối với
các tổ chức quản lý cáp viễn thông treo trên cột theo hợp đồng.
Điều 23. Các tổ
chức sở hữu cáp viễn thông
1. Đầu tư, lắp đặt, quản lý, khai thác cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh theo Quy định này và
các quy định pháp luật có liên quan.
2. Triển khai sắp xếp, chỉnh trang và
ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông đúng Quy định này và các quy định pháp luật
có liên quan.
3. Hàng năm xây dựng dự toán kinh phí
phục vụ cho việc chỉnh trang cáp viễn
thông, thu hồi cáp treo bị hỏng, cáp treo không sử dụng, cáp treo không đúng quy định.
Điều 24. Các cơ
quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ quản lý cáp
viễn thông có trách nhiệm triển khai thực hiện quy định này.
Điều 25. Tổ chức
thực hiện
1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên
quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm quy định
này, định kỳ hoặc theo yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện về
Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo theo quy định.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có
vướng mắc hoặc phát sinh, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Thông
tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
Thái Nguyên xem xét, điều chỉnh Quy định cho phù hợp./.