21/08/2019 08:45

Mua bán cần sa bị xử lý trách nhiệm hình sự như thế nào?

Mua bán cần sa bị xử lý trách nhiệm hình sự như thế nào?

Cần sa là một loại thực vật được sử dụng như chất gây ảo giác, hưng phấn. Trên thế giới có nhiều nơi cho phép mua bán, sử dụng cần sa để giải trí. Nhiều người Việt Nam cho rằng cần sa không gây hại, không gây nghiện, lại rất dễ mua bán nên đã buôn bán cần sa để kiếm lời. Họ không biết rằng đây hành vi mua bán trái phép chất ma túy bị pháp luật nghiêm cấm. Vậy, hành vi mua bán cần sa sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự ra sao?

Tại Bản án 38/2019/HSST ngày 20/02/2019 của Toà án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội xét xử về hành vi mua bán trái phép chất ma túy như sau:

” Ngày 21/12/2018, Bùi Anh Q lên mạng xã hội Facebook đặt mua 02 gói cần sa, giá 360.000 đồng của người không rõ lai lịch. Sau khi mua được ma túy, Q cất vào ba lô và giấu tại nơi ở rồi giao bán trên mạng xã hội Facebook với giá 200.000 đồng/gói. Ngày 23/12/2018 Nguyễn Tiến M sử dụng tài khoản “Long Lầm Lì”nhắn tin và giao dịch mua ma túy qua điện thoại, hẹn địa điểm mua bán ma túy.

Khoảng 13 giờ 00 phút ngày 24/12/2018, Q điều khiển xe máy Honda Wave Alpha BKS 30P6-2178 và mang theo 2 gói ma túy cần sa để trong ba lô đến điểm hẹn tại ngõ 180 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm bán cho M với giá 400.000 đồng. Q đã cầm tiền, chưa kịp đưa ma túy cho M thì bị bắt quả tang. Vật chứng thu giữ: 2 gói nilong màu trắng bên trong chứa thảo mộc khô, 01 xe máy, 01 ba lô, 02 điện thoại di động… ”

Tòa án đã tuyên bị cáo  Bùi Anh Q phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy’’, xử phạt bị cáo 24 (hai mươi bốn) tháng tù.

Cần sa (tên Latinh: Cannabis, Marijuana; cỏ hay gai dầu), là một chi thực vật có hoa được sử dụng như chất gây ảo giác, chất kích thích hoặc dùng làm thuốc. Hiện trên thế giới có một số quốc gia đã chính thức hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cả trong lĩnh vực y tế lẫn giải trí phải kể đến đó là Uruquay, Canada, một số bang của Mỹ. Ngoài ra, việc hợp pháp hóa cần sa trong lĩnh vực y tế còn ở các nước ở Trung và Nam Mỹ khác như Mexico, Ecuador, Brazil, Argentina, Colombia…Tuy nhiên việc mua bán, sử dụng cần sa ở các nước này chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ.

Còn tại Việt Nam, cần sa được xếp vào danh mục I các chất ma túy bị cấm tuyệt đối trong y học và đời sống xã hội theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP Quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng cần sa ở Việt Nam là phạm pháp. Đặc biệt đối với việc mua bán cần sa là hành vi cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy bị phát luật trừng trị nghiêm khắc.

Cụ thể, Tội “mua bán trái phép các chất ma túy” được quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy

1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;

g) Qua biên giới;

h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

…”

Tội mua bán trái phép chất ma túy là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức, có nghĩa là chỉ cần có hành vi mua bán trái phép chất ma túy thì tội phạm đã hoàn thành. Cấu thành tội phạm vật chất là dấu hiệu của các loại tội phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Qua đó cho ta thấy sự nhìn nhận của nhà nước về mức độ nguy hiểm cao độ của tội mua bán trái phép chất ma tuý so với các hành vi khác xâm phạm các quy định về ma tuý của pháp luật.

Về mức hình phạt đối với tội phạm này được Bộ luật hình sự 2015 quy định trong 4 điều khoản từ cơ bản đến tăng nặng tương ứng với mức độ nghiêm trọng tăng dần của hình phạt và hành vi. Trong điều khoản cơ bản tại khoản 1, khung hình phạt là từ 02 năm đến 07 năm; khoản 2 là từ 07 năm đến 15 năm; khoản 3 là từ 15 năm đến 20 năm; khoản 3 là từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Mức hình phạt vẫn được giữ nguyên từ thấp nhất (02 năm) đến cao nhất (tử hình).

Hi vọng bài viết này sẽ là lời cảnh tỉnh cho những ai đang có ý định buôn bán cần sa để kiếm lời.

Một số bản án có cùng nội dung, mời các bạn tham khảo:

- Bản án về tội mua bán trái phép chất ma tuý số 47/2021/HSST
- Bản án về mua bán trái phép chất ma túy số 94/2021/HS-ST
- Bản án về tội mua bán trái phép chất ma túy số 19/2021/HS-ST

Quang Chính
33282

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn