Xác minh nguồn gốc sử dụng đất là điều kiện rất quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đất đai, là bằng chứng thừa nhận việc sử dụng đất của bên cho mượn là hợp pháp, có cơ sở để thực hiện đòi lại đất bị lấn chiếm.
Tại Bản án dân sự số 44/2020/TLST-DS ngày 09/11/2020 về tranh chấp đất đai ngày có nội dung như sau:
“Năm 2011 hộ gia đình ông Xeo Văn C được Ban quản lý dự án Thủy Điện 2 và UBND xã TS giao đất lâm nghiệp trồng cây lâu năm tại thửa đất số 12. Sau khi giao đất thì hộ gia đình ông chưa sử dụng, đến năm 2012 thì ông M, bà X lấn chiếm toàn bộ thửa đất số 12 để trồng cây sắn, sau đó trồng keo, hiện nay keo đã đến tuổi thu hoạch.
Gia đình ông Xeo Văn C đã nhiều lần yêu cầu ông M, bà X thu hoạch keo để trả đất cho hộ gia đình ông nhưng ông M, bà X không chịu. UBND xã TS hòa giải nhiều lần nhưng không thành.
Nay ông Xeo Văn C yêu cầu ông Lương Thanh M, bà Nguyễn Thị X thu hoạch toàn bộ cây Keo trồng trên thửa đất số 12 để trả lại cho hộ gia đình ông Xeo Văn C diện tích tại thửa đất số 12.”
Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có quyết định:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Xeo Văn C.
Buộc ông M, bà X phải thu hoạch, di dời toàn bộ cây keo trồng thửa đất số 12 cho ông C. Vì hộ gia đình ông Xeo Văn C có giấy tờ hợp pháp về thửa đất gồm: Phiếu giao nhận diện tích, loại đất chủ sử dụng đất theo hiện trạng đề ngày 27/9/2011; sơ đồ thửa đất và có tên trong tờ bản đồ địa chính số 35. Các tài liệu, chứng cứ mà ông Xeo Văn C nộp cho Tòa án là phù hợp và ông Lương Thanh M, bà Nguyễn Thị X không có giấy tờ gì về thửa đất tranh chấp nói trên.
Căn cứ Luật đất đai 2013:
Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết:
Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
Ông C được Nhà nước trực tiếp chuyển giao quyền sử dụng đất thông qua các hình thức giao đất thì ông C được gọi là người có quyền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thỏa mãn điều kiện cấp giấy theo quy định của pháp luật đất đai. Theo pháp luật dân sự, ông C được xác lập quyền tài sản đối với quyền sử dụng đất đó và có đầy đủ quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt quyền tài sản (quyền sử dụng đất) phù hợp với pháp luật đất đai, pháp luật dân sự.
Với các tranh chấp đất đai thuộc xét quyền sử dụng đất, theo pháp luật đất đai, thì các bên hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp là thủ tục bắt buộc, tuy nhiên việc hòa giải giữa ông C và ông M, bà X không thành nên ông C có quyền khởi kiện ra Tòa án để đòi lại đất bị lấn chiếm.
Đồng thời, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Điều 163. Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
Điều 166. Quyền đòi lại tài sản
Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
Như vậy, Tòa án căn cứ vào những tài liệu chứng cứ xác thực để đưa ra phán quyết cuối cùng để bảo vệ quyền, lợi ích của bên có quyền. Và không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với đất thuộc sở hữu của mình, đồng thời có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm sử dụng đất bằng những hành vi lấn chiếm, trồng trọt canh tác, thu hoạch hoa màu ảnh hưởng đến quyền của mình thì tự bảo vệ, ngăn chặn bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người sử dụng, lấn chiếm đất làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một bên có thể yêu cầu bên còn lại bồi thường thiệt hại tổn thất trong quá trình sử dụng trên đất (nếu có).
Đây là vụ án tranh chấp đất đai mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sử dụng đất là của ai, đây là trường hợp không phức tạp nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận dựa vào căn cứ thu thập và nguyên đơn cung cấp hợp lệ.