Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức số 75/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BN ÁN 75/2023/HS-PT NGÀY 17/02/2023 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Ngày 17 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 1195/2022/TLPT-HS ngày 09 tháng 12 năm 2022 do có kháng cáo của bị hại là Đại sứ quán A1 đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 451/2022/HSST ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố H.

Bị cáo bị kháng cáo:

Nguyễn Quang H1 sinh năm 1980; Giới tính: Nam; Nơi ĐKNKTT: số 02 ngách 72/101 phố T, phường K, quận Đ, Thành phố H; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: Đại học; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Đảng viên: không; Con ông Nguyễn Quang A, sinh năm 1958 và bà Hà Thanh H2, sinh năm 1957; Vợ: Lê Thị Huyền T1 sinh năm 1991; Con: Có 02 con (lớn sinh năm 2006, nhỏ sinh năm 2016); Tiền án, tiền sự: Không.

Bị bắt, tạm giữ, tạm giam từ ngày 03/01/2022. Hiện đang bị tạm giam tại Trại giam B14 – Bộ Công an; Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo do Tòa án chỉ định: Ông Nguyễn Đình T2 – Công ty luật TNHH N thuộc Đoàn luật sư thành phố H; Có mặt.

Bị hại: Đại sứ quán A1.

Trụ sở: Villa A4, V1 4, 73 V, quận B, TP. H.

mặt.

Người đại diện theo pháp luật: Ông A2 - Đại sứ nước Công hòa A1; Vắng Người đại diện theo ủy quyền: Bà N (Giấy ủy quyền lập ngày 09/02/2023) – Nhân viên Đại sứ quán A1; có mặt.

Người phiên dịch: Ông Lê Thiết T3; có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông Nguyễn Duy N1 và bà Nguyễn Thị P – Luật sư Công ty luật TNHH H3 thuộc Đoàn luật sư thành phố H; có mặt Ngoài ra, trong vụ án còn có bị cáo Lê Thị Huyền T1 không kháng cáo, không bị kháng nghị, không liên quan đến nội dung kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ năm 2008 đến năm 2012, Nguyễn Quang H1 sống và buôn bán tại C. Năm 2012 H1 về Việt Nam, do biết tiếng Bồ Đào Nha nên làm dịch vụ môi giới hỗ trợ xin cấp thị thực cho công dân Việt Nam xin nhập cảnh vào C lao động, du lịch (thời điểm này xin thị thực tại Bắc Kinh - Trung Quốc). Từ năm 2013, khi Đại sứ quán C thành lập tại Việt Nam, H1 đã trực tiếp liên hệ với nhân viên bộ phận Lãnh sự Đại sứ quán Cộng hòa A1 để thực hiện dịch vụ xin cấp thị thực cho người Việt Nam sang C.

Quy định về hồ sơ, quy trình xin cấp thị thực của Đại sứ quán Cộng hòa A1 thời gian 2015 - 2018 được phổ biến đến nhân viên các bộ phận như sau: Đối tượng được xem xét cấp thị thực nhập cảnh vào C gồm công dân Việt Nam, công dân nước ngoài sinh sống tại Việt Nam có nhu cầu nhập cảnh vào C lao động, du lịch hoặc công tác phải có Thư mời của Công ty tại nước C hoặc có Thư mời của thân nhân. Thư mời phải có chứng thực hoặc có tem của Lãnh sự C.

(1) Về hồ sơ xin cấp thị thực lao động gồm: Tờ khai theo mẫu của Đại sứ quán C cấp (khai 02 bản, dán ảnh 4x6cm); Giấy lý lịch tự thuật xin tại UBND xã/phường nơi người lao động cư trú; Phiếu lý lịch tư pháp số 1 do Sở Tư pháp tỉnh hoặc Bộ Tư pháp cấp; Phiếu khám sức khỏe; Bản gốc Thư mời; Hộ chiếu (bản gốc và bản photocopy, bản gốc sẽ được trả lại cho công dân sau khi Đại sứ quán C cấp thị thực). Hồ sơ xin cấp thị thực du lịch gồm: Bản gốc Thư mời, Hộ chiếu, 02 bản tờ khai theo mẫu của Đại sứ quán C cấp, dán ảnh 4x6cm; thông tin xác nhận đặt phòng khách sạn để chứng minh nơi lưu trú của công dân khi nhập cảnh C hoặc chứng minh nơi ở (đối với trường hợp thăm thân nhân).

(2) Về quy trình cấp thị thực: Công dân có nhu cầu nhập cảnh vào C nộp hồ sơ xin cấp thị thực đến bộ phận Lãnh sự của Đại sứ quán C; nhân viên bộ phận Lãnh sự sẽ kiểm tra hồ sơ. Sau khi xem xét nếu đủ điều kiện thì hồ sơ xin cấp thị thực sẽ gửi về C, nhân viên phòng Lãnh sự liên hệ với công dân, đề nghị họ đóng lệ phí cấp thị thực vào số tài khoản 0011374051774 của Đại sứ quán Cộng hòa A1 mở tại Ngân hàng Vietcombank, số 31 - 33 N1, quận H4, thành phố H. Lệ phí xin cấp thị thực cho công dân đi lao động là 1.000 USD, lệ phí xin cấp thị thực du lịch là 100 USD. Sau đó, mang biên lai chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” (liên 2, liên giao cho khách hàng đến nộp lại cho bộ phận Lãnh sự Đại sứ quán. Sau khi hoàn thành đủ hồ sơ, thủ tục và đóng lệ phí đầy đủ, bộ phận Lãnh sự sẽ lập giấy biên nhận. Trước năm 2018 bộ phận Lãnh sự sẽ lưu hồ sơ cùng chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” tại phòng Lãnh sự, sau đó mới chuyển lại cho bộ phận Kế toán khi có yêu cầu của Tùy viên tài chính Đại sứ quán hoặc khi hết sổ giấy biên nhận.

Quá trình làm dịch vụ xin cấp thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh vào C, Nguyễn Quang H1 phát hiện không đối chiếu khoản thu lệ phí cấp thị thực giữa bộ phận kế toán và bộ phận Lãnh sự cấp thị thực của Đại sứ quán C, mà chỉ căn cứ vào chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” để xác thực đã nộp tiền phí xin cấp thị thực. Do đó, Nguyễn Quang H1 đã lấy các mẫu chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” tại các quầy giao dịch Sở giao dịch Ngân hàng Vietcombank số 31-33 N1, quận H4, thành phố H, sau đó tự ghi các thông tin: Đề nghị ghi có tài khoản, người nộp tiền, nội dung nộp, và giả chữ ký của nhân viên Ngân hàng tại các mục “Thanh toán viên”, “Kiểm soát” và “Thủ quỹ” trên chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” và đóng dấu “Đã thu tiền” (do H1 mua tại cửa hàng H5, số 41 H6, quận H4, thành phố H) lên liên 2 “Giấy nộp tiền” (liên 1 “Giấy nộp tiền” H1 hủy ngay sau khi viết). Ngày 05/5/2015, Nguyễn Quang H1 đã thử trà trộn 02 chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” lệ phí xin cấp thị thực giả do H1 làm với chứng từ giao dịch thật để nộp vào bộ phận Lãnh sự Đại sứ quán C nhưng không bị phát hiện. Từ đó, Nguyễn Quang H1 thấy việc quản lý tiền thu lệ phí thị thực của Đại sứ quán A1 không chặt chẽ, nên đã lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Bằng thủ đoạn trên từ tháng 5/2015 đến tháng 6/2018, sau khi nhận tiền lệ phí của công dân Việt Nam xin cấp thị thực (1.000 USD đối với người đi lao động, 100 USD đối với người đi du lịch) Nguyễn Quang H1 đã không nộp khoản phí này theo quy định vào tài khoản của Đại sứ quán C mà đã làm giả 471 tờ chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” để chiếm đoạt 597.700 USD tiền lệ phí xin cấp thị thực của Đại sứ quán A1.

Ngoài ra, trong quá trình xin cấp thị thực Nguyễn Quang H1 phải nộp 1.200 USD đối với người nhập cảnh để lao động tại A1, 300 USD đối với người nhập cảnh du lịch tại A1 cho bộ phận Lãnh sự là bà Đoàn Thị Thu H7 hoặc Cù Phương T4 và Thái Thị Thu T5 (nhân viên bộ phận Lãnh sự). Khoản thu phí này được hiểu là phí ngoài, không có giấy biên nhận nên không có cơ sở để xem xét trách nhiệm của H1 về việc này.

Nguyễn Quang H1 đã sử dụng số tiền chiếm đoạt, như sau: Năm 2017 mua ôtô 1.250.000.000 VNĐ. Ngày 10/7/2018 trước khi khởi tố vụ án Nguyễn Quang H1 đã bán và trả cho Đại sứ quán C 50.000 USD, tương đương 1.135.000.000 VNĐ.

Ngày 20/3/2018, Nguyễn Quang H1 mua căn hộ chung cư số 06, tầng 9, Tòa Sachi S1, diện tích 105,28m² thuộc Dự án H8, số 201 đường M, phường M, quận H9, thành phố H, trị giá 4.519.794.299 VNĐ, trong đó H1 dùng số tiền 1.331.549.856 VNĐ đã chiếm đoạt được để mua căn hộ. Ngày 26/10/2018, Cơ quan ANĐT Bộ Công an tiến hành kê biên căn hộ trên. Tuy nhiên, sau khi ký Hợp đồng mua bán căn hộ, ngày 29/5/2018, Nguyễn Quang H1 và Lê Thị Huyền T1 có Giấy đề nghị thế chấp quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng mua bán để vay vốn Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh H10 với dư nợ 3.106.949.664 đồng; đồng thời ký Hợp đồng cho vay từng lần trung dài hạn theo số dư nợ trên và Hợp đồng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng mua bán. Ngày 30/5/2018, Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh H10 đã giải ngân 2.885.024.688 đồng để thanh toán một phần tiền mua căn hộ trên theo các nội dung tại Hợp đồng cho vay. Do đó, ngày 06/4/2021, Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam - chi nhánh H10 có Công văn số 260321/CV/VCB.HGM-PGD.LD gửi Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị bỏ kê biên tài sản đối với căn hộ, vì tính đến ngày 05/4/2021, H1 và T1 đã không trả đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, nợ lãi tiền vay của Ngân hàng. Do đó, Ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm khoản vay nên ngày 08/4/2022, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã hủy bỏ lệnh kê biên. Ngày 04/5/2022, Lê Thị Huyền T1 đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra số tiền 1.331.549.856 VNĐ để khắc phục hậu quả. Số tiền còn lại Nguyễn Quang H1 chi tiêu cá nhân.

Kết quả xác minh tại Ngân hàng Vietcombank xác định toàn bộ 476 tờ chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” với tổng số tiền 608.800 USD mang tên Nguyễn Quang H1 là người nộp tiền vào tài khoản 0011374051774 của Đại sứ quán Cộng hòa A1 mở tại Ngân hàng Vietcombank, số 31 - 33 N1, quận H4, thành phố H không có giao dịch nộp tiền qua hệ thống ngân hàng. Nhân viên phòng Lãnh sự (người trực tiếp nhận hồ sơ xin xuất cảnh) xác định 476 chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” mang tên Nguyễn Quang H1 là do H1 trực tiếp nộp cho nhân viên phòng Lãnh sự. Bản thân Nguyễn Quang H1 xác nhận là người viết, ký giả chữ ký của nhân viên Ngân hàng tại các mục “Thanh toán viên”, “Kiểm soát” và “Thủ quỹ” trên 476 tờ chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” và nộp cho nhân viên phòng Lãnh sự Đại sứ quán Cộng hòa A1.

Các ngày 11/12/2018, 18/12/2018, 30/5/2022, 01/6/2022, Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra Quyết định trưng cầu giám định với nội dung: 1Chữ ký tại các mục “Thanh toán viên”, “Kiểm soát”, “Thủ quỹ” trên Chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” trong mẫu cần giám định so với chữ ký tại các mục “Thanh toán viên”, “Kiểm soát” và “Thủ quỹ” trong mấy so sánh có do cùng một người ký ra không? 2Chữ viết tay trên các chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” trong mẫu cần giám định so với chữ viết tay trong mẫu so sánh của Nguyễn Quang H1 có do cùng một người viết không? Các ngày 31/01/2019, 28/02/2019, 28/6/2022, Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã kết luận giám định: Chữ ký dưới các mục “Kiểm soát”, “Thủ quỹ” trên mẫu cần giám định so với chữ ký trên mẫu so sánh do cùng một người viết ra; Chữ viết tại các mục “Ngày”, “ĐỀ NGHỊ GHI CÓ TÀI KHOẢN”, “NGƯỜI NỘP TIỀN”, “SỐ TIỀN”, “TRONG ĐÓ” trên các mẫu cần giám định so với chữ viết của Nguyễn Quang H1 trên các mẫu so sánh do cùng một người viết ra.

Trong 476 chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền”, Đại sứ quán A1 chỉ cung cấp được 471 chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” bản gốc với tổng số tiền 597.700 USD, còn lại 05 tờ chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” với tổng số tiền 11.100 USD là bản photocopy, nên không đủ điều kiện giám định để kết luận. Do đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an chỉ kết luận Nguyễn Quang H1 đã chiếm đoạt số tiền 597.700 USD tương đương với 13.338.021.100 VNĐ thể hiện trên 471 tờ chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” bản gốc.

Như vậy, đến nay tổng số tiền Nguyễn Quang H1 đã khắc phục là 2.466.549.856 VNĐ, số tiền Nguyễn Quang H1 còn chiếm hưởng chưa nộp là 10.871.471.244 VNĐ.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 451/2022/HSST ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố H đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Quang H1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm a, b khoản 3 Điều 341; điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Nguyễn Quang H1 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 03 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hình phạt chung cho 02 tội là 15 năm tù, thời hạn tù được tính từ ngày 03/01/2022.

Về biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Buộc bị cáo Nguyễn Quang H1 phải bồi thường cho Đại sứ quán A1 số tiền còn lại là 10.871.471.244 đồng. Đại sứ quán A1 được nhận lại số tiền 1.331.549.856 đồng do bị cáo Nguyễn Quang H1 đã bồi thường hiện được Cơ quan thi hành án dân sự thu giữ (Theo uỷ nhiệm chi ngày 15/8/2022 của Kho bạc nhà nước Hà Nội).

Kể từ ngày người được bồi thường có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo không bồi thường khoản tiền trên thì hàng tháng bị cáo còn phải chịu tiền lãi đối với số tiền chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Lê Thị Huyền T1, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 10 tháng 11 năm 2022, bị hại là Đại sứ quán A1 có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Quang H1; buộc bị cáo phải bồi thường khắc phục ngay thiệt hại và đề xuất rõ lộ trình bồi thường.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Quang H1 thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Đại diện theo ủy quyền của Đại sứ quán A1 giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như nhân thân của bị cáo Nguyễn Quang H1, tuy nhiên quyết định xử phạt bị cáo 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có phần nương nhẹ. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo không bồi thường thêm để khắc phục thiệt hại, không được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ mới. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự: Tăng hình phạt đối với bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” từ 02 đến 03 năm tù; không chấp nhận kháng cáo của người bị hại yêu cầu bị cáo phải có lộ trình bồi thường cụ thể.

Người bào chữa cho bị cáo nhất trí với ý kiến của đại diện Viện kiểm sát về phần trách nhiệm dân sự; Về trách nhiệm hình sự: hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định với bị cáo là phù hợp. Đề nghị không tăng hình phạt đối với bị cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về xác định hành vi phạm tội, quá trình khắc phục hậu quả bị cáo chưa tích cực. Đề nghị tăng hình phạt tù đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận công khai tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, bị cáo, bị hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về thủ tục tố tụng: Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại gì. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo Nguyễn Quang H1 đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo trước Cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, đủ cơ sở kết luận: Năm 2013 Đại sứ quán A1 chính thức được thành lập tại Việt Nam, do thông thạo tiếng Bồ Đào Nha nên Nguyễn Quang H1 đã liên hệ trực tiếp với bộ phận Lãnh sự tại Đại sứ quán A1 để được thực hiện dịch vụ xin cấp thị thực cho người Việt Nam sang du lịch hoặc làm việc tại A1. Trong hồ sơ xin cấp thị thực, ngoài các giấy tờ cần thiết công dân xin nhập cảnh còn phải đóng một khoản lệ phí cấp thị thực là 100 USD đối với công dân đi du lịch và 1.000 USD đối với công dân đi lao động. Quá trình làm dịch vụ, Nguyễn Quang H1 phát hiện khoản thu lệ phí cấp thị thực không được đối chiếu trực tiếp giữa bộ phận kế toán và bộ phận lãnh sự cấp thị thực mà công dân xin nhập cảnh chỉ việc nộp “Giấy nộp tiền” đã được in sẵn theo mẫu. Lợi dụng sơ hở này Nguyễn Quang H1 đã lấy mẫu “Giấy nộp tiền” tự điền các thông tin trên giấy, ký giả chữ ký của nhân viên ngân hàng tại các mục “Thanh toán viên”, “Kiểm soát”, “Thủ quỹ” và đóng dấu giả “đã thu tiền” giống như các chứng từ giao dịch thật để nộp vào hồ sơ. Bằng thủ đoạn trên từ tháng 05/2015 đến tháng 06/2018, sau khi nhận tiền lệ phí của công dân Việt Nam xin cấp thị thực, Nguyễn Quang H1 đã không nộp khoản lệ phí này vào tài khoản của Đại sứ quán A1 mà làm giả 471 tờ chứng từ giao dịch “Giấy nộp tiền” để chiếm đoạt 597.700 USD tương đương với 13.338.021.100 VNĐ của Đại sứ quán A1 sử dụng vào mục đích cá nhân.

Bởi hành vi nêu trên Nguyễn Quang H1 bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 và tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.

[3]. Xét kháng cáo của Đại sứ quán A1, Hội đồng xét xử thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo đã lợi dụng kẽ hở trong quá trình xem xét hồ sơ xin cấp thị thực cho người Việt Nam đi du lịch hoặc lao động tại A1, nhất là đối với khoản tiền lệ phí cấp thị thực không phải do nhân viên của Đại sứ quán trực tiếp thu mà các nhân viên Đại sứ quán chỉ tiếp nhận giấy “nộp tiền” do người lao động nộp kèm hồ sơ. Vì vậy Nguyễn Quang H1 đã nhận toàn bộ số tiền lệ phí cấp thị thực của người lao động và làm giả giấy “thu tiền” con dấu giả để nộp kèm hồ sơ. Từ 2015 đến 2018, Nguyễn Quang H1 đã nộp giả 471 tờ chứng từ giao dịch giấy nộp tiền để chiếm đoạt 597.700 USD. Hành vi của Nguyễn Quang H1 diễn ra trong thời gian dài, số tiền chiếm đoạt là đặc biệt lớn và số tiền đã khắc phục không đáng kể.

Khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Nguyễn Quang H1 đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; nhân thân chưa tiền án tiền sự, đã khắc phục một phần hậu quả, gia đình khó khăn để áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, quyết định xử phạt bị cáo 03 năm tù về tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức”, 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có phần nương nhẹ.

Tại cấp phúc thẩm, bị cáo không được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới. Do đó có căn cứ chấp nhận kháng cáo của người bị hại, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa, cần tăng hình phạt đối tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Đi với kháng cáo buộc bị cáo phải bồi thường khắc phục ngay thiệt hại và đề xuất rõ lộ trình bồi thường cho bị hại. Hội đồng xét xử thấy: Bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Nguyễn Quang H1 phải bồi thường cho Đại sứ quán A1 số tiền còn lại là 10.871.471.244 đồng. Đại sứ quán A1 được nhận lại số tiền 1.331.549.856 đồng do bị cáo Nguyễn Quang H1 đã bồi thường hiện được Cơ quan thi hành án dân sự thu giữ (Theo uỷ nhiệm chi ngày 15/8/2022 của Kho bạc nhà nước Hà Nội).

Áp dụng quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự tuyên: Kể từ ngày người được bồi thường có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo không bồi thường khoản tiền trên thì hàng tháng bị cáo còn phải chịu tiền lãi đối với số tiền chậm thực hiện nghĩa vụ là phù hợp. Do đó không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo này của Đại sứ quán A1.

[4]. Về án phí phúc thẩm: Đại sứ quán A1 không phải chịu án phí hình sự, dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, Căn cứ Điều 355, 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định lệ án phí, lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của Đại sứ quán A1. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 451/2022/HSST ngày 27/10/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H.

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Quang H1 phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm a, b khoản 3 Điều 341; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015. ử phạt bị cáo Nguyễn Quang H1 14 (mười bốn) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 03 (ba) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 02 tội là 17 (mười bẩy) năm tù, thời hạn tù được tính từ ngày 03/01/2022.

Về biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Buộc bị cáo Nguyễn Quang H1 phải bồi thường cho Đại sứ quán A1 số tiền 10.871.471.244 đồng. Đại sứ quán A1 được nhận lại số tiền 1.331.549.856 đồng do bị cáo Nguyễn Quang H1 đã bồi thường hiện được Cơ quan thi hành án dân sự thu giữ (Theo ủy nhiệm chi ngày 15/8/2022 của Kho bạc Nhà nước Hà Nội).

Kể từ ngày người được bồi thường có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo không bồi thường khoản tiền trên thì hàng tháng bị cáo còn phải chịu tiền lãi đối với số tiền chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự.

2. Về án phí: Đại sứ quán A1 không phải chịu án phí hình sự, dân sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật ngay sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

426
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức số 75/2023/HS-PT

Số hiệu:75/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 17/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về