30/03/2023 16:49

Đòi lại tiền gửi bị Ngân hàng chiếm đoạt

Đòi lại tiền gửi bị Ngân hàng chiếm đoạt

Tôi có gửi tiền tiết kiệm tuy nhiên đến kì hạn tôi yêu cầu rút thì được Ngân hàng thông báo tôi đã rút tiền trước đó. Giờ tôi phải làm sao? Phú Lê – Hà Tĩnh

Chào anh, Ban biên tập gửi đến anh 01 Bản án có tình huống tương tự để tham khảo:

Cụ thể tại bản án 207/2022/DS-PT ngày 27/09/2022 về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk với nội dung như sau:

Từ năm 2011 đến ngày 16/01/2014, do tin tưởng bà H1 ông S đưa tiền cho bà H1 06 lần với tổng số tiền 300.000.000đ để gửi tiết kiệm vào Ngân hàng; Mỗi lần ông đưa tiền, bà H1 đều yêu cầu ông ký tên vào góc bên trái 02 tờ giấy trắng, loại giấy A5, để bà H1 làm thủ tục gửi tiền vào Ngân hàng; 05 lần đầu ông đưa tiền cho bà H1 gửi tiết kiệm, bà H1 đều mang sổ tiết kiệm số: 12345678 mang tên ông, về cho ông nhưng lần sau cùng, bà H1 không mang sổ tiết kiệm về cho ông; ông yêu cầu bà H1 giao lại sổ tiết kiệm, thì bà H1 tìm nhiều lý do để từ chối; Ông nghi ngờ bà H1 thiếu trung thực, nên vào tháng 10/2015, ông đến Ngân hàng T tại chi nhánh B, để rút khoản tiền đã gửi tiết kiệm, thì Ngân hàng cho rằng ông đã rút hết 300.000.000đ gửi tiết kiệm vào ngày 17/01/2014; Thực tế ông chưa lần nào đến Ngân hàng để rút tiền. Vì vậy, ông khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết: Buộc Ngân hàng T phải trả lại cho ông 300.000.000đ mà ông đã gửi tiết kiệm cho Ngân hàng và tiền lãi theo quy định của pháp luật tính từ ngày 16/01/2014.

Quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Bá S.

Ngân hàng T và bà Hoàng Thị H1, có trách nhiệm liên đới trả cho ông Lê Bá S 300.000.000đ tiền nợ gốc và 189.625.000đ tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm, tổng cộng 489.625.000đ; Chia theo phần: Ngân hàng T phải trả cho ông S 150.000.000đ tiền nợ gốc và 94.812.500đ tiền lãi; Bà Hoàng Thị H1 phải trả cho ông S 150.000.000đ tiền nợ gốc và 94.812.500đ tiền lãi.

Quyết định sở thẩm bị kháng cáo:

+ Ngân hàng T cho rằng Tòa án ra quyết định thiếu tính khách quan vì ngày 17.01/2014, Ngân hàng đã chi trả cho ông S 300.000.000đ tiền nợ gốc và 883đ tiền lãi.

+ Bà H1 cho rằng việc ông S khởi kiện cho rằng nhờ bà gửi tiền tiết kiệm 300.000.000đ vào Ngân hàng T, tại Phòng giao dịch B là không đúng sự thật; Việc ông S gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng và rút tiền như thế nào, bà không biết.

Quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk:

- Không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng T; Chấp nhận kháng cáo của bà Hoàng Thị H1.

- Ông S không cung cấp được chứng cứ để chứng minh đã đưa tiền cho bà H1 gửi tiết kiệm vào Ngân hàng.

- Căn cứ vào kết quả giám định, thì nội dung bị che phủ tại phần chữ viết Lê Bá S, trên phiếu yêu cầu giao dịch tiết kiệm ngày 17/01/2014, là chữ viết có nội dung "Hoàng Thi"; Chữ ký và chữ viết họ tên Lê Bá S, trên phiếu chi số BTTLR12736/33, ngày 17/01/2014, được ký và viết trước khi in nội dung văn bản.

Như vậy, Ngân hàng T tại Phòng giao dịch B, đã lợi dụng việc ông Lê Bá S ký tên và ghi họ tên, trên tờ giấy trắng, để điền nội dung ngày 17/01/2014 Ngân hàng chi trả cho ông S 300.000.833đ, nên chứng từ này không có giá trị để chứng minh Ngân hàng đã chi trả tiền cho ông S.

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015:

Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Như vậy, hợp đồng gửi giữ tài sản dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên để bên nhận gửi giữ bảo quản và trả lại chính tài sản đó và nhận về khoản chi phí hợp lí (nếu có). Trường hợp trên Ngân hàng T tại Phòng giao dịch B xác lập giao dịch giả dựa trên chữ kí sẵn trước đó của ông S nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả lại tài sản. Ngân hàng T đã vi phạm thỏa thuận hợp đồng gửi giữ tài sản.

Điều 557. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản

Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Điều 580. Tài sản hoàn trả

Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được.

Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả khoản lợi về tài sản đó cho người bị thiệt hại bằng hiện vật hoặc bằng tiền.

Theo quy định pháp luật, khi người dân đến gửi tiền ở ngân hàng và đã phát hành sổ tiết kiệm thì tiền này do Ngân hàng quản lý. Nếu tiền bị mất hoặc bị chiếm đoạt thì ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả cho khách hàng.

Do đó, Ngân hàng T phải có trách nhiệm trả lại tài sản cho ông S số tiền gửi tiết kiệm 300.000.000đồng theo đúng tình trạng như khi nhận giữ. Đồng thời, Ngân hàng T chiếm hữu, sử dụng tài sản của ông S  không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được từ lợi dụng việc ông Lê Bá S ký tên và ghi họ tên, trên tờ giấy trắng, để điền nội dung.

Đồng thời, Ngân hàng T được hưởng lợi từ tài sản (300.000.000đồng) mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả khoản lợi (tiền lãi là 189.625.000đồng) từ tài sản đó mang lại. Ngân hàng khi hoàn trả khoản lợi cho ông S có thể hoàn trả dưới dạng bằng hiện vật hoặc bằng tiền.

Như vậy, theo bản án trên thì Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng T là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp với quy định pháp luật.

Nguyễn Ngọc Trầm
3532

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]