TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 37/2023/DS-PT NGÀY 11/01/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN
Ngày 11 tháng 01 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 295/2022/TLPT-DS ngày 10/11/2022 về việc: “Tranh chấp đòi tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2022/DS-ST ngày 29/8/2022 của Toà án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 300/2022/QĐ-PT ngày 01/12/2022, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Đặng Thị H, sinh năm 1959; địa chỉ: Thôn T, xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Công H1, sinh năm 1986; địa chỉ: Số nhà 244 đường N, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Theo hợp đồng ủy quyền ngày 15/9/2021), có mặt.
2. Bị đơn: Ông Phạm Duy T1, sinh năm 1955; ông Phạm Ngọc T2, sinh năm 1957 và ông Võ Minh Q, sinh năm 1968; cùng địa chỉ: Thôn T, xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk, đều có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ông Đinh Thanh H2, sinh năm 1958; địa chỉ: Thôn T, xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Công H1, sinh năm 1986; địa chỉ: Số nhà 244 đường N, phường T, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (Theo Giấy ủy quyền ngày 18/5/2022), có mặt.
3.2. Ủy ban nhân dân xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Quốc T3 - Chủ tịch UBND xã K; địa chỉ: Buôn Dur 1, xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk, có đơn xin xét xử vắng mặt.
4. Người làm chứng:
4.1. Ông Trương Quang Đ, sinh năm 1967, địa chỉ: Thôn T, xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
4.2. Ông Lâm Văn X, sinh năm 1945, địa chỉ: Thôn T, xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
4.3. Ông Trương Quang B, sinh năm 1958, địa chỉ: Thôn 5, xã Quảng Điền, huyện A, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
5. Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Đặng Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đinh Thanh H2, cùng địa chỉ: Thôn T, xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện đề ngày 21/6/2021 và 10/7/2021 và quá trình tham gia tố tụng nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền cho nguyên đơn ông Phạm Công H1 trình bày:
Ngày 25/8/1998, gia đình bà H cho Tập đoàn T (Nay là Ban tự quản thôn T) vay số tiền 7.000.000đ và 07 chỉ vàng 97%. Tập đoàn T vay để xây phân hiệu trường tiểu học T, người đứng nhận là ông Phạm Duy T1, ông Phạm Ngọc T2 và ông Võ Minh Q, các bên có thỏa thuận thời hạn vay là 01 tháng, sẽ trả 7.000.000đ và 07 chỉ vàng 97%.
Ngày 02/5/1999 gia đình bà H đứng ra trả thay cho Tập đoàn T (Nay là Ban tự quản thôn T). Người đứng ra giao tiền ông Đinh Thanh H2 số tiền 55.000.000đ cho ông Trần A, bà Phạm Thị M, đây là số tiền Tập đoàn T phải trả cho ông A, bà M trong việc xây dựng phân hiệu trường tiểu học tại thôn T (có lập giấy chuyển khoản đề ngày 01/5/1999, được UBND xã K xác nhận).
Ngày 22/4/2004, đại diện UBND xã K, đại diện ban tự quản thôn T và bà Đinh Thị H làm biên bản chốt nợ và thời gian trả nợ.
Tại biên bản các bên đã thống nhất được số nợ chưa trả là 52.252.000đ, thời hạn trả nợ chia làm 04 đợt: Đợt 1: Trả 10.000.000đ, từ ngày 05/9/2004 đến ngày 30/9/2004; đợt 2: Trả 16.126.000đ, từ ngày 30/9/2004 đến 30/12/2004; dợt 3: Trả 10.000.000đ, từ ngày 05/9/2005 đến 30/9/2005; đợt 4: Trả 16.126.000đ từ ngay 31/9/2005 ngày 31/12/2005.
Nay quá hạn trả nợ nhưng các bên liên quan không trả nợ cho gia đình bà H, bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Phạm Duy T1, ông Phạm Ngọc T2, ông Võ Minh Q và UBND xã K phải liên đới trả số tiền gốc là 52.252.000đ (Năm mươi hai triệu hai trăm năm mươi hai nghìn đồng), không yêu cầu tính tiền lãi.
Quá trình tham gia tố tụng bị đơn ông Võ Minh Q trình bày: Năm 1998 ông làm kế toán cho Tập đoàn sản xuất T, xã K, huyện A, về nội dung xây dựng trường tiểu học tại thôn T, thời điểm đó trường xuống cấp, không có chỗ cho con em học sinh học, lúc đó chi bộ, Tập đoàn sản xuất tổ chức họp dân xin ý kiến đóng góp tiền để xây dựng trường học. Tập đoàn T cho họp nhân dân trong thôn và đã bầu ra ban công trình gồm có ông Phạm Duy T1 – Tập đoàn trưởng, làm trưởng ban công trình; ông Đinh Thanh H2 – Phó ban công trình; ông Trương Quang B - Kế Toán công trình; ông Phạm Ngọc T2 – làm kiểm soát, thủ quỹ công trình.
Ban công trình có trách nhiệm thu tiền của các hộ dân và học sinh để thanh toán cho bên nhà thầu. Nhân dân đã thống nhất thu trên hộ là 150.000đ/hộ và thu trên học sinh 200.000đ/em. Việc thu tiền của dân do Ban công trình trực tiếp thu và trả cho bên B.
Việc vay tiền vào ngày 25/8/1998 của ông H2 để trả cho bên B, lúc đó Ban công trình đã thu trong dân trả cho ông H2, trực tiếp là ông Phạm Ngọc T2 và ông T1 đã trả cho ông H2. Bản thân ông không liên quan đến việc vay tiền của ông H2, vì ông làm kế toán cho Tập đoàn, không liên quan đến công trình. Sau khi công trình hoàn thành làm bàn giao đưa vào sử dụng, số tiền còn lại, sau khi đại hội, Tập đoàn chuyển sang ban tự quản, tập đoàn đã bàn giao toàn bộ sổ sách giấy tờ cho ban tự quản mới tiếp tục thu trong dân và trả cho bên xây dựng. Ban tự quản mới gồm ông Trương Quang Đ, ông Lâm Văn X và ông Võ Ngọc S.
Ông không liên quan đến việc vay mượn, khi ông ký trong giấy vay tiền ngày 25/8/1998 chỉ là để làm chứng. Đề nghị Tòa án xem xét áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Bị đơn ông Phạm Duy T1 trình bày: Vào năm 1998 ông là Tập đoàn trưởng Tập đoàn sản xuất T, thấy trường học từ thời kinh tế mới làm cho dân, đến năm 1998 sụp đổ, Tập đoàn xin ý kiến của UBND xã K xây dựng trường, được UBND xã nhất trí. Ông về cho họp dân lấy ý kiến, nhân dân nhất trí xây dựng trường cho con em học, vậy chúng tôi họp quân dân chính Đảng bầu ban giám sát công trình gồm các ông sau: Ông Phạm Duy T1 - Trưởng ban, ông Đinh Thanh H2 – Phó ban; ông Phạm Ngọc T2 – Kiểm soát, thủ quỹ, ông Trương Quang B – Kế toán công trình. Sau đó hợp đồng với bên B là bà Phạm Thị M, ông Trần A xây trường gồm 04 phòng học, tổng tiền xây dựng là 109.000.000đ, đã thanh toán được 57.000.000đ, còn lại 52.000.000đ, đến tháng 10 năm 1998 có chủ trương Đại hội tập đoàn thì ông Trương Quang Đ được trúng cử làm thôn trưởng thôn T, ông Lâm Văn X – Phó thôn và ông Võ Ngọc S – Kế toán thôn. Ban tập đoàn cũ đã bàn gian toàn bộ hồ sơ, sổ sách, bàn giao cả công nợ cho Ban tự quản thôn mới các hồ sơ liên quan đến tiền xây dựng trường học, sau đó ban tự quản mới tiếp tục thu và trả cho bên B, nhưng đến thời điểm có đơn kiện của bà Phạm Thị Trước thì UBND xã lập Ban thanh tra về thôn thanh tra, thu toàn bộ chứng từ của người dân và thôn. Ban công trình có vay của ông Đinh Thanh H2 10.000.000đ vào ngày 24/8/1998, Ban công trình đã trả xong.
Bị đơn ông Phạm Ngọc T2 trình bày: Thôn T, xã K có phân hiệu trường tiểu học được dựng bằng nhà gỗ, đã hư hỏng xuống cấp, ảnh hưởng đến việc học hành của con em trong thôn. Vào năm 1998 nhân dân tại thôn T, xã K xin chủ trương của cấp trên, của phòng giáo dục huyện cho phép huy động vốn trong dân để xây trường học cho con em trong thôn. Nhân dân đã bàn bạc bầu ra ban xây dựng công trình gồm các ông Phạm Duy T1 – Tập đoàn trưởng T, làm trưởng ban; ông Đinh Thanh H2 làm phó ban, ông Phạm Ngọc T2 làm thủ quỹ và ông Trương Quang B làm kế toán công trình. Sau khi ban xây dựng công trình được thành lập thì đã tiến hành cho xây dựng, quy định thu của mỗi hộ gia đình trong thôn là 150.000đ, mỗi em học sinh là 200.000đ.
Việc ban xây dựng vay tiền của gia đình bà Đặng Thị H, ông Đinh Thanh H2 nhiều đợt, sau đó có chốt nợ với ông H2, bà H, số tiền cụ thể ông không nắm được.
Khi bầu ban tự quản thôn T vào năm 2002, thì Tập đoàn T không còn hoạt động nữa, Ban xây dựng bàn giao sổ sách, nợ nần giữa ban xây dựng công trình - Tập đoàn T cho Ban tự quản thôn T để tiếp tục thu của nhân dân trả cho bên xây dựng. Sau đó có tranh chấp xảy ra thì Thanh tra huyện Krông Ana vào giải quyết và có kết luận cụ thể như thế nào ông không rõ.
Tại biên bản chốt số nợ tiền xây dựng trường tiểu học T, thời gian trả nợ đề ngày 22/4/2004 xác định số nợ của bà Đặng Thị H là 52.252.000đ và xác định thời hạn trả nợ bốn lần như trong biên bản, được UBND xã K xác nhận. Thời điểm lập biên bản ông làm chi bộ thôn T, ông Phạm Duy T1 - Làm thôn trưởng thôn T. Ông xác định trách nhiệm trả nợ số tiền mà ban xây dựng công trình vay của gia đình bà H là ban tự quản thôn T, xã K có trách nhiệm thu và trả cho gia đình bà H.
Hiện nay, bà Đặng Thị H khởi kiện yêu cầu ông và ông Phạm Duy T1, ông Võ Minh Q và UBND xã K, huyện A phải trả số tiền nợ gốc là 52.252.000đ (Năm mươi hai triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng). Ông T2 đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo pháp luật, vì các ông được nhân dân bầu ra đại diện cho nhân dân xây trường học cho con em trong thôn, vì lợi ích chung không phải trách nhiệm cá nhân.
Người có quyền lợi liên quan ông Đinh Thanh H2 và người đại diện theo ủy quyền của ông H2 là ông Phạm Công Hải trình bày: Ông H2 hoàn toàn nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đặng Thị H, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của bà H, buộc các bị đơn phải trả cho bà H và ông H2 số tiền bà H yêu cầu nói trên.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân xã K người đại diện theo pháp luật ông Trần Quốc Toàn trình bày tại Văn bản số 48/UBND-VP ngày 25/4/2022: Thôn T được thành lập vào năm 1984, lúc đó gọi là Tập đoàn sản xuất T, có sử dụng con dấu, đến khoảng năm 2004 thì đổi tập đoàn sản xuất T thành Ban tự quản thôn T. Về Tập đoàn sản xuất T không có văn bản nào giải thể, mà chỉ đổi Tập đoàn thành ban tự quản thôn. Không có văn bản nào thể hiện việc kế thừa quyền nghĩa vụ của Ban tự quản thôn và tập đoàn T. Đối với số tiền Tập đoàn sản xuất T vay của bà Đặng Thị H, ông Đinh Thanh H2 để xây dựng trường tiểu học tại thôn T, trách nhiệm thuộc về Tập đoàn T và các cá nhân có liên quan lúc đó đứng ra ký hợp đồng với nhà thầu xây dựng và đứng ra vay tiền của bà H, ông H2. Số tiền này được thu trong dân do Ban quản lý công trình trường tiểu học T đại diện và chi trả cho bà H, ông H2 số tiền đã vay. Trên thực tế xuất phát từ không có chỗ cho con em tại thôn T tham gia học nên các bậc phụ huynh học sinh cùng với người dân trên địa bàn thôn đề nghị chi bộ, tập đoàn sản xuất T tổ chức họp dân và được tất cả các hộ dân thuộc tập đoàn sản xuất T thống nhất đóng góp tiền để xây dựng trường. Đồng thời thành lập Ban quản lý công trình, là những người có trách nhiệm đứng ra ký kết hợp đồng với bên thi công công trình, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công trình, thu tiền trực tiếp trong dân để chi trả cho bên thi công.
Khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, Ban quản lý công trình bàn giao lại cho Tập đoàn sản xuất thôn T quản lý và sử dụng công trình. Tiếp tục thu số tiền còn lại trong dân để trả cho đơn vị thi công. Do đó việc thanh toán phần tiền còn lại của công trình tập đoàn sản xuất T thu trong dân đối với những hộ chưa đóng tiền xây dựng trường học để thanh toán cho bên thi công công trình.
Tại biên bản lấy lời khai ngày 13/5/2022 người làm chứng ông Trương Quang B khai: Thôn T, xã K có phân hiệu trường tiểu học được dựng bằng nhà gỗ, đã hư hỏng xuống cấp, ảnh hưởng đến việc học hành của con em trong thôn. Vào năm 1998 nhân dân tại thôn T, xã K xin chủ trương của cấp trên, của phòng giáo dục cho phép huy động vốn trong dân để xây trường học cho con em trong thôn. Nhân dân đã bàn bạc bầu ra ban xây dựng để xây dựng công trình gồm các ông Phạm Duy T1 làm trưởng ban; ông Đinh Thanh H2 làm phó ban, ông Phạm Ngọc T2 làm thủ quỹ và ông Trương Quang B làm kế toán công trình. Sau khi ban xây dựng công trình được thành lập thì tiến hành cho xây dựng, quy định thu của mỗi hộ gia đình trong thôn là 150.000đ, ông đã tiến hành thu của một số hộ dân trong thôn, có biên lai thu tiền, sau đó nộp lại cho ông Phạm Ngọc T2. Sau khi có Chỉ thị 364 của chính phủ chia ranh giới giữa xã K và xã Quảng Điền, theo đó một phần thôn T, xã K được chuyển địa giới thành thôn 5, xã Quảng Điền, từ đó ông về xã Quảng Điền, không còn liên quan đến ban xây dựng của thôn T, xã K nữa.
Việc ban tự xây dựng vay tiền của gia đình bà Đặng Thị H như thế nào thì ông không được biết. Khi bầu ban tự quản thôn T vào năm 2002, thì Tập đoàn Sơn -Thọ không còn hoạt động nữa, việc bàn giao sổ sách, nợ nần giữa ban xây dựng, Tập đoàn T và Ban tự quản thôn T như thế nào thì ông không nắm được.
Tại biên bản lấy lời khai ngày 13/5/2022 người làm chứng ông Trương Quang Đ khai: Thôn T xã K có phân hiệu trường tiểu học được dựng bằng nhà gỗ, đã hư hỏng xuống cấp, ảnh hưởng đến việc học hành của con em trong thôn. Vào năm 1998 nhân dân tại thôn T, xã K xin chủ trương của cấp trên, của phòng giáo dục cho phép huy động vốn trong dân để xây trường học cho con em trong thôn. Nhân dân đã bàn bạc bầu ra ban xây dựng để xây dựng công trình gồm các ông Phạm Duy T1 – làm trưởng ban; ông Đinh Thanh H2 làm phó ban, ông Phạm Ngọc T2 làm thủ quỹ và ông Trương Quang B làm kế toán công trình. Sau khi ban xây dựng công trình được thành lập thì tiến hành cho xây dựng, có triển khai thu của mỗi hộ gia đình trong thôn là 150.000đ, việc Ban xây dựng vay tiền của gia đình bà Đặng Thị H để trả cho nhà thầu xây dựng như thế nào thì ông không được biết.
Năm 2002 ông được bầu làm trưởng thôn T, xã K, huyện A, Ban xây dựng công trình không có bàn giao sổ sách, nợ nần giữa ban xây dựng công trình với ban tự quản thôn. Ban xây dựng công trình có nhờ ban tự quản đứng ra thu của học sinh học tại trường mỗi em 200.000đ, thu được bao nhiêu thì trả cho nhà thầu bấy nhiêu, thời điểm đó ông Võ Ngọc S làm kế toán thôn. Cụ thể ban xây dựng nợ nhà thầu bao nhiêu ban tự quản không nắm được, việc ban xây dựng công trình vay mượn tiền của gia đình bà H ban tự quản cũng không nắm được. Đến khi ban thanh tra xã K làm việc thì thu toàn bộ chứng từ, năm 2004 ông không còn làm thôn trưởng nữa nên sự việc về sau ông không biết được.
Tại biên bản lấy lời khai ngày 13/5/2022 người làm chứng ông Lâm Văn X khai: Vào năm 2002 ông được nhân dân thôn T, xã K bầu làm thôn phó thôn T, xã K, huyện A, nhiệm kỳ là hai năm rưỡi. Về việc Ban xây dựng Công trình - Tập đoàn T vay tiền của vợ cH bà Đặng Thị H, ông Đinh Thanh H2 để trả cho việc xây dựng trường tiểu học tại thôn T như thế nào thì ông không nắm rõ. Ông không phải thành viên của ban xây dựng. Việc thành lập ban xây dựng, thu tiền, trả tiền cho người thầu xây dựng ông không biết cụ thể. Khi bầu ban tự quản thôn T vào năm 2002, thì Tập đoàn T không còn hoạt động nữa, việc bàn giao sổ sách, nợ nần giữa ban xây dựng, Tập đoàn T và Ban tự quản thôn T thì ông không tiếp quản nên không nắm được.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 15/2022/DS-ST ngày 29/8/2022 của Toà án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Căn cứ vào: Khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 217, 218, 219 điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ vào Điều 166, điểm b khoản 1 Điều 688 của Bộ luật dân sự 2015:
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị H về việc yêu cầu ông Phạm Ngọc T2, ông Phạm Duy T1, ông Võ Minh Q và Ủy ban nhân dân xã K liên đới trả nợ số tiền 52.252.000đ (Năm mươi hai triệu hai trăm năm mươi hai nghìn đồng.
- Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị H về đòi tiền lãi số tiền 75.000.000đ (Bảy mươi lăm triệu đồng).
- Đình chỉ yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Đinh Thanh H2.
Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 31/8/2022, nguyên đơn bà Đặng Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đinh Thanh H2 có đơn Kháng cáo Bản án sơ thẩm số 15/2022/DS-ST ngày 29/8/2022 của Toà án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Tại phiên tòa, các đương sự không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì mới. Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm cho rằng:
Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng như các đương sự đã tuân thủ đúng với qui định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Đại diện Viện kiểm sát phân tích, đánh giá và cho rằng kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ. Do vậy, đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận đơn kháng cáo bị đơn ông Lê Văn Bính, giữ nguyên toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 15/2022/DS-ST ngày 29/8/2022 của Toà án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, ý kiến của các đương sự, của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Nguyên đơn bà Đặng Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đinh Thanh H2 làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và được miễn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm nên vụ án được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là phù hợp.
[2] Về nội dung:
[2.1] Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Đặng Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đinh Thanh H2, thấy rằng: quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thống nhất ngày 22/4/2004 các bên gồm Đại diện Ban thôn T, Đại diện chi bộ thôn T, Đại diện UBND xã K và đại diện bên B - bà Đặng Thị H, lập “Biên bản công nhận chốt số nợ tiền xây dựng trường tiểu học T và thời gian trả nợ” có nội dung căn cứ cuộc họp ngày 21/3/2004 của Quân dân chính Đảng T và gia đình bà Đặng Thị H, chúng tôi đã tiến hành đi vào làm việc chốt nợ và thời gian trả nợ cho gia đình bà H. Tổng số nợ là 65.000.000đ, đã trả 12.748.000đ, hiện còn nợ 52.252.000đ và các bên có ấn định thời gian trả nợ. Tuy nhiên đến nay bà H vẫn chưa nhận được số tiền đã vay trên. Do đó, bà H khởi kiện đòi lại số tiền còn nợ là phù hợp.
[2.2] Xét chủ thể có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trên: Tại văn bản ý kiến của UBND xã Du Kmăl (Bút lục số 50) thể hiện: “Thôn T được thành lập vào năm 1984, lúc đó gọi là Tập đoàn sản xuất T, có sử dụng con dấu, đến khoảng năm 2004 thì đổi tập đoàn sản xuất T thành Ban tự quản thôn T. Về Tập đoàn sản xuất T không có văn bản nào giải thể, mà chỉ đổi Tập đoàn thành ban tự quản thôn. Không có văn bản nào thể hiện việc kế thừa quyền nghĩa vụ của Ban tự quản thôn và tập đoàn T”. Như vậy có căn cứ khẳng định, Tập đoàn T hiện nay là Ban tự quản thôn T, là tổ chức chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân xã K.
Tại Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06 tháng 12 năm 2002 quy định: Thôn không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư (Điều 1). Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố do nhân dân trực tiếp bầu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận; là người đại diện cho nhân dân và đại diện cho chính quyền xã, phường, thị trấn để thực hiện một số nhiệm vụ hành chính tại thôn và tổ dân phố (Điều 3). Xét thấy việc xây dựng trường học cho con em trong thôn T do Tập đoàn sản xuất T (nay là Ban tự quản Thôn T) đứng ra thực hiện là chủ trương chính sách của Nhà nước. Việc quản lý các khoản huy động đóng góp, thu chi thuộc Ủy ban nhân dân xã K. Thôn là tổ chức thay mặt Ủy ban nhân dân xã K đứng ra tổ thức thực hiện hoạt động trên, nên trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với bên cho vay là của Ủy ban nhân dân xã K. Do đó, bà H khởi kiện yêu cầu Ủy ban nhân dân xã K thanh toán khoản tiền đã vay để xây trường cho bà là phù hợp, có căn cứ.
Đối với ông Phạm Duy T1, ông Phạm Ngọc T2, ông Võ Minh Q là những cá nhân, ký giấy vay tiền ngày 25/8/1998, nhưng những người này ký nhân danh Tập đoàn sản xuất T nhận tiền nên bà H khởi kiện yêu cầu những cá nhân ông T1, ông T2, ông Quang phải trả tiền là không có căn cứ, Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà H đối với phần này là có căn cứ. Quan điểm của Viện kiểm sát trái với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.
[3] Từ những phân tích, nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy, một phần nội dung kháng cáo của bà H, ông H2 là có căn cứ, nên cần chấp nhận một phần đơn kháng cáo của bà H, ông H2, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 15/2022/DS-ST ngày 29/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana theo hương chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị H, buộc Ủy ban nhân dân xã K có trách nhiệm trả cho bà H số tiền 52.252.000đ (Năm mươi hai triệu hai trăm năm mươi hai nghìn đồng).
[4] Về án phí [4.1] Án phí dân sự sơ thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên án phí dân sự được tính lại như sau: Ủy ban nhân dân xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 2.612.000đ (Hai triệu sáu trăm mười hai nghìn đồng). Nguyên đơn bà Đặng Thị H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
[4.2] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên bà Đặng Thị H, ông Đinh Thanh H2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 280; Điều 463; Điều 466 Bộ luật dân sự; Điều 26; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận một phần kháng cáo nguyên đơn bà Đặng Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đinh Thanh H2. Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 15/2022/DS-ST ngày 29/8/2022 của Toà án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Tuyên xử:
1.1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đặng Thị H Buộc Ủy ban nhân dân xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk trả cho bà Đặng Thị H số tiền 52.252.000đ (Năm mươi hai triệu hai trăm năm mươi hai nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
1.2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị H về đòi tiền lãi số tiền 75.000.000đ (Bảy mươi lăm triệu đồng).
1.3. Đình chỉ yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Đinh Thanh H2.
1.4. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị H về việc yêu cầu ông Phạm Ngọc T2, ông Phạm Duy T1, ông Võ Minh Q liên đới trả nợ số tiền 52.252.000đ (Năm mươi hai triệu hai trăm năm mươi hai nghìn đồng).
2. Về án phí:
2.1. Án phí dân sự sơ thẩm: Ủy ban nhân dân xã K, huyện A, tỉnh Đắk Lắk phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 2.612.000đ (Hai triệu sáu trăm mười hai nghìn đồng). Nguyên đơn bà Đặng Thị H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
2.2. Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Đặng Thị H, ông Đinh Thanh H2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày tuyên án.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp đòi tài sản số 37/2023/DS-PT
Số hiệu: | 37/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 11/01/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về