TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
BẢN ÁN 09/2022/DS-PT NGÀY 24/03/2022 VỀ ĐÒI LẠI TÀI SẢN
Ngày 24/3/2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử công khai vụ án Dân sự phúc thẩm thụ lý số 110/2021/TLPT-DS ngày 21/12/2021 về việc “Kiện đòi lại tài sản”. Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 11/2021/DS-ST ngày 16/8/2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Nghệ An bị kháng cáo; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 29/2022/QĐXXPT-DS ngày 14/3/2022, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Trần Thị V, sinh năm 1968; Địa chỉ: xóm 1, xã C, huyện C, tỉnh Nghệ An; có mặt.
Bị đơn: Bà Phạm Thị T, sinh năm 1974 Địa chỉ: xóm 1, xã C, huyện C, tỉnh Nghệ An; có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: ông Nguyễn Văn V – Luật sư Văn phòng luật sư T, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An; có mặt.
* Người kháng cáo: Bị đơn bà Phạm Thị T
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn trình bày:
Vào ngày 20/5/2017 dương lịch (tức ngày 25/4/2017 âm lịch) bà Phạm Thị T có đến nhà bà để hỏi vay tiền với số tiền là 800.000.000 đồng. Khi vay bà T có nói “cho em giật nóng 800.000.000 đồng (Tám trăm triệu đồng), cho em vay khoảng 05 ngày hoặc 01 tuần em sẽ trả” nhưng đến hẹn thì bà T không trả tiền cho bà V. Sau 7 ngày như đã hẹn thì bà đến nhà bà T (lúc đó khoảng 05 -06 giờ chiều) để hỏi tiền nhưng bà T không có tiền để trả và nói “chị về đi rồi em ra”. Khi bà về được khoảng 30 phút thì bà T có đến nhà bà để viết giấy vay nợ, đồng thời bà T xin trả dần vì hiện tại chưa có tiền một lúc để trả cho bà. Sau đó bà T là người trực tiếp viết giấy vay nợ và hứa hai tháng sẽ trả cho bà 20.000.000 đồng cho đến khi hết nợ. Nhưng từ khi vay bà T chưa trả cho bà đồng nào tiền gốc cũng như tiền lãi. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Trần Thị V yêu cầu Tòa án buộc bà Phạm Thị T phải trả cho bà V số tiền nợ gốc là 800.000.000 đồng và tiền lãi theo lãi suất ngân hàng là 0,8%/tháng tính từ thời gian vay đến ngày xét xử. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm bà yêu cầu buộc bà Phạm Thị T phải trả cho bà số tiền nợ gốc là 800.000.000 đồng và không yêu cầu tiền lãi.
Bị đơn bà Phạm Thị T và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Thực tế bà T không vay của bà Trần Thị V số tiền như trên. Ngày 07/5/2009, do cần tiền làm ăn nên bà T có vay của bà V số tiền là 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) và được bà V tính lãi suất 1.000.000 đồng/1.500 đồng/ngày. Đến ngày 12/5/2009 bà có trả cho bà V số tiền 7.000.000 đồng và còn nợ số tiền 23.000.000 đồng (Hai mươi ba triệu đồng). Thời gian tiếp theo đó, do hoàn cảnh khó khăn nên bà T chưa tiếp tục trả tiền cho bà V được. Dựa theo cách tính lãi nêu trên thì đến ngày 26/12/2009, bà V đã tính lãi nhập gốc số tiền cho bà T là 33.000.000 đồng; đến ngày 13/7/2010, số tiền bà V tính đã là 128.000.000 đồng (Một trăm hai mươi tám triệu đồng).
Bà T cũng đã cố gắng đóng tiền trả lãi cho bà V, cụ thể:
Tháng 6/2017: bà T trả cho bà V số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng).
Ngày 29/12/2017: bà T trả cho bà V số tiền 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng). Số tiền gốc bà vay của bà V 30.000.000 đồng và các lần trả nợ như trên bà đều ghi ở sổ ghi chép cá nhân của mình, bà V cũng có một quyển sổ thể hiện số tiền vay, tiền lãi như vậy.
Còn về giấy vay nợ số tiền 800.000.000 đồng như bà V nộp, là do vào lúc gần 12 giờ đêm ngày 25/4/2017 (âm lịch), bà V có gọi bà sang và nhờ bà viết một giấy vay nợ số tiền như trên, với lý do dùng để giải thích cho chồng biết mục đích sử dụng tiền của mình, tránh cho vợ chồng bà V sinh ra mâu thuẫn, tranh chấp. Vì tin tưởng bà V và nghĩ đang nợ tiền nên phải giúp họ, bà đã viết giấy giúp bà V mà không nghĩ bà V lợi dụng sự tin tưởng của mình để đòi nợ bà như thế này. Chứ bà là một người phụ nữ làm nông ở quê, không có nhu cầu gì để vay số tiền lớn như thế, và cũng không có tài sản gì để bà V cho mình vay số tiền như thế.
Vì vậy, bà T khẳng định rằng, bà không vay của bà V số tiền 800.000.000 đồng như đơn khởi kiện của bà V tại Tòa án. Nay bà V yêu cầu bà T trả nợ cho bà V số tiền gốc là 800.000.000 đồng thì bà T không đồng ý. Bà chấp nhận trả cho bà V số tiền nợ gốc là 23.000.000 đồng và lãi suất theo lãi suất ngân hàng kể từ ngày 12/5/2009 cho đến nay. Nhưng trừ đi số tiền mà bà đã trả là 70.000.000 đồng.
Ngày 12/8/2021, bà Phạm Thị T có nộp đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện với nội dung: Căn cứ theo điều 429 Bộ luật dân sự thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Vì vậy, bà Phạm Thị T yêu cầu Tòa án bác đơn khởi kiện của bà Trần Thị V và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 11/2021/DS-ST ngày 16/8/2021 của Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu đã quyết định: Căn cứ điều 280, điều 463, điều 466 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
- Buộc bị đơn bà Phạm Thị T có nghĩa vụ trả nợ cho bà Trần Thị V số tiền gốc 800.000.000 đồng (Tám trăm triệu đồng) Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí, lãi suất chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự trong vụ án.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 07/9/2021, bị đơn bà Phạm Thị T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm cho rằng Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu bỏ qua tài liệu, chứng cứ quan trọng là giấy vay tiền ngân hàng của bà V và lời khai của chồng các đương sự về nguồn gốc, mục đích sử dụng số tiền tranh chấp; thời hiệu khởi kiện đã hết và việc vay tiền là không có thật; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án, bổ sung các chứng cứ cần thiết, tuyên bác đơn khởi kiện của bà Trần Thị V do không có căn cứ và đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo, các bên không thống nhất được quan điểm giải quyết vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Số tiền cho vay gần cả tỷ đồng nhưng giấy cho vay không thể hiện đã giao tiền chưa. Bà V làm nghề kinh doanh, thường xuyên giao dịch với ngân hàng, bản thân bà V cũng cho người khác vay tiền nên bà V hiểu rõ việc giao nhận số tiền lớn phải có biên nhận hoặc xác nhận của bên vay mới hợp lệ. Do đó, giấy vay tiền ngày 25/4/2017 âm lịch mới chỉ là sư thỏa thuận giữa các bên, chưa có cơ sở chứng minh bà V đã giao tiền cho bà T. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào giấy vay tiền này để buộc bị đơn trả tiền cho nguyên đơn là không có cơ sở. Bà T là người làm nông nhưng thiếu 800.000.000 đồng để đi vay là không hợp lẽ thường, nguyên đơn cho bị đơn vay số tiền 800.000.000 đồng mà không viết giấy vay nợ, không có tài sản thế chấp là không phù hợp; lời khai của nguyên đơn có mâu thuẫn về thời gian cho vay, do đó việc vay 800.000.000 đồng là không có thật. Tòa án cấp sơ thẩm bỏ qua chứng cứ về việc vay tiền ngân hàng của bà V; thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay tài sản đã hết. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác đơn khởi kiện của bà Trần Thị V do không có căn cứ và hết thời hiệu khởi kiện.
Phát biểu của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An tại phiên tòa:
- Về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và các đương sự đã chấp hành theo đúng trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm về việc buộc bị đơn bà Phạm Thị T phải trả cho bà Trần Thị V số tiền 800.000.000 đồng; sửa bản án sơ thẩm đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn phải trả tiền lãi theo lãi suất ngân hàng là 0,8%/tháng đối với số tiền 800.000.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Đối với kháng cáo của bà Phạm Thị T cho rằng kể từ ngày bà T có nghĩa vụ trả nợ ngày 20/7/2017 cho bà Trần Thị V đến ngày 11/8/2020 bà V mới làm đơn khởi kiện là hết thời hiệu theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, theo quy định khoản 2 Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp "yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác". Ở đây bà Trần Thị V khởi kiện yêu cầu bà Phạm Thị T trả lại 800.000.000 đồng tiền gốc của bà V đã cho bà T vay. Tức là yêu cầu trả lại tài sản cho mình trong hợp đồng vay thì không áp dụng thời hiệu không phụ thuộc vào việc một bên hoặc các bên có hay không có yêu cầu áp dụng thời hiệu. Vì vậy kháng cáo của bà T là không có căn cứ chấp nhận.
[2] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn bà Phạm Thị T về việc yêu cầu cấp phúc thẩm bác đơn khởi kiện của bà Trần Thị V. Thấy rằng: Bà Phạm Thị T thừa nhận giấy nợ ngày 25/4/2017 âm lịch (Bút lục 22) do chính bà Phạm Thị T viết, thừa nhận bà T còn nợ bà V 800.000.000 đồng, ngoài viết số bà T còn viết bằng chữ “Tám trăm triệu đồng”. Khi viết giấy này hai bên còn thỏa thuận hình thức trả nợ là 02 (hai) tháng một lần kể từ ngày viết giấy với số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng), lãi suất theo lãi suất ngân hàng. Bà T cho rằng bà viết giấy vay để giúp bà V giải thích với chồng bà V về việc sử dụng tiền nhưng bà V không thừa nhận, bà T cũng không có chứng cứ, tài liệu chứng minh. Bà T còn cho rằng với số tiền lớn như vậy mà không có tài sản thế chấp, không hợp lẽ thường tình; không có chứng cứ về việc giao tiền. Tuy nhiên, đây là giấy nhận nợ, không phải giấy vay tiền; việc bà T viết giấy xác nhận nợ bà V là tự nguyện, không bị ép buộc. Mặc dù trên giấy không thể hiện mục đích vay, nhưng thể hiện rõ số tiền nợ cũng như mức lãi suất, thời gian trả nợ. Bà T là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thể viết giấy nợ 800.000.000 đồng mà không có thực, do đó cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị T.
[3] Quá trình giải quyết vụ án bà T cho rằng bà V không có số tiền 800.000.000 đồng để cho bà vay, không có tài liệu thể hiện số tiền đó vay Ngân hàng về cho bà vay, nhưng không được cấp sơ thẩm xem xét. Tại phiên toà phúc thẩm bà V đã xuất trình bảng sao kê tiền vay tại ngân hàng của bà V từ năm 2016 đến năm 2019 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Phủ Diễn thì số tiền bà V vay nhiều lần và nhiều hơn số tiền cho bà T vay. Hơn nữa gia đình bà V làm nghề kinh doanh buôn bán hàng hoá, tiền và hàng hoá biến động trong gia đình là bình thường. Vì vậy, bà T cho rằng bà V không có sẵn tiền trong nhà để cho bà vay là không có căn cứ chấp nhận.
[4] Trong đơn khởi kiện ban đầu bà T yêu cầu bà V trả tiền gốc là 800.000.000 đồng và lãi suất 0,8%/tháng tính từ ngày vay. Quá trình giải quyết vụ án bà V không yêu cầu bà T trả tiền lãi. Biên lai thu tiền tạm ứng cũng thể hiện bà V chỉ nộp tiền tạm ứng án phí với số tiền gốc 800.000.000 đồng là 18.000.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ yêu cầu tiền lãi của bà V là bao nhiêu để nộp tạm ứng án phí, cho nên khi bà V rút yêu cầu trả lãi cũng không có nhận xét hay quyết định gì đối với yêu cầu này. Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
Từ những phân tích trên, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị T.
[5] Về án phí: Bị đơn bà Phạm Thị T kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
2. Căn cứ Điều 166, 280, 463, 466 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Buộc bị đơn bà Phạm Thị T có nghĩa vụ trả nợ cho bà Trần Thị V số tiền gốc 800.000.000 đồng (Tám trăm triệu đồng).
3. Về án phí: Buộc bị đơn bà Phạm Thị T phải chịu 36.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm nhưng được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0004307 ngày 17/9/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Trả lại cho bà Trần Thị V số tiền 18.000.000 đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0004340 ngày 22/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./
Bản án về đòi lại tài sản số 09/2022/DS-PT
Số hiệu: | 09/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Nghệ An |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/03/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về