Bản án về tội tham ô tài sản số 552/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 552/2022/HS-PT NGÀY 19/12/2022 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Ngày 19-12-2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tính Kon Tum. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 420/2022/TLPT-HS ngày 01-10-2022 đối với bị cáo Trịnh Thị Thu A cùng đồng phạm, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2022/HS- ST ngày 02-8-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum.

Các bị cáo kháng cáo:

1. Trịnh Thị Thu A, sinh ngày 06-9-1986 tại Kon Tum; nơi đăng ký HKTT: tỉnh Kon Tum; chỗ ở hiện nay: thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nữ; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Q; con ông Trịnh Minh, sinh năm 1959 và bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1958; chồng là Nguyễn Hồng T, sinh năm 1988 và 03 con (lớn nhất sinh năm 2014, nhỏ nhất sinh năm 2021); tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Hoàng Thủy T, sinh ngày 28-4-1994, tại Kon Tum; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: tỉnh Kon Tum; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nữ; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Nguyên Kế toán Quỹ tín dụng nhân dân Q; con ông Nguyễn Xuân L, sinh năm 1956 và bà Phạm Thị D, sinh năm 1960; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

3. Phạm Thị Kiều V, sinh ngày 28-12-1984, tại Kon Tum; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: tỉnh Kon Tum; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nữ; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Nguyên Kế toán Quỹ tín dụng nhân dân Q; con ông Phạm Văn C, sinh năm 1960 và bà Phan Thị Ngọc A, sinh năm 1962; chồng là Chu Nguyên H, sinh năm 1982 và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

4. Lê P, sinh ngày 10-7-1962, tại Thừa Thiên Huế; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: tỉnh Kon Tum dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Q; con ông Lê X (đã chết) và bà Trần Thị R, sinh năm 1931; vợ là Nguyễn Thị H, sinh năm 1964 và có 03 con (lớn nhất sinh năm 1988, nhỏ nhất sinh năm 1997); tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

Người tham gia tố tụng có liên quan đến kháng cáo:

1. Người bào chữa:

- Người bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Thu A: Luật sư Hoàng Minh T - Văn phòng Luật sư M, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kon Tum; địa chỉ: tỉnh Kon Tum, có mặt tại phiên toà.

- Người bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Kiều V:

Luật sư Lê Ngô T - Công ty Luật TNHH T và Cộng sự; địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt (có đơn xin hoãn phiên toà).

Luật sư Nguyễn D - Công ty Luật TNHH T và Cộng sự; địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt (có đơn xin hoãn phiên toà).

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyên Hoàng Thủy T:

Luật sư Phạm Thị Công A T - Văn phòng Luật sư A và Cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kon Tum; địa chỉ: tỉnh Kon Tum, có mặt tại phiên toà.

2. Bị hại: Quỹ Tín dụng nhân dân Q.

Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Phạm Minh T - Chức vụ: Giám đốc điều hành Quỹ tín dụng; địa chỉ cư trú: tỉnh Kon Tum, Có mặt tại phiên toà.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, vụ án được tóm tắt như sau:

1. Giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 7-2013:

Trong thời gian từ năm 2011 đến tháng 7-2013, Lê P là Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân (sau đây viết tắt là TDND) Q ký sẵn một số tờ Séc rút tiền, chưa ghi nội dung và giao cho Trịnh Thị Thu A (là Kế toán Quỹ TDND Q) quản lý, sử dụng rút tiền để phục vụ cho các hoạt động của Quỹ như cho vay, chi trả lãi suất huy động và chi hoạt động thường xuyên của đơn vị... khi P vắng mặt. Sau đó, Trịnh Thị Thu A đã sử dụng các tờ Séc này ghi nội dung, số tiền cần sử dụng để rút tiền từ Tài khoản số 62510000020224 của Quỹ TDND Q mở tại Ngân hàng X (X) - Chi nhánh tỉnh Kon Tum. Sau khi rút tiền, Trịnh Thị Thu A hạch toán và nhập quỹ một phần, phần còn lại không hạch toán, không nhập quỹ, mà để giữ lại sử dụng cá nhân. Ngoài những lần sử dụng các tờ Séc được Lê P ký khống sẵn nêu trên, thì khi được giao quản lý các cuốn Séc, Trịnh Thị Thu A đã lấy tờ Séc ghi nội dung và ký giả 11 chữ ký của Trịnh Văn A (là Giám đốc kế nhiệm P) trên các tờ Séc để rút tiền về sử dụng mục đích cá nhân. Mỗi lần rút tiền từ tờ Séc do Trịnh Văn A ký, thì Trịnh Thị Thu A chỉ nhập quỹ một phần, phần còn lại Trịnh Thị Thu A sử dụng cá nhân.

Trong thời gian trên, Trịnh Thị Thu A đã thực hiện 23 lần rút tiền bằng Séc từ tài khoản của Quỹ TDND Q mở tại Ngân hàng X - Chi nhánh tỉnh Kon Tum, với tổng số tiền là 2.118.000.000 đồng, trong đó nhập quỹ 990.000.000 đồng, nộp lại vào Tài khoản 62510000020224 của Quỹ là 330.000.000 đồng, số tiền còn lại là 798.000.000 đồng, Trịnh Thị Thu A sử dụng cá nhân. Chứng từ cụ thể như sau:

- Đối với những chứng từ do Lê P ký sẵn khi vắng mặt tại quỹ TDND Q rồi giao cho Trịnh Thị Thu A quản lý:

+ Ngày 05-4-2011, sử dụng Séc rút tiền số GB 399798 rút 49.000.000 đồng, không hạch toán kế toán và không nhập quỹ tiền mặt, mà để sử dụng cá nhân.

+ Ngày 15-4-2011, sử dụng Séc rút tiền số GB 400273 rút 60.000.000 đồng. Sau đó, hạch toán kế toán và nhập quỹ tiền mặt 20.000.000 đồng, còn lại 40.000.000 đồng sử dụng cá nhân.

+ Ngày 11-5-2011, sử dụng Séc rút tiền số GB 400283 rút 190.000.000 đồng. Sau đó, hạch toán kế toán và nhập quỹ tiền mặt 90.000.000 đồng, còn lại 100.000.000 đồng sử dụng cá nhân.

+ Ngày 25-5-2012, sử dụng Séc rút tiền số GB 404090 rút 30.000.000 đồng để sử dụng cá nhân.

+ Ngày 25-6-2012, sử dụng Séc rút tiền số GB 404099 rút 310.000.000 đồng. Sau đó, nhập quỹ tiền mặt 300.000.000 đồng, còn lại 10.000.000 đồng sử dụng cá nhân.

+ Ngày 05-6-2013, sử dụng Séc rút tiền số GC 618561 rút 60.000.000 đồng. Sau đó, hạch toán kế toán và nhập quỹ tiền mặt 50.000.000 đồng còn lại 10.000.000 đồng sử dụng cá nhân.

+ Ngày 14-6-2013, sử dụng Séc rút tiền số GC 618568 rút 80.000.000 đồng. Sau đó, hạch toán kế toán và nhập quỹ tiền mặt 60.000.000 đồng, còn lại 20.000.000 đồng sử dụng cá nhân.

+ Ngày 18-5-2011, nộp 60.000.000 đồng vào tài khoản của Quỹ TDND Q mở tại Ngân hàng X, theo Giấy nộp tiền mặt số 0058, tiền nộp không hạch toán kế toán.

Như vậy, số tiền Trịnh Thị Thu A chiếm đoạt chi tiêu cá nhân bằng thủ đoạn sử dụng các chứng từ rút tiền do Lê P ký sẵn để rút tiền là 199.000.000 đồng.

- Đối với chứng từ do Trịnh Thị Thu A ký giả chữ ký của ông Trịnh Văn A để rút tiền và chiếm đoạt:

Trong khoảng thời gian được giao quản lý các cuốn Séc, Trịnh Thị Thu A đã ghi nội dung, ghi số tiền cần rút, sau đó ký giả chữ ký của Trịnh Văn A trên 11 tờ Séc rồi rút tiền từ tài khoản của Quỹ TDND Q tại Ngân hàng X - Chi nhánh tỉnh Kon Tum về sử dụng cá nhân, thể hiện trên các chứng từ sau:

+ Ngày 12-9-2011, ký giả Séc rút tiền số GB 401170 rút 40.000.000 đồng, sử dụng cá nhân.

+ Ngày 19-9-2011, ký giả Séc rút tiền số GB 401154 rút 40.000.000 đồng, sử dụng cá nhân.

+ Ngày 21-10-2011, ký giả Séc rút tiền số GB 402194 rút 250.000.000 đồng, sử dụng cá nhân.

+ Ngày 21-11-2011, ký giả Séc rút tiền số GB 402203 rút 50.000.000 đồng, sử dụng cá nhân.

+ Ngày 23-11-2011, ký giả Séc rút tiền số GB 402205 rút 50.000.000 đồng, sử dụng cá nhân.

+ Ngày 09-3-2012, ký giả Séc rút tiền số GB 403447 rút 20.000.000 đồng, sử dụng cá nhân.

+ Ngày 02-5-2012, ký giả Séc rút tiền số GB 403449 rút 80.000.000 đồng, hạch toán kế toán và nhập quỹ tiền mặt 30.000.000 đồng, còn 50.000.000 đồng sử dụng cá nhân.

+ Ngày 02-5-2012, ký giả Séc rút tiền số GB 404091 rút 40.000.000 đồng, sử dụng cá nhân.

+ Ngày 31-10-2012, ký giả Séc rút tiền số GC 615894 rút 50.000.000 đồng, sử dụng cá nhân.

+ Ngày 03-12-2012, ký giả Séc rút tiền số GC 616463 rút 80.000.000 đồng, sử dụng cá nhân.

+ Ngày 05-7-2013, ký giả Séc rút tiền số GC 618572 rút 109.000.000 đồng, sử dụng cá nhân.

Trong thời gian trên, Trịnh Thị Thu A có nộp trả vào tài khoản của Quỹ tín dụng 220.000.000 đồng cụ thể:

+ Ngày 24-10-2011, Giấy nộp tiền mặt số 0886726 nộp trả 200.000.000 đồng.

+ Ngày 08-5-2012, Giấy nộp tiền mặt số 0098 nộp trả 20.000.000 đồng.

Như vậy, số tiền Trịnh Thị Thu A chiếm đoạt sử dụng cá nhân bằng thủ đoạn ký giả chữ ký của ông Trịnh Văn A để rút tiền là 559.000.000 đồng.

Ngoài ra, ngày 27-4-2011, Trịnh Văn A ký Séc rút tiền số GB 400279 để Trịnh Thị Thu A đi rút 70.000.000 đồng về chi cho các hoạt động của Quỹ TDND Q. Sau khi rút tiền về, Trịnh Thị Thu A hạch toán kế toán và nhập quỹ tiền mặt 30.000.000 đồng, không hạch toán kế toán và không nhập quỹ tiền mặt 40.000.000 đồng để sử dụng cá nhân.

Tổng cộng giai đoạn này, Trịnh Thị Thu A đã chiếm đoạt 599.000.000 đồng.

Đến khoảng tháng 7-2013, sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Quỹ TDND Q để bàn giao công việc cho kế toán mới, Trịnh Thị Thu A không có khả năng trả lại số tiền đã rút và sử dụng cá nhân như trên. Do đó, để không bị phát hiện việc sử dụng số tiền trên, Trịnh Thị Thu A đã tự ý thực hiện tất toán sổ tiết kiệm của khách hàng Phạm Thị Can (sinh năm 1960, trú tại: số 22 Bạch Đằng, phường Q, thành phố Kon Tum) trên hệ thống phần mềm kế toán của Quỹ TDND Q, với số tiền 820.000.000 đồng, mục đích để cân đối số liệu giữa hệ thống phần mềm kế toán với sổ sách kế toán, sổ quỹ tiền mặt, còn lại 22.000.000 đồng, Trịnh Thị Thu A hạch toán ảo trên hệ thống phần mềm để trả lãi tiền gửi cho bà Phạm Thị Can.

Như vậy giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 7-2013, Trịnh Thị Thu A đã chiếm đoạt số tiền 798.000.000 đồng.

2. Giai đoạn năm 2015-2016:

Trong các năm 2015 và 2016, Trịnh Thị Thu A là Giám đốc Quỹ TDND Q và được giao ủy quyền Chủ tài khoản của Quỹ TDND Q. Do đó, mỗi khi cần tiền để sử dụng cá nhân, thì Trịnh Thị Thu A đã trao đổi trực tiếp hoặc nhắn tin, gọi điện yêu cầu kế toán là Phạm Thị Kiều V lập thủ tục rút tiền (ghi Séc hoặc Giấy rút tiền mặt) trình Trịnh Thị Thu A ký duyệt, sau đó Phạm Thị Kiều V đi rút tiền từ tài khoản số 62510000020224 của Quỹ TDND Q mở tại Ngân hàng X - Chi nhánh tỉnh Kon Tum tổng 10 lần, với số tiền 1.200.000.000 đồng, sau khi rút tiền về, Phạm Thị Kiều V không hạch toán kế toán và không nhập quỹ tiền mặt.

Những lần Trịnh Thị Thu A nói Phạm Thị Kiều V lập chứng từ để rút tổng số tiền là 1.200.000.000 đồng (nêu trên), thì ngoài số tiền cần rút, Phạm Thị Kiều V còn nhờ Trịnh Thị Thu A cho ghi thêm số tiền cần sử dụng trên cùng một chứng từ để rút tiền và được Trịnh Thị Thu A đồng ý. số tiền Phạm Thị Kiều V đã sử dụng là 320.000.000 đồng. Ngoài ra, ngày 23-01-2015, Lê P cũng nhờ Trịnh Thị Thu A và Phạm Thị Kiều V lập chứng từ rút tiền từ tài khoản của Quỹ TDND Q 100.000.000 đồng để Lê P sử dụng cá nhân, nhưng đến tháng 7-2017, Lê P đã hoàn trả 100.000.000 đồng trực tiếp cho Trịnh Thị Thu A. Tuy nhiên, Trịnh Thị Thu A không nộp trả lại vào tài khoản của Quỹ tín dụng mà giữ lại sử dụng cá nhân. Tháng 12-2019, Phạm Thị Kiều V đã hoàn trả số tiền 320.000.000 đồng cho Quỹ TDND Q.

Như vậy, Trịnh Thị Thu A chiếm đoạt sử dụng cá nhân 880.000.000 đồng, Phạm thị Kiều V sử dụng cá nhân 320.000.000 đồng, thể hiện trên các chứng từ cụ thể như sau:

- Ngày 23-01-2015, Giấy rút tiền mặt số 0136 rút 150.000.000 đồng, số tiền này Trịnh Thị Thu A đưa cho Lê P 100.000.000 đồng, Trịnh Thị Thu A sử dụng 20.000.000 đồng và Phạm Thị Kiều V sử dụng 30.000.000 đồng.

- Ngày 06-02-2015, Giấy rút tiền mặt số 0081 rút 50.000.000 đồng, số tiền này Trịnh Thị Thu A sử dụng 10.000.000 đồng, Phạm Thị Kiều V sử dụng 40.000.000 đồng.

- Ngày 27-3-2015, Giấy rút tiền mặt số 0167 rút 100.000.000 đồng, số tiền này Trịnh Thị Thu A sử dụng cá nhân.

- Ngày 15-5-2015, Giấy rút tiền mặt số 0209 rút 100.000.000 đồng, số tiền này Trịnh Thị Thu A sử dụng cá nhân.

- Ngày 04-9-2015, Giấy rút tiền mặt số 0185 rút 200.000.000 đồng, số tiền này Trịnh Thị Thu A sử dụng 150.000.000 đồng, Phạm Thị Kiều V sử dụng 50.000.000 đồng.

- Ngày 23-12-2015, Séc rút tiền số GE285373 rút 20.000.000 đồng, số tiền này Phạm Thị Kiều V sử dụng cá nhân.

- Ngày 23-3-2016, Giấy rút tiền mặt số 0175 rút 30.000.000 đồng, số tiền này Phạm Thị Kiều V sử dụng cá nhân.

- Ngày 04-5-2016, Giấy rút tiền mặt số 0225 rút 300.000.000 đồng, số tiền này Trịnh Thị Thu A sử dụng 200.000.000 đồng, Phạm Thị Kiều V sử dụng 100.000.000 đồng.

- Ngày 19-5-2016, Giấy rút tiền mặt số 0171 rút 50.000.000 đồng, số tiền này Phạm Thị Kiều V sử dụng cá nhân.

- Ngày 07-10-2016, Giấy rút tiền mặt số 0141 rút 200.000.000 đồng, số tiền này Trịnh Thị Thu A sử dụng cá nhân.

Để không bị phát hiện, Trịnh Thị Thu A và Phạm Thị Kiều V chỉnh sửa số liệu trên phần mềm kế toán cho cân đối và khớp với sổ sách kế toán, sổ quỹ tiền mặt. Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2016, Trịnh Thị Thu A đã chiếm đoạt 880.000.000 đồng với sự giúp sức của Phạm Thị Kiều V.

3. Giai đoạn năm 2018:

Trong năm 2018, Trịnh Thị Thu A là Giám đốc Quỹ TDND Q đã chỉ đạo kế toán của đơn vị là Nguyễn Hoàng Thủy T lập các chứng từ chuyển khoản 400.000.000 đồng của Quỹ TDND Q vào Tài khoản số 0761002352125 của ông Trịnh Minh (là bố ruột của Trịnh Thị Thu A). Ông Trịnh Minh không biết việc này, không bàn bạc với A. Sau khi chuyển 400.000.000 đồng trên, A đã nhờ ông Trịnh Minh rút ra và đưa lại hết cho A sử dụng vào mục đích cá nhân, thể hiện trên các chứng từ sau:

- Ngày 02-01-2018, chuyển tiền theo ủy nhiệm chi số 0086 số tiền 300.000.000 đồng.

- Ngày 19-01-2018, chuyển tiền theo ủy nhiệm chi số 0004 số tiền 100.000.000 đồng.

Cũng trong năm 2018, mỗi khi cần tiền để sử dụng cá nhân, Trịnh Thị Thu A đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Thủy T lập các chứng từ rút tiền để A ký duyệt, sau đó rút tiền về đưa cho A sử dụng cá nhân.

Tổng số tiền Nguyễn Hoàng Thủy T rút và đưa cho Trịnh Thị Thu A là 1.700.000.000 đồng, toàn bộ số tiền này không làm thủ tục nhập quỹ tiền mặt và không được hạch toán trên sổ sách kế toán chi tiết của đơn vị, thể hiện trên các chứng từ sau:

- Giấy rút tiền mặt số 0052 ngày 13-02-2018 rút số tiền 100.000.000 đồng.

- Giấy rút tiền mặt số 0121 ngày 10-9-2018 rút số tiền 150.000.000 đồng.

- Giấy rút tiền mặt số 0121 ngày 11-9-2018 rút số tiền 180.000.000 đồng.

- Giấy rút tiền mặt số 0073 ngày 26-9-2018 rút số tiền 120.000.000 đồng.

- Giấy rút tiền mặt số 0113 ngày 05-10-2018 rút số tiền 300.000.000 đồng.

- Giấy rút tiền mặt số 0088 ngày 23-10-2018 rút số tiền 100.000.000 đồng.

- Giấy rút tiền mặt số 0129 ngày 19-11-2018 rút số tiền 200.000.000 đồng.

- Giấy rút tiền mặt số 0101 ngày 22-11-2018 rút số tiền 100.000.000 đồng.

- Giấy rút tiền mặt số 0088 ngày 27-11-2018 rút số tiền 200.000.000 đồng.

- Giấy rút tiền mặt số 0119 ngày 03-12-2018 rút số tiền 250.000.000 đồng.

Trong năm 2018 và năm 2019, Trịnh Thị Thu A có 04 lần đưa tiền cho Nguyễn Hoàng Thủy T nộp trả vào tài khoản của Quỹ TDND Q, với tổng số tiền 440.000.000 đồng (cụ thể: Giấy nộp tiền mặt số 0092 ngày 19-10-2018 số tiền 250.000.000 đồng; Giấy nộp tiền mặt số 0010 ngày 25-10-2018 số tiền 100.000.000 đồng; Giấy nộp tiền mặt số 0076 ngày 04-01-2019 số tiền 70.000.000 đồng; Giấy nộp tiền mặt (không số) ngày 28-3-2019 số tiền 20.000.000 đồng). Ngoài ra, Trịnh Thị Thu A trực tiếp nộp trả vào tài khoản của Quỹ TDND Q số tiền 100.000.000 đồng (ngày 31-5-2019). Tổng số tiền Trịnh Thị Thu A hoàn trả cho Quỹ TDND Q là 540.000.000 đồng.

Để tránh bị phát hiện, Trịnh Thị Thu A và Nguyễn Hoàng Thủy T đã thực hiện hạch toán khống các hồ sơ tín dụng trên hệ thống phần mềm kế toán để cân đối tiền mặt trong kho quỹ và trong tài khoản của Quỹ tín dụng mở tại Ngân hàng X.

Trong giai đoạn này, cá nhân Lê P với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND Q không kiểm tra chặt chẽ hoạt động tại Quỹ TDND Q đã để xảy ra việc Trịnh Thị Thu A và Nguyễn Hoàng Thủy T rút tiền nhiều lần như trên.

Như vậy, tổng số tiền Trịnh Thị Thu A chiếm đoạt của Quỹ TDND Q giai đoạn này là 1.560.000.000 đồng, với sự giúp sức của Nguyễn Hoàng Thủy T.

Ngoài ra, trong thời gian từ năm 2016 - 2018, Quỹ TDND Q chưa hoàn ứng tiền tạm ứng hoạt động nghiệp vụ với số tiền 96.591.000 đồng đứng tên Nguyễn Thị P. Theo yêu cầu của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Kon Tum tại Kết luận thanh tra số 03/KL-TTGSNH ngày 01-8-2018, thì Quỹ TDND Q phải hoàn ứng số tiền trên trước ngày 30-9-2018. Sau đó, Trịnh Thị Thu A đã nhiều lần sử dụng tiền cá nhân đưa cho Nguyễn Thị P nộp hoàn ứng với số tiền 46.591.000 đồng. Số tiền còn lại chưa hoàn ứng được là 50.000.000 đồng, Trịnh Thị Thu A đã chỉ đạo lập các chứng từ thu tiền khống và hạch toán khống trên hệ thống phần mềm kế toán, sổ sách kế toán và sổ quỹ tiền mặt số tiền 50.000.000 đồng và báo cáo kết quả hoàn thành việc khắc phục cho Ngân hàng Nhà nước.

Đến năm 2019, để cân đối tiền mặt trong kho quỹ khớp với sổ quỹ tiền mặt và sổ sách kế toán từ các phiếu thu hạch toán khống trên, Trịnh Thị Thu A đã bàn bạc với Lê P lập hồ sơ tín dụng khống mang tên khách hàng Phạm Văn Tuyền - Nguyễn Thị Liễu, với số tiền 50.000.000 đồng và được Lê P đồng ý. Sau đó, Trịnh Thị Thu A chỉ đạo lập hồ sơ và lập chứng từ chi tiền khống theo Phiếu chi số 0001/PC ngày 08- 01-2019 số tiền 50.000.000 đồng, nhưng thực tế số tiền 50.000.000 đồng của hồ sơ này không được chi ra bằng tiền mặt, mà chỉ lập chứng từ chi, hạch toán khống trên sổ sách kế toán, sổ quỹ tiền mặt để cho cân đối với các phiếu thu khống trên và để không bị phát hiện việc thiếu hụt tiền trong kho quỹ. Đây là việc hợp thức các khoản ứng của các cá nhân tại đơn vị, nên không cấu thành tội phạm.

- Tại bản Kết luận giám định số 02/KLGĐ-PC09 ngày 12-01-2021, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum kết luận:

“Chữ ký đứng tên Trịnh Văn A trên các tài liệu cần giám định (Ký hiệu A2, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9, A10, A11, A12) với chữ ký của Trịnh Văn A trên mẫu các tài liệu so sánh (Ký hiệu M1, M2, M3, M4, M5, M6, M7, M8) không phải do cùng một người ký ra”.

- Tại bản Kết luận giám định số 06/KLGĐ-KTU ngày 18-10-2021, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Kon Tum kết luận:

“... Việc giả chữ ký của người ký phát hành trên các tờ séc để rút tiền là vi phạm pháp luật, các tờ séc bị ký giả chữ ký không có giá trị thanh toán”, “Nếu không theo dõi, hoạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán, không nhập quỹ tiền mặt thì vi phạm Luật Kế toán”.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm s28/2022/HS-ST ngày 02-8-2022, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum quyết định:

1. Căn cứ điểm a khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 353; Điều 17; các điểm s, n khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Trịnh Thị Thu A 20 (hai mươi) năm tù về tội Tham ô tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

- Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý tài chính trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

2. Căn cứ điểm a khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 353; Điều 17; các điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Nguyễn Hoàng Thủy T 15 (mười lăm) năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

- Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý tài chính trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

3. Căn cứ khoản 4, khoản 5 Điều 175; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Phạm Thị Kiều V 06 (sáu) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

- Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý tài chính trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

4. Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 360, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Lê P 07 (bảy) năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

- Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý tài chính trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 11-8-2022, Phạm Thị Kiều V kháng cáo xin giảm hình phạt.

- Ngày 12-8-2022, Nguyễn Hoàng Thủy T kháng cáo xin giảm hình phạt; ngày 18-10-2022, bị cáo thay đổi nội dung, kháng cáo kêu oan.

- Ngày 15-8-2022, Lê P kháng cáo xin giảm hình phạt và được hưởng án treo.

- Ngày 16-8-2022, Trịnh Thị Thu A kháng cáo xin giảm hình phạt.

Căn cứ các chứng cứ và tài liệu đã được thm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kim sát viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Từ ngày 11-8-2022 đến ngày 16-8-2022, các bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm; đơn kháng cáo của các bị cáo là trong hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Thị Kiều V, Lê P giữ nguyên kháng cáo; bị cáo Nguyễn Hoàng Thủy T lại thay đổi kháng cáo, không kêu oan mà xin giảm hình phạt; bị cáo Phạm Thị Kiều V từ chối Luật sư bào chữa và đề nghị được tự bào chữa tại phiên toà; căn cứ điểm a khoản 1 Điều 351 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định xét xử vắng mặt Luật sư bào chữa cho bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 và điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Không chấp nhận kháng cáo của Trịnh Thị Thu A, Phạm Thị Kiều V và Lê P; giữ nguyên hình phạt đối với các bị cáo.

- Chấp nhận nội dung thay đổi kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Nguyễn Hoàng Thủy T; giảm hình phạt cho bị cáo.

Tại phần tranh luận, các bị cáo Trịnh Thị Thu A, Phạm Thị Kiều V và Lê P thống nhất về tội danh, khung hình phạt, mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định, nhưng cho rằng các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, từ đó đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo.

Luật sư bào chữa cho Nguyễn Hoàng Thủy T và bị cáo T cho rằng bị cáo chỉ thực hiện rút tiền theo sự chỉ đạo của Trịnh Thị Thu A, hai bên không có sự bàn bạc, trao đổi dưới bất kỳ hình thức nào, nên bị cáo A muốn chiếm đoạt bao nhiêu tiền, bị cáo không thể biết được. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hành vi, vai trò, tính chất, mức độ phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm hình phạt cho bị cáo.

Nói lời sau cùng, các bị cáo đều nhận thức được hành vi do mình thực hiện là vi phạm pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, giảm hình phạt để sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình.

[2]. Xét kháng cáo của bị cáo:

[2.1]. Về tội danh:

Từ năm 2011 đến năm 2019, Trịnh Thị Thu A lợi dụng chức vụ là Kế toán, sau đó là Giám đốc Quỹ TDND Q đã sử dụng các tờ Séc ký sẵn, giả chữ ký của người có thẩm quyền để rút tiền về hoặc chỉ đạo Phạm Thị Kiều V, Nguyễn Hoàng Thủy T rút tiền, không hạch toán, không nhập quỹ để chiếm đoạt của Quỹ tín dụng nhân dân Q 3.238.000.000 đồng, cụ thể:

- Giai đoạn từ năm 2011 -2013: Trịnh Thị Thu A là Kế toán Quỹ TDND Q đã sử dụng các tờ Séc ký sẵn rút tiền về, giả chữ ký của Trịnh Văn A (là Chủ tịch HĐQT của Quỹ TDND Q), không hạch toán, không nhập quỹ và chiếm đoạt của Quỹ TDND Q 798.000.000 đồng.

- Giai đoạn từ năm 2015 -2016: Lợi dụng chức vụ là Giám đốc Quỹ TDND Q, Trịnh Thị Thu A đã yêu cầu Phạm Thị Kiều V rút tiền, không nhập quỹ, không hạch toán, với tổng số tiền là 1.200.000.000 đồng, trong đó: A sử dụng 880.000.000 đồng, Phạm Thị Kiều V sử dụng 320.000.000 đồng (tháng 12-2019, V đã nộp trả Quỹ tín dụng số tiền này, nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum không truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm không xét xử hành vi này).

- Giai đoạn từ năm 2018 - 2019: Lợi dụng chức vụ là Giám đốc Quỹ TDND Q, Trịnh Thị Thu A đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Thủy T lập chứng từ rút tiền đưa cho mình, không nhập quỹ, không hạch toán và chiếm đoạt tổng số tiền là 1.560.000.000 đng.

Từ năm 2018, Lê P với chức vụ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND Q đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra giám sát hoạt động của Quỹ tín dụng để Trịnh Thị Thu A và Nguyễn Hoàng Thủy T chiếm đoạt tổng số tiền 1.560.000.000 đồng.

Với các hành vi như nêu trên, có đủ cơ sở để kết luận:

- Đối với bị cáo Trịnh Thị Thu A:

Từ năm 2011 đến năm 2016, Trịnh Thị Thu A chiếm đoạt tổng số tiền là 1.678.000.000 đồng. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, được quy định tại khoản 4 Điều 140 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Từ năm 2018 đến năm 2019, Trịnh Thị Thu A chiếm đoạt tổng số tiền là 1.560.000.000 đồng. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội “Tham ô tài sản”, được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, do hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản, bị cáo thực hiện trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật, nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội, theo hướng có lợi cho người phạm tội, từ đó kết án Trịnh Thị Thu A về tội “Tham ô tài sản”, với tổng số tiền chiếm đoạt là 3.238.000.000 đồng, theo điểm a khoản 4 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Đối với Nguyễn Hoàng Thủy T:

Trong năm 2018, Trịnh Thị Thu A là Giám đốc Quỹ TDND Q đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Thủy T lập các chứng từ chuyển khoản 400.000.000 đồng của Quỹ TDND Q vào Tài khoản số 0761002352125 của ông Trịnh Minh (là bố ruột của A) rồi A đã nhờ ông Minh rút ra và đưa lại hết cho A sử dụng vào mục đích cá nhân, thể hiện trên các chứng từ sau: Ngày 02-01-2018, chuyển tiền theo ủy nhiệm chi số 0086 số tiền 300.000.000 đồng và ngày 19-01-2018, chuyển tiền theo ủy nhiệm chi số 0004 số tiền 100.000.000 đồng. Cũng trong năm 2018, mỗi khi cần tiền để sử dụng cá nhân, thì A chỉ đạo Nguyễn Hoàng Thủy T lập các chứng từ rút tiền để A ký duyệt, sau đó rút tiền về đưa cho A sử dụng cá nhân.

Trong năm 2018 và năm 2019, Trịnh Thị Thu A có 04 lần đưa tiền cho Nguyễn Hoàng Thủy T nộp trả vào tài khoản của Quỹ TDND Q, với tổng số tiền 440.000.000 đồng (cụ thể: Giấy nộp tiền mặt số 0092 ngày 19-10-2018 số tiền 250.000.000 đồng; Giấy nộp tiền mặt số 0010 ngày 25-10-2018 số tiền 100.000.000 đồng; Giấy nộp tiền mặt số 0076 ngày 04-01-2019 số tiền 70.000.000 đồng; Giấy nộp tiền mặt (không số) ngày 28-3-2019 số tiền 20.000.000 đồng). Ngoài ra, Trịnh Thị Thu A trực tiếp nộp trả vào tài khoản của Quỹ TDND Q số tiền 100.000.000 đồng (ngày 31-5-2019). Tổng số tiền Trịnh Thị Thu A hoàn trả cho Quỹ TDND Q là 540.000.000 đồng.

Sau khi khấu trừ số tiền Trịnh Thị Thu A đưa cho Nguyễn Hoàng Thủy T nộp trả vào tài khoản của Quỹ TDND Q, thì tổng số tiền mà T rút ra đưa cho Trịnh Thị Thu A là 1.560.000.000 đồng, toàn bộ số tiền này không làm thủ tục nhập quỹ tiền mặt và không được hạch toán trên sổ sách kế toán chi tiết của đơn vị, thể hiện trên các chứng từ (đã được trích dẫn tại phần nội dung vụ án). Để tránh bị phát hiện, Trịnh Thị Thu A và Nguyễn Hoàng Thủy T đã thực hiện hạch toán khống các hồ sơ tín dụng trên hệ thống phần mềm kế toán để cân đối tiền mặt trong kho quỹ và trong tài khoản của Quỹ tín dụng mở tại Ngân hàng X.

Như vậy, với sự giúp sức của Nguyễn Hoàng Thủy T, Trịnh Thị Thu A đã chiếm đoạt của Quỹ TDND Q giai đoạn năm 2018 - 2019 là 1.560.000.000 đồng. Hành vi của Nguyễn Hoàng Thủy T đủ yếu tố cấu thành tội Tham ô tài sản”, với vai trò là đồng phạm giúp sức, do đó Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội Tham ô tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật và không oan.

- Đối với Phạm Thị Kiều V:

Bị cáo là đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trịnh Thị Thu A chiếm đoạt của Quỹ TDND Q số tiền 880.000.000 đồng. Hành vi của bị cáo thực hiện trước ngày 01-01-2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực pháp luật), nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội, theo hướng có lợi cho người phạm tội, từ đó kết án bị cáo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Đối với Lê P:

Từ năm 2018, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND Q, bị cáo đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra giám sát hoạt động của Quỹ tín dụng để Trịnh Thị Thu A và Nguyễn Hoàng Thủy T chiếm đoạt 1.560.000.000 đồng. Thời điểm trước ngày 01-01-2018, bị cáo không phải là người có chức vụ theo quy định tại Điều 277 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Do đó, hành vi này của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 360 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như vậy, với các hành vi phạm tội như nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Trịnh Thị Thu A, Nguyễn Hoàng Thủy T về tội “Tham ô tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015; kết án Phạm Thị Kiều V về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, khoản 5 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và kết án Lê P về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm c khoản 3 Điều 360 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2.2]. Về hình phạt:

- Đối với Trịnh Thị Thu A:

Bị cáo từng là Kế toán của Quỹ TDND Q, rất am hiểu về lĩnh vực Tài chính - Kế toán, nên đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, từ năm 2011 đến năm 2019, với nhiệm vụ được giao là Kế toán, sau đó là Giám đốc Quỹ tín dụng, bị cáo đã sử dụng các tờ Séc ký sẵn, giả chữ ký của người có thẩm quyền để rút tiền về hoặc chỉ đạo Phạm Thị Kiều V, Nguyễn Hoàng Thủy T rút tiền, không hạch toán, không nhập quỹ để chiếm đoạt của Quỹ tín dụng 3.238.000.000 đồng. Trong vụ án này, bị cáo vừa là chủ mưu vừa là người thực hành tích cực, có những hành vi, thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu tội phạm (như hạch toán khống các hồ sơ tín dụng trên phần mềm kế toán). Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 20 (hai mươi) năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo. Bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt, nhưng tại phiên toà phúc thẩm bị cáo không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới; đồng thời, hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến hoạt động quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến uy tín của Quỹ TDND Q nói riêng. Vì vậy, để cải tạo, giáo dục đối với bị cáo, cũng như ngăn chặn và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này, Hội đồng xét xử phúc thẩm không giảm hình phạt cho bị cáo.

- Đối với Nguyễn Hoàng Thủy T:

Bị cáo kháng cáo kêu oan, nhưng tại phiên toà phúc thẩm đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, biết ăn năn hối cải; quá trình điều tra tự nguyện nộp 20.000.000 đồng để khắc phục hậu quả; bị cáo phạm tội với vai trò là người giúp sc, phạm tội theo sự chỉ đạo của Trịnh Thị Thu A, không được hưởng lợi bất chính; gia đình bị cáo có người thân có công với cách mạng và có hoàn cảnh khó khăn, tại phiên toà phúc thẩm tự nguyện nộp thêm 15.000.000 đồng, được bị hại xin giảm hình phạt. Như vậy, tại Tòa án cấp phúc thẩm bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, do đó để thể hiện chính sách khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ giảm hình phạt cho bị cáo.

- Đối với Phạm Thị Kiều V:

Bị cáo là đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trịnh Thị Thu A chiếm đoạt của Quỹ TDND Q 880.000.000 đồng và bị cáo sử dụng cá nhân 320.000.000 đồng, do đó Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 06 (sáu) năm 06 (sáu) tháng tù là tương xứng hành vi phạm tội và hậu quả mà bị cáo đã gây ra. Tuy nhiên, do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, quá trình điều tra tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả; ngoài ra, gia đình bị cáo có công với cách mạng, có ông nội được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba, Huy chương kháng chiến hạng nhì, bố đẻ được thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba, Huân chương chiến công giải phóng hạng ba; có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hiện đang nuôi hai con nhỏ. Do bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tại cấp phúc thẩm, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm hình phạt cho bị cáo để thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật.

- Đối với Lê P:

Bị cáo là Giám đốc Quỹ TDND Q, nhưng đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, quản lý quỹ tín dụng trong một thời gian dài (từ năm 2011-2019), từ đó tạo điều kiện cho các bị cáo khác chiếm đoạt một số tiền lớn. Ngoài ra, trong giai đoạn 2011- 2013, bị cáo đã ký khống các tờ Séc để Trịnh Thị Thu A rút tiền, mà không kiểm tra việc sử dụng tiền; giai đoạn năm 2015 - 2016, bị cáo còn nhờ Trịnh Thị Thu A và Phạm Thị Kiều V rút của Quỹ TDND Q 100.000.000 đồng về sử dụng cá nhân. Như vậy, với trách nhiệm là người đứng đầu Quỹ TDND Q, bị cáo biết rõ khả năng thất thoát, nhưng hoàn toàn không có biện pháp kiểm tra, giám sát và đến giai đoạn năm 2018 - 2019, sau khi được bị cáo T báo cáo các hành vi trái pháp luật của Trịnh Thị Thu A, bị cáo còn dấu diếm, không có biện pháp để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại cho Quỹ tín dụng. Với hành vi phạm tội do bị cáo gây ra, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 07 (bảy) năm tù là thoả đáng. Bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt và tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo cung cấp được tài liệu đã tự nguyện nộp 20.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, được bị hại xin giảm hình phạt; bị cáo có tiền sử bị bệnh sỏi thận; gia đình bị cáo có nhiều người thân có công với cách mạng (có xác nhận của chính quyền địa phương). Như vậy, tại phiên toà phúc thẩm bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo, giảm hình phạt cho bị cáo.

Như vậy, kháng cáo của các bị cáo đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Hoàng Thủy T, Phạm Thị Kiều V và Lê P.

[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

[4]. Về án phí hình sự:

- Các bị cáo được chấp nhận kháng cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 và điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trịnh Thị Thu A.

- Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Thị Kiều V, Nguyễn Hoàng Thủy T.

- Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lê P.

- Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2022/HS-ST ngày 02-8-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum về phần Trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Hoàng Thủy T, Phạm Thị Kiều V và Lê P.

2. Về trách nhiệm hình sự:

2.1. Áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 353; Điều 17; Điều 41; các điểm s, n khoản 1, khoản 2 Điều 51 và điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Trịnh Thị Thu A 20 (hai mươi) năm tù về tội ‘Tham ô tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

- Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý tài chính trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

2.2. Áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 353; Điều 17; Điều 41; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Nguyễn Hoàng Thủy T 13 (mười ba) năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

- Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý tài chính trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

2.3. Áp dụng khoản 4, khoản 5 Điều 175; Điều 41; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Phạm Thị Kiều V 06 (sáu) năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

- Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý tài chính trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

2.4. Áp dụng điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 360; Điều 41; các điểm b, s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Lê P 05 (năm) năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

- Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan đến quản lý tài chính trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

3. Căn cứ Điều 48 của Bộ luật Hình sự.

Trả lại Quỹ Tín dụng nhân dân Q 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) do bị cáo Lê P nộp tại Biên lai thu tiền số AA/2021/0000073 ngày 14-12-2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum và 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng) do bị cáo Nguyễn Hoàng Thủy T nộp tại Phiếu thu ngày 16-12-2022 của Quỹ Tín dụng nhân dân Q.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Về án phí hình sự:

Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; các điểm b, h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Trịnh Thị Thu A phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

- Các bị cáo Nguyễn Hoàng Thủy T, Phạm Thị Kiều V và Lê P không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

668
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tham ô tài sản số 552/2022/HS-PT

Số hiệu:552/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/12/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về