22/05/2023 08:08

Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Tôi muốn biết về Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quyết định gần đây. “Trúc Huỳnh-Nghệ An”

Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Từ ngày 30/06/2023, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chính thức có hiệu lực do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Theo quy định tại Điều 1 Chương 1 Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN về Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng như sau:

- Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (sau đây gọi là Quy trình): quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán; việc công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Bước 1: Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

+ Thu thập và đánh giá bằng chứng.

+ Thảo luận và xử lý ở Tổ kiểm toán.

+ Trưởng đoàn kiểm toán kiểm tra, soát xét, đánh giá bằng chứng kiểm toán và xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Bước 2: Xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

+ Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức thẩm định hồ sơ, bằng chứng kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

+ Kiểm toán nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ, bằng chứng kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

+ Tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

+ Báo cáo kết quả xác minh.

+ Thẩm định Báo cáo kết quả xác minh.

Bước 3: Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

+ Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

+ Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm và thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Kiểm toán Nhà nước.

+ Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) ký gửi các cơ quan theo quy định.

+ Kết thúc cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán

- Trong hoạt động kiểm toán nếu có các trường hợp phát sinh khác ngoài quy định của Quy trình này, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán, tổ chức và cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.

2. Các hành vi tham nhũng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN về các hành vi tham nhũng được hiểu theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

2.1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

- Tham ô tài sản.

- Nhận hối lộ.

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi.

- Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

- Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

2.2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

- Tham ô tài sản.

- Nhận hối lộ.

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Nguyễn Ngọc Trầm
1430

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn