30/07/2021 15:00

Những lưu ý và một vài kiến nghị khi giải quyết, xử lý vụ án tham ô tài sản

Những lưu ý và một vài kiến nghị khi giải quyết, xử lý vụ án tham ô tài sản

Trong bài viết này, tác giả chỉ ra một số nội dung cần lưu ý khi giải quyết, xử lý vụ án tham ô tài sản và kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.

Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ án tham ô tài sản xảy ra trong thời gian qua cho thấy có nhiều sai sót trong quá trình giải quyết, xử lý vụ án dẫn đến tình trạng nhiều vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc không đủ căn cứ để chứng minh tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội, gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm này.        

1. Những nội dung cần lưu ý khi giải quyết, xử lý vụ án tham ô tài sản

1.1.Nhận định chưa đúng về khách thể bị xâm hại

Đối với Tội tham ô tài sản, dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm có yếu tố quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt với các tội phạm có tính chất chiếm đoạt khác, cụ thể người phạm tội tham ô tài sản phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, trong một số vụ việc cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định chưa đúng về khách thể bị xâm hại, dễ dẫn đến xảy ra oan sai hay bỏ lọt tội phạm.

Ví dụ vụ việc thủ quỹ lấy tiền trong két sắt của cơ quan đem gửi tiết kiệm mang tên mình hoặc tên người khác, lãi suất từ khoản tiền gửi tiết kiệm này đối tượng thủ quỹ sử dụng vào mục đích tiêu sài cá nhân. Khi bị cơ quan phát hiện, đối tượng chủ động đến ngân hàng rút tiền và hoàn trả lại cho cơ quan.

Đây là vụ việc xảy ra rất nhiều trong thực tiễn, và đối với những vụ việc như vậy, có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Quan điểm thứ nhất cho rằng, đối tượng phạm tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015 vì đã có hành vi lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, đơn vị mình công tác đối với việc quản lý, sử dụng tài sản và quan hệ sở hữu tài sản. Quan điểm thứ hai lại cho rằng, đối tượng phạm tội sử dụng trái phép tài sản quy định tại Điều 177 BLHS năm 2015 vì đối tượng chỉ chiếm hữu và xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản, nhưng không xâm phạm đến quyền định đoạt tài sản.

Ở đây, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai vì trong vụ việc này, đối tượng thủ quỹ chỉ có ý định khai thác lợi ích của tài sản chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản. Quyền sử dụng tài sản được hướng đến nhiều hơn là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức đối với việc quản lý, sử dụng tài sản. Nếu như chứng minh được ý định chiếm đoạt tài sản còn hành vi sử dụng trái phép tài sản chỉ là phương thức, thủ đoạn để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản mà mình được giao quản lý thì mới có thể xem xét đối tượng có phạm tội tham ô tài sản hay không.      

1.2.Vướng mắc trong việc trưng cầu giám định tài chính kế toán đối với những vụ án tham ô tài sản trong xây dựng công trình

Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với các vụ án tham ô tài sản trong xây dựng công trình cho thấy, để có căn cứ xác định giá trị tài sản bị thiệt hại, thất thoát và hao hụt thì cần phải trưng cầu giám định tài chính kế toán, giám định chất lượng công trình… Tuy nhiên, các cơ quan giám định tài chính kế toán thường yêu cầu phải có giám định chất lượng công trình trước hoặc công trình phải được quyết toán thì mới có cơ sở kết luận về tài chính kế toán, kể cả công trình đã qua kiểm toán. Trong khi đó có những công trình xây dựng cơ bản thi công trong nhiều năm và không biết khi nào mới quyết toán được. Do đó, công tác giám định không thực hiện được vì cơ quan truy tố, xét xử đòi hỏi phải có quyết toán công trình thì kết luận giám định mới có giá trị pháp lý. Nếu chưa quyết toán thì mặc dù có việc lập chứng từ giả mạo, tiền đã xuất ra khỏi quỹ, bị chiếm đoạt vào túi cá nhân nhưng các cơ quan truy tố, xét xử vẫn cho rằng đó là khoản tiền tạm ứng, chưa quyết toán thì chưa cấu thành tội phạm. Đây chính là nguyên nhân mà có rất ít vụ án tham ô tài sản trong xây dựng công trình được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua.

1.3.Nhầm lẫn trong việc định tội danh trong trường hợp các đối tượng không phải là cán bộ, công chức xét về mặt quản lý nhà nước nhưng lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản mà mình được giao quản lý

Khoản 2, Điều 352, BLHS năm 2015 quy định cụ thể về người có chức vụ như sau: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do cầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Theo quy định tại điều luật thì chủ thể của tội tham ô tài sản ngoài những người do bổ nhiệm, do bầu cử ra thì có thể là những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác. “Do hợp đồng” ở đây được hiểu là những người tuy không phải là cán bộ công chức nhưng họ được các cơ quan tổ chức ký kết một hợp đồng lao động nhất định thường xuyên, hoặc theo thời vụ hoặc trong một khoảng thời gian nhất định tuy nhiên có liên quan đến việc quản lý tài sản và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản. Còn “Do một hình thức khác” theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ được hiểu là những người được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó.

Thực tiễn cho thấy, đối với các đối tượng không phải là cán bộ, công chức xét về mặt quản lý nhà nước nhưng được cơ quan, tổ chức giao thực hiện các công việc thuộc phạm vi chức năng hoặc nhiệm vụ công thì trong quá trình thực hiện những công việc này và trong phạm vi quyền hạn của mình các chủ thể được giao cũng có thể lợi dụng việc này để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm được giao quản lý. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa có hướng dẫn xử lý đối với nhóm đối tượng này. Điều này đã ảnh hưởng đến việc xác định chủ thể của Tội tham ô tài sản cũng như định tội danh của các cơ quan tiến hành tố tụng, dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Ví dụ tình huống cụ thể sau đây: A là chủ kiêm lái xe chở xăng dầu. A ký hợp đồng với công ty X vận chuyển dầu chạy máy cho công ty. Sau vài lần vận chuyển, A đã dùng thủ đoạn lấy bớt dầu vận chuyển của công ty X. Khi nhận được dầu, A chạy xe tới điểm thu mua dầu của B và nhanh chóng rút dầu ra bán cho B mỗi lần 200 lít. Sau đó A đổ đầy nước vào chiếc thùng phuy mang sẵn đúng 200 lít. Đến địa điểm giao hàng, chiếc xe được cân đúng trọng lượng quy định nên được nhập dầu vào kho. Trong thời gian chờ đợi cân trọng lượng của xe sau khi giao dầu, A đã bí mật đổ hết số nước đã chất lên xe để khi cân chỉ còn đúng trọng lượng của xe. Bằng thủ đoạn trên A đã nhiều lần lấy dầu được thuê vận chuyển với tổng trị giá là 100 triệu đồng thì bị phát hiện.

Trong tình huống này, hiện nay đã có những quan điểm trái chiều giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Quan điểm thứ nhất cho rằng A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS 2015 bởi A đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của công ty X thông qua hợp đồng thuê vận chuyển dầu chạy máy được ký kết giữa công ty X và A. Quan điểm thứ hai cho rằng A phạm tội tham ô tài sản do A đã lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Ở đây, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai bởi vì A là người có trách nhiệm quản lý một lượng dầu chạy máy nhất định cho công ty X (trong trường hợp này không có người áp tải) do đó A là người có thẩm quyền, thỏa mãn dấu hiệu chủ thể đặc biệt của tội tham ô tài sản. Mặt khác, trong tình huống này, nếu như hành vi của A vừa thỏa mãn cấu thành của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vừa thỏa mãn cấu thành của tội tham ô tài sản thì cần phải xử lý ở tội phạm có hình phạt nặng hơn, bởi lẽ hình phạt là thước đo tính nguy hiểm của tội phạm, qua đó mới thể hiện được nguyên tắc “thu hút tội phạm” trong khoa học pháp lý hình sự.

2. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả việc giải quyết, xử lý vụ án tham ô tài sản

Từ những sai sót, nhầm lẫn thường gặp trong quá trình giải quyết vụ án tham ô tài sản được nêu ở trên, để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện tốt một số mặt công tác sau đây:

2.1.Xác định một cách đúng nhất khách thể bị xâm hại

Đối với những vụ việc tương tự trường hợp thủ quỹ lấy tiền trong két sắt của cơ quan đem gửi tiết kiệm mang tên mình hoặc tên người khác. Cần phải nhận thức rõ khách thể mà tội phạm đang hướng đến là gì, quyền sử dụng tài sản để khai thác lợi ích tài sản một cách trái phép hay là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức đối với việc quản lý, sử dụng tài sản. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà việc chiếm hữu tài sản của đối tượng có thể được thực hiện một cách công khai hợp pháp, nhưng cũng có thể được thực hiện một cách lén lút, trái phép. Nếu như vụ việc đơn thuần đối tượng chỉ chiếm hữu tài sản để khai thác lợi ích tài sản một cách trái phép nhưng không xâm phạm đến quyền định đoạt tài sản và không có ý định chiếm đoạt tài sản thì hành vi sai phạm cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản. Còn nếu chứng minh được đối tượng có ý định chiếm đoạt tài sản, và hành vi sử dụng trái phép tài sản ở đây là một khâu trong chuỗi những hành vi khách quan mà đối tượng sử dụng nhằm mục đích chiếm đoạt được tài sản mà mình được giao quản lý thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản.

2.2.Đối hoạt động trưng cầu giám định tài chính trong các vụ án tham ô tài sản trong xây dựng công trình

Các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét, trao đổi với các đơn vị có thẩm quyền trong việc giám định tài chính kế toán về việc thay đổi yêu cầu phải có giám định chất lượng công trình trước hoặc công trình phải được quyết toán thì mới có cơ sở để kết luận về tài chính kế toán. Bởi lẽ, cho dù công trình chưa được quyết toán thì việc các đối tượng lập chứng từ giả mạo để xuất được tiền ra khỏi quỹ của công ty đều nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản để sử dụng cho nhu cầu cá nhân hay chia chác trong các vụ án tham ô tài sản có đồng phạm. Không nhất thiết phải có kết luận giám định chất lượng công trình xong mới tiến hành giám định tài chính kế toán, tránh việc để bỏ lọt tội phạm.

2.3.Đối với việc định tội danh trong trường hợp các đối tượng không phải là cán bộ, công chức xét về mặt quản lý nhà nước nhưng lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản mà mình được giao quản lý

Các cơ quan tiến hành tố tụng cần tham mưu, kiến nghị cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xử lý nhóm các đối tượng không phải là cán bộ, công chức xét về mặt quản lý nhà nước nhưng được cơ quan, tổ chức giao thực hiện các công việc thuộc phạm vi chức năng hoặc nhiệm vụ công mà lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Cụ thể, nếu một hành vi mà thỏa mãn cấu thành của hai tội phạm mà tác giả đã nêu trong tình huống trên thì cần phải xử lý các đối tượng theo tội danh có khung hình phạt nặng hơn bởi hình phạt là thước đo tính nguy hiểm của tội phạm, tác dụng để răn đe người phạm tội và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

LẠI SƠN TÙNG (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

2332

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn