05/08/2022 16:02

Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị xử phạt như thế nào?

Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị xử phạt như thế nào?

Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ, được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây nên hậu quả nghiêm trọng. Vậy pháp luật có quy định xử phạt như thế nào đối với hành vi này?

Theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, dấu hiệu của tội danh này như sau:

- Khách thể: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.

- Chủ thể: Người có chức vụ, quyền hạn

- Mặt khách quan: Hành vi khách quan là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Hành vi trên phải gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của BLHS.

- Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý. Người phạm tội đáng lẽ phải thấy trước hậu quả do hành vi của mình mang lại nhưng không thấy trước được, hoặc đã thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

- Về hình phạt:

+ Khung cơ bản: cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm quy định tại khoản 1 Điều 360 BLHS.

+ Khung tăng nặng:

Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm (khoản 2 Điều 360 BLHS)

Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm (khaonr 3 Điều 360 BLHS)

- Hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mời các bạn cùng tham khảo một vụ án về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã được xét xử trên thực tế.

Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng số 50/2021/HSPT

Nguyễn Lương T là Cán bộ quản giáo Nhà tạm giữ Công an thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được phân công quản lý các can phạm ở buồng tạm giữ A1.3. Trần Mạnh Th được đưa vào Nhà Tạm giữ Công an thành phố Nha Trang vào ngày ngày 15/6/2019, có Giấy xác nhận khuyết tật tâm thần ở mức độ đặc biệt nặng. Sau khi vào buồng tạm giữ A1.3, TH có hành vi la hét, quậy phá không cho BI, PH ngủ nên BI đánh nhiều nhát vào vùng mặt của TH. Liên tục 3 ngày kể ừ ngày 15/6/2019 TH đều bị BI đánh, Nguyễn Lương T trực buồng tạm giữ A1.3 nhưng không tiến hành điểm danh, kiểm diện buồng, mỗi lần chia cơm chỉ đứng ở cửa, không vào bên trong buồng nên không phát hiện ra. Đến ngày 18/6, Bành Đinh Thanh HA nhìn thấy TH nằm dưới sàn nhà, miệng sùi nhiều bọt mép màu hồng nên báo cấp cứu, TH tử vong ngày sau đó.

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhận định: Nguyễn Lương T là cán bộ quản giáo được phân công trực và quản lý buồng tạm giữ A1.3. Từ ngày 15/6/2019 đến ngày 18/6/2019, với nhiệm vụ quản lý buồng AI.3 và trong ca trực của mình, Nguyễn Lương T đã thiếu trách nhiệm trong quản lý người bị tạm giữ, không nắm bắt tình hình và không nghiên cứu đầy đủ hồ sơ liên quan đến người bị tạm giữ, nên không phát hiện được Trần Mạnh TH là người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần để báo cáo lãnh đạo bố trí buồng tạm giữ riêng. Hàng ngày, không thực hiện việc điểm danh, kiểm diện, không kiểm tra, nắm bắt tình hình phạm nhân, để đối tượng Trần Trọng BI nhiều lần đánh Trần Mạnh TH nhưng không phát hiện để kịp thời ngăn chặn, dẫn đến Trần Mạnh TH tử vong.

Hành vi của Nguyễn Lương T đã vi phạm quy định tại điểm c mục IV Điều 10 Quy chế làm việc số 01-QC/THAHS ngày 22/5/2017 của Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an thành phố Nha Trang; khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3, khoản 2, 4, 9 Điều 5 Thông tư 22/TT-BCA ngày 16/6/2016 của Bộ Công an quy định về công tác quản giáo trong nhà tạm giữ, trại tạm giam; khoản 3, 6 Điều 8, khoản 1 Điều 9, điểm c khoản 1 Điều 13, điểm m khoản 1, điểm b khoản 4 Điều 18 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Do đó, tuyên bố bị cáo Nguyễn Lương T về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm a khoản 1 Điều 360 Bộ luật Hình sự, xử phạt 06 (sáu) tháng tù.

Phương Uyên
134772

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]